Vì sao nhiều thủ khoa từ chối lời mời của Hà Nội ?

Vì sao nhiều thủ khoa từ chối lời mời của Hà Nội ?
TPO - Sau đêm vinh danh thủ khoa đại học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 37/98 thủ khoa đã đăng ký làm việc ở các cơ quan nhà nước của TP Hà Nội, nhưng cũng không ít các thủ khoa đã từ chối lời mời “trải thảm đỏ” này của thành phố.

>> Hà Nội: Thủ khoa được đăng ký nơi làm việc

Vì sao nhiều thủ khoa từ chối lời mời của Hà Nội ? ảnh 1

Tối 21/8/2007, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương 98 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các Trường đại học , Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2006-2007. ảnh : Đình Trân - TTXVN

Vì sao nhiều thủ khoa từ chối lời mời của Hà Nội ? ảnh 2
Nguyễn Thị Tươi - Thủ khoa đầu vào và ra của Đại học Ngoại thương. Ảnh: NQ 

Trong số 98 thủ khoa đại học được vinh danh năm nay, nhiều người đã có việc làm ngay khi tốt nghiệp hoặc đã được cấp học bổng du học nước ngoài. Và như vậy, tất nhiên, những “hiền tài” này không thể nhận lời mời về làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Nguyễn Thị Tươi - Thủ khoa đầu ra và đầu vào của Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, ngay khi tốt nghiệp khoa Kinh tế Đối ngoại, Tươi đã được nhận vào Phòng Tín dụng Khách hàng của Ngân hàng Mizuho - Một ngân hàng của Nhật Bản tại Hà Nội.

Với thành tích học tập xuất sắc, lại nhiều lần được Đại sứ quán Nhật cấp học bổng, từng sang Nhật Bản học 1 năm…, nên chỉ sau vòng phỏng vấn, nữ thủ khoa “hai đầu” của Đại học Ngoại thương đã “hạ gục” nhà tuyển dụng.

“Em rất vui nếu được nhận về cơ quan của Hà Nội và làm đúng công việc theo chuyên môn được đào tạo, nhưng em chưa thể đăng ký vì vướng hợp đồng (từ tháng 1/2007 đến 1/2008) với ngân hàng của Nhật Bản” - Tươi tâm sự.

Tại buổi tọa giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội và các thủ khoa đại học năm 2007, mỗi thủ khoa được phát 1 tài liệu thông báo các ngành đào tạo mà thành phố có nhu cầu tuyển dụng, thủ tục tuyển dụng thủ khoa xuất sắc (hồ sơ, quy trình thực hiện...).

Điều đáng nói là thông tin về nhóm ngành cần tuyển dụng lại quá sơ sài vẻn vẹn chỉ có 1 trang A4 liệt kê vắn tắt các ngành nghề cần tuyển dụng là : Quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng môi trường; Khoa học Kỹ thuật - Công nghệ ; quản lý Nhà nước; Y Dược; Giáo dục Sư phạm; tài chính Kế toán.Trong khi đó thông tin về qui định thủ tục tuyển dụng lại chiếm tới 5 trang còn lại của tập tài liệu.

Không ít thủ khoa đã tỏ ra băn khoăn vì cái mà họ cần nhất là thông tin cụ thể về vị trí làm việc tại sở ban ngành nào, nhiệm vụ công việc cụ thể, mức lương ra sao... lại không có.Các thủ khoa không thể định hình cụ thể công việc và đơn vị công tác.

Trong khi đó, với những thủ khoa đã nhiều lần được chính phủ Nhật Bản cấp học bổng như trường hợp của Nguyễn Thị Tươi và Nguyễn Tiến Đồng, họ được các công ty của Nhật Bản "chào hàng" với những vị trí và mức thu nhập rất cụ thể, rõ ràng.

Theo Tươi, nhiều sinh viên năng động ngày nay không thể ngồi chờ đến khi tốt nghiệp mới đi xin việc. Khi có cơ hội, họ phải chớp lấy. “Vì thế, nếu thành phố muốn thực sự thu hút những sinh viên có kết quả tốt về làm việc thì nên thông báo sớm hơn đến các trường trên địa bàn, cũng như kéo dài hơn thời gian đăng ký để những người “trót” vướng hợp đồng như em có cơ hội” - Tươi nói.

Với Nguyễn Tiến Đồng - Thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc quyết định không về thành phố làm việc mà đi du học Nhật Bản là vì… “bất khả kháng”. Đồng cho biết, ngành ăng ten và siêu cao tần mà mình được đào tạo hiện ở Việt Nam rất hiếm.

“Trong số những ngành nghề mà thành phố thông báo tuyển dụng không có “chuyên ngành hẹp” của em nên em đành điền vào trong giấy đăng ký là: Hiện tại chưa có ngành nghề” - Đồng mỉm cười, nói.

Vậy là, không thể nhận lời mời đãi ngộ của thành phố (kể cả khi nó đến sau quyết định cấp học bổng du học của Chính phủ Nhật Bản), chàng thủ khoa Đại học Bách Khoa từng được cấp nhiều học bổng này liền lên đường du học.

Còn nhiều lắm những thủ khoa đại học xuất sắc không thể về các cơ quan hành chính sự nghiệp của thủ đô công tác vì lời mời đãi ngộ đến quá muộn. Khi biết được chính sách cuả thành phố, Nguyễn Phương Vân - Thủ khoa Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã yên vị tại Vietcombank, Nguyễn Mạnh Cường - Thủ khoa Đại học Hà Nội đang làm việc cho một tập đoàn lớn, Nguyễn Hương Giang - Thủ khoa Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vừa trúng tuyển vào Công ty Chứng khoán Quốc gia, Phạm Quang Phương - Thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ấp ủ kế hoạch du học Pháp…

Tất nhiên, học giỏi, có nhiều lời mời đãi ngộ, nhiều sự lựa chọn là chuyện dễ hiểu. Thực tế này cũng được anh Nguyễn Văn Phong - Bí thư Thành đoàn Hà Nội khẳng định tại buổi tọa đàm với các Thủ khoa.

Theo thống kê mà anh Phong dẫn ra, khoảng 80% thủ khoa tốt nghiệp được giữ lại trường, khoảng 10% - 15% thủ khoa đã có việc làm khi tốt nghiệp. Chỉ có khoảng 10% - 15% thủ khoa chưa có “bến đỗ”, nhưng trong số này, không phải ai cũng nhận lời mời về công tác tại thành phố.

Vậy đâu là lý do chính? Qua những câu hỏi thắc mắc của các “cô, cậu cử” tại buổi tọa đàm giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với các thủ khoa năm nay cho thấy, lời mời của thành phố còn chậm so với các công ty “săn đầu người”. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu của thành phố còn chưa rõ ràng, chỉ tiêu tuyển dụng còn hạn chế…

Không những thế, một điểm nữa khiến các thủ khoa còn “lăn tăn” là sợ không được làm việc đúng với sở trường và chuyên môn được đào tạo. Thậm chí, có người còn lo rằng, vì là chính sách của lãnh đạo thành phố nên sẽ có chuyện các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc “bắt buộc” phải tiếp nhận, rồi sau đó phân bổ vào những vị trí trái chuyên ngành…

Tất cả những điều đó, cộng với sự nhanh nhạy và quá “thiết tha” của các đơn vị, tổ chức nước ngoài, đã “cản trở” không ít các thủ khoa xuất sắc về thủ đô công tác, dù rằng lãnh đạo thành phố đã hết sức tạo điều kiện để thu hút hiền tài.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG