>> Kỳ 1: Vụ giết người có tổ chức
Cường có cô người yêu ở Hạ Long, đang học một trường chuyên nghiệp ở Hải Phòng. Thời gian trốn sang Trung Quốc, theo lời khai của Hiếu, Cường vẫn giữ liên lạc với cô người yêu ở Việt Nam.
Can phạm nguy hiểm đầu thú
Nắm được những thông tin trên, các điều tra viên Công an Quảng Ninh nghĩ đến hướng phá án: vận động gia đình Từ Đức Cường động viên con em mình về Việt Nam đầu thú, để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Sau nhiều tháng trời kiên trì, phương án này đã đem lại kết quả.
Khi về đến Việt Nam để đầu thú, Từ Đức Cường đề xuất được về qua nhà một đêm để thăm bố đang bị bệnh nặng. Các điều tra viên đồng ý. Sau khi đã về thăm bố, sáng 8-3-2009, Cường đến Công an tỉnh Quảng Ninh làm các thủ tục đầu thú.
Lời khai của Cường về nhóm sát thủ, về việc tổ chức bắn người hụt, cũng như diễn biến sự việc sáng 8-11-2008, cơ bản phù hợp với lời khai của Hiếu và Hưởng (hai can phạm đầu thú và bị bắt khẩn cấp trước đấy).
Trong nhóm sát thủ, Cường chỉ biết gã cầm đầu tên là Hùng. Nhà Hùng ở đâu, Cường không rõ, chỉ biết là ở Hải Phòng. Để gặp Hùng, Cường phải nhờ một người quen ở Hải Phòng, tên là Ba, giới thiệu. Tuy nhiên, nhà Ba ở đâu, Cường cũng không nhớ, chỉ láng máng đâu như khu Quán Toan...
Dĩ nhiên, những lời khai của Cường về Hùng và Ba không thuyết phục được các điều tra viên. Tiếp tục vận động, thuyết phục, Cường đã khai lại: Người giới thiệu Hùng cho Cường không phải Ba, mà là Thắng, nhà ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Từ lời khai sau của Cường, các điều tra viên Quảng Ninh nhanh chóng xác định đối tượng Thắng có liên quan vụ án là Lê Đức Thắng, sinh năm 1977, trú tại số nhà 1A, phường Máy Chai, thành phố Hải Phòng. Lệnh bắt khẩn cấp Thắng được thực hiện.
Qua lời khai của Cường và Thắng, các điều tra viên xác định đối tượng chính trong nhóm sát thủ máu lạnh họ tên đầy đủ là Trần Quang Hùng, sinh năm 1982, trú tại 26 ngõ 174 Cao Thắng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, xác minh tại địa chỉ trên, Hùng đã bỏ đi khỏi nhà từ nhiều ngày trước đấy. Lệnh truy nã Trần Quang Hùng đã được ban hành.
Bị cáo Ngô Tiến Long trong phiên tòa. Ảnh: PV |
Bắt khẩn cấp kẻ chủ mưu
Đặc biệt, qua lời khai của Cường, đã lộ mặt kẻ chủ mưu thuê bọn Cường “đánh dằn mặt anh Công”. Người đó là Ngô Tiến Long, sinh năm 1974, trú tại Bình Liêu, làm nghề lái xe và kinh doanh dịch vụ, chưa có tiền án tiền sự.
Theo lời khai của Cường, anh Long là chủ hãng xe Hưng Long, chuyên chở khách tuyến Bình Liêu - Hà Nội giống như anh Công. Khoảng tháng 10-2008, anh Long tìm gặp Cường, kể chuyện anh Công chạy xe tranh khách, còn đánh lái xe của anh Long. Vì vậy, anh Long muốn nhờ Cường tìm người đánh anh Công cho bõ tức.
Sau khi anh Long đề nghị, Cường đã tìm gặp Thắng, sau đó là Hùng, để đặt hàng phi vụ này. Nghe Hùng gọi điện thông báo đã tìm đủ người để đi chiến với mức phí 15 triệu đồng, Cường gọi điện nói lại với anh Long. Anh Long đồng ý ngay, và nói: “Hiện mình đang ở Bình Liêu, Cường qua nhà chị gái mình ở Hạ Long, bảo con bé giúp việc nhà nó đưa tiền cho”.
Theo lời khai của Cường, lúc đó Cường cũng không ở Hạ Long, nên Cường đã nhờ một gã đàn em tên là Sơn qua nhà chị gái của Long (ở phường Hà Trung, thành phố Hạ Long) để nhận tiền. Ngay hôm đó, Sơn đến nhà chị gái của Long, được cô giúp việc đưa đủ 15 triệu đồng. Sơn đưa số tiền này cho Cường, rồi Cường đem sang Hải Phòng, giao cho Hùng.
Vẫn theo lời khai của Cường, sau khi anh Công bị bắn chết, Cường có gọi điện cho anh Long, thông báo nhóm sát thủ cần tiền để đi trốn. Anh Long đồng ý chi cho nhóm sát thủ 20 triệu đồng, số tiền này, anh Long chuyển cho nhóm sát thủ thông qua tiệm vàng ở Hải Phòng, Cường không tham gia.
Từ lời khai trên của Từ Đức Cường, các điều tra viên nhanh chóng lấy lời khai các nhân chứng Nguyễn Thái Sơn (trú tại phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long), Trần Thị Cẩm (nhân viên công ty do chị gái Long làm giám đốc). Sơn và Cẩm xác nhận có việc giao nhận 15 triệu đồng theo yêu cầu của Long và Cường, nhiều tình tiết trong lời khai của hai nhân chứng này khá phù hợp với lời khai của Cường.
Lệnh bắt khẩn cấp Ngô Tiến Long được thực hiện. Tuy nhiên, tại CQĐT, Long một mực kêu oan, khẳng định Long không biết Cường là ai, Long hoàn toàn không tham gia vụ bắn người hôm 8-11-2008.
Qua đánh giá những chứng cứ thu thập được, Công an và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh vẫn khẳng định: Do thù tức cá nhân trong kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách, Ngô Tiến Long đã thuê Từ Đức Cường tìm người “đánh dằn mặt anh Công”, dẫn đến hậu quả anh Công chết. Vì vậy, Long bị truy tố ra trước phiên toà ngày 2-4-2010, với tội danh “thuê giết người”.
Quang cảnh phiên tòa sáng 2-4-2010. Ảnh: PV |
Chứng cứ cột tội
Căn cứ để Công an và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh buộc bị cáo Ngô Tiến Long vào tội “thuê giết người”, gồm ba nguồn chính sau.
Trước hết, đó là lời khai của Từ Đức Cường. Qua xác minh, Công an Quảng Ninh đã làm rõ, khoảng tháng 7-2008, anh Công có cãi cọ, nổi nóng đuổi đánh anh Ngô Tiến Thanh, lái xe của hãng Hưng Long. Xích mích này xuất phát từ chuyện chạy xe sai giờ, tranh khách của nhau. Như vậy, lời khai của Cường là có cơ sở.
Căn cứ tiếp theo là lời khai của các nhân chứng Nguyễn Thái Sơn, Trần Thị Cẩm. Những lời khai này có nhiều chi tiết phù hợp với lời khai của Từ Đức Cường, về việc anh Long đã chuyển cho Cường 15 triệu đồng, để trả công cho nhóm sát thủ.
Qua lời khai của Cường, đã lộ mặt kẻ chủ mưu thuê bọn Cường “đánh dằn mặt anh Công”. Người đó là Ngô Tiến Long, sinh năm 1974, trú tại Bình Liêu, làm nghề lái xe và kinh doanh dịch vụ, chưa có tiền án tiền sự. |
Bên cạnh các nhân chứng Sơn và Cẩm, còn có thêm lời khai của Nguyễn Trung Hiếu (can phạm đầu tiên ra đầu thú). Hiếu khai, có một hôm nào đó Hiếu có chở Sơn đến khu vực phường Hà Trung, nhưng Hiếu không giao dịch với Cẩm, chỉ đứng ngoài đợi Sơn...
Còn một nguồn căn cứ nữa, đó là việc CQĐT đã rút list điện thoại (bảng kê chi tiết các cuộc gọi đi, trong đó có các thông số như số máy được gọi, ngày giờ cuộc gọi thực hiện... được lưu giữ trong máy chủ của hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động) của Từ Đức Cường, Ngô Tiến Long. CQĐT nhận thấy, số liệu thu được từ các list điện thoại của Cường và Long phù hợp với lời khai các đối tượng, cho phép xác định các lời khai đó là có cơ sở.
Thế nhưng, vụ án vẫn ẩn chứa rất nhiều uẩn khúc. Và những uẩn khúc không nằm đâu xa, mà ở ngay trong các căn cứ tưởng như vững chắc nhất được nêu trên đây...
Chuyện tiêu xài của Cường trong thời gian tổ chức giết anh Công rất bất hợp lý. Cường chi tiền đi lại Hải Phòng, Cẩm Phả, thuê phòng nghỉ, ăn nhậu cho cả nhóm sát thủ rất rộng tay… Kỳ 3: Những uẩn khúc |
(Còn nữa)