Thánh Dóng 'bay' sang Unesco

Thánh Dóng 'bay' sang Unesco
TP - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đồng ý cho xây dựng hồ sơ Lễ hội Thánh Dóng trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiền Phong phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, cơ quan được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch giao trách nhiệm xây dựng bộ hồ sơ.

Thánh Dóng 'bay' sang Unesco ảnh 1
Hội Dóng qua bức tranh do họa sỹ Trịnh Quang Vũ phóng tác


Theo ông, giá trị tiêu biểu của hội Dóng là gì?

Nước ta có hàng ngàn lễ hội, mỗi lễ hội có một dáng vẻ và giá trị khác nhau. Lâu nay, người ta hay nhắc tới hội Thánh Dóng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) mà chưa chú ý đến hội Thánh Dóng ở các nơi khác, chẳng hạn hội Dóng ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Thánh Dóng là một trong tứ bất tử, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Dóng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Các lễ hội thờ Thánh Dóng phát triển qua hàng ngàn năm, nên lắng đọng khá nhiều lớp phù sa lịch sử -văn hóa.

Hội Dóng ở làng Phù Đổng là một hội độc nhất vô nhị ở nước ta. Có thể thấy ở đây tầng văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: thờ phụng các hiện tượng tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tổ nghề v.v…

Nhưng trên lát cắt đồng đại, hội Dóng ở làng Phù Đổng tái hiện chiến công của người anh hùng chống giặc ngoại xâm, người anh hùng mới ba tuổi đã đi đánh giặc mà hiềm vẫn muộn như ý đôi câu đối của nhà thơ Cao Bá Quát.

Hội Thánh Dóng xã Phù Đổng là một hội trận. Trong tâm thức người Việt Bắc bộ, hội Thánh Dóng ở làng Phù Đổng là một lễ hội thiêng liêng, không thể không đi.

Hà Nội kỳ vọng được UNESCO đưa  hội Thánh Dóng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  năm 2010. Thời gian như vậy liệu có quá gấp?

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội chuẩn bị ba hồ sơ để đệ trình UNESCO, gồm hồ sơ Hoàng thành Thăng Long đề cử Danh sách Di sản Thế giới, hồ sơ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề cử Danh sách Chương trình Ký ức Thế giới, và hồ sơ Hội Thánh Dóng đề cử Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Xây dựng một bộ hồ sơ quả là không đơn giản, cần có thời gian, nhưng quan trọng hơn cả là di sản văn hóa phi vật thể ấy đã được nghiên cứu nhiều hay chưa, sự đồng thuận về giá trị của di sản thế nào, là sự quan tâm của cộng đồng với việc bảo tồn và phát huy di sản này ở mức nào. Với hội Thánh Dóng, những việc này đều đáp ứng được.

Làm hồ sơ cho hội Dóng sẽ phải căn cứ vào tài liệu nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và học giả người Pháp G. Dumoutier - hai nhà khoa học nghiên cứu hội Dóng rất sớm. Từ hai công trình nghiên cứu này đến nay đã hơn nửa thế kỷ, chúng ta còn tài liệu nào tiếp tục nghiên cứu hội Dóng, thưa ông?

Thánh Dóng 'bay' sang Unesco ảnh 2 Chính tôi là người có ý tưởng lập hồ sơ lễ hội Thánh Dóng, bởi tôi nghĩ nếu làm kịp và được UNESCO công nhận trong năm 2010 thì rất ý nghĩa, và tôi gợi ý cho UBND TP Hà Nội. 

Sau đó, Hà Nội phối hợp Bộ VHTT &DL lập hồ sơ. Dù hồ sơ Hoàng thành Thăng Long đang được đánh giá cao nhưng Hà Nội cũng nên dự phòng phương án hai chứ. Nếu UNESCO nói không với Hoàng thành Thăng Long, mà Hà Nội không còn di sản nào được công nhận nữa trong năm 2010 thì hơi buồnThánh Dóng 'bay' sang Unesco ảnh 3 - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu  -  Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia

Việc sưu tầm nghiên cứu Lễ hội Thánh Dóng có từ rất sớm. Những ghi chép về thần tích, những văn bia tại các di tích chính là những công trình sớm nhất. Tư liệu xưa nhất là An Nam chí lược của Lê Tắc thế kỷ XIV. Công trình của G.Dumoutier công bố năm 1893.

Những năm đầu thế kỷ XX, lễ hội Thánh Dóng được ghi chép tương đối tỷ mỷ trong cuốn sách Bắc Ninh tỉnh khảo dị của Phạm Xuân Lộc. Đáng tiếc, cuốn sách chữ Hán này gần đây mới được đưa về Việt Nam nên ít người biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên có hai công trình về Lễ hội Thánh Dóng ở làng Phù Đổng công bố năm 1938 và năm 1941. Sau năm 1954, nhiều công trình có giá trị về lễ hội Thánh Dóng xuất hiện như Cao Huy Đỉnh với Người anh hùng làng Dóng - tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; của Giáo sư Trần Quốc Vượng, tác giả Trần Bá Chí, Toan Ánh, của hai học giả Việt kiều Tạ Chí Đại Trường, Như  Hạnh (Nguyễn Tự Cường), của nhà Việt Nam học N.I.Niculin v.v…

Tuy nhiên, công trình của G.Dumoutier và hai công trình của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên vẫn có giá trị đặc biệt trong tiến trình sưu tầm, nghiên cứu Lễ hội Thánh Dóng.

Ông có thể nói rõ hơn, hội Thánh Dóng mang tính đại diện nhân loại thế nào?

Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO qui định hai danh sách mà các quốc gia thành viên đệ trình đăng ký. Tiêu chí của mỗi danh sách cũng khác nhau.

Tiêu chí hai của danh sách khẩn cấp nhấn mạnh, di sản này cần được bảo vệ khẩn cấp vì khả năng tồn tại của nó đang bị đe dọa, nếu không được bảo vệ ngay lập tức thì sẽ không còn sống sót.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì phải đáp ứng tiêu chí 2: việc đăng ký di sản này phản ánh tính đa dạng của văn hóa trên thế giới và chứng minh được sự sáng tạo của nhân loại.

Nhiều người quen gọi Thánh Gióng, lễ hội Thánh Gióng, nhưng theo ông Nguyễn Chí Bền, phải viết là "Dóng" mới đúng.

Lễ hội Thánh Dóng là một di sản văn hóa phi vật thể từng tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện sự sáng tạo của người Việt, chứng minh được sự sáng tạo của nhân loại.

Chưa bao giờ, một lễ hội của Việt Nam được xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO. Cái khó nhất khi làm hồ sơ này là gì, thưa ông?

Xây dựng các hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới hay nhân loại, cả vật thể lẫn phi vật thể đều là một công việc không đơn giản. Xây dựng hồ sơ cho một lễ hội, quả tình có những khó riêng của nó.

Vấn đề đặt ra là làm sao cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ di sản, bảo vệ lễ hội. Bởi lễ hội là sáng tạo văn hóa của cộng đồng, nhưng cộng đồng cũng là người hưởng thụ sáng tạo văn hóa ấy. Cái khác giữa lễ hội và các di sản văn hóa phi vật thể khác là tính thiêng của nó.

Tính thiêng và tính thế tục hòa quyện khá chặt chẽ, mật thiết. Làm sao bảo tồn được tính thiêng và tính thế tục của lễ hội, ấy là một công việc khó khăn.

MỚI - NÓNG