Bất lực trước nạn đào tìm huỳnh đàn

Bất lực trước nạn đào tìm huỳnh đàn
TP - Từ nhiều ngày qua, mỗi ngày có hàng trăm người ở các xã Hà Ra huyện Mang Yang, Hà Tam huyện Đăk Pơ, Gia Lai đến rừng phòng hộ khu vực đèo Mang Yang đào xới tìm gỗ huỳnh đàn.

Đào sưa trên đèo Vi Ô Lắc
> Hai 'lâm tặc' ra đầu thú

Khoảng 9 giờ 30 sáng 19-9, chúng tôi có mặt tại đỉnh đèo Mang Yang, trên quốc lộ 19 nối Tây Nguyên với Bình Định thấy xuất hiện hàng trăm người, mang theo cuốc thuổng, tập kết nhau chuẩn bị tìm đường vào rừng. Một cán bộ mặc đồ kiểm lâm đi xe máy từ hướng Đăk Pơ lên xua người bằng cách giằng co tịch thu vài cây cuốc dựng ven đường.

Xuôi quốc lộ 19 về phía Đăk Pơ gần chục km, chúng tôi ghé vào trạm quản lý bảo vệ rừng, biển chỉ dẫn ghi lâm trường Bắc An Khê (Thực chất đã đổi tên sang Ban QLRPH Bắc An Khê từ nhiều năm), bên trong có 6-7 người đang mặc quần cộc ngồi chơi cờ. Hỏi: Vì sao trong rừng đang nóng chuyện dân đào xới tìm gỗ huỳnh đàn mà anh em quản lý rừng vẫn ngồi đây?”, họ bảo Tổ trưởng không phân công.

Làm việc với Hạt trưởng Kiểm lâm Đăk Pơ, ông Lê Thanh Hoành cho biết: Từ trung tuần tháng 8 đến nay, đồng bào ở 2 xã Hà Ra và Hà Tam liên tục vào khu vực rừng phòng hộ ven quốc lộ 19 đào xới, xoi xỉa khắp nơi tìm gỗ huỳnh đàn chôn vùi dưới đất. Trình trạng này có lúc lắng xuống do mùa màng, đến vài tuần qua lại bùng lên. Người dân đào xới tất cả, đào âm vào lòng đèo Mang Yang, một số trụ điện dọc đèo, đường tránh nạn, đào men theo hành lang đường… Họ cho rằng, ngày xưa khu này có gỗ huỳnh đàn mở đường bị vùi lấp, giờ phải khai quật. Số khác tìm kiếm những gốc gỗ huỳnh đàn có thể sót lại trong rừng quanh đèo. Kết quả không rõ thế nào song hậu quả rất nguy hiểm, bởi mùa mưa nguy cơ sạt lở đường, đổ ngã trụ điện rất lớn.

Cũng theo Hạt trưởng Kiểm lâm Đăk Pơ, mặc dù lực lượng kiểm lâm huyện được huy động để đẩy dân ra khỏi rừng phòng hộ song theo quy định của pháp luật rất khó xử lý họ. Họ đào xới xăm xoi dưới đất chứ có chặt cây cối, lâm sản gì đâu mà thu giữ phương tiện của họ. Công an huyện Đăk Pơ tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt chở 3, phạt không đội mũ bảo hiểm hay kiểm tra hành chính xe mô tô, họ đối phó bằng cách gởi xe ở một điểm rồi đi bộ đến.

Phải đến ngày thứ ba túc trực hẹn làm việc chúng tôi mới gặp được lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê. Ông Nhữ Công Định-Trưởng Ban cho hay, trong cuộc họp ngày 19-9, do UBND huyện Đăk Pơ chủ trì ra tối hậu thư cho BQLRPH Bắc An Khê đến cuối tháng này phải xử lý dứt điểm trình trạng dân vào lâm phần này phá rừng. Tuy nhiên, giải pháp đề ra chung chung nên rất khó cho ban quản lý.

Ông Định cho biết với giá gỗ huỳnh đàn nghe đâu 3-5 triệu đồng/kg, khiến người dân dồn sức tìm kiếm hy vọng được đổi đời. Một số đối tượng đầu nậu sẵn sàng chi tiền, ứng tiền công, mua sắm vật tư cho dân đi đào gỗ. Ông Định khẳng định xe ô tô biển số 81M-626… là của một đối tượng chuyên thu mua gỗ và là một trong những đầu nậu ứng tiền cho dân đi đào gỗ huỳnh đàn.

Theo ông Định, công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban còn gặp khó khăn bởi tiền quản lý bảo vệ rừng từ đầu năm 2011 đến nay Nhà nước chưa trả cho ông để trả cho dân. Trong số 7.000 ha rừng giao cho Ban quản lý, chỉ có 2.000 ha có tiền công bảo vệ. Ban đã hợp đồng với 63 hộ gia đình giao khoán cho họ song khi dân đòi tiền không có trả nên không thể yêu cầu họ tham gia bảo vệ rừng với Ban được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG