“Ăn” khói nhà máy, muốn di dời cũng không được

“Ăn” khói nhà máy, muốn di dời cũng không được
TP - Hơn 100 hộ dân ở thôn Vân Dương 2 (Hòa Liên - Hòa Vang, Đà Nẵng) nhiều năm qua “ăn” khói, bụi từ hai nhà máy thép Đana-Ý và Thái Bình Dương thải ra.

> Dân phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường

Chính quyền biết, hứa nhiều lần, nhưng việc đâu vẫn bỏ đó.

Chị Huỳnh Thị Mạnh chỉ tay sang nhà máy thép ngày ngày xả khói
Chị Huỳnh Thị Mạnh chỉ tay sang nhà máy thép ngày ngày xả khói .
 

Vì sao để dân cạnh nhà máy thép?

Người dân thôn Vân Dương 2 chịu không nổi tiếng ồn, khói bụi, nước thải từ hai nhà máy thép Đana-Ý và Thái Bình Dương đã khóa cửa nhà đi nơi khác sống. Chị Huỳnh Thị Mạnh, nhà cách nhà máy thép Thái Bình Dương chừng khoảng 50m, nói: “Cả ngày tiếng ồn tra tấn, đêm thì không ngủ được”.

Anh Hà Thanh Trung (tổ 5), cho biết, “đây là nhà của tôi với anh trai là Hà Minh Hiếu, xây cách đây 6 năm, nhưng giờ anh trai phải lên quê vợ ở Đông Giang (Quảng Nam) sống nhờ, còn tôi ra tá túc nhà bạn bè. Sống ở đây chỉ có chết mòn”.

Các hộ dân cho biết, nhà máy thép chỉ tạm ngưng xả khói và tiếng ồn từ 15h chiều đến 19h tối, sau đó hoạt động liên tục. Có mấy anh bên cơ quan quản lý môi trường, khi dân gọi điện, thỉnh thoảng xuống kiểm tra, xong rồi lại đâu vào đấy.

Hơn 100 hộ dân ở ba tổ 1,3,5 thôn Vân Dương 2 đang mong chờ được di dời theo chủ trương của thành phố, nhưng chưa biết bao giờ đi và đi đâu. Năm 2006, khi quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh, UBND thành phố đã tính đến việc di dời dân. Đến năm 2008, khi 2 nhà máy thép Đana-Ý và Thái Bình Dương xây dựng đã đề nghị giải tỏa hơn 30 hộ dân bên cạnh.

Đến tháng 10-2009, UBND TP Đà Nẵng có công văn đốc thúc các sở, ban ngành liên quan giải quyết. Nhưng đến tận bây giờ, sau 3 năm người dân sống trong khổ sở vì ô nhiễm vẫn không thấy động thái của chính quyền. Trong buổi tiếp dân xã Hòa Liên ngày 6-9 vừa rồi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã quyết liệt chỉ đạo chấm dứt ngay ô nhiễm, khói bụi của 2 nhà máy thép.

Ông Trương Tấn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho hay, chủ trương di dời các hộ dân đã có từ lâu, tuy nhiên gặp khó vì chưa thể tìm được nơi tái định cư. Trước mắt, có thể người dân, với sự giúp đỡ của chính quyền đi thuê nhà nơi khác, bàn giao mặt bằng cũ, sau đó sẽ tính đến khu tái định cư.

Ống xả khói của nhà máy thép Thái Bình Dương sát bên nhà dân. Ảnh: Nam Cường
Ống xả khói của nhà máy thép Thái Bình Dương sát bên nhà dân. Ảnh: Nam Cường.
 

Nhà máy… tố ngược

Ông Nguyễn An - Tổng Giám đốc Cty thép Thái Bình Dương nói: Chuyện này làm khổ chúng tôi mấy năm nay rồi. Cứ tưởng 32 hộ dân bên tường nhà máy sẽ mau chóng được di dời. Ai ngờ mãi hôm nay vẫn chưa đi.

Theo ông An, nhà máy muốn được giải tỏa dân càng sớm càng tốt, bởi mặc dù đã áp dụng công nghệ lọc bụi hiện đại bằng túi vải, nhưng vẫn không thể không làm ảnh hưởng đến dân. Theo quy định, nhà dân phải cách nhà máy ít nhất 300 - 500m, nhưng ở đây, chỉ cách 1m nên khó tránh khỏi ô nhiễm. Nỗi khổ nhà máy đang gánh chịu là ngày đêm bị dân ném đá, đe dọa phá hoại tài sản.

“Việc ném đá, phá hoại camera, đập tường… của những người quá khích là chuyện hay xảy ra. Thậm chí bảo vệ của chúng tôi cũng bị dọa đánh” - ông Nguyễn Lương Thắng - GĐ hành chính của Cty, nói.

Theo ông Thắng, từ 32 nhà dân ban đầu (năm 2009), đến nay đã mọc thêm 50 nhà nữa, đội sổ đỏ đã được tăng từ 80 sổ lên tới 249 sổ trong diện giải tỏa đền bù. “Trễ ngày nào chúng tôi khổ ngày đó, Cty có trách nhiệm hỗ trợ đền bù, tái định cư mà chính quyền cứ để dân tách đất làm sổ, xây dựng trái phép chờ đền bù. Như vậy ép nhà máy quá” - ông Nguyễn An nói.

Vấn đề đặt ra là dù có giải tỏa dân, thì liệu các hộ vùng lân cận có tiếp tục bị tra tấn bởi khói và tiếng ồn? Theo bà Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch HĐQT Cty thép Thái Bình Dương: Dân chỉ cần sống cách nhà máy tối thiểu 100m là không ảnh hưởng gì. Khoảng cách từ con đường vào tới nhà máy là 85m, đây cũng là phạm vi giải tỏa hơn 100 hộ dân các tổ 1,3 và 5.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, ô nhiễm từ khói bụi nhà máy lan cả một vùng rộng, và tiếng ồn chắc chắn ảnh hưởng tới hộ dân sống cách nhà máy100m.

Chiều 28-10, ông Nguyễn Điểu- Giám đốc Sở TN&MT cho hay, theo lịch thì sáng
29-10 sẽ họp dân để công bố quy hoạch, giải tỏa, mức giá đền bù, tái định cư, nhưng giờ này vẫn chưa biết bố trí dân tái định cư ở đâu. Theo lãnh đạo xã Hòa Liên, Sở TN&MT, nhà máy, nếu làm quyết liệt, mất ít nhất 4 tháng nữa, dân mới có thể di dời. Đã 3 năm ô nhiễm, có lẽ dân đành ráng chịu thêm mấy tháng nữa!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG