Năm 1945, ngôi đền ấy mở cửa đón nhà văn thứ nhất đến từ châu Mỹ la tinh, nữ thi sỹ Gabriela Mistral (1889 – 1957), người Chi lê. Sau kỷ lục 30 năm được đề cử, cuối năm nay, cụ bà Doris Lessing, Vương quốc Anh, sinh năm 1919, đường hoàng nhập làng Nobel, và nghiễm nghiên trở thành “trưởng họ”!
Chín thập kỷ đầu của giải, hầu như mỗi thập kỷ chưa đến một Nobel được dành cho phái đẹp. Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, phái này được tặng ba giải. Bảy năm đầu thế kỷ XXI, số giải đó đã là hai. Bất công nam nữ đáng buồn trong Nobel từ nay sẽ được khắc phục vĩnh viễn ?
Trái tim nhân ái và đầy nhiệt huyết
Nobel 1926 Grazia Deledda (1871- 1936), người Italia, xuất thân khá giả, về sau sống trong nhung lụa, nhưng gắn bó với dân thường và chỉ viết về họ. Khám phá lớn của bà dường như chưa được nhận chân hết: ở đâu và thời nào cũng vậy, các phó thường dân đều tốt bụng và bao dung.
Cũng thích sống thầm lặng như Grazia Deledda, nhưng nữ văn hào Nauy Sigrid Unset (1882 – 1949) sẵn sàng lên tiếng phản đối phát xít Đức, và phải lánh sang Mỹ trong Đại chiến II.
Tại đây, tiếng nói hòa bình và công lý của bà rung động không chỉ dư luận Hoa Kỳ bấy giờ. Tình mẫu tử là sứ mệnh cốt tử của người phụ nữ. Tư tưởng này thấm nhuần trong toàn bộ tác phẩm của Unset và cho đến nay, vẫn bị tranh cãi ngay trong “thế giới toàn đàn bà”.
Chính kiến như lập trường sống tạo nên sức lôi cuốn trong sáng tác của Tony Morrison, sinh 1931 tại Mỹ, Nobel 1993 và của Nadine Gordimer, sinh 1923 ở Nam Phi, Nobel 1991.
Cả hai đều chống phân biệt chủng tộc, song Tony Morrison “an nhàn” còn Nadine Gordimer, da trắng, quyết liệt hơn và nhất định không bỏ Tổ quốc khi mà chủ nghĩa Apatheid hung mãn tột đỉnh.
Thực tế hơn đồng nghiệp Hoa Kỳ, Wislawa Szymborska, Ba Lan, sinh 1923, Nobel 1996, vững tin vào sức mạnh của ngôn từ nói chung và của thơ ca nói riêng. Cảm hứng khởi nguồn từ tâm niệm “tôi không biết” của mỗi cá nhân.
Nó kích thích và tạo ra nghị lực sáng tạo phi thường. Ít ra, lao động với cảm hứng đã là niềm vui và hạnh phúc. Được vậy, ai cũng không e ngại tuổi già và mãn nguyện khi vĩnh biệt thế gian.
Người đàn bà Hoa kỳ mang trái tim Trung quốc
Căn nguyên thành công quan trọng của các nghệ sĩ ngôn từ là sự gắn bó sâu sắc với một vùng đất, tức là với tâm hồn một cộng đồng nhất định. Trong văn học thế giới, Nobel 1938 Pearl Buck (1892 – 1973), người Mỹ, còn làm được hơn thế.
Bà ra đời tại Mỹ, nhưng được cha, một nhà truyền giáo, đưa theo sang Trung Quốc. Từ thời trẻ, bà đã đấu tranh quyết liệt cho quyền lợi của các em bé lai Trung-Mỹ.
Trong 40 năm viết văn, bà cống hiến cho độc giả không dưới 80 tác phẩm. Hầu hết được đón đọc như chuyện cổ tích hiện đại. Sức cuốn hút của chúng nằm ở tâm hồn người vĩnh cửu toát ra cảm động qua từng mẩu đối thoại hay phong cảnh bên ngoài.
Bà được coi như một văn hào Trung Quốc, thân thương và gần gũi không kém Lỗ Tấn, Ba Kim hay Quách Mạt Nhược…
Từ Bình Tâm
(theo tư liệu nước ngoài)