Những cột điện oằn mình chờ gãy

Những cột điện oằn mình chờ gãy
TP - Không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, lại có quá nhiều ban ngành cùng quản lý, chiếm dụng nên gần 170 cột điện ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội đang oằn mình chờ đổ bất cứ lúc nào.
Bó bột cấp cứu tạm thời cột điện
Bó bột cấp cứu tạm thời cột điện.

Nỗi lo cột điện đè đầu

Anh Trần Xuân Kiên ở Quan Hoa (Cầu Giấy) nói, đường Hà Nội dưới thì ổ gà, ổ voi, hố ga mất nắp, trên đầu thì dây điện lòng thòng, cột điện vặn vẹo trơ cốt cùng với cần cẩu lơ lửng... Cứ ra đường là đối mặt với những cạm bẫy chết người.

“Có những ngày mưa dông tôi đành nghỉ làm, vì ra đường chẳng biết đi như thế nào cho an toàn, phố nào cũng ngổn ngang công trình làm dang dở, nếu không bị sụt hố ga thì cũng bị cột điện đè, tốt nhất là ở nhà cho lành”, anh Kiên thổ lộ.

Anh Nguyễn Văn Tú ở Quang Trung (Đống Đa) cùng tâm trạng. “Nhiều người ra đường vừa đi vừa ngước lên đề phòng. Họ hỏi, sao lại tắc trách thế? Cơ quan chức năng cần thành lập tổ công tác để cắt bỏ, thu dọn mớ thòng lọng dở dang ấy để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như làm đẹp cảnh quan đô thị”.

Theo quan sát của phóng viên, trên nhiều tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên, Trần Quốc Toản (Đống Đa), Hoàng Hoa Thám (Ba Đình), Thụy Khuê (Tây Hồ), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)... xuất hiện nhiều cây cột điện chân bị ăn mòn hết lớp bê tông, hở ra vài thanh sắt đang bị hoen gỉ. Một số cột không còn giá trị sử dụng, chỉ còn trơ lại mấy quả sứ sứt mẻ, cứ đứng vật vờ như thần chết đe dọa người đi đường.

Điều đáng nói khi những cây cột điện này còn có giá trị khai thác thì có tới 5,7 “ông” vin trên đó, nào là điện lực, viễn thông, nào là internet, cáp truyền hình... nhưng khi nó đã bị vắt kiệt sức thì chẳng có “ông” nào ngó ngàng tới, khiến những cây cột điện chỉ còn cách thẫn thờ chờ... gãy, đổ.

Hiện đang là mùa mưa bão nên nguy cơ những cây cột điện hết “đát” này gãy đổ là rất cao. Một số cây cũng được người ta tạm thời “bó bột” bằng việc quây cót rồi đổ thêm một lớp bê tông, có chỗ được hàn bằng những thanh sắt. Việc sửa chữa, gia cố tạm bợ này càng phơi lộ nguy cơ đe dọa tính mạng người đi đường.

Thảm họa trên đầu
Thảm họa trên đầu.

4 bên cùng quản

Hiện nay có tới 4 Sở cùng quản lý cột điện, cáp điện, cáp viễn thông..., đó là Sở Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công thương và vài ban, ngành như Tổng Cty Điện lực, Ban quản lý chỉnh trang đô thị.

Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: “Sở đã tiến hành kiểm tra hiện trạng các tuyến cáp thông tin, cáp điện lực, cáp truyền hình, cột bưu điện, cột điện lực, cột chiếu sáng trên 16 tuyến phố đã triển khai hạ ngầm; yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công và các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp khắc phục các tồn tại.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Giảng Võ... cho thấy sau khi chuyển sang hệ thống ngầm, các đơn vị vẫn không thu hồi tủ hộp điện, dây cáp thừa..., gây mất an toàn và mỹ quan đô thị.

“Tại khu vực giao cắt giữa tuyến phố hạ ngầm với tuyến phố chưa được hạ ngầm, các tủ hộp cáp lắp đặt không tuân theo tiêu chuẩn của ngành bưu chính viễn thông. Một số tuyến phố sau khi hạ ngầm còn tái diễn hiện tượng kéo mới dây truyền thanh, cáp điện lực và các dây thuê bao viễn thông.

Không dừng lại ở đó, trong quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn cung cấp dịch vụ thiết lập, bán, cho thuê và bảo trì các kênh cáp quang, cáp đồng nội hạt cho nhiều đơn vị tại Hà Nội”, ông Bản cho biết thêm.

Những cột điện già nua vẫn oằn mình gánh nặng
Những cột điện già nua vẫn oằn mình gánh nặng.
 

Gần 170 cột điện chờ gãy

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện có tới 58 cột điện lực, 110 cột bưu điện và 20 tủ, hộp măng xông cáp, 70 vị trí cáp thừa, 12 cabin điện không còn sử dụng đang nằm trên các tuyến phố, vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa là ẩn họa cho người đi đường.

Có những cây cột điện đã quá già nua trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc... phải cõng tới 70 sợ cáp lớn nhỏ các loại, trong đó có những sợi cáp không còn giá trị sử dụng. Hệ thống bể cáp viễn thông thì hết ống, khiến nhiều đoạn cáp thừa bị quấn vào các đầu cột điện như vòi bạch tuộc.

Ông Bản nhận định, tồn đọng này từ nhiều năm nay của thành phố. Phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm cho một cơ quan chủ quản, ráo riết xử lý ngay là việc làm cần thiết lúc này, không thì khi cột điện gây họa, quả bóng trách nhiệm không biết chạy về đâu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG