Nhà văn Hồ Nam, bút danh Vũ Sơn Tuyết |
Bắt đầu từ một trang web
Ngày 26/6/2006, trên diễn đàn dành cho những người yêu thích tiểu thuyết Hồng lâu mộng có tên “Hồng lâu nghệ phạm” xuất hiện những trang viết viết tiếp tác phẩm này của một tác giả mang nick Vũ Sơn Tuyết với lời phi lộ rất chân thành:
“Tôi là một kẻ cô độc yêu thích Hồng lâu mộng. Khi đọc Hồng lâu mộng, mỗi người sẽ có một đoạn kết của mình. Tôi không muốn phá vỡ những giá trị văn học của tác phẩm nên việc tôi viết tiếp câu chuyện chỉ dành riêng cho mình mà thôi”.
Ngay lập tức phần viết tiếp của Hồng lâu mộng tạo được sự hưởng ứng, khen ngợi của người đọc khiến số lượt truy cập trang web này tăng lên vùn vụt.
Theo nhận xét của những người đọc được phần viết tiếp này thì Vũ Sơn Tuyết rất thành công khi “bắt chước” được bút pháp của nguyên tác trong việc khắc họa tính cách các nhân vật, phát triển tình tiết cũng như lồng thơ ca vào truyện.
Có độc giả đã thốt lên: “Nếu không nói ra, ai cũng nghĩ đó là những trang viết của Tào Tuyết Cần tái sinh”.
“Truy lùng” tác giả Vũ Sơn Tuyết
Những trang viết của Vũ Sơn Tuyết không chỉ gây xôn xao trên mạng mà còn được giới báo chí và những nhà nghiên cứu Hồng lâu mộng ở Trung Quốc quan tâm.
Thế là cuộc “truy lùng” tác giả bí ẩn này đã diễn ra sôi nổi. Cuối cùng, Vũ Sơn Tuyết cũng đã được tìm thấy: Đó là một cô gái trẻ tên thật là Hồ Nam, 27 tuổi, đang làm nhân viên marketing - công việc chẳng liên quan gì đến văn chương ở Hàng Châu.
Hồ Nam cho biết cô đọc Hồng lâu mộng khi mới 12 tuổi, dù chưa thể hiểu hết nhưng chẳng hiểu sao cô lại bị những nhân vật trong tác phẩm cuốn hút, ám ảnh, để rồi năm 15 tuổi cô đặt bút sáng tác những câu chuyện tiếp theo của Hồng lâu mộng. Từ đó đến nay, suốt 12 năm trời, Hồ Nam sống âm thầm với tác phẩm của mình.
Chưa bao giờ có ý định giới thiệu những trang viết mà theo cô là “dành riêng cho mình” cho người khác đọc nên mỗi khi đọc cảm thấy không hài lòng là Hồ Nam bỏ đi, viết lại, sửa chữa.
Tình cờ phát hiện diễn đàn “Hồng lâu nghệ phạm” là nơi gặp gỡ của những người yêu thích Hồng lâu mộng, như tìm được tri kỷ, thế là Hồ Nam đưa lên chia sẻ cùng mọi người.
“Tôi đã học rất nhiều thứ để viết tiếp Hồng lâu mộng”
Hồng lâu mộng được xem là một tác phẩm vĩ đại của nền văn học cổ Trung Quốc, trước đây đã từng có người viết tiếp số phận của các nhân vật Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc của Tào Tuyết Cần và giới Hồng học cũng đã hao tốn nhiều giấy mực tranh luận xung quanh công việc này.
Thế nhưng chuyện một cô gái trẻ dám cầm bút viết tiếp Hồng lâu mộng thật sự khiến dư luận hết sức quan tâm. Báo mạng Tân Hoa đã trò chuyện với Hồ Nam để tìm hiểu động lực sáng tác của cô.
Đọc và viết là hai công việc hoàn toàn khác nhau, nhất là nội dung của danh tác Hồng lâu mộng không chỉ là chuyện về một gia đình mà còn chứa đựng nhiều tri thức điển cố, thơ ca... Chắc hẳn là cô gặp nhiều khó khăn khi quyết định viết tiếp?
Vâng, đặc biệt là thơ ca cổ điển, tôi hoàn toàn không biết gì. Ngoài ra, cuộc sống, thói quen ăn mặc, giải trí, kiến trúc của những người sống cách mình hơn 200 năm cũng làm tôi lúng túng. Bởi vậy, tôi chỉ viết bằng cảm giác của mình.
Tôi đã phải học rất nhiều thứ, học từ chính nguyên tác của Tào Tuyết Cần, tham khảo rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các Hồng gia để viết tiếp Hồng lâu mộng.
Cô có học hỏi được gì ở những tác giả đã từng viết tiếp Hồng lâu mộng trước đây không?
Tôi có đọc một vài tác giả viết tiếp Hồng lâu mộng thời nhà Thanh, còn tác giả hiện đại thì có Trương Chi, Châu Ngọc Thanh... Tuy nhiên, tôi không học được gì qua những trang viết của họ, dù họ có kinh nghiệm sống phong phú, bút pháp tinh tế nhưng tác phẩm của họ quá nặng phong cách cá nhân, không có hình ảnh của Tào Tuyết Cần.
Tất cả những gì diễn ra trong sáng tác của cô đều là hư cấu?
Tôi nương theo tình tiết của nguyên tác, bám sát những ám thị của Tào Tuyết Cần và tham khảo những nghiên cứu của các Hồng gia để xây dựng bố cục chung. Còn nội dung chi tiết đều do tôi tự nghĩ ra.
Theo Đơn Dương
Tuổi trẻ
Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Trung Quốc Vương Bảo Sanh cho biết Hồ Nam đã hoàn chỉnh tác phẩm và nhà xuất bản đang tiến hành in ấn, dự kiến đầu năm 2007 đợt phát hành đầu tiên lên tới 100.000 bản. Ông tự tin: “Việc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tái dựng bộ phim Hồng lâu mộng đang “hâm nóng” các nhà Hồng học cũng như thu hút sự quan tâm của độc giả nên sự ra đời của tác phẩm viết tiếp của Hồ Nam chắc chắn sẽ thành công”. |