Cụ bà sống ở gốc đa, nuôi con bệnh hiểm nghèo

Cụ bà sống ở gốc đa, nuôi con bệnh hiểm nghèo
TP - Ở tuổi gần đất xa trời, cụ bà Lê Thị Đằm (SN 1927, trú Hương Chữ, Hương Trà, TT- Huế) vẫn sống cảnh vô gia cư vất vưởng nơi gốc đa, xó chợ để còng lưng kiếm cơm nuôi con mắc bệnh hiểm chờ chết.

> Cháu bé bị tim bẩm sinh cần được giúp đỡ

Đến đầu chợ La Chữ (phường Hương Chữ), nghe hỏi về bà Đằm “không nhà”, chị Trần Thị Mến vừa mua thức ăn trưa trở ra cổng dắt chúng tôi đến nơi cụ bà 85 tuổi hằng ngày vật vạ trú thân mưu sinh.

Nơi ở của bà Đằm chỉ là kho chứa muối bỏ hoang tuềnh toàng cuối chợ La Chữ, xây dựng cách đây 40 năm, đang trong tình trạng đổ nát. Bà Đằm còn có một nơi ở khác là hốc đa trăm tuổi ẩm thấp thâm u giữa chợ.

“Tội lắm cậu ơi, chừng nớ tuổi đời, gần đất xa trời rồi, rứa mà mệ vẫn không có nơi nương thân yên ổn, hết ở xó chợ lại ra gốc đa”, chị Mến kể.

Gần trưa, khu chợ quê thưa dần người mua bán. Bà Đằm cố khòm lưng ngồi chờ những vị khách cuối cùng ghé mua mớ gia vị rẻ tiền từ sạp hàng tạp hoá nhỏ, do cô con gái để lại từ sau hôm đột ngột nhập viện vì căn bệnh hiểm.

Ở tuổi 85, người già như bà Đằm nhẽ ra ngày đêm được con cháu quây quần phụng dưỡng, không còn nhọc tâm lo nghĩ chuyện ăn ở, sống chết. Nhưng với bà, gánh nặng cơm áo tiếp tục đè nặng lên tấm lưng gầy mòn cong quắt.

Bà vẫn cố sống để kiếm chút rau cháo lo cho đứa con liệt giường thêm được ngày nào tốt ngày đó. “Nếu như hồi đó chồng không chết sớm và lâm cảnh chiến tranh loạn lạc, chắc mệ và con cái cũng không đến nỗi như ri…”, bà Đằm kể trong từng hơi thở ngắn.

Hồi trẻ, bà đi lấy chồng tận vùng Hải Quế, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Đến năm 43 tuổi, chồng đột ngột qua đời, bà dắt díu 4 con dại quay lại quê cũ làm thuê, làm mướn đắp đổi miếng cơm manh áo qua ngày.

Lớn lên, những đứa lớn tìm vào Nam kiếm sống và vẫn nghèo khó cho tới giờ. Riêng cô con gái út Hoàng Thị Bê (SN 1969), sau khi đứt gánh chuyện chồng con đã nguyện ở vậy nuôi mẹ già và đứa con nhỏ.

Từ đó, ba bà cháu vạ vật nơi góc đình xó chợ, làm bất cứ việc gì khi có người thuê mướn. Sống lâu giữa chợ, họ cũng dần biết cách mua đi bán lại bó rau, mớ tép, rổ khoai để kiếm chút tiền đong gạo.

Nhiều năm trời trôi đi, ba bà cháu vẫn sống cảnh vô gia cư. Sau cơn lũ lịch sử tháng 11 năm 1999 tại miền Trung, một tổ chức từ thiện thông qua chính quyền tìm đến tặng khung nhà thép tiền chế, nhưng ngặt nỗi mẹ con bà Đằm không có đất ở.

Cám cảnh, anh Phan Anh (thôn Phụ Ổ, Hương Chữ) cho bà mượn tạm khoảnh vườn nhỏ làm chỗ dựng khung sắt phủ lều che mưa nắng. Sau vài năm, góc vườn nhỏ mượn tạm bị thu hồi vì nhu cầu sử dụng của chủ đất, mẹ con bà Đằm lại dắt díu về chợ.

“Tui tính, mẹ con mệ Đằm sống trong kho chợ 10 năm rồi. Hồi đó, thấy tình cảnh lang bạt, chính quyền và ban quản lý chợ thống nhất cho họ ở nhờ nhà kho. Tháng 9 năm ngoái, mùa mưa bão đến, nhà kho xuống cấp quá nguy hiểm, chúng tôi yêu cầu họ dọn đi nơi khác để tránh ảnh hưởng tính mạng”, ông Phan Huy, quản lý chợ La Chữ, cho biết.

Nơi đến lần này của mẹ con bà Đằm là hốc cây đa cổ thụ ẩm thấp, tối tăm, đã tồn tại qua hàng trăm năm giữa chợ. Giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thông qua Hội Phụ nữ phường, chị Bê vay ít vốn xoá đói giảm nghèo mở sạp hàng nhỏ bán rau củ, gia vị ngay gốc đa.

Mở hàng chưa đầy tuần, chị Bê phát bệnh nhập viện, được chẩn đoán mắc ung thư máu. Cậu con trai của chị Bê học dở lớp 8 đành nghỉ giữa chừng, vì hoàn cảnh và phải theo chăm mẹ tại bệnh viện.

Tiền bạc tích cóp còm cõi lần hồi đội nón ra đi, bà Đằm ngày lại ngày mong chờ lòng hảo tâm của dân trong vùng, nhưng sự giúp đỡ ở phạm vi thôn quê có hạn.

Sống trong hốc đa cũng chẳng an toàn mỗi khi gió mưa, sau khi con gái lâm trọng bệnh, bà Đằm liều quay về góc kho chợ đổ nát. Những đêm mưa gió, gia đình bác Dảnh, bác Thêm sống bên hè chợ thay nhau đón bà vào nhà.

Ban ngày, ai cho gì bà ăn nấy. “Mệ mô dám ăn tiêu số tiền bán mớ ớt khô, gói bột ngọt, chai dầu ăn của con gái để lại, vì còn dành lo thuốc thang cho nó. Khoản nợ ngân hàng nó vay cũng chưa trả được đồng mô”, bà Đằm nói.

Ra tết, chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm hỗ trợ mẹ con bà Đằm khoảng 30 triệu đồng. Khoản tiền đó chả thấm vào đâu so với chi phí điều trị ung thư tiêu tốn bạc triệu mỗi ngày của chị Bê.

Xác nhận hoàn cảnh hộ nghèo vô gia cư của bà Đằm, ông Hà Văn Phước, cán bộ Văn phòng UBND phường Hương Chữ, thanh minh: “Chính quyền nhiều lần tìm cách bố trí nguồn vốn hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà theo diện 167 của Chính phủ cho bà Đằm.

Tuy nhiên, trường hợp này không có đất ở nên chưa thể triển khai làm nhà. Mặt khác, do điều kiện mưu sinh của bà Đằm ở chợ, không muốn rời đi, trong lúc khu quy hoạch tái định cư của phường nằm nơi xa, nên lâu nay họ không hề yêu cầu giải quyết về đất ở”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG