Hồn Việt trong nhạc phẩm lớn nhất về Phật giáo

Hồn Việt trong nhạc phẩm lớn nhất về Phật giáo
TP - Những nét tinh hoa, tinh túy của nghệ thuật Việt Nam đã được chắt lọc và đưa vào bản nhạc giao hưởng hợp xướng về Phật giáo được xem là lớn nhất từ trước tới nay, tạo cho bản nhạc dù mang phong cách hiện đại nhưng không mất đi tính truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hồn Việt trong nhạc phẩm lớn nhất về Phật giáo ảnh 1
Nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo đang chỉ huy dàn nhạc trong đêm tổng duyệt Khai giác

Nhạc sĩ Việt kiều Pháp Nguyễn Thiện Đạo đã khẳng định như vậy khi nói về bản nhạc mang tên "Khai giác" do ông sáng tác và sẽ được biểu diễn tại lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 vào ngày 17/5 tới.

Có lẽ đây là lần đầu tiên có một bản nhạc dành riêng cho nhà Phật với quy mô lớn. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, gọi là quy mô lớn bởi lẽ bản nhạc "tích góp" nhiều kỷ lục: Dàn hợp xướng đông người nhất (khoảng 500 người); dài nhất (40 phút) và là chương trình giao hưởng lần đầu tiên được trình diễn trong Đại lễ Phật đản mà các đại lễ trước đây chưa từng có.

Để có thể thực hiện được một tác phẩm âm nhạc mang tầm vóc lớn ấy, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã nghiên cứu rất kỹ bài kệ dài của Phật tử Ngô Minh Thơm được viết ra bằng linh giác kỳ lạ. Ông đã mất nhiều thời gian trao đổi cặn kẽ với Đại đức Thích Đức Thiện để lĩnh hội được những tinh thần cơ bản nhất của văn hóa Phật giáo để đưa vào âm nhạc.

Sau nhiều đêm trăn trở, Nguyễn Thiện Đạo đã quyết định không viết bản giao hưởng theo 12 bán cung của âm nhạc phương Tây mà sử dụng ngũ cung được biến đổi và từ âm nhạc dân tộc để viết nên bản nhạc mang tên "Khai giác", lấy từ chữ "Ấn hiện hư vô tính khai giác".

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, trong Khai giác, ngoài nhạc ngũ cung, những chất liệu âm nhạc truyền thống như: tuồng, chèo, trống trận Tây Sơn, tài tử Nam Bộ, dân ca... được tận dụng triệt để nhưng có cách tân để phù hợp với thể loại nhạc giao hưởng.

"Ví dụ như câu niệm Nam mô A di đà Phật, tôi viết trên nền ngũ cung nhưng khi hợp xướng thì người nghe không nhận ra đấy là ngũ cung, vì dàn nhạc chơi theo kiểu giao hưởng có điểm thêm tiếng cồng, tiếng violin. Hoặc khi các nhà sư tụng kinh Bát Nhã, lời tụng sẽ hòa quyện với giọng thơ và dàn nhạc, đến cuối sẽ có một cụm nốt đẹp của hợp xướng nữ vút lên", nhạc sĩ giải thích.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cho biết thêm, sở dĩ ông đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam vào trong bản giao hưởng này, bởi trước hết ông muốn làm một việc có ý nghĩa với Tổ quốc.

Hồn Việt trong nhạc phẩm lớn nhất về Phật giáo ảnh 2
Nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo

"Là một Việt kiều sống xa Tổ quốc nhưng tâm hồn luôn hướng về quê hương, nên khi được đề nghị phổ nhạc bài kinh này, tôi nhận thấy đây là dịp để bày tỏ tấm lòng mình với đất nước.

Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật Đản, vì vậy tôi muốn có một bản nhạc đặc biệt mang đúng "chất Việt" và "tinh thần Việt", không lạc lõng trong nghệ thuật hiện đại, đồng thời là thông điệp về một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, thân thiện và yêu chuộng hòa bình.

Chính vì ý nghĩa lớn lao của Đại Lễ Phật đản 2008, tôi mới cố gắng dấn thân vào xây dựng tác phẩm này để có thể đem lại một điều mới mẻ bắt nguồn từ dân tộc, nhưng đừng nhầm lẫn dân tộc với dân ca", nhạc sĩ tâm sự.

Để chuyển từ thể loại kinh sang nhạc giao hưởng, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã chọn cấu trúc cho tác phẩm âm nhạc của mình gồm 7 chương dựa trên tích 7 tuần Thái tử Sĩ-Đạt-Ta tham thiền nhập định giác ngộ hoàn toàn trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo tổ khai sáng đạo Phật.

"Khai giác" được viết cho giọng nam cao thể hiện sự điên dại của con người; giọng nữ cực cao thể hiện xuân thì mơn mởn và giọng nam trầm diễn tả sự thịnh nộ. Lời thơ được chọn lọc và quấn quýt nhau bằng phức điệu.

Khi nghe "Khai giác", người nghe như được gợi nhớ đến những lời thơ của vua Trần Thái Tông (1218-1277) trong "Khoá hư lục": Mây sinh đỉnh núi nhiều màu trắng/ Nước đến Tiêu Tương một vẻ trong/ Mưa xuân không cao thấp/ Cành hoa có ngắn dài/ Nước chảy xuôi non đâu có ý/ Mây tuôn qua núi vốn vô tâm/ Chớ bảo vô tâm là có đạo/ Vô tâm còn cách mấy trùng quan...

Theo Đại đức, Tiến sĩ Thích Đức Thiện, bản hợp xướng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo muốn truyền thông điệp của Đức Phật về hòa bình, về trí tuệ tới tất cả mọi người trên thế giới để cùng xây dựng thế giới hòa bình, an lạc, đúng với tinh thần của ngày Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc.

MỚI - NÓNG