Đua bò Bảy Núi năm 2007 tại Tịnh Biên |
Thuở xưa, người Khmer ở vùng Bảy Núi (An Giang) thường thi thố sức mạnh đôi bò.
Sau mùa gặt hái, bà con tổ chức đua xe bò chở đầy lúa đem về nhà, trên những cánh đồng khô trơ gốc rạ. Mùa mưa đủ nước cày cấy vụ mùa mới, bà con lại đua bò kéo bừa trên những mảnh ruộng đầy nước.
Từ đó thành thông lệ của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, thường tập họp đua bò đón lễ Sene Dolta cổ truyền, lúc nước lũ đầu nguồn đổ về mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng trong vùng thêm trù phú.
Từ năm 1992, hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) thay phiên tổ chức lễ hội đua bò truyền thống hàng năm.
Theo hương lộ 17, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Chi bộ ấp Tà Lọt (An Hảo, Tịnh Biên). Tuy tuổi đã hơn lục tuần nhưng ông Tấn còn mê môn đua bò truyền thống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.
Ông Tấn đã từng sở hữu đôi bò đua đoạt giải nhất 5 lần (từ năm 1998-2005), có nhiều kinh nghiệm chọn lựa con bò tốt. Đua bò truyền thống là thú vui của ông Tấn lúc nông nhàn.
Mỗi lần đoạt giải nhất, ông Tấn dùng tiền thưởng chiêu đãi bạn bè hàng xóm tới chúc mừng, sau khi bồi dưỡng người điều khiển và chi phí mua thức ăn cho đôi bò trong thời gian tập luyện. Ông không lợi dụng tiếng tăm để trục lợi mua bán bò đua.
Ông Tấn biết chăm sóc nuôi dưỡng đôi bò đua, và nay đang chỉ dẫn anh Nguyễn Thành Tài (Chau Bi) là con trai thứ ba ở chung nhà thay ông điều khiển đôi bò đua hàng năm.
Năm qua, đôi bò của anh Tài bị đôi bò của ông Chau Thanh (Tân Lợi, Tịnh Biên) vượt qua khi gần đến đích. Năm nay, nghe ngóng trong huyện có nhiều đôi bò mới giỏi hơn nên anh Tài ra sức tập luyện lại đôi bò đua năm ngoái để giành lại ngôi vô địch đã mất qua hai mùa thi đấu trước.
Quyết định thắng bại đều do kinh nghiệm người điều khiển đôi bò lanh tay lẹ mắt ở hai vòng hô và vòng thả.
Là người đoạt danh hiệu “tài xế xuất sắc” nhiều năm liền, anh Tài cho biết: “Tôi điều khiển đôi bò đua hơn 10 năm rồi, đã 5 lần vô địch. Tôi cố gắng tập luyện đôi bò quen trường đua có đông người, bốc thăm đi sau đôi bò đối thủ thì tôi đứng trên bừa nhiều hơn, cố gắng điều khiển đôi bò mình chạy qua mặt khi hết hai vòng hô không phạm luật. Sang vòng thả, đoạn từ cờ xanh đến cờ đích đen trắng (dài 90m) không cho đôi bò đối thủ đuổi kịp, thế là thắng”.
Ông Chau Chiêu ở xã Núi Tô (Tri Tôn) là nông dân Khmer say mê đua bò lúc tuổi vừa đôi tám, giờ tuổi đã hơn 48 nhưng vẫn mê đua bò truyền thống. Hai người con trai và cháu nội lên mười của ông Chiêu cũng ham thích, thường theo ông ra sân phía sau nhà để tập luyện đôi bò chuẩn bị tham dự cuộc đua năm nay.
Đôi bò đua của ông đoạt giải nhì và ba của năm trước. Ông vừa bán lúa bù thêm tiền thưởng gần năm mươi triệu đồng để mua đôi bò mới màu trắng khỏe hơn đôi cũ.
Với kinh nghiệm nhà nghề, ông Chiêu cho biết: “Chọn bò đua phải đủ tuổi và ngang sức với nhau. Vóc dáng bò phần ngực nở, phần bụng hơi thon về phía mông, đôi chân sau khỏe. Bò có đôi mắt sáng, hai sừng cong đều hướng về phía trước”.
Nhờ đứng thứ ba cuộc đua bò năm qua, đôi bò ông Chiêu được bỏ qua vòng loại cấp huyện để đi thi đấu giải mở rộng năm nay.
Ban Tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi lần thứ 17 cho biết: Lễ hội đua bò vào ngày 27/9/2008, tại sân chùa Tà Miệt, xã Lương Phi (Tri Tôn).
Theo danh sách đăng ký có 70 đôi bò ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú (An Giang) và huyện Kiên Lương, Hòn Đất (Kiên Giang) dự vòng đua tranh giải truyền thống mở rộng và giải phong trào. Đại biểu huyện Kiry Vung (Takeo-Campuchia) đến dự với tư cách khách mời của lễ hội năm nay.