Oscar cho phim Việt: Giấc mơ hay ảo vọng?

Oscar cho phim Việt: Giấc mơ hay ảo vọng?
Nếu được Hội đồng quốc gia tuyển chọn phim tham dự Oscar chọn mặt gửi vàng thì Rừng đen sẽ được gửi tranh giải Oscar 2009. Sẽ lại có những hy vọng được nhen nhóm lên, hay mãi chỉ là ảo vọng?

>> “Rừng đen” dự giải Oscar 2009?

Oscar cho phim Việt: Giấc mơ hay ảo vọng? ảnh 1
Cảnh phim Đông Dương. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.

Việt Nam từng đoạt Oscar Phim nói tiếng nước ngoài?

Theo ông Duy Anh, Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế của Cục Điện Ảnh, từ năm 1992, Việt Nam đã được “mượn” đứng ra lập hồ sơ đề cử Oscar (?!). Đó là bộ phim Đông Dương của đạo diễn người Pháp Regis Wargnier.

Tuy nhiên, với Đông Dương, vai trò của điện ảnh Việt Nam khá mờ nhạt. Chúng ta chỉ đảm nhận phần cung cấp diễn viên chứ toàn bộ ê - kíp thực hiện phim là người Pháp.

Tại Việt Nam, phim Đông Dương cũng chỉ được chiếu trên truyền hình và trôi nổi cùng thị trường băng đĩa lậu.

Sau Đông Dương, năm 1993, Việt Nam tiếp tục cho "mượn danh" đề cử Oscar, với Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Phim này cũng tiếp tục làm nên "kỳ tích" là lọt vào Top 5 đề cử giành Bức tượng vàng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Suốt thời gian này, phim Việt Nam “chính gốc” hầu như không có cơ hội nào để đặt chân vào đường chạy Oscar, đơn giản vì theo qui định của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, một trong những tiêu chí khắt khe là phim dự giải Oscar phải được chiếu thương mại (chiếu ngoài rạp có bán vé) tại Mỹ ít nhất 7 ngày.

May sao, đến năm 2004, giấc mộng Oscar lại được khởi động với bộ phim Vua bãi rác (Hãng Phim truyện VN, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn). Ngoài việc giành được một số giải thưởng Liên hoan phim quốc tế và bán được bản quyền phim tại Mỹ, theo đạo diễn, bộ phim đã bán được bản quyền cho hãng phát hành phim Canada để chiếu tại thị trường Canada và Mỹ.

Nếu đúng như vậy, Vua bãi rác đáp ứng được cả tiêu chí khắt khe kể trên. Tuy nhiên, vào giờ chót Vua bãi rác “ở nhà”, vì theo thông tin từ Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL), do chậm thời gian đăng ký. Thế là một lần lỡ chuyến…

Tuy nhiên, sau này, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã bỏ quy định bắt buộc phim tham dự Oscar phải chiếu tại Mỹ. Và theo đó, cơ hội lại mở ra cho phim Việt...

Oscar 2006, Việt Nam có Mùa len trâu, sau đó lần lượt vào các năm 2007, 2008 là Chuyện của Pao, rồi Áo lụa Hà Đông. Cuối năm 2007, 15 năm sau khi tham dự "cuộc chơi" Oscar, Cục Điện ảnh - Bộ VH –TT& DL đã xây dựng hẳn Quy chế tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài.

Quy chế này được áp dụng cho tất cả những bộ phim Việt Nam đăng ký tham dự vòng tuyển chọn quốc gia của Việt Nam để gửi tham dự Oscar.

Oscar cho phim Việt: Giấc mơ hay ảo vọng? ảnh 2

Mùa len trâu - một phim có yếu tố ngoại được chọn tham dự Oscar. Ảnh: Thế thao & Văn hóa. 

Phim dự tuyển “phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và cho phép phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước; phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện; ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và sử dụng lời thoại gốc chủ yếu bằng tiếng Việt”.

Về kỹ thuật, phim có thể chiếu được tại phòng chiếu kỹ thuật số (D- cinema). Hơn nữa, phim phải được chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liền tại Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 1/10 của năm trước đến 30/9 của năm tiếp theo.

Đặc biệt, ngoài những tiêu chí đáp ứng Điều lệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, để tránh việc tranh chấp về bản quyền, Việt Nam còn đưa ra điều kiện đối với những phim do các cơ sở điện ảnh trong nước hợp tác sản xuất với nước ngoài. Đó là phim phải được các bên hợp tác thỏa thuận bằng văn bản về việc đăng ký tham gia tuyển chọn tại Hội đồng quốc gia của Việt Nam để được gửi đi dự giải Oscar...

Cùng với Quy chế nói trên, một Hội đồng quốc gia tuyển chọn phim cũng được Bộ VH – TT& DL thành lập. Hội đồng này gồm có 11 thành viên, trong đó có các nhà quản lý, nghệ sĩ điện ảnh...

Oscar – hiện thực hay mơ?

Như vậy, rõ ràng là, với việc ra Quy chế và thành lập Hội đồng tuyển chọn quốc gia, điện ảnh Việt đã đặt một dấu mốc cho lộ trình chinh phục Bức tượng vàng Oscar. Nhưng thực tế thì, giới làm nghề cũng như những nhà quản lý có mặn mà lắm với niềm vinh dự quá xa vời này?

Theo ông Duy Anh - Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Cục Điện ảnh, phim Việt không có nhiều cơ hội ở những cuộc chơi tầm cỡ như Oscar, dù cho không ít lần phim Việt giành giải thưởng quốc tế.

Đến nay, nhiều người vẫn nhắc tới Oscar 2006 khi bộ phim Tsotsi của Nam Phi giành tượng vàng Oscar Phim nước ngoài hay nhất, trong khi bộ phim này đã thua Mùa len trâu của Việt Nam tại LHP Palm Springs trước đó. Điều này dễ hiểu bởi Ban giám khảo cũng như điều lệ mỗi liên hoan phim khác nhau.

Ông Duy Anh cũng khẳng định, việc gửi phim tham dự Oscar cũng không tốn nhiều kinh phí như những lời đồn đại. Số tiền lớn nhất là Hãng gửi phim dự thi phải in 2 bản phim có phụ đề tiếng Anh, tốn khoảng 30 triệu đồng.

Cục Điện ảnh chịu chi phí gửi toàn bộ hồ sơ sang Mỹ. Còn thông tin về việc phải in phim ra hàng ngàn bản với chi phí khổng lồ cho những người chấm giải, ông Duy Anh cho hay mới chỉ đọc... trên báo, chứ chưa bao giờ nghe nói, dù vẫn thường xuyên liên hệ với Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ!?

Oscar cho phim Việt: Giấc mơ hay ảo vọng? ảnh 3

Phim Rừng đen . Ảnh: Thế thao & Văn hóa. 

Cũng giống như mọi năm, cuộc đua Oscar năm nay vẫn chỉ có 1 "đối thủ" duy nhất. Năm 2008, Hội đồng không có sự cân nhắc nào ngoài Áo lụa Hà Đông gửi hồ sơ, dù Hà Nội, Hà Nội cũng được báo chí đánh giá cao và được báo chí xem là "đối thủ".

Năm nay, người ta lại đem Trái tim bé bỏng của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân so sánh với Rừng đen. Nhưng việc lựa chọn Trái tim bé bỏng hay Rừng đen là quyền của Hãng Phim truyện Việt Nam. Và Hội đồng quốc gia sẽ xét chọn trên cơ sở đó.

Nhìn lại năm 2007, điện ảnh Việt không có nhiều phim và không phải phim nào trong số đó cũng đủ tiêu chuẩn Derby – Sourround để chiếu trong các rạp kỹ thuật số. Vì thế mà các hãng phim cũng như đạo diễn và ê – kíp không tự tin đến với Oscar.

Đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ, trong cuộc đua tranh đề cử Oscar 2007 Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, với bộ phim truyện đầu tay của anh Chuyện của Pao từng đoạt 4 giải Cánh diều vàng trong nước, được giới thiệu tại LHP Montreal, LHP Fukuoka, LHP quốc tế Pusan... rồi đoạt thêm giải đặc biệt của LHP châu Á - Thái Bình Dương 2006, vậy mà anh cũng không không đặt nhiều hy vọng phim sẽ lọt mắt Ban giám khảo.

Rừng đen vẫn chưa nhận được cái gật đầu của Hội đồng tuyển chọn quốc gia, nên đến giờ vẫn chưa nói được gì. Chỉ có điều, ở ngay chính thị trường nội địa, phim vẫn chưa được nhiều khán giả biết đến.

Theo Thu Hằng
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG