Bảo tồn để phát triển

Van Cao
Van Cao
TPO - Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng (Bộ Xây Dựng), Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Đình Tri trao đổi với PV Tiền Phong Online về chuyện quy hoạch Hà Nội, về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển nhân việc phát lộ đoạn tường Hoàng thành khi thi công nút giao thông Hoàng Hoa Thám – Văn Cao – Hồ Tây.
Bảo tồn để phát triển ảnh 1

Đoạn đường Văn Cao – Hồ Tây đang thi công. Ảnh : Hà Nội Mới

Không phải mảnh sành, mảnh sứ nào cũng có giá trị

TP Hà Nội vừa cho phép tiếp tục thi công đoạn đường Văn Cao – Hồ Tây, vừa thu gom lại những cổ vật mới được phát hiện. Ý kiến của TS về việc này?

Tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định của TP Hà Nội. Bởi, bảo tồn là phải đặt trong sự phát triển, không làm ngưng trệ sự phát triển. Có nhiều cách bảo tồn là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn mô phỏng.

Nếu chỉ bảo tồn tại chỗ thì có thể sẽ làm đóng băng, cản trở những quan hệ không gian cho phát triển. Nếu bảo tồn mô phỏng, tức là di chuyển những di tích tới bảo tàng, thì các thế hệ sau hoàn toàn có thể tới đó để tham quan, tìm hiểu.

Cách làm này nhiều nước như Ai Cập, Nhật Bản, Trung Quốc đã làm rồi. Ví dụ, khi chúng tôi tới Trung Quốc, cũng thấy họ chuyển các di vật đến một nơi, rồi lại cho các công trình tiếp tục xây dựng. 

Xin TS nói rõ quan điểm về bảo tồn?

Quá trình phát triển bao giờ cũng gắn liền với đổi mới và thay thế. Nhưng phải bảo vệ những giá trị là bản sắc từ nghàn đời để lại. Tuy nhiên, với di sản thì cũng có nhiều loại. Không phải mảnh sành, mảnh sứ nào cũng có giá trị. Không phải cái gì cũng bảo tồn, vì nếu thế làm sao có không gian để phát triển?

Nghĩa là chúng ta phải chọn lọc? Và nếu vậy thì đâu là căn cứ?

Phải căn cứ vào niên đại, tính độc đáo, giá trị thời đại, giá trị mỹ thuật... Quý là phải đi đôi với hiếm. Chứ nếu không quý, không hiếm thì có trưng bày cũng chả ai xem. (Cười)

Ngay bản thân tôi cũng giữ lại một khung xe đạp Thống Nhất làm kỷ niệm thời bao cấp. Nhưng nhiều thứ khác ít giá trị thì cũng chả giữ làm gì.

Quy hoạch Hà Nội là hợp phong thủy

Bảo tồn để phát triển ảnh 2

Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng (Bộ Xây Dựng), Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Đình Tri. Ảnh : HT

Một vấn đề hiện đang gây tranh cãi. Đó là quy hoạch Hà Nội có trái với phong thủy hay không? Trước hết, xin TS cho biết sơ lược về phong thủy?

Phong thủy chính là khoa học về môi trường và nhận thức của con người về môi trường. Đó là cách sắp đặt khoa học, hợp lý, giải quyết tốt nhất mối quan hệ con người – môi trường – kiến trúc.

Vì thế, phong thủy không phải là những điều tâm linh, thần bí mà là những lập luận khoa học, những kinh nghiệm được đúc rút từ nghàn đời.

Vậy TS giải thích thế nào với ý kiến cho rằng, phương án quy hoạch Hà Nội vừa được triển lãm cho nhân dân xem, là trái với luật phong thủy?

Đó là do họ chưa hiểu bản chất của phong thủy. Việc đặt Trung tâm Hành chính Quốc gia ở chân núi Ba Vì đã tính tới các yêu tố như: diện tích đủ rộng, có độ cao, hội tụ đủ điều kiện tự nhiên, địa chất tốt, không bị bão lũ, dòng chảy nhanh, tránh được gió mùa và bức xạ...

Quan trọng là diện tích đủ rộng, thuận lợi cho giao thông, kinh tế, xã hội phát triển. Vì thế, nó không hề trái với phong thủy.

Ở đây, tôi không hề nhắc đến những cái “tâm linh” hay “tụ khí” gì cả, mà hoàn toàn dựa vào những yếu tố có thể đo đạc, cảm nhận được trực tiếp. 

Câu chuyện dài tập của thành thị và nông thôn

Giả sử bản quy hoạch Hà Nội đã được thi công xong. Nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, nên người dân trong nội thành vẫn không muốn chuyển ra ngoài sống. Vì thế, vẫn tắc đường, ô nhiễm, chật chội...TS nghĩ sao về kịch bản này?

Hiện, nội thành Hà Nội là nơi tập trung về thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa và thưởng thức nghệ thuật. Nó còn cung cấp việc làm và cơ hội thăng tiến cho mọi người, nên có sức hút rất lớn.

Nhiều người dân chấp nhận ô nhiễm, tắc đường, chật chội...là để đổi lại những cái thuận lợi đó.

Tuy nhiên, với bản quy hoạch Hà Nội mới thì sẽ tổ chức, phân bố lại các điều kiện trên hài hòa, hợp lý hơn. Nhưng cũng phải cần thời gian mới thực hiện được. Khi đó, chắc chắn dòng người sẽ chuyển dịch ra ngoài.

Nhưng lúc đó, khu vực nông thôn sẽ bị đô thị hóa. Và có người không muốn mất phong cảnh thôn quê, với mái nhà tranh, đàn cò trắng, cánh đồng xanh ngát...?

Tất nhiên, chúng ta phải giữ lại bản sắc văn hóa đặc trưng các vùng miền. Nhưng nông thôn cũng cần phải được hiện đại hóa. Người dân ở đó cũng phải xây nhà tầng để chống nóng và sống tiện nghi, chứ không thể mãi ở nhà tranh, nhà ngói, vách nứa...để thỏa mãn cái “hoài cổ”, “lãng mạn” của một số người.

Thực ra, chính những người đó khi về thôn quê mấy ngày, chịu không nổi cảnh thiếu thốn là “chạy mất dép” ngay. (Cười)

Xin cảm ơn TS!

(Thực hiện)

MỚI - NÓNG