Y Ban: Bốp chát & nữ tính

Nhà văn Y Ban. Ảnh: ĐCHN
Nhà văn Y Ban. Ảnh: ĐCHN
TP - Vẻ ngoài hầm hố, càng bị dồn đến những tình huống khó khăn, Y Ban lại càng đốp chát sắc sảo. Nhưng bên trong, chị vẫn nguyên hình như tuyên bố: I am (tôi là) Đàn Bà.
Y Ban: Bốp chát & nữ tính ảnh 1

Nhắc đến nhà văn Y Ban, độc giả và anh em bạn hữu đều hình dung ra một gương mặt gồ ghề, khắc khổ, phong cách bốp chát, xù xì, chả mấy nữ tính. Người ta cứ nhớ rằng chị gắn với một thứ thành quả rất chi là chua chát kiểu như “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, nếu không thì cũng đắng đót “Đàn bà xấu thì không có quà”.

Ai mới gặp Y Ban cũng rất choáng bởi vẻ ngoài hầm hố và phản ứng cực nhanh. Càng bị dồn đến những tình huống khó khăn, chị lại càng đốp chát sắc sảo. Kể cả bình thường thì cái giọng thỏ thẻ nhưng thưa bẩm đến điều cũng khiến người ta ớn.

Văn Y Ban tràn ngập yếu tố sex. Thẳng thừng và bạo liệt. Đến nỗi đàn ông nhiều người gặp Y Ban, câu đầu tiên mở miệng ra là đã khiêu khích, bặm trợn, chộp giật, gạ gẫm. Và bị chị bật lại, dữ dội hơn, ngông nghênh hơn.

Thế nên nhiều người không có cơ hội để thật sự hiểu Y Ban. Họ quên rằng Y Ban ngoài tư cách nhà văn thì còn có nhân cách phụ nữ.

Xưa, thiên hạ xét phụ nữ theo bốn chuẩn: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Nay, nôm na rằng Ăn - Nói - Mặc - Yêu, bốn hướng xoay quanh cái trung tâm là một con người - Y Ban.

Nói

Nhiều người bất ngờ, khi bất chợt gặp một Y Ban với giọng nói quá đỗi nhỏ nhẹ - những thanh âm trẻ hơn tuổi rất nhiều lần.

Giọng nói của Y Ban khác hẳn với vẻ ngoài gồ ghề và giọng văn hầm hố của chị. Nhưng nếu trong một sự kiện văn học nào đó, bạn tham dự và đã từng nghe chị cất giọng “thánh thót” ngân nga hát xẩm: “Chồng người đi ngược về xuôi, chồng tôi ngồi bếp để… bòi chấm gio” bằng nguyên từ “b…” theo đúng tiếng Việt, không đọc chệch, thì hẳn bạn sẽ ôm bụng cười nghiêng ngả; tắc nghẹn; và rồi dứt khoát “chấm” Y Ban vào hàng những nhà văn… dám nói ra những từ người khác không dám nói. Hoặc là, suy nghĩ thật kỹ, bạn sẽ giật mình trước sức mạnh tiềm ẩn từ nội tâm đa chiều của nữ nhà văn này.

“Chụp ảnh tôi thì không cần xinh đẹp lắm đâu, sau khi đăng ảnh xinh đẹp rồi thì sợ có các anh đến toà soạn tìm và thất vọng: “sao ở ngoài chị già và xấu thế?”. - Y Ban

Câu hát đó là chi tiết thuộc về một nhân vật nữ trong truyện ngắn của Y Ban. Liệu những chi tiết kiểu này (hoặc những ẩn ức tình dục đầy rẫy trong truyện của Y Ban) có ám vào cuộc sống của người đàn bà bạo liệt là chị? Câu hỏi đó sẽ để dành cho độc giả tự trả lời sau khi đọc hết bài viết. Nhưng như lần gần đây nhất, trong chuyến đi giao lưu với các nhà văn Nga tháng 5 vừa rồi, có 4 nhà văn Việt Nam là: Lê Văn Thảo, Hoàng Minh Tường, Vũ Nho và Y Ban (Hội viên Hội Nhà văn VN) đi cùng nhau, thì mặc dù Lê Văn Thảo đã hài hước lắm nhưng vẫn phải tôn Y Ban làm sư phụ tiếu lâm. Hoàng Minh Tường thì nhận xét là khi Y Ban hát khác hẳn với Y Ban nói và viết.

Theo các nhà tướng số học lý giải, nghe giọng nói thì có thể kết luận hẳn hoi rằng Y Ban là một XX thuần tuý, không lai tạp tí Y nào. Chị thực sự là một đàn bà trăm phần trăm.

Còn quan điểm riêng của Y Ban, cho đến thời điểm này, khi đã trở thành một người đàn bà biết tự chủ, chị sẽ “không cắt xén chính mình để làm vừa lòng người khác” nữa. “Tôi luôn sống thật và nói thật. Dù có xấu xí một tí cũng là thật. Đẹp đẽ bề ngoài làm gì để rồi quanh đi quẩn lại vẫn lòi cái đuôi ra, nếu không thực lòng thì cũng “lộ tẩy” hết. Chẳng cần ai lên án mình đâu mà chính mình ngượng. Thế nên cứ thật thà vẫn hơn”.

Y Ban chia các loại người đã và sẽ gặp trong cuộc sống thành rất nhiều loại. Gặp thoáng qua thì không quan trọng lắm, nếu để lại dấu ấn tốt thì rất hay mà không thì cũng chẳng sao. Nhưng những người bạn thực sự thì khác, cần phải bỏ qua những gai góc để đi đến cái tận cùng của nhau.

“Chính tôi nói tục rất nhiều nhưng khi nghe người khác phát ngôn bậy thì tôi lại thấy gai người lên và lập tức đánh giá tư cách của họ ngay. Đặc biệt là đối với đàn ông. Gặp anh nào lỗ mãng là chả muốn gặp lại lần thứ hai. Điều này quá mâu thuẫn, nó chứng tỏ con người ta thật vớ vẩn phải không? Nhưng thực ra nguyên nhân rất đơn giản là trong mỗi con người đều ẩn chứa rất nhiều con người. Đừng vội chê trách người khác. Hãy bao dung hơn. Hãy lùi lại một chút, nếu gặp một lần thì nên gặp thêm lần nữa, hoặc lần nữa, rồi hãy từ từ kết luận về một con người…”.

Ăn

Y Ban béo. Chuyện này không thể “chối cãi” được. Chị không mảnh mai thanh nhã như những “nàng thơ”, “nàng văn” khác. Trừ những lúc đi nước ngoài thì chị bị sụt cân, còn lại là béo “toàn tập”. Đã thế lại hay ăn cố, ăn nốt khi trên bàn ăn còn lại chút thức ăn cuối cùng mà chồng con bỏ lại.

Con gái Y Ban thường phải nhắc: “Mẹ nhấm nháp còn nhiều hơn ăn bữa chính”.

Về đến nhà, Y Ban bèn trút bỏ cái danh nhà văn xuống, hùng hục lao vào bếp. Những người bán hàng ở cái chợ gần nhà Y Ban bảo: “Ai chả biết cái mặt bà. Bà ấy mà mua thì phải vừa rẻ lại vừa ngon cơ”. Y Ban đi chợ ở đó đã gần 20 năm chẵn.

Bạn bè ai cũng nói là Y Ban nấu ăn rất ngon. Nhà thơ Giáng Vân ăn đồ Y Ban nấu đã kết luận: “Tao biết vì sao mày lại béo”.

Y Ban cho rằng nấu ăn ngon là một cách để giữ gìn gia đình. (Bởi vì, mọi con đường đến với đàn ông đều đi qua dạ dày chăng?). Tất bật cả ngày với công việc ở cơ quan nhưng không ngày nào Ban không đi chợ nấu nướng tử tế cho chồng con. Nhất là bao giờ cũng hỏi chồng muốn ăn gì để phục vụ.

Những món truyền thống, ví dụ như món canh cua hoặc cá kho riềng thì khó có nhà hàng nào làm được ngon như Y Ban nấu. Nhưng chị cũng không ngại học món châu Âu, ví dụ như mỳ Ý. Một ông bạn người Ý của chồng Y Ban còn phải thừa nhận chị làm món này tuyệt hảo.

Gần như tất cả các buổi chiều, chị đều nấu ăn ở nhà. Sinh nhật các con cũng mời mọi người đến nhà, trong khi cái nhà gần sân Hàng Đẫy rất bé. Bây giờ khi xây nhà mới ở Gia Lâm, vợ chồng Y Ban quyết định đầu tư vào phòng bếp rất xịn.

Nhà văn Y Ban. Ảnh: ĐCHN
Nhà văn Y Ban. Ảnh: ĐCHN.


