Bàn chuyện thu phục nhân tài

Bàn chuyện thu phục nhân tài
TPO - Cổ nhân đã dạy "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Thời đại toàn cầu hóa thì chất xám quyết định quốc gia nào sẽ tiến lên và ai là người tụt hậu. Nếu không có chính sách ưu đãi nhân tài và tạo điều kiện để họ phát triển thì nguyên khí sẽ bay đi.

>> Hết thời "tiến sĩ giấy" ?
>> 'Chảy máu chất xám' đang diễn ra ở các cơ quan Nhà nước

Bàn chuyện thu phục nhân tài ảnh 1
Một lễ tuyên dương các thủ khoa tại Hà Nội. Ảnh : Phạm Yên

Chuyện muôn thuở "đất lành chim đậu", một qui luật tự nhiên của dòng chảy chất xám từ quê ra tỉnh, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Chảy máu chất xám có tự bao đời

Từ thế kỷ 18 đã có làn sóng chất xám chảy từ châu Âu sang châu Mỹ. Những năm 1930, một dòng chảy từ Đức sang Anh và Mỹ vì ở Đức không được tự do ngôn luận, các nhà khoa học Do thái rất giỏi nhưng bị ngược đãi. Người phát ngôn Hoàng gia Anh nhắc đến  "Brain Drain" (chảy máu chất xám) trong những năm 1950, nhiều nhà khoa học của Anh quốc tìm đường sang Mỹ vì đồng tiền bát gạo và điều kiện làm việc tốt hơn.  

Sau khi gia nhập EU năm 1991, hơn một triệu công dân Ba lan trẻ dưới 35 tuổi, có học hành di cư sang Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và các nước giầu có khác. Ngay tại nước phát triển như Đức thì 5 năm gần đây đã mất 140 ngàn trí thức ra đi tìm thế giới mới vì lý do kinh tế.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, người ta tư nhân hóa nghiên cứu khoa học. Các viện sỹ xưa kia với bao ưu đãi lại rơi vào thảm cảnh mất việc, sống trong nghèo khó nên đã sang các nước giầu làm việc. 

Vì sao ra đi ?

Trí thức ra đi vì nhiều lý do và thường gặp nhất là vì kinh tế. Với xu thế toàn cầu hóa, nơi nào lương cao, chế độ ổn định, môi trường làm việc thân thiện lại có điều kiện vươn lên thì hiển nhiên người có học sẽ chọn "tạm" làm quê hương mới. 

Gặp một nhà toán học Việt nam đang định cư ở Paris (Pháp). Anh từng công tác tại một viện khoa học tầm cỡ quốc gia nhưng lương bổng không đủ chi trả cho con học mẫu giáo ở Hà nội. Triết lý của anh đơn giản:"Người trí thức mà không làm ra đủ tiền để nuôi bản thân và gia đình thì đừng mong họ có kết quả nghiên cứu khoa học tốt. Phương Tây đánh giá con người theo năng lực. Ở viện cũ, tôi được xét thăng tiến theo lý lịch và sự quen biết". Anh quyết định tham gia dòng chảy chất xám toàn cầu.

Đối với nước nghèo thì chảy máu chất xám quả là tai hại, nhất là các nước có chế độ nhà nước trợ cấp cho ngành giáo dục cao và đại học như Việt Nam. Một quốc gia mất công đào tạo và anh khác giầu hơn đôi chút chỉ đợi thời cơ để "rước" về với mức lương trung bình thậm chí là kém ở nơi mới nhưng lại là cao ngất ngưởng so với mức người trí thức đang hưởng tại quê nhà.

Đã bị chảy máu chất xám lại mất tiền thuê chất xám khác về làm việc. Châu Phi mất khoảng 4 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thuê 150 ngàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc vì nơi đây tỷ lệ chất xám bỏ tổ quốc ra đi vào loại cao trên thế giới. Ở Mỹ La tinh, Jamaica và Haiti vẫn nghèo vì đến 80% chất xám ở nước ngoài.

Xuất khẩu chất xám hay nắn dòng chảy chất xám ?

Quốc gia lớn thu hút chất xám chính bằng sức mạnh kinh tế. Người Mỹ rất thành công trong việc nắn dòng chảy chất xám tự nhiên vào nước họ. Sau chiến tranh những nhà khoa học Đức vĩ đại như Wernher von Braun hay Einstein đã được mời về với một sự ưu đãi đặc biệt. Đó là chìa khóa đi đến thành công của chương trình vũ khí nguyên tử hay tên lửa hành trình sau này của Hoa Kỳ.  Rất nhiều nhà khoa học được giải thưởng Nobel tại Mỹ nhưng không phải sinh ra ở đó. 

Nói đến xuất khẩu chất xám thì Ấn Độ và Trung Quốc khá thành công. Họ cử người đi học, khuyến khích ở lại làm thêm một thời gian tại nước sở tại để có kinh nghiệm và tiền bạc rồi quay về. Nhà nước có ưu đãi lớn cho kiều dân, chính sách visa và quốc tịch mềm mỏng, cộng thêm một vài lợi thế khác. Chính phủ Trung Quốc dành cho các chuyên gia Hoa kiều cao cấp được hưởng chế độ lương đặc biệt, con cái được học trong những trường lớp tốt nhất để họ có cảm giác không thấy sự khác biệt lớn giữa làm việc ở nước ngoài hay tại quê nhà.

Một nước thu nhập trung bình có chính sách quốc gia khuyến khích chất xám ra đi nhưng vẫn có lợi đó là Philippines. Cứ mười người Philipines có một người ra nước ngoài làm việc. Hàng năm họ đóng góp khoảng 10 tỷ đô la, tương đương với 12% thu nhập quốc gia.

Chất xám Việt Nam liệu có bị chảy máu ?

Cụ Hồ trong một chuyến sang Pháp đã mang về một đội ngũ trí thức trẻ. Sau này, họ trở thành những cán bộ đầu ngành và thực sự đã đặt nền móng khoa học cho nước nhà.

