Đứa con cơ cực của Mẹ Anh hùng

Đứa con cơ cực của Mẹ Anh hùng
TP - Ông Nữa là người con trai duy nhất còn lại của người Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọc (quê ở xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) có một cuộc sống kham khổ tại Sài Gòn.

Người em trai cuối cùng

Theo ông Nữa, bà Ngọc mẹ ông có bảy người con. Ông Nữa là út. Người chị đầu của ông tên Tầm. Năm 1950 chồng cô Tầm bị giặc Pháp bắn chết. Hai con trai cô Tầm cũng đều đi bộ đội, hi sinh. Cô Tầm được phong Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Người anh thứ hai là Keng, cũng tham gia cách mạng từ thời chống Pháp. Năm 1965 ông bị bắt đày đi Côn Đảo, năm 1976 bệnh mà mất. Người anh thứ ba, tên Bùi Văn Tư, tham gia chống Pháp, chống Mỹ, bị khủng bố gắt gao, năm 1965 ốm chết. Người anh thứ tư tên Bùi Văn Tiễn làm công an viên xã. Năm 1947 Pháp bắt được, bắn chết. Người anh kế tiếp là ông Bùi Văn Lúa, 1952 đi bộ đội, năm 1966 bị Mỹ bắt mổ bụng, moi gan. Tiếp đó là anh Bùi Văn Dựa, chiến đấu ở huyện Cái Bè, Tiền Giang, hi sinh.

Năm 1965, địch vào, bắt anh Nữa, đạp cho chân của Nữa bị què. Năm 1968 ông đưa du kích về đánh đồn Gò Xoài. Địch phát hiện, ông phải bỏ quê hương, lên Sài Gòn ẩn náu và lập gia đình.

Lang bạt bên sông Sài Gòn

Năm 1983, sau khi mẹ mất, ông bán đất đai nhà cửa trở lại Sài Gòn quê vợ sinh sống, đem theo bàn thờ tổ tiên. Ông Nữa sinh sống bằng nghề cạo gỉ tàu trên sông Sài Gòn. Vợ ông buôn bán kiếm sống, đã ốm đau qua đời từ năm 2001.

Gia đình ông sống trong xóm Cây Bàng, nơi tập trung nhiều dân anh chị xã hội đen có tiếng và những người dân lao động bần cùng không nhà cửa, họ dựng lều lán và nhà sàn trong rừng dừa nước rậm rạp. Những năm tháng đó, nhờ bán đất ở quê và gom góp vay mượn, ông mua được mảnh đất 400m2 bên dòng kênh um tùm cây cối.

Ngôi nhà của ông tạm bợ, dột nát. Bầy trẻ lớn lên trong cảnh túng tiếu, nợ nần. Nhưng chúng đều ngoan và biết thương cha mẹ. Hình như vì công việc nơi sông nước lạnh lẽo, ông Nữa thường uống rượu.

Kinh tế vất vả, cả năm đứa con ông đều không học hết cấp hai. Cô con gái út thậm chí không được đến trường ngày nào. Ông Nữa kể: “Con tôi cứ đứng ở cửa, nhìn các bạn học bài. Tôi thương nó quá, vào gặp thẳng cô giáo xin cho con được đi học. Cô trả lời: nhà bác không có hộ khẩu thành phố”.

Thành phố quy hoạch vùng bên sông thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà ông ở ngay sát cửa hầm chui Thủ Thiêm hiện đại nhất Đông Nam Á. Nhà ông nằm trong số hàng trăm ngàn hộ gia đình phải dời đi để nhường đất cho khu đô thị sẽ được dự báo là hiện đại nhất Việt Nam.

Ngày 20- 11, gia đình ông Nữa cũng nhận được tờ giấy thông báo ngày 24- 11 sẽ đến cưỡng chế nhà.

Cô Gấm, con gái ông Nữa đến Ban đại diện báo Tiền Phong ở TPHCM đưa đơn kêu cứu.

Gia đình cho biết, theo giấy tờ, đất của họ là 400m2, được nhà nước đền bù 200m2. Đơn kêu cứu của ông Nữa viết: “Tôi được mời lên để giải quyết tái định cư một nền đất 129m2 tại Thạnh Mỹ Lợi, còn 71m2 đất tôi xin được nhận thêm một nền đất 129m2 nữa, số đất vượt hơn tôi xin mua theo giá không kinh doanh”.

Tối 23- 11, Gấm gọi điện báo tin: “Buổi chiều, người ta xuống hiệp thương lần cuối và quyết định sẽ đền bù chỗ 71m2 còn thiếu bằng một căn hộ chung cư 80m2 mua với giá không kinh doanh anh ạ. Sáng mai họ sẽ không đập nhà nữa”.

Đời còn bấp bênh

Sáng 24-11, tôi ghé qua nhà ông Nữa. Lên khỏi miệng hầm Thủ Thiêm, cứ men theo bờ sông, nhằm lùm cây dại đi vào, nhà ông Nữa ở đó.

Người con trai cuối cùng của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngọc giờ sức khỏe đã yếu. Ông có khuôn mặt chữ điền, khá trực tính. Chân bị tra tấn thành tật, tuổi đã cao, ông chỉ loanh quanh ở nhà, nuôi gà, trồng rau, câu cá sống lần hồi.

Ông Nữa được năm người con. Ba người đã lập gia đình ở riêng. Ông đang sống với vợ chồng cô con gái tên Gấm và anh Dũng, con trai. Cô Gấm vốn chỉ học tới lớp ba, gọt hoa quả trong vũ trường. Gấm nói: “Công việc em bấp bênh. Chồng em làm bảo vệ vũ trường, thấy đánh nhau hoài, cũng sợ, đã nghỉ ở nhà”. Gấm vừa sinh con, cũng chưa đi làm đâu được.

Con trai duy nhất của ông chạy xe ôm, tên Dũng. Dũng cũng chỉ học hết lớp ba. Trước kia anh đi thanh niên xung phong, làm ở trại cai nghiện trên Tây Nguyên. Dũng nói: “Ngày em kiếm hơn trăm bạc thôi. Chạy gạo nuôi con từng bữa”.

“Con tôi cứ đứng ở cửa, nhìn các bạn học bài. Tôi thương nó quá, vào gặp thẳng cô giáo xin cho con được đi học. Cô trả lời: Nhà bác không có hộ khẩu thành phố” - Ông Bùi Văn Nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG