Lại nói về các tập đoàn

Lại nói về các tập đoàn
TP - Hạ lãi suất đang là vấn đề bàn tán sôi nổi. Nhà nước có các công cụ để giải quyết vấn đề này. Nhà nước quy định trần lãi suất mà ngân hàng có thể huy động vốn là 10,5%/năm, tức là lãi suất tiền gửi phải thấp hơn con số đó (việc nên bỏ mọi loại trần lãi suất là chuyện khác không bàn tới ở đây).

>> Cuộc đua tăng lãi suất huy động vốn

Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, Nhà nước hô hào giảm lãi suất cho vay.

Thực ra, nên dùng các công cụ thị trường thay cho việc hô hào. Muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm được chi phí huy động vốn, thí dụ lãi suất tiền gửi. Thế nhưng các tập đoàn lại gương mẫu gây bất ổn ở đây. Họ có nhiều vốn và hăng hái mặc cả lãi tiền gửi. Họ mang hàng trăm tỷ đồng đến ngân hàng và thẳng thắn mặc cả. Nếu không trả giá mà họ yêu cầu, có khi lên đến 14,5%/năm, họ sẽ mang sang ngân hàng khác gửi, bất chấp trần lãi suất tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định là 10,5%/năm.

Đến nỗi ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, phải than vãn: “Bất cập lớn nhất hiện nay là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lượng vốn lớn nhưng lại hạn chế hỗ trợ công ty thành viên. Trong khi công ty thành viên phải vay vốn ngân hàng để làm ăn thì bố và mẹ dùng nguồn đó tổ chức đấu thầu giá vốn tại chỗ với ngân hàng”.

Người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể, thậm chí cả doanh nghiệp tư nhân lớn, cũng chẳng thể, lộng hành đấu thầu giá vốn như thế được. Nhưng noi gương các tập đoàn, cũng có người mặc cả thành công. Có thể thấy động cơ lợi nhuận và bản năng thị trường hoang dã của các tập đoàn cũng cao chẳng kém các tổ chức tư nhân khác.

Chắc Nhà nước lại phải dùng lệnh hành chính. Nhưng can thiệp hành chính chỉ là biện pháp nhất thời. Vấn đề là, phải cải tổ các doanh nghiệp nhà nước một cách triệt để hơn, buộc họ cạnh tranh, không tạo cho họ những cơ hội lộng hành, và phải dùng các công cụ thị trường để điều tiết họ mới là các biện pháp lâu bền.

Liên quan đến bình ổn tỷ giá, cũng nên nhắc đến một thành tích nữa của các tập đoàn. Họ, nhất là các tập đoàn xuất khẩu, đã găm ngoại tệ, không bán cho các ngân hàng, gây ra căng thẳng về cung ngoại tệ, góp phần đẩy tỷ giá ngoại tệ lên gây bất ổn và khiến Nhà nước phải lệnh bắt họ bán cho ngân hàng, rồi phải quy định lãi suất tiền gửi rất thấp để không tạo khuyến khích cho họ găm ngoại tệ.

Về bình ổn giá gạo, chắc ai cũng còn nhớ, vài năm trước, khi giá gạo thế giới tăng, chính vài doanh nghiệp nhà nước độc quyền xuất khẩu gạo đã trực tiếp hay gián tiếp gây ảnh hưởng để Chính phủ ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho nông dân.

Cũng chính họ đã góp phần chủ yếu gây ra cơn sốt gạo ở TP Hồ Chí Minh. Và khi được lệnh hành chính phải mang gạo ra bán, để bình ổn thị trường, chính họ lại mang gạo kém chất lượng ra bán khiến lãnh đạo thành phố phải lên tiếng.

Đấy là chỉ nêu vài thành tích bình ổn của các quân át chủ bài của nền kinh tế. Có người cho rằng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò quyết định trong bình ổn kinh tế vĩ mô, v.v và v.v. Song vài thí dụ nêu trên cho thấy có lẽ nên xem xét lại.

Hơn thế nữa, trong nhiều bài viết, dùng các số liệu chính thống của Tổng cục Thống kê, tôi đã chỉ ra, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sử dụng phần nguồn lực xã hội (vốn, đất đai, tài nguyên) nhiều nhất, nhưng tạo ra phần thành tích (đóng góp cho GDP, thuế, công ăn việc làm, sản lượng) ít nhất khi so với khu vực tư nhân (chính thức, phi chính thức và nước ngoài).

Các tập đoàn là vấn đề của nền kinh tế, chứ không phải giải pháp. Theo tôi, việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước trong vài năm qua (thành lập các tập đoàn) đã đi theo hướng ngược (không cải thiện hơn mà còn tạo ra nhiều vấn đề hơn so với trước). Không cải tổ các tập đoàn một cách triệt để, chúng có thể là các nhân tố tạo ra bất ổn vĩ mô, chứ không phải công cụ để ổn định vĩ mô.

MỚI - NÓNG