Mặc

Y Ban bảo: “Chụp ảnh tôi thì không cần xinh đẹp lắm đâu, sau khi đăng ảnh xinh đẹp rồi thì sợ có các anh đến toà soạn tìm và thất vọng: “Sao ở ngoài chị già và xấu thế?”.

Chuyện mặc của chị cũng không giống ai. Đặc biệt là mặc ở nhà thì rất xuề xoà, đến nỗi, có lần ông chồng phải than: “Bà cởi ngay cái bộ đồ ấy ra cho tôi nhờ, kẻo tôi tưởng đang nằm cạnh mẹ mình”.

Chồng Y Ban là nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ. Anh có một cái nhìn sắc sảo về chuyện ăn mặc, vừa mô phạm lại vừa chưng cất. Trong khi vợ thì cứ xanh xanh đỏ đỏ, má hồng mắt hồng. Nhất là hồi còn trẻ tuổi.

Ban đầu ai gặp thì ghét lắm. Nhưng lạ là mọi người đều thấy là Y Ban rất hợp với kiểu trang điểm ấy. Bởi vì Y Ban miệng nói mắt cũng nói, tất cả cứ cùng rực rỡ sáng lên.

“Không có nghĩa là tôi thích trội, mà tôi chẳng muốn giống ai. A dua chạy theo mốt thì có nhiều hệ lụy, dễ bị phụ thuộc vào nó. Còn đằng này, tôi tự tin vào việc tìm ra một phong cách cho riêng mình”.

Hồi trẻ, Y Ban đã từng học may. Sau này không làm thợ nhưng Y Ban luôn tự thiết kế cho mình những kiểu quần áo riêng biệt. Chị bảo: “Các cụ đã dạy “Ăn cho mình, mặc cho người khác”. Đối với một nhà văn thì chuyện mặc có gu hay thật sự nổi bật là không cần thiết lắm. Không nên lạm dụng chuyện mặc, nhưng tự tin vào vẻ ngoài của mình là cần. Điều đó còn quan trọng hơn cả nhan sắc. Đẹp mà vô duyên thì không để làm gì. Không đẹp nhưng tự tin thì có thể dễ dàng chinh phục được mọi người. Mỗi khi gặp người khác, đặc biệt là gặp đàn ông thì ai chả muốn mình trông ra dáng phụ nữ. I’ m Đàn bà mà”.

Yêu

Con gái lớn thì đi du học ở Pháp, con trai đang về quê chơi. Vừa mới hôm nọ, chỉ vì chuyện xây nhà mà hai vợ chồng lại có một vụ lộn xộn. Lời qua tiếng lại, tức quá, song phi luôn. May mà ông chồng chỉ hất chân một cái là xong. Sáng hôm sau ra tối hậu thư, không ngủ cùng nữa, và cả hai cùng rít lên: “Thế này thì không sống được với nhau nữa đâu. Thôi bỏ nhau đi, không có ngày đứa thì chết đứa thì vào tù”.

Ấy thế rồi cuối cùng cũng tìm ra phương án giải quyết. Mà cũng nhẹ nhàng, chả đao to búa lớn gì.

Nghe chuyện của chị cứ như chuyện đùa. Mà cái cảnh này đã diễn ra suốt từ hồi còn… chưa lấy nhau cơ. Bẩy năm yêu nhau cộng với 20 năm sau khi cưới, tính ra cũng đã gần ba chục năm kề cận, cho đến tận bây giờ vẫn thế. Kiểu vợ chồng phường chèo, năm ngày ba trận nhưng yêu nhau đáo để.

Y Ban bảo: “Cũng tại mình, đàn bà gì mà cứ mày tao chi tớ nó quen đi rồi. Đến xem trận bóng đá trong mùa WC vừa rồi cũng tranh thủ tìm cơ hội cãi nhau”.

Thế nhưng ông xã Y Ban lại thích kiểu đàn bà ngang tàng, bụi bặm, có cá tính, không chịu được sự nhạt nhẽo, thênh thếch, hơ hớ.

Hai vợ chồng hợp nhau ở nhiều cung. Hai nghệ sĩ khởi sự bốn bàn tay trắng nhưng đến giờ thì đàng hoàng, có nhà có đất, con cái được đi học nước ngoài, tượng chồng vẫn nặn, văn vợ vẫn viết.

Lời qua tiếng lại, tức quá, Y Ban song phi luôn. May mà ông chồng chỉ hất chân một cái là xong. Sáng hôm sau ra tối hậu thư, không ngủ cùng nữa, và cả hai cùng rít lên: “Thế này thì không sống được với nhau nữa đâu. Thôi bỏ nhau đi, không có ngày đứa thì chết đứa thì vào tù”.