Những năm 60-70, hàng chục vạn trí thức trẻ được đào tạo ở các nước XHCN cũ đã quay về xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chất xám một thời đã ra đi và quay về mà không cần một lời kêu gọi. Họ về cội nguồn vì nghĩa lớn đó là tình yêu đất nước. Số đông đang đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước thoát nghèo và đạt thu nhập 1000$/người vào năm 2010.

Ngày nay, với xu thế toàn cầu hoá đã có những trí thức Việt nam ra đi nước ngoài làm việc. Số đó cũng chỉ chiếm khoảng 1-2% toàn bộ những người được đào tạo đại học và trên đại học, con số quá nhỏ bé so với Trung Quốc (5%), Ấn Độ (7%), Châu Phi (50%) hay Mỹ La tinh (60%).

Nếu như phần trăm kia cao chút nữa thì hẳn chúng ta có lý do để tự hào vì phần trăm càng lớn nghĩa là trí thức càng có giá. Để làm việc ở môi trường quốc tế, người trí thức phải giỏi thực sự, có trình độ cao về ngoại ngữ. Lo lắng thay những "trí ngủ" đang ngồi tại các viện nghiên cứu không biết làm gì ngoài vài đề tài khoa học phi thực tế, với đồng lương và trợ cấp đề tài còm cõi mà đồng tiền ấy lại do dân đóng thuế.

Ước mong giá như họ đủ tự tin vào làm việc tại các công ty nước ngoài, liên doanh đa quốc gia hay các viện nghiên cứu quốc tế để xem mình có là "ai". Sau vài năm công tác, va chạm trong cạnh tranh khốc liệt sẽ học được thêm nhiều, tự hoàn thiện bản thân và họ quay lại giúp đất nước. Có bao nhiêu "tiến sỹ giấy" đang "ăn bám" đất nước ? Đó có phải là chất xám thật không hay chỉ là "nguyên khí ảo" đang ngồi than cơ chế ? 

Gần đây, số sinh viên Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến. Hiện có hơn 6.000 trí thức trẻ đang học tại đây. Trong 5 hay 10 năm tới, khoảng 20.000 tiến sỹ trẻ sẽ được đào tạo. Lời khuyên của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân "nếu không có cái mới thì đừng làm tiến sỹ" là một hứa hẹn tốt đẹp cho đất nước. Số này dễ bị cuốn theo dòng chảy chất xám toàn cầu. Dầu vậy, thông qua chính sách VISA chặt chẽ và có thời hạn, các nước phát triển như Mỹ, Australia, EU cũng đang giúp sinh viên các nước nghèo đi du học, làm việc một thời gian, có tích luỹ kinh nghiệm, tiền bạc và sau đó phải quay về phục vụ đất nước.

Bàn chuyện thu phục nhân tài

Chúng ta có đội ngũ trí thức kiều dân khá lớn ở khắp năm châu. Khá đông có trình độ cao, hiểu biết luật pháp quốc tế và mối quan hệ rộng rãi chính là kho báu cho Việt Nam. Nhiều người còn mối ràng buộc sâu sắc với đất nước.

Chỉ cần Việt nam là nơi "đất lành" thì "chim sẽ đậu". Cần có chính sách tốt về kiều dân, VISA hay quốc tịch mềm dẻo, sở hữu tài sản công bằng, luật về đầu tư nước ngoài thông thoáng có tính đến yếu tố người Việt, không phân biệt nguồn gốc, đánh giá con người qua khả năng hơn là lý lịch. Đôi lúc cần cả việc chú ý lắng nghe sự khác biệt – lý do chính của việc ra đi - sẽ thu hút được chất xám về, giữ được nguyên khí quốc gia không bay đi.

Người trí thức cũng đời thường và có nhu cầu về cuộc sống như bao người. Họ phải giải bài toán hóc búa về yêu quê hương xứ sở bằng cách nào cho tốt nhất. Tôi đã đi du học và quay về phục vụ đất nước 18 năm. Tự nhận thấy chất xám của mình được sử dụng với hiệu quả đáng ngờ, tiêu tiền của dân nghèo cho những báo cáo khoa học vô tích sự trong khi bản thân vẫn không đủ ăn, vợ con nheo nhóc, đành phải ra đi...

Rất nhiều người trí thức đang ở hải ngoại vẫn mong ngày nào đó có dịp quay về cố hương. Điều đó rất phụ thuộc vào những người có khả năng nắn dòng chảy chất xám hướng về đất Việt. 

Hoa Lư
Từ Washington DC

Ý kiến của bạn về vấn đề này ? 

Ý kiến bạn đọc

Một bạn đọc

Tôi đã nghe rất nhiều từ "Chảy máu chất xám", nhưng hiện tại có một vấn đề đang đặt ra là có thật sự chảy máu chất xám hay không, hay trong các cơ quan nhà nước người đứng đầu cơ quan tuyển mộ các con em diện "Con ông, cháu cha" vào để đảm trách những chức vụ quan trọng, quyết định mọi vấn đề đẩy lùi những cán bộ có trình độ năng lực làm cho họ cảm thấy tài năng của mình không được trọng dụng nên tìm đến các Cty, doanh nghiệp nước ngoài.

Muốn thu hút nhân tài nhiệm vụ trước tiên là nên kiểm tra lại số cán bộ trong các ban, ngành, hiện nay có bao nhiêu người thuộc "Cháu Giám đốc sở"; "Rể phó chủ tịch huyện"; "Con bí thư huyện"...

Việc quan trọng hiện nay là nên xem lại trong các cơ quan nhà nước có bao nhiêu cán bộ là người thân, con, cháu của những người có chức có quyền, nhưng không có tài.

Trường Sơn, Email: xh5253

Nhân tài đất Việt không phải không có...

Tỉnh, thành phố nào cũng có chính sách chiêu hiền đãi sĩ nhưng... Người trí thức không phải vì mấy chục triệu để về ngồi không để rồi bị sai vặt kiểu như kiến trúc nhà hát anh chỉ đạo xây như trạm xăng, đường du lịch ven biển anh chỉ đạo xây như đường cao tốc...

