Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Cục phó Cục Đường sắt Nguyễn Văn Doanh.
Thưa ông, cuộc họp có đưa ra giải pháp cụ thể nào không?
Biện pháp chủ yếu là đưa các “nút cổ chai” ở các đường quốc lộ vào dự án cải tạo, nâng cấp. Riêng các đường tỉnh lộ, nội thị, huyện thị, chúng tôi sẽ bàn trực tiếp với các Sở GT - VT.
Trường hợp đặc biệt vướng mắc khó khăn thì lãnh đạo Bộ GT - VT sẽ cùng Cục Đường sắt, cơ quan chức năng thống nhất giải quyết. Trong cuộc họp này đã giải quyết ngay được 2 “nút cổ chai” nguy hiểm.
Xin tự nâng cấp điểm giao cắt vì lo sợ TNGT Gần đây, trước độ nguy hiểm của điểm giao cắt đường bộ, đường sắt tại Km95+250 (thuộc địa bàn phường Trại Chuối-Hồng Bàng-Hải Phòng), Sở GT - VT Hải Phòng và chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh tình hình tai nạn lên Cục Đường sắt VN. TP Hải Phòng xin tự bỏ kinh phí ra để nâng cấp, cải tạo điểm giao cắt này vì tại đây liên tục xảy ra TNGT. Tại QL1A đoạn Km 1110+800 (Thuộc xã Phổ Khánh-Đức Phổ-Quảng ngãi), Cty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình cũng liên tục báo cáo với cấp trên vì đoạn giao cắt nguy hiểm này. Trong năm 2004 có một TNGT xảy ra khiến nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại. Lúc đó, đoàn tàu S4 từ TPHCM ra chỉ cách đường ngang 200m. Đột ngột xe ô tô chở đầy khách mang BKS 97H 0361 không làm chủ tốc độ đã lao qua rào chắn và nằm kẹt giữa đường sắt. May nhờ nhân viên gác chắn kịp thời báo hiệu tàu dừng. |
Một “nút cổ chai” ở Km144+826 (điểm giao cắt rất nguy hiểm trong TP Lạng Sơn mà Tiền Phong đã nêu). Dự kiến tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành hồ sơ xây dựng điểm giao cắt này.
“Nút cổ chai” thứ 2 ở K14+424 (đoạn qua Đông Anh trên đường Hà Nội-Lào Cai). Chỗ này vốn mắc về thủ tục đầu tư. Hiện nay, Ban quản lý Dự án huyện Đông Anh (Hà Nội) đã ký hợp đồng và tháng 12/2005 sẽ thi công.
Ông có nhận xét gì trước tình trạng đường bộ “bỏ quên” đường sắt khiến hình thành 18 điểm giao cắt nguy hiểm này?
Chung quy cũng tại thiếu kinh phí và thiếu tính thống nhất giữa các cơ quan chức năng với nhau, giữa các cơ quan chức năng với địa phương. Bên đường bộ chỉ lo hoàn thành đoạn đường mà quên rằng đường sắt tồn tại như thế đã 120 năm.
Cứ tưởng hoàn thành con đường là có hiệu quả nhưng chính những đoạn bên đường bộ bỏ lửng khi gặp đường sắt đã làm ngược hiệu quả đó.
Thông thường nếu có đủ kinh phí thì khi gặp điểm giao cắt, đường bộ sẽ cao hơn đường sắt (giao cắt lập thể-cầu vượt qua đường sắt); còn không đủ kinh phí thì phải chịu giao cắt đồng mức. ở các điểm giao cắt đồng mức, theo thống kê của chúng tôi đã từng có 70-80% trong tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Trong cuộc họp, chúng tôi cũng đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường ngang. Theo đó, tại những khu dân cư đông đúc, cứ 500m, ngành đường sắt sẽ làm một đường gom. Việc này sẽ tránh được tình trạng có quá nhiều đường ngang tự phát nguy hiểm như hiện nay.
Quyết định 19 của Bộ trưởng Bộ GT - VT đã quy định rõ: Trước khi xây dựng công trình thì cần phải có ý kiến thỏa thuận của các cơ quan chức năng liên quan. Quy định vậy, tại sao lại không tránh được tình trạng đường bộ “bỏ quên” đường sắt?
Rất tiếc là Quyết định 19 lại mới có gần đây, còn những “nút thắt cổ chai” giao cắt giữa đường bộ, đường sắt đã hình thành từ trước.
Xin cảm ơn ông.