NSND Lan Hương: Đôi lúc chạnh lòng vì không có con với Tất Bình

NSND Lan Hương: Đôi lúc chạnh lòng vì không có con với Tất Bình
Tỏa sáng trên sàn diễn như một khối rubic nhiều màu, gai góc, nhưng ngoài đời, NSND Lan Hương là một phụ nữ dịu dàng, đằm thắm, dù đã lên chức bà ngoại đã 5 năm nay, nhưng sự hồn nhiên dường như chưa hề rời bỏ đôi mắt to tròn, giọng nói trong vắt của chị.

Sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh, “em bé Hà Nội” ngày nào sẽ hóa thân vào vai diễn Đàm Hoàng hậu trong bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ do nghệ sỹ Đào Duy Phúc làm đạo diễn.

NSND Lan Hương: Đôi lúc chạnh lòng vì không có con với Tất Bình ảnh 1
NSND Lan Hương

Cuộc chiến chốn thâm cung

- Chào chị, khán giả đang tò mò về vai diễn mới nhất của chị trong bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, một bộ phim tái hiện cuộc đời vị thái sư và người tình Trần Thị Dung trong bối cảnh lịch sử VN thế kỷ 13, nhân vật Đàm hoàng hậu có gì hấp dẫn để chị quyết định nhận lời tham gia sau nhiều năm vắng bóng trên phim ảnh?

- Vai diễn này thực sự lôi cuốn mình từ khi được đọc kịch bản, đây là nhân vật Hoàng hậu họ Lý, một người phụ nữ không được sủng ái và tìm mọi cách níu kéo chồng về phía mình. Cuộc đối đầu của bà với Trần Thị Dung là cả một cuộc nội chiến hoàng cung. Đó cũng là một nhân vật độc ác, lộng quyền, mạnh mẽ và quyết đoán. Nếu bà muốn chết, thì kể cả vua cũng không ngăn cản được.

- Những hoàng hậu trong lịch sử VN thường được biết tới là những người phụ nữ tài giỏi, công dung ngôn hạnh. Hình ảnh một Đàm hoàng hậu tàn ác đã hé lộ một hình mẫu mới về phụ nữ trong triều đại phong kiến, đó phải chăng là chi tiết làm bộ phim hấp dẫn?

- Điều hấp dẫn của bộ phim chính là những xung đột không thể tránh khỏi của nhân vật chính trong phim, đó cũng là thực tế sau lớp màn vương giả chốn cung đình. Cuộc chiến của những người phụ nữ tranh giành sự ảnh hưởng của mình để tồn tại. Dù là người có bản chất hiền lành, nhưng để giữ được ngôi vị của họ sẵn sang trở thành những con hổ, con báo dữ dằn, nanh nọc.

Hoàn cảnh bắt buộc con người ta ở thế chiến đấu, vì không như thế thì có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Ví dụ khi hoàng hậu muốn giết Lê Quý Phi, bà chỉ cần nói “Ngươi có biết ngươi phạm tội gì không?”. Lập tức hôm đó Lê Quý Phi phải uống thuốc độc tự tử, bởi bà biết nếu không tự chết cũng bị hoàng hậu ép vào tội chết.

Nếu Đàm hoàng hậu không làm như vậy, bà có thể cũng không thể loại trừ được mối hiểm họa có thể làm ảnh hưởng đến vị trí của mình. Đó thực sự là cuộc chiến của những người đàn bà mà sự tàn nhẫn còn đặt cao hơn cả nhan sắc, đức hạnh.

NSND Lan Hương: Đôi lúc chạnh lòng vì không có con với Tất Bình ảnh 2
Hóa thân thành Đàm hoàng hậu tàn ác

- Để hóa thân vào một nhân vật lịch sử, chị có gặp khó khăn khi thể hiện cử chỉ điệu bộ và nghi lễ cung đình không?

- Trước khi bộ phim khởi quay, những diễn viên của đoàn đều được tìm hiểu lịch sử do giáo sư sử học Lê Văn Lan hướng dẫn và học lễ nghi cung đình dưới sự cố vấn của các nghệ sĩ tuồng trèo. Trang phục của mình cũng được đặt may ở Trung Quốc nên khá cầu kỳ và tất nhiên là đẹp.

Đoàn làm phim sẽ có những cảnh quay tại Huế và Trung Quốc, sẽ khá vất vả nhưng hy vọng sẽ đem đến cho người xem một sản phẩm điện ảnh thể hiện sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, đồng thời cũng là một đóng góp nhỏ trong dịp đại lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Đưa cảnh nóng vào kịch

Trở lại với vai trò trưởng đoàn kịch thể nghiệm nhà hát Tuổi Trẻ, là người đưa thể loại kịch mới mẻ này đến khán giả, chị có thấy mình thật liều khi là người đi tiên phong?

- Liều thì đúng là liều bởi ngày nay ở phía Bắc, có nhiều loại hình nghệ thuật kịch nhưng khán giả vẫn không mặn mà. Kịch hình thể không phải là xa lạ với người Việt Nam, điển hình như tuồng cũng là một loại kịch hình thể rõ rệt. Mình chỉ đưa đến cho khán giả một món ăn tinh thần mang hơi thở chung của thế giới. Ở các nước có nền nghệ thuật phát triển, kịch nói cũng đã biến chuyển thành một loại diễn mới, sân khấu của họ là nơi tổng hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật.

Ngôn ngữ biểu đạt chính của kịch hình thể là ngôn ngữ của hình thể, của những động tác và sắc thái biểu đạt qua từng hành động, cử chỉ của diễn viên. Chính vì thế, kịch hình thể cũng đòi hỏi khán giả theo dõi phải có sự tập trung và trí tưởng tượng phong phú.

Bên cạnh đó, âm nhạc và sân khấu cũng phải uyển chuyển và tạo hiệu ứng mạnh hơn. Ở VN, với thói quen thưởng thức nghệ thuật của đa số khán giả, kịch hình thể vẫn còn là một khái niệm mới mẻ và khó hiểu. Thậm chí, nó mới mẻ và khó tiếp cận với cả phần lớn giới làm nghệ thuật ở nước ta.

Nhưng dư luận và báo chí đã có nhiều bài viết khen ngợi sự sáng tạo của những vở kịch hình thể "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" (đạo diễn Lê Hùng) và gần đây là vở "Biến vỹ tình yêu" do chị làm đạo diễn vì tạo được nhiều ấn tượng khó quên cho khán giả?

- Biến vỹ tình yêu là vở thứ 3 do mình làm đạo diễn sau Con bệnh bí hiểmNhật nguyệt thực cùng những vở ngắn khác dành cho thiếu nhi. Thực sự giờ đây nhắc đến vở diễn này mình vẫn thấy tự hào vì nó còn nằm trong việc thử nghiệm để tìm kiếm và định hình cho phong cách của kịch hình thể VN. Thế nhưng cũng đã nhận được những lời khen động viên từ khán giả lẫn nhà báo. Đó là món quà cho những nỗ lực của anh em nghệ sĩ trong vở diễn.

Những cảnh nóng được dàn dựng rất khéo léo đã mang lại cảm giác mới mẻ cho khán giả, cùng với ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son trong veo và tinh tế xâu chuỗi cảm xúc và trở thành điểm nhấn cho cả vở kịch.

Ước mơ của mình là có điều kiện tổ chức dài hơi hơn để nhiều khán giả được biết đến nhưng chưa xin được tài trợ, mà năm nay lại suy thoái kinh tế nên cũng khó khăn, đây lại là một thể loại kịch mới nên cũng chưa dám liều lĩnh đi các tỉnh khác rồi bán vé.

- Với những trải nghiệm của một người đi trước và thành công, chị suy nghĩ thế nào về lớp nghệ sĩ trẻ của ngày hôm nay?

- Bọn mình là thế hệ diễn viên phải nói là may mắn được trưởng thành và làm nghề khi khán giả đến xem đông và cũng chưa có nhiều loại hình giải trí như bây giờ. Thế hệ nghệ sỹ trẻ của hôm nay, đặc biệt là ở ngoài Bắc đang gặp phải thực tế là sự thờ ơ của khán giả với sân khấu. Tuy nhiên họ có điều kiện tiếp cận với những gì mới nhất của tinh hoa nghệ thuật trên thế giới, tiếp cận ngay cả với thế hệ trên họ là bọn mình.

Vì thế họ đã có thể nhìn ra con đường đi của mình rõ ràng hơn. Nhưng thời trước người nghệ sĩ có thể đi lên từ con số 0 trước rồi tiến đến số 1, số 2 vẫn được người ta chấp nhận. Nhưng thời bây giờ nếu đi lên từ con số 0 thì sẽ không được chấp nhận nên họ phải đốt cháy giai đoạn, phải vươn lên và tỏa sáng ngay lập tức. Họ phải chụp giật hơn một chút, bỏ qua những tinh tế trong biểu diễn, nhiều khi diễn vội vàng cho xong để chạy sô kiếm sống.

Mình mới được sang Pháp tham dự liên hoan sân khấu nhỏ, những vở diễn trong liên hoan diễn ra trong nhiều ngày mà khán giả thế giới đều có mặt rất đông để xem. Có những vở không hay, người ta vỗ tay yếu ớt lắm nhưng diễn viên vẫn nhiệt tình ra chào lần thứ nhất, lần thứ hai, đến lần thứ 5 thì buộc lòng khán giả phải đứng dậy vỗ tay.

Đó là cách diễn tôn trọng khán giả, để thấy được người nghệ sĩ rất trân trọng họ. Còn ở VN, diễn viên xong cảnh của mình là đi về mất, chẳng thấy đâu. Ngay cả những đạo diễn nước ngoài khi sang VN đều nhận xét lực lượng còn đam mê sân khấu hầu như không còn nữa, người ta chỉ còn lên sân khấu cho xong chuyện. Đó thực sự là một điều đáng tiếc.

Sẽ tổ chức một triển lãm tranh

- Được biết chị rất yêu hội họa và từng thi vào trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, giờ niềm đam mê vẽ có còn trong chị không?

- Từ nhỏ minh đã yêu thích mỹ thuật, năm 1991 mình đã thi đỗ vào khoa tại chức trường Mỹ thuật Công nghiệp nhưng không theo học được bởi phải đi diễn liên miên. Sang năm mình dự định sẽ thi vào trường mỹ thuật Yết Kiêu và học thêm 2 năm nữa để bổ sung kiến thức. Thời gian bỏ vẽ cũng đã18 năm, từ đầu năm đến giờ mình tranh thủ thời gian rảnh để vẽ lại. Cảm giác chìm đắm bên cạnh giá vẽ hàng giờ đồng hồ, có khi hết đêm không biết…

- Thật bất ngờ, chắc chắn mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết sau ánh đèn sân khấu là một Lan Hương đam mê hội họa, đề tài theo đuổi khi vẽ tranh của chị là gì vậy?

- Ôi mình vẽ lung tung, tùy theo cảm hứng, có những bức mình vẽ chân dung con gái, vẽ chồng, vẽ cháu gái, có những bức mình vẽ theo cảm hứng rất tình cờ như hôm mình xem bộ phim về nữ hoàng Elizabeth II, có cảnh bà đứng nhìn ra giữa biển là một cái tàu đang bốc cháy, thế là mình tưởng tượng ra rồi vẽ. Hay khi mình xem một cái ảnh  vườn ở miền Trung có một vạt nắng rọi qua kẽ lá, mình bị ám ảnh bởi ánh sắc ấy, và cũng vẽ một bức tranh.

Mình cũng đã hứa với đồng nghiệp, người thân và bạn bè là sẽ cố gắng để cho ra mắt một triển lãm tranh, nhưng chắc chắn để đến sang năm bởi hiện tại mình đang bận rộn với bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ.

NSND Lan Hương: Đôi lúc chạnh lòng vì không có con với Tất Bình ảnh 3
Vợ chồng Lan Hương - Tất Bình

Chạnh lòng vì không có con với Tất Bình

- Vợ chồng chị đều là nghệ sỹ, có khó khăn để cân bằng giữa sự nghiệp và thời gian dành cho nhau không, thưa chị?

- Hơn nhiều tuổi, lại cùng nghề, chồng mình luôn hiểu và  trân trọng khoảng thời gian riêng trong cuộc sống lẫn sự nghiệp của vợ. Mình cũng may mắn vì con cái lớn hết rồi, cũng có gia đình riêng, lo lắng vật chất trong cuộc sống chung cũng không còn nhiều nữa. Hai vợ chồng đều có điều kiện về thời gian để theo đuổi đam mê riêng của mình. Cả hai đều tập trung để hết mình cho công việc nhưng không phải để làm giàu mà cho cuộc sống ý nghĩa hơn.

Trong tâm nguyện của hai vợ chồng, hạnh phúc không chỉ là ổn định về kinh tế mà còn thư thái về tinh thần. Người nào có tâm hồn bình yên, thanh thản thì lúc đó mới thực sự có được hạnh phúc.

- Chị từng thổ lộ là mong muốn có một đứa con chung với nghệ sỹ Tất Bình, ước mong ấy không thành hiện thực có phải là nỗi nuối tiếc của chị?

- Nuối tiếc thì cũng có, hồi mới về với nhau, vợ chồng mình dự định sinh con, nhưng nhà cửa lúc ấy chật chội, ai cũng muốn theo đuổi nghề nghiệp nên muốn để thư thư… Chẳng ngờ lúc ngoảnh lại thì cả hai vợ chồng đã có tuổi và đều lên “chức” ông, “chức” bà cả rồi. Thật ra điều đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai vợ chồng.

Có đôi khi mình cũng chạnh lòng vì không có cơ hội làm mẹ đứa con với người đàn ông mà mình yêu. Nhưng từ ngày có cháu ngoại thì ước mơ đó cũng tan biến rồi. Ông  trời không cho ai mọi thứ, có cái nọ thì phải chấp nhận mất cái kia, nhiều khi chồng mình cũng bảo nếu có một đứa con nhỏ lại chả phát triển được về nghề, âu đó cũng là số phận, mà mình cũng không có nhiều thời gian để buồn, công việc bề bộn cứ cuốn mình đi…

- Chị cũng có một cô con gái, cũng xinh đẹp như mẹ, có bao giờ chị hướng con cũng trở thành nghệ sỹ như mẹ không?

- Trong thâm tâm mình, mình cũng mong ước có một đứa con nối nghề nhưng dường như điều đó hơi… lãng mạn. Bởi gắn bó với nghề, mình hiểu làm nghệ thuật khi thành công thì lắm vinh quang nhưng sự vất vả hi sinh cũng quá nhiều mà nhiều khi chưa được nhìn nhận đúng đắn. Mỹ Hạnh là đứa con gái trong cuộc hôn nhân đầu của mình. Khi chia tay với bố cháu, mình chấp nhận sống xa con khi Mỹ Hạnh được 6 tuổi.

Thương con tê tái, mình vẫn nén lòng để con gái sang CHLB Đức sống với bố cháu. Mình mong và tin con gái sẽ có tiền đồ tươi sáng hơn là ở trong nước cùng mẹ, với đồng lương nghệ sỹ ít ỏi và hoàn cảnh sống khó khăn lúc bấy giờ. Con gái mình khi mới lớn, cũng mơ ước sẽ trở về Việt Nam làm diễn viên, mang gen nghệ thuật của bố mẹ nên Hạnh rất mê phim, kịch…

Hồi ấy, mỗi khi mình sang Đức thăm con, nó khoe với các bạn là mẹ làm nghệ sỹ sân khấu. Mọi người nhìn mình với con mắt ngưỡng mộ, bởi ở châu Âu, sân khấu là một thánh đường vĩ đại lắm. Đến khi về nước, nhìn thấy cảnh mẹ lao động nghệ thuật vất vả thì vỡ mộng. Từ đấy chả còn thấy con bé nhắc gì đến chuyện sẽ làm diễn viên nữa. Bây giờ cháu đã có một gia đình và nghề nghiệp ổn định tại Đức, sắp tới sẽ cho con trai 5 tuổi về chơi với bà, với mình đó là những giây phút vui vẻ và hạnh phúc nhất.

- Cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc!

Theo Mỹ thuật

MỚI - NÓNG