Tôi nghĩ người giỏi trong dân rất nhiều nhưng hiện nay chưa có chính chính sách thật để huy động; nếu có dùng nhưng không sử dụng hoặc sử dụng lại không tin - đó là căn bệnh chưa chữa được của một số công chức lãnh đạo hiện nay.

Họ chỉ thích dùng người nhà, êkíp nịnh hót và loại người có bằng cấp, trình độ lôm nhôm để dễ sai khiến. Theo tôi cần phải "đốt" đi thế hệ "tiến sĩ giấy" vừa qua mới có được Tiến sĩ thật hôm nay và ngày mai; người tài mới thật là người tài, đất nước mới sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.

Nguyễn Duy Kiều, Email: duykieuhd@live.com

Liệu có uổng công ?

Tôi thấy nội dung bài báo và các ý kiến đóng góp rất hay. Nhưng kết cục lại chỉ những người tham gia trên diễn đàn này đọc với nhau thôi. Cái cần tác động để có thể thay đổi là phải tới giới quan chức và hệ thống luật pháp, pháp lệnh ... vì hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo vẫn được bổ nhiệm từ trên xuống, quản lý bằng mệnh lệnh.

Mỗi ông quan lại có quyền bổ nhiệm nhiều ông quan cấp dưới khác. Làm gì có cơ hội cho người tài? Với cơ chế này thì chỉ "người tài" nào nằm trong phe cánh của quan mới được trọng dụng.

Khi đã được trọng dụng rồi thì họ lại không cần 'tài' nữa. Kết quả là hiền tài bị thui chột. Cho nên muốn thay đổi thì phải mạnh dạn phanh phui những nguyên nhân ở mọi cấp thì may ra mới có thể thay đổi.

Nguyen Thị Tiep, Email: tiephcm@yahoo.com

Ai, cơ quan nào sẽ giải quyết vấn đề này ?

Tôi rất quan tâm đến nội dung này và nhất trí với các quan điểm đã được đăng tải, tối rất đồnh tình với ý kiến của bạn Trung Thực. Chúng ta cần phải có các việc làm cụ thể về việc phát hiện bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ người tài.

Đồng thời cũng cần phải phát hiện, loại bỏ những người không thật tài mà đang nắm giữ quyền sắp xếp, bối trí nhân sự, hoặc có đóng góp cho khoa học ít mà đang có học hàm, học vị cao.

Và điều quan trọng hơn là làm sao, ai , cơ quan nào sẽ làm việc này hiệu quả nhất ?

Khổng Quốc Tử

Tôi hoàn toàn cảm thông và chia sẻ với những suy nghĩ của "phần lớn" những trí thức có trình độ khi "vì miếng cơm, manh áo" mà phải đến những nơi đất khách quê người để làm quê hương thứ 2 của mình, song chúng ta cũng cần cảm nhận rõ một điều, mà thực tế chúng ta phải xem xét và chấp nhận, đó là: Đất nước ta trải qua bao năm tháng chiến tranh tàn khốc, sau khi chiến thắng kẻ thù chúng ta tiếp tục xây dựng đất nước trên một nền kinh tế lạc hậu, chủ chủ yếu dựa vào lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân.

Một bộ phận không nhỏ những trí thức lúc bấy giờ đã tình nguyện trở về hay ở lại đất nước để xây dựng đất nước, lại có không ít những người vì "tiền" mà quyết định ra đi để rồi chính họ là một trong những người "kìm hãm" sự phát triển của đất nước.

Khi đất nước ta đổi mới, hội nhập và phát triển thì bắt đầu họ lại quay lại với quốc gia, đó cũng là điều đáng trân trọng và đáng quý. Chúng ta biết rõ rằng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" có nghĩa là người có tài mà không hiền (và ngược lại) thì đâu phải là nguyên khí của quốc gia, thiếu một trong 2 yếu tố đó thì làm việc gì cũng khó.

Thiết nghĩ rằng: Khi Đảng và Nhà nước ta đang cố gắng thu hút nhân tài để phát triển nguồn nhân lực cao, hơn lúc nào hết ta phải chọn được những người thực tài, thực hiền thì đó mới là đáng quý và đúng như định hướng của Đảng, Nhà nước ta.

Do vậy cần có cơ chế chính sách cho phù hợp làm sao để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại quê nhà mà vẫn giữ chân được họ, đó mới là chính sách tối ưu, hơn hẳn khi họ đã ra đi rồi mới mời họ quay trở lại đất nước.

Phan Viết Thảo, Email: pvthao07@gmail.com

Tôi sinh ra lớn lên học hành từ thời bao cấp phải thừa nhận rằng việc học hành thời đó tuy trong điều kiện khó khăn về kinh tế nhưng hết sức nghiêm túc. Thời đó đậu đai học là niềm vinh dự cho cả gia đình và dòng họ.

Học hành thời nay kiếm bằng tiến sỹ quá ư là bình thường, mọi người có thể tự xoay xở bằng mọi cách nếu như muốn. Còn nói về bằng đại học thì thôi rồi ,đủ mọi loại hình đào tạo nào chuyên tu ,tại chức ,từ xa,mở rộng ,dân lập liên thông... miễn là có tấm bằng để làm hành trang xin việc.

Học hành thời nay có điều kiện nếu như ai có tâm huyết thi họ học rất giỏi, số người đó thường thì làm cho các doanh nghiệp nước ngoài số còn lại thì... Chất xám ngày càng bị bóp méo bởi mấy cái bằng được sản sinh ra trong cơ chế thị trường này.

Trung Thuc, Email: truth2007@yahoo.com

Đề tài này đã được đề cập nhiều không những trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn được thảo luận rất nhiều lần tại các cuộc họp của các vị lãnh đạo cấp cao nhưng quả thực chưa có giải pháp cụ thể.

Vậy hành động như thế nào để sinh viên ra trường có kiến thức tốt, Tiến sỹ và Giáo sư có nhiều đóng góp cho xã hội? Cần mạnh dạn đưa ra hành động cụ thể như sau:

1. Đối với Sinh viên: Khác với cách đào tạo ở Việt nam, ở nước ngoài giáo viên lên lớp chỉ truyền đạt cho sinh viên cách tiếp cận kiến thức dựa trên các Slideshows để sinh viên có cái nhìn tổng quan và sau đó họ phải tự tìm tài liệu để tra cứu. Như vậy ngoài kiến thức chuyên môn ra, sinh viên cần phải trang bị kiến thức ngoại ngữ tốt để tham khảo tài liệu nước ngoài mà chủ yếu bằng tiếng Anh.

Đối với Việt nam, các giáo trình dạy cho sinh viên hầu như ít được cập nhật kiến thức mới, do vậy buộc sinh viên phải nghiên cứu thêm tài liệu nước ngoài thì mới nâng cao trình độ lên được. Như vậy yêu cầu đối với 1 sinh viên Việt nam trước khi nhận đề tài tốt nghiệp cần phải có bằng TOEFT IBT ( tương đương với 450 điểm paper TOEFT) hoặc IELTS 5.0. Chứng chỉ trên sẽ được cấp tại Bộ Giáo Dục và Đào Tạo hoặc Chứng chỉ quốc tế nhằm tránh hiện tượng tiêu cực.

2. Đối với Giáo sư, Tiến sỹ - Chế độ đãi ngộ Sản phẩm trí tuệ sẽ đựợc đo bằng các bài báo quốc tế. Đó là cách duy nhất mà các nước Châu Âu, Mỹ đang áp dụng đối với tầng lớp trí thức.

2.1. Tiến sỹ: Thế nào là 'Tiến sỹ giấy' Tiến sỹ thật ? Khi đã có bằng Tiến sỹ rồi thì ai mà chẳng vỗ ngực coi mình là giỏi. Vậy Giải pháp như sau:

 a. Đào tạo Tiến sỹ trong nước:  Tránh tình trạng 'Thừa thày, thiều thợ' như xã hội hiện nay, các hệ Chuyên tu, Tại chức không được tham gia vào làm nghiên cứu sinh. Trước khi bảo vệ luận án phải có 1 bài báo quốc tế, 2 bài báo hội thảo quốc tế trong 3 năm nghiên cứu. ( ở nước ngoài yêu cầu 1 TS phải có 3 bài báo quốc tế, chưa kể các báo khác)

b. Hoạt động nghiên cứu đối với Tiến sỹ trong nước: Trong 5 năm nghiên cứu bắt buộc phải có 1 bài báo quốc tế hoặc 2-3 bài báo hội thảo nước ngoài.

2.2. Giáo sư:

- Trong 3 năm nghiên cứu phải hướng dẫn thành công ít nhất 1 Tiến sỹ.

- Trong 3 năm nghiên cứu phải có 1 bào báo quốc tế (đứng tên GS).

Chế độ đãi ngộ: Chính phủ phải có chính sách 'Đặc biệt' nhằm 'Cải tổ nền trí thức Việt nam' để làm sao người trí thức không phải lo đến 'Miếng cơm, manh áo' khi làm việc thì mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn như hiện nay.

Theo như các nước Châu Âu, Mỹ, thu nhập bình quân sau thuế của 1GS là 5000EURO và 1 Tiến sy là 2500EURO/ tháng. Với mức sống cao hơn Việt nam (Hà nội, HCM) khoảng 2-3 lần.

Như vậy tôi đề xuất mức lương cho các GS, TS Việt nam như sau: Giáo sư : 2000 USD/ tháng, Tiến sỹ 1000 USD/ tháng ( Xin lưu ý rằng: Mức lương này sẽ áp dụng theo thang bậc và thời gian công tác. Chẳng hạn ở Nước ngoài có GS C1, C2, C3, C4 . Còn Tiến sỹ tính theo thời gian công tác và mức độ đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, ngoài chế độ đãi ngộ như trên thì sẽ có chính sách xử phạt rõ ràng. Cụ thể, trong thời gian nghiên cứu mà không thỏa mãn các điều kiện ở điểm 2.1. 2.2 thì những GS, TS đó sẽ bị tước phong hiệu và công bố trên Blacklist.)

Với số tiền dự kiến trên, tuy có thể là nhiều so với thu nhập bình quân đầu người trên cả nước nhưng còn hơn là để cho nền tri thức bị 'rỗng'.

3. Đề tài nghiên cứu khoa học: Thật xót xa khi hàng năm nhà nước mất bao nhiêu tiền đầu tư vào nghiên cứu mà không đem lại kết quả, sáng kiến là bao. Nhiều đề tài tiền Tỷ nhưng hàm lượng khoa học thì không có, số liệu đo đạc thì rời rạc, chắp vá, vay mượn.

Vậy Giải pháp như sau: Đối với đề tài nghiên cứu từ cấp Bộ trở lên, nếu số tiền nghiên cứu từ 1 tỷ VNĐ đến 2 tỷ VNĐ thì Chủ nhiệm đề tài bắt buộc phải đứng tên ít nhất 1 bài báo quốc tế, chưa kể báo trong nước. Từ 2 tỷ đến 5 tỷ VNĐ phải có 2 bài báo quốc tế .

Xin thưa rằng: Mỗi bài báo quốc tế nếu nhanh thì cũng ít nhất 5 tháng , đó là chưa kể bị trùng với kết quả người khác đã nghiên cứu thì sẽ không có cách nào khác là tìm đề tài mới.

Trên đây là những chia sẻ thẳng thắn nhằm chấm dứt tình trạng ' nói không đi đôi với làm' và để nâng cao vị thế nền trí thức của Việt nam.

Anh Tử, Email: kieuphong2008@yahoo.com.vn

Để chất xám ngừng chảy

"Theo tôi, muốn sử dụng được người tài thì người lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức ở các cơ quan phải là người tài" tôi rất tán đồng ý kiến này của bạn Nhân Hòa. Vì lãnh tạo cơ quan phải là người tài thì mới đánh giá được năng lực, tài trí của một người, mới thấy được ai thật sự có tài, ai chỉ giỏi nịnh hót....và chỉ người lãnh đạo có tài mới có bản lĩnh, mới đủ can đảm từ chối những nhân viên bất tài nhưng lý lịch là COCC (bởi vì những lãnh đạo bất tài, kém năng lực rất sợ đụng chạm đến người này người nọ sẽ dễ bị mất chức).

Thống kê chỉ ra bao tỉnh thành chiêu hiền đãi sĩ nhưng có mấy tỉnh đạt hiệu quả?  Có phải lãnh đạo sợ người giỏi hơn mình nên những người tài đều không được dùng... rồi lại bỏ đi. Cụ thể theo tôi biết ở một BHXH tỉnh GĐ chỉ nhận vào toàn COCC dù rất kém năng lực nhưng vẫn được GĐ quy hoạch, đề bạt... còn người tài thì suốt đời chỉ là lính. Để "chất xám không bao giờ chảy" chỉ khi nào không còn những vị GĐ như thế.

Quản Tuấn Ngụ, Email: quantuanngu@yahoo.com

Mỗi lần nói đến vấn đề này, bàn đến chuyện này rồi đối chiếu với tình hình thực tại hiện nay sao mà xót xa đến vậy. Chuyện chọn người tài ra làm việc cho dân, cho nước nó không phải chuyện mới có đây, mà nó có từ ngàn đời nay.

Nhưng sao bây giờ chọn người tài, thu phục người tài mà giữa lời nói đến hành động cụ thể nó xa vời vợi.

Người ta cứ đổ tại cơ chế, nhưng thực tế cho thấy, con người tạo ra cơ chế chứ không phải cơ chế tạo ra con người. Vậy thì tại sao con người không thay đổi cơ chế cho phù hợp. Hay nói một cách khác những người có trách nhiệm phải thay đổi cơ chế sử dụng người tài kịp thời không thể dùng dằng để tạo kẽ hở cho tiêu cực, trong khi đó người có trách nhiệm rất ít khi bị chịu các biện pháp chế tài qui định.

Thu phục nhân tài- khi vào làm việc qua tuyển chọn không phải đút lót-tạo điều kiện làm việc phù hợp tối đa- chế độ đãi ngộ xứng đáng thì mới thu phục lâu dài. Thu phục nhân tài không chỉ bằng lời nói suông trong văn bản, trên giấy tờ.

Nhật Hoà, Email: nhathoa2003@yahoo.com

Đọc bài viết của bạn Hoa Lư và các ý kiến đóng góp khác tôi rất tâm đắc. Tôi xin có một ý kiến nhỏ của mình. Theo tôi, muốn sử dụng được người tài thì người lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức ở các cơ quan phải là người tài.

Đáng tiếc là hiện nay ở một số cơ quan nhà nước, cán bộ tổ chức (người tham mưu trực tiếp về nhân sự cho cấp trên) lại là những người không có năng lực. Vì không bố trí làm được các công việc chuyên môn, lãnh đạo bố trí họ làm công tác tổ chức. Do vậy việc không thu hút và sử dụng được những người có năng lực thực sự làm việc là điều dễ hiểu.

Tôi biết có trường hợp Trưởng phòng, Phó phòng tổ chức của một cơ quan giữ chức vụ đã 10 năm nay mà chưa hề có bằng Đại học.

Quảng ninh, Email: THCNcampha

Thực sự có cần người tài ?

Trên diễn đàn ai ai cũng thấy những lời nói của các bậc lãnh đạo đáng kính từ Trung ương đến địa phương về việc "Chiêu hiền đãi sĩ", "Trải thảm đỏ để đón nhân tài", nhưng thực sự khi nhìn vào họ làm mới thấy rằng cần phải xem lại.

Chính vì vấn đề này mà câu hỏi đặt ra là "Thực sự có cần người tài?". Chúng tôi đang cố gắng để học tập thật tốt, để xác định sau khi ra trường trở về cống hiến, xây dựng quê hương, nhưng thực tế thì không phải như vậy, việc họ nói thì cứ nói còn làm thì...

Lấy một dẫn chứng cụ thể: Trong tháng 11/2007 có một trường T.Học chính thức được Bộ phê duyệt đề án nâng cấp thành trường Cao đẳng và nhà trường cũng đã có đề án bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nhà trường, về năng lực quản lý thì những người thuộc thế hệ chúng tôi không đưa ra để nói, nhưng điều đáng nói ở đây là toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường chưa ai tốt nghiệp nổi thạc sĩ, không ai được đào tạo chính quy từ một trường Đại học nào đó trong cả nước.

Câu hỏi đặt ra là chúng tôi có nên tin vào những điều các vị nói không? Không cần phải cố gắng thi và học làm gì, hay chỉ cần có quan hệ và có tiền ?

Đây chỉ là một bức xúc nhỏ của một sinh viên Quảng Ninh đang học chương trình sau đại học sắp ra trường, nhìn và ngẫm, buồn cho mình thì ít nhưng buồn cho quê hương mình thì nhiều...

Nguyễn Trung Dũng, Email: dung_ctptktxd@yahoo.com

Phải làm gì để có được nhân tài thật sự cho đất nước ?

Tôi rất đồng ý với nguoigopy@yahoo.com, Đào tạo nhân tài phải có quy chế đào tạo chặt chẽ, quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng. Chứ ai như đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ ở nước ta: Đại học tại chức, chuyên tu, Hệ mở, ..vvv đều có thể trở thành Thạc sỹ, Tiến sỹ. Đúng là chuyện lạ có thật ở Việt Nam.

Biết khi nào mới thay đổi được, biết khi nào các nhân tài mới thực sự yên tâm muốn cống hiến cho đất nước ? Tôi mong các nhà chức trách suy ngẫm, mong các nhân tài trí thức thực sự hãy cùng nghiên cứu đề ra một hướng đi đúng cho đất nước trong vấn đề này.

Hoàng Mạnh, Email: Hungmanh261@yahoo.com

Thu phục nhân tài, cần có một giải pháp cụ thể hữu hiệu

Tôi thấy bài của bạn Hoa Lư đi thẳng vào thực trạng và phân tích sâu sắc vấn đề đang nổi lên hiện nay là đào tạo và thu phục nhân tài của nước ta. Tôi xin đóng góp một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Thứ nhất: Đừng nên mất công sức và thời gian vào việc chỉ trích các Tiến sĩ của ta hiện nay kẻo ta phụ lòng những trí thức chân chính đang ngày đêm khắc phục khó khăn để đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Một bộ phận họ rất tài năng và tâm huyết muốn được cống hiến nhưng điều kiện lại không có: Chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng, Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu không đáp ứng được yêu cầu hoặc cơ quan chủ quản không tạo điều kiện cho họ.

Bộ phận còn lại trình độ chưa cao, một phần do họ trọng danh hơn thực, nhưng cũng còn có lý do khác buộc họ phải có: Do quy định ở vị trí công tác cần có, do sức ép nhà trường lên Đại học, Cao đẳng buộc họ phải có bằng Tiến sĩ.

Thứ hai : Về vấn đề đào tạo Nhân tài ta phải giải quyết thoả đáng giữa yêu cầu về số lượng và chất lượng. Một mặt ta gửi đào tạo tại các nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu Thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ Anh, Pháp..

Mặt khác ta đào tạo trong nước nhưng phải có quy chế chặt chẽ và yêu cầu cao hơn như: Đề tài phải giải quyết cái mới và có ứng dụng thực tế sản xuất và đời sống..

Thứ ba : Thu hút nhân tài, ta phải giải quyết hai vấn đề cơ bản là sự đãi ngộ thoả đáng về vật chất để họ có đầy đủ điều kiện cống hiến nhưng theo tôi quan trọng hơn là xác định mục tiêu cống hiến của họ: Họ cống hiến cho ai? Thời Bác Hồ thì họ về Tổ quốc cống hiến cho mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Còn giờ đây, họ cống hiến cho sự nghiệp CNH-HĐH vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh chứ không phải cho mục tiêu nào khác.

Thứ tư: Sử dụng nhân tài ngoài chế độ đãi ngộ về vật chất, ta phải tôn vinh họ bởi sản phẩm của họ là loại đặc biệt không thể đo đếm ngay được và đặc biệt không được sử dụng kiểu vắt chanh bỏ vỏ bởi sự sáng tạo và sức khoẻ con người có giới hạn.

Cần trân trọng những gì họ cống hiến cho quốc gia, dân tộc này. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", vậy thì để quốc gia hưng thịnh ngày mai, việc đào tạo và thu hút nhân tài hãy bắt đầu từ ngày hôm nay.

Le Van, Email: levanth@msn.com

Tôi thấy bài viết này đã đưa ra các ý kiến rất xác đáng. Những người có trách nhiệm, có thẩm quyền nên học hỏi và sửa chữa từ các ý kiến của những người có tâm huyết, có cái nhìn đúng đắn như thế.

Lẽ dĩ nhiên, một khi bất tài, thất đức mà làm quan thì nhân viên dưới quyền có khả năng sẽ không được dùng. Nếu cho anh ta cơ hội, chẳng phải vị quan đó tự loại mình ư ? Phải tạo vùng đệm an toàn chứ!

Chúng ta nên xem lại thế nào là nhân tài thực sự. Sau nhiều năm phát triển ở điều kiện thuận lợi, lẽ ra sức mạnh kinh tế của ta phải khác. Thử hỏi các ngành kinh tế chủ chốt của ta có sức cạnh tranh đến đâu? Nếu nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của Nhật sau chiến tranh, đó sẽ là những bài học đáng quý cho chúng ta. Họ có những người làm nên các thương nổi tiếng như Toyota, Sony...mà những người đó đâu có phải là những giáo sư, tiến sỹ?

Vậy chúng ta cần nhiều tiến sỹ làm gì? Phải chăng thấy tỉ lệ tiến sỹ ở các nước tiên tiến cao nên chúng ta cũng làm như thế? Liệu họ có làm cho bức tranh kinh tế xã hội của chúng ta phát triển thực sự?

Chúng ta cần nhiều tiến sỹ hay chỉ cần vài người như kỹ sư Carnot(người Pháp, cha đẻ của Chu trình Carnot)? Chúng ta cần những người làm ra của cải vật chất, những công thức, lý thuyết có tính ứng dụng cao chứ không phải là có bao nhiêu tiến sỹ.

Chúng ta có quá nhiều người được cử đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng những đóng góp thực sự của họ được bao nhiêu? Thử hỏi có bao nhiêu người sắp về hưu mà vẫn còn được đi đào tạo như ông cựu Bộ trưởng nọ?...

Đấy là những nhân tố làm cho dân tộc ta còn nghèo nàn và lạc hậu. Nếu những người có chức có quyền mà hội tụ đủ tài đủ đức thì xã hội mới có những bước phát triển đột phá được.

Tôi mong rằng bài viết "Bàn chuyện thu phục nhân tài" của tác giả Hoa Lư nên đưa đến cho những người có trách nhiệm để cùng xem và suy ngẫm.

Trung Thành, Email: Trungthanh2000@yahoo.com

Chỉ có hiền tài mới sử dụng được hiền tài !

Tôi thấy vấn đề này nếu muốn khắc phục phải có cơ chế thế nào để chọn ra được những HIỀN TÀI là những nhà Lãnh đạo giỏi thực sự, họ phải là nguyên khí quốc gia, cơ chế tuyển dụng và bố trí cán bộ hiện nay khó chọn được HIỀN TÀI. Vì phải nịnh nọt, phải chạy chọt mới có vị trí còn tất cả các thủ tục chỉ là hình thức.

Để chọn được HIỀN TÀI phải có cơ chế chọn lọc thích hợp như các nước trên thế giới đang áp dụng.

Cường, Email: vbyts@yahoo.com

TÔI NGHĨ KHÓ MÀ SỬ DỤNG NHÂN TÀI NẾU CHƯA GIẢI QUYẾT NẠN "CÁN BỘ NGỒI NHẦM CHỖ" VÌ NHỮNG CON NGƯỜI NGỒI NHẦM CHỖ RẤT KỴ NHÂN TÀI.

Xuân Tùng, Email: mxtung2002@yahoo.com

Chỉ có "người tài" mới biết sử dụng nhân tài

Bài viết của Hoa Lư rất hay, nhiều thông tin đã diễn đạt được thực trạng sử dụng nguồn nhân lực. Tôi cho rằng những điều Hoa Lư nêu có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta. Ý kiến của nhiều độc giả khác làm cho vấn đề càng thêm phong phú.

Hiện tượng gần đây có một số cán bộ, công chức ở thành phố Hồ Chí Minh xin thôi việc để ra ngoài làm việc khác cũng là vấn đề thuộc nội dung các bài viết này.

Xin đề nghị Tiền Phong online có cách chuyển nội dung này đến những người có trách nhiệm cao nhất, để có hướng giải quyết tích cực nhất.

Ý kiến của tôi là: Chỉ có "người tài" mới biết sử dụng nhân tài. Kỹ năng phát hiện và biết sử dụng hiệu quả nhân tài là dấu hiệu để nhận biết những người lãnh đạo tài giỏi thật sự. Xin cám ơn báo Tiền phong online.

Một bạn đọc, Email: cuong_lamanh@yahoo.com

Những tấm bằng "tiến sĩ giấy" sẽ được xử lý như thế nào ?

Người đứng đầu ngành giáo dục đã rất thẳng thắn khi thừa nhận về chất lượng tiến sĩ của VN. Thật ra dư luận xã hội đã cảnh báo từ lâu về hiện tượng không bình thường - nghịch lý này : Sau mấy chục năm, số lượng tiến sĩ do Liên Xô giúp ta đào tạo còn ít hơn số lượng tiến sĩ do ta đào tạo trong thời gian ngắn vừa qua; số lượng tiến sĩ trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở Nhật Bản còn ít hơn ở VN; đại đa số các luận án tiến sĩ không có khả năng áp dụng vào thực tế; học vị tiến sĩ do ta đào tạo chỉ có giá trị ở VN...

Có một thực tế là không ít những vị "tiến sĩ giấy" này đang nắm những cương vị quan trọng trong các trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu, các CQ hoạch định chính sách của nhà nước - Hệ quả của việc đề bạt dựa trên văn bằng học vị là chính. Vậy ngành GD và cụ thể ở đây là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ có giải pháp gì để xử lý việc này ?

Ý kiến của tôi :

- Nhanh chóng lập ra hội đồng gồm những nhà khoa học có uy tín và tâm huyết (dành cho từng lĩnh vực nghiên cứu) để thẩm định lại các văn bằng tiến sĩ.

- Có qui định về việc công nhận lại các học vị tiến sĩ sau một thời gian nhất định, trong đó nhấn mạnh về việc đánh giá tính khả thi của luận án tiến sĩ (điều này sẽ giúp loại trừ rất nhiều các tiến sĩ, mà ngay sau khi nhận bằng một thời gian không lâu, đã không còn nhớ nội dung luận án của mình là gì nữa rồi).

Bùi Thị Kim Liên, Email: kimlien84_hb@yahoo.com.vn

Câu nói "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia" tôi đã được biết từ hồi tôi học THCS. Ngày đó trong thâm tâm tôi và trong đám bạn bè tôi cùng chơi, chúng tôi luôn tâm niệm một điều là mình phải cố gắng học để mai kia về xây dựng quê hương làng xóm mình vì tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi, dân trí thấp, kinh tế lạc hậu.

Ý nghĩ đó luôn thường trực trong đầu óc tôi đến khi tôi đi học chuyên nghiệp, mặc dù không được học cao, không được du học ở nước này nước kia nhưng tôi vẫn muốn sau khi học xong được mang kiến thức và lòng nhiệt huyết của mình về phục vụ quê hương nhưng một thực tế thật phũ phàng, đó là tình trạng có tiền có quen biết mới được đi làm.

Tôi thấy thất vọng quá, nếu cứ tình trạng này đến bao giờ quê hương mới đổi thay được. Tôi nghĩ đó cũng là nguyên nhân tại sao bây giờ dân cư tập trung đông đúc ở các thành phố lớn đến thế.

Đất nước Nhật Bản đấy, tài nguyên đâu có nhiều nhưng chính sách sử dụng nhân tài và biết khai thác nguồn tài nguyên nhân lực nên Nhật là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Tôi rất muốn tin vào một tương lai tươi đẹp và tôi rất muốn mình lúc nào cũng tràn trề niềm vui và sức sống nhưng với bao nhiêu sự việc, bao nhiêu thực tế về các tệ nạn diễn ra từ cơ quan Trung ương đến các địa phương  làm cho tôi, một tâm hồn trẻ mới chậm chững bước những bước đầu tiên vào đời thấy quá bối rối...

Tôi hy vọng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đất nước ta sẽ vượt qua giai đoạn đầy thử thách này và sẽ tạo được niềm tin cho tuổi trẻ được cống hiến vì tổ quốc theo đúng "tinh thần trẻ". Chân thành cảm ơn Quý Báo đã cho tôi được nói lên ý kiến cá nhân của mình về lĩnh vực liên quan đến bài viết.

Nguyễn Tiến Dũng, Email: Dzungntd@gmail.com

Không thấy chất xám nói gì ?