Kiểu vợ chồng phường chèo, năm ngày ba trận nhưng yêu nhau đáo để.

Nhiều người đọc những ẩn ức tình dục của các nhân vật trong truyện Y Ban viết, cứ ngỡ đó là bi kịch của chính chị. Người ta khó mà phân định được đâu là nhà văn và đâu là Y Ban của đời thường. Thế nhưng chị kệ. Chả nhẽ lại đi thanh minh với thiên hạ rằng chúng tôi hợp nhau cho đến cả chuyện trên giường, bởi vì cả hai đều ý thức là đã làm gì thì làm đến nơi đến chốn, hợp tác và chủ động.

“Trong trang viết thì tôi dại nhưng trong cuộc sống thì tôi lại khôn ngoan, thực tế. Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, đàn bà tuổi Sửu (Tân Sửu, 1961) có số trụ cột, cứ như con trâu miệt mài dù là dưới nắng hè gay gắt, cho nên tôi bỗng trở thành người cùng bàn bạc và đưa ra nhiều quyết định cho gia đình. Cái giống “gáy ngược”, khổ thân lắm. Đã thế tôi lại cực đoan. Hai cá tính quá mạnh nên cứ va nhau thường xuyên. Có điều, thực trong tâm thì cả hai đều rất tôn trọng nhau, và được cái là mọi thứ trong cuộc sống đều tự tay mình làm ra. Cả vợ cả chồng đều đặt con cái lên hàng đầu cho mọi sự lo toan, tính toán, thu vén, đặc biệt là ông xã. Thế nên cả hai đều thấy ổn”.

Hỏi Y Ban có bao giờ mơ đến hình ảnh khác ngoài chồng? Hoặc có sợ ông chồng nghệ sĩ vương vấn gió trăng? Chị bảo nói ngắn gọn là cả hai đều biết cách tự bảo vệ trước cuộc sống.

Con người ta vốn dĩ ích kỷ. Đôi khi người ta cứ mượn sự chung thuỷ nhưng thật ra lại là bao biện, mượn sự bảo vệ gia đình để hành hạ, tạo nên địa ngục cho nhau.

Nhà Y Ban cả vợ cả chồng đều được phép vào e-mail của nhau, vợ có thể chứng kiến chồng chat chit với bạn gái một cách cởi mở, thoải mái. Tất nhiên là không ai chui vào đầu nhau để kiểm soát được hết ý nghĩ nhưng Y Ban cho rằng cách nhìn nhau bao dung sẽ làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn rất nhiều.

Y Ban nói: “Theo ngôn ngữ đời thường: “Chó dại thì mất bạn mà vợ dại cũng mất bạn”. Bạn bè của chồng tôi, cả trai cả gái cả trong nước lẫn nước ngoài đều rất quý tôi nếu đã một lần đến chơi nhà”… 

Tóm tắt về Y Ban bằng 4T

Nhà văn Y Ban - Trích đoạn tranh Nguyễn Xuân Hoàng (Acrilic trên toan)
Nhà văn Y Ban - Trích đoạn tranh Nguyễn Xuân Hoàng (Acrilic trên toan).

Tên: Y Ban nghe như người dân tộc? Nhưng thật ra, đơn giản thôi: Tên đầy đủ là Phạm Thị Xuân Ban, quê ở Nam Định, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng dạy Cao đẳng Y Nam Định. Cô giáo Ban dạy trường Y, bỏ nghề y đi viết văn, trở thành Y Ban.

Tính cách: Như là gió, rất dễ hoà nhập. Nhưng đôi khi cuồng phong dữ dội.

Tác phẩm: 15 đầu sách với hơn 100 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết và 2 truyện vừa.

Tuyệt vọng: Đọc mọi thứ viết về mình và thật lòng muốn bị đập một cái thật trúng vào mặt, để bớt ảo tưởng. “Cái đập này tôi muốn nói đến phê bình văn học, từ sau 1975 là sự hời hợt và nửa vời với những bài phê bình nhợt nhạt để đăng báo chứ chưa có nhà phê bình nào mổ xẻ thật trúng các nhà văn xuất hiện sau 1975 như chúng tôi. Bạn đọc họ phê phán thì tôi tôn trọng quyền của họ, nhưng họ cũng chỉ là bạn đọc thôi. Cái tôi cần là “cú đập” mang tính học thuật. Tôi chờ lâu quá mà chưa thấy”...

MỚI - NÓNG