Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) nói: “Diện tích nuôi tôm của hội viên trên 2.600 ha, đến nay hơn 1.300 ha đã thả nuôi bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Hiện chúng tôi khuyên các hội viên vệ sinh ao nuôi, chờ điều kiện thuận lợi sẽ thả tiếp, có thể vào tháng 6 là thả được. Chưa năm nào người nuôi tôm điêu đứng như năm nay”.
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng, ước tính, thiệt hại của người nuôi tôm có thể đã trên 1.000 tỷ đồng.
Thu hoạch “non” gần 1.000 tấn tôm sú Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, tình hình dịch bệnh tôm nuôi đang khiến bà con phải thu hoạch sớm hơn dự kiến. Tính đến trung tuần tháng 5, đã có 6.806 hộ nuôi với diện tích tôm bị thiệt hại 6.197 ha, số lượng 337,5 triệu con tôm giống nuôi từ 1,5 - 2,5 tháng. Trong đó, khoảng 4.200 hộ phải thu hoạch ”non” 960 tấn tôm kích cỡ từ 100 - 120 con/kg, bán giá 45.000- 50.000 đồng/kg bằng 25- 30% so với giá tôm thu hoạch đúng kỳ. |
Tại xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Bí thư Đảng ủy xã Võ Thành Quân cho biết: “Toàn xã thả nuôi được 800 ha, thiệt hại 90%, trong đó có nhiều hộ thả đi thả lại 3-4 lần nhưng tôm vẫn chết. Người nuôi đang rất lo lắng vì lần đầu tiên tôm chết nhiều, kéo dài mà chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn”.
Theo nhiều hộ nuôi tôm ở xã Ngọc Tố, họ thả lần nào tôm chết lần đó. Chi phí xử lý ao, giống, thức ăn, thuốc thú y đều tăng. Nhiều gia đình phải thế chấp nhà cửa tài sản vay vốn ngân hàng, thậm chí có người phải vay nóng, mua chịu vật tư, con giống để thả nuôi với lãi suất cao nên nợ càng nặng nề thêm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 48.000 ha nuôi tôm sú, vụ này nông dân thả nuôi được khoảng 23.500 ha nhưng đến nay đã chết khoảng 16.500 ha, hiện nay tôm vẫn chết rải rác.
Theo ông Khởi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, tìm giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm nhưng “Điều này là rất khó bởi tôm chết ồ ạt, không thể kiểm soát được”.
Tại tỉnh Bạc Liêu, tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chết 2.650/8.600 ha. Chỉ có diện tích nuôi tôm quảng canh hơn 86 ha không bị chết đồng loạt. Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết, Sở đã mời cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về nghiên cứu tìm nguyên nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, nói, tôm chết trong thời gian qua chủ yếu do hoại tử trên gan, tụy; bệnh lây nhanh qua môi trường nhiệt độ cao và độ mặn cao. Phương pháp cải tạo ao trước khi nuôi và phòng ngừa là chính, chứ chưa có loại thuốc đặc trị bệnh này.
Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN&PTNT Sóc Trăng nói: “Không có thuốc trị thì rất khó ngăn chặn dịch bệnh. Chúng tôi chỉ biết khuyến cáo người dân ngưng thả nuôi ở những vùng dịch và tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh hoặc chuyển đổi mô hình nuôi trồng”. Kế hoạch của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, trong vòng 10 ngày tới mới xem xét có tiếp tục thả nuôi tôm được hay không.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Không loại trừ do thuốc trừ sâu DDT Hiện chưa khẳng định được nguyên nhân làm tôm ở ĐBSCL chết hàng loạt, nhưng qua kiểm tra và nắm thông tin từ cơ sở, tôi có nhận định là không loại trừ do thuốc trừ sâu DDT. Vì để vệ sinh ao nuôi, trước kia nông dân sử dụng hóa chất clorin, gần đây không hiệu quả nữa, chuyển sang dùng thuốc trừ sâu DDT. Hàng chục nghìn héc-ta ao nuôi được xử lý để thả nuôi đồng loạt, sẽ thải ra môi trường lượng thuốc trừ sâu không nhỏ, gây hại chung. Ngọc Huyền ghi |