Chảy chất xám ư? Cứ hứa hẹn : nào là lương GS sẽ là 500 đôla, nào là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước sẽ là hơn 1000 đôla (bộ KHCN), nào là người công chức có tài sẽ có lương cao hơn người khác (bộ Nội vụ), là sẽ ưu tiên tuyển dụng các thủ khoa ĐH... để làm gì? Khi các lời hứa đó đã thành hiện thực như thế nào?

Cứ kêu gọi : Trải thảm đỏ, hãy về phục vụ đất nước, không có gì mới thì đừng làm TS... đã có tác dụng đến đâu? Đồng ý là cần bày tỏ quan điểm nhưng quan trọng hơn là biến quan điểm đó thành hiện thực.

Cứ lên án mãi các TS giấy, các GS rởm nhưng đã ai chỉ ra bao nhiêu TS giấy, ai là GS rởm và đã làm gì với họ hay họ vẫn nhan nhản trong các công sở còn TS, GS thật thì nhẫn nhục chịu đựng trong khi không ai chịu trách nhiệm về chuyện rởm đó? Vấn nạn "chạy chức chạy quyền" nhưng hầu như không chỉ ra và xử lý được ai chạy, ai nhận. 

Cứ kêu không có tiền nghiên cứu, không có tiền trả lương cho cán bộ nghiên cứu KH... trong khi bộ KH&CN trả lại nhà nước hơn 120 tỷ đồng tiền NCKH. Cứ lên án :'các đề tài NCKH tốn tiền và kết quả chỉ cho vào ngăn kéo" để làm gì? sao không chỉ ra những đề tài nào và xử lý chúng?. Sao không cho dừng ngay các đề tài ấy lại vì chỉ tốn tiền?

Chúng ta đã nói rất nhiều, còn chất xám không thấy nói gì mà cứ "chảy đi sông ơi" thôi.

Bich Nguyen, Email: nguyenhuybich@yahoo.com.au

Một bài viết rất sâu sắc và rất thực. Mỗi giai đoạn lịch sử có những cách ứng xử khác nhau phù hợp để người trí thức thực sự làm việc hiệu quả và cống hiến. Rất chua xót khi chính tác giả cũng phải nói thực lý do ra đi vì lòng tự trọng chân chính : Không thể ăn bám vào tiền thuế của dân !

Còn bao nhiêu "trí thức", bao nhiêu "tiến sĩ giấy" đang sống nhờ bằng tiền thuế của dân ? Chua xót quá, lòng tự trọng sẽ lấy lại sự chân chính của một người trí thức đích thực và của chính mọi người. Xin đừng duy ý chí khi sử dụng trí thức ! Trí thức cũng là người thường và cũng phải lo "cơm, áo, gạo, tiền" như bao người khác.

Nguyễn Quang Vũ, Email: ngdvu@yahoo.com

Nếu chính phủ không có chế độ trọng dụng nhân tài trong công tác bố trí cán bộ và chế độ lương tiền như hiện nay thì Việt nam sẽ mất một nguồn chất xám rất lớn.

Người ta bỏ 20-30 ngàn đôla để đi nước ngòai học rồi trở về nước phục vụ mà lương chưa đến 100 đôla mỗi tháng thì khó mà lôi kéo nhân tài quay trở về.

Ngô Minh, Email: ngotheminhvn@yahoo.com

Tôi được đi du học mấy chục năm trước đây. Đã tốt nghiệp và đã chứng tỏ mình có khả năng ở Mỹ qua những công trình nghiên cứu và chức vụ. Tôi không cần ưu đãi đặc biệt.

Tôi sẽ về nước khi nào tôi được đối xử bình đẳng với người trong nước.Tôi muốn mua nhà ở Huế để những lần về dạy có chỗ ở nhưng chưa được.

Nguyen Dong, Email: dongavnhn@yahoo.vn

Nhân đọc bài của ban Hoa lư, thấy có nhiều ý rất xác đáng, dù rằng , theo tôi chưa phải là đã nói lên hết các nguyên nhân của vấn đề "chất xám". Vì trong bài có nhắc đến câu nói của người đứng đầu ngành giáo dục : "nếu không có gì mới về mặt khoa học, xin đừng làm TS.." giống như một tia hy vọng, nên tôi xin có vài lời nhận xét.

Thiết tưởng, luận án TS có mới về mặt khoa học hay không trước hết bởi người hướng dẫn, sau đó quyết định có chấm, có cho đỗ hay không là do Hội đồng chấm luận án (bỏ qua không bàn chuyện cơ chế..).

Vậy chỉ kêu gọi mấy anh nghiên cứu sinh đã đủ chưa ?

Người Góp Ý, Email: nguoigopy@yahoo.com

Chất lượng tiến sỹ của ta ?

Chúng ta khẳng định rằng có rất nhiều tiến sỹ đã có những công trình nghiên cứu phục vụ lợi ích của đất nước và doanh nghiệp, nhưng bên cạnh đó việc đào tạo tiến sỹ của ta cũng cần phải xem lại.

Cơ quan tôi có một số cử nhân tốt nghiệp vào loại trung bình ở các trường cao đẳng trong nước, sau một thời gian đi học ngoài giờ bỗng thấy có bằng Tiến sỹ?!, và hiển nhiên được đề bạt chức vụ phó, trưởng phòng.

Hàng ngày chúng tôi phải hoàn thành các công việc được giao và cũng phải giải thích mỏi mồm cho các "sếp" hiểu đó là cái gì để "sếp" ký vào báo cáo, thỉnh thoảng "sếp" đi họp về rồi bắt chúng tôi phải nai lưng ra tìm dữ liệu để làm theo yêu cầu của ai đó, nhưng có đưa báo cáo cho "sếp" thì chúng tôi cũng thừa biết "sếp" chẳng hiểu chúng tôi viết cái gì, cứ ký đại vào và nộp, tất nhiên nếu số liệu sai thì chúng tôi là người bị xỉ vả nhiều nhất.

Cho nên, chúng tôi cũng mong muốn đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở ta cần phải có chất lượng chuyên môn cao và trình độ quản lý tốt.

Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG