Anh em nhà Núi đôi và Văn Ngan tướng công

Anh em nhà Núi đôi và Văn Ngan tướng công
TP - Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam - ba nhà văn, ba anh em ấy đích thị là ba người hiền. Nhưng những gì họ nếm trải, nhất là với Vũ Tú Nam - trong giới gọi đùa là Văn Ngan tướng công và Vũ Cao- nổi tiếng với bài thơ Núi đôi thì lắm khi khốc liệt, mà không mấy người được biết.
Anh em nhà Núi đôi và Văn Ngan tướng công ảnh 1
Từ trái qua phải: Vũ Ngọc Bình, Vũ Cao, Vũ Tú Nam và tác giả bài viết

Trong gần hai thập kỷ hoạt động văn nghệ ở tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà, rồi Nam Định, tôi đã có không ít dịp vinh hạnh được làm quen, được tháp tùng, được dạo chơi cùng các văn nghệ sĩ đàn anh đàn chị về với miền đất “Non Côi sông Vỵ” quê tôi.

Nhớ lại chuyến đi cùng ba nhà văn họ Vũ - ba anh em trai: Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam cách đây khoảng 8 năm là một chuyến đi khá thú vị.

Nhà văn Vũ Tú Nam từng là đại biểu Quốc hội, cơ cấu đoàn Nam Định, nhiều bận về Thành Nam họp hành, ông thường ghé về thăm quê: xã Liên Minh, huyện Vụ Bản. Xã này nổi tiếng về sự kiện rào làng kháng chiến thời chống Pháp, từng được Nhà nước tuyên dương Anh hùng.

Liên Minh càng được nhiều người biết đến hơn khi nơi đây đã sinh thành cho đất nước những nhân vật danh giá, như các chính trị gia Song Hào, Nguyễn Cơ Thạch; các nhạc sĩ Văn Cao, Văn Ký và ba anh em nhà văn họ Vũ mà tôi đang nói tới.

Vũ Cao - ông từ vui vẻ trẻ trung

Nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Vũ Ngọc Bình, hai ông anh của Vũ Tú Nam, thì ít về quê hơn. Dạo đó Vũ Tú Nam  thôi thủ vai Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam được khoảng hơn một năm thì một hôm ông gọi cho tôi nói rằng, ông chuẩn bị đưa hai người anh về thăm quê và muốn tôi đi cùng.

Thực ra ở quê của các ông bây giờ người ruột thịt không còn nhiều; thân cận nhất cũng chỉ là một ông em con thúc bá. Thúc giục ráo riết cho chuyến hồi hương là ông anh cả Vũ Cao.

Tuổi già đang sầm sập đến, Vũ Cao e rằng nếu không nhanh thực hiện một chuyến về quê “dối già” thì khó có dịp thứ hai. Quả thật, đó là chuyến về thăm quê lần cuối của tác giả Núi đôi, bởi sau chuyến ấy ít lâu, các căn bệnh thuộc về tuổi già bắt đầu hiển lộ, hành hạ ông cho tới lúc ông qua đời.

Ngồi trên chiếc xe con đã lỗi mốt của Hội Nhà văn, tôi có dịp quan sát kỹ ba ông, một lần nữa nhận thức của tôi được củng cố thêm rằng, ba con người đang đồng hành cùng tôi đây đích thị là ba người hiền. Vâng, ba anh em họ đều rất hiền lành. Cái sự hiền vừa có từ gien di truyền của các bậc sinh thành vừa do hiểu thấu cõi đời, cõi người mà có.

Suốt chuyến rong ruổi, chỉ ông anh cả Vũ Cao là hay nói. Ông nói nhiều chuyện, chuyện nào cũng vui, cũng xôm trò. Ông nói nhiều, pha trò nhiều đến độ chúng tôi cảm giác có gì đó hơi bất bình thường, cứ như ông cần phải nói cho hết những điều cần nói với các em ông, với tôi, kẻo mai kia rồi sẽ không được nói.

Trong những câu chuyện tuyệt nhiên không thấy ông chê trách, oán thán ai; không chỉ trích chê bai khinh miệt một tác phẩm nào của đồng nghiệp. Chuyện của ông toàn ở dạng “vui vẻ trẻ trung”, đôi khi có vẻ như chuyện tầm phào, nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn cứ thích nghe.

Rồi trong tôi nảy sinh một phép so sánh: Giữa một ông Vũ Cao, Tổng biên tập “sáng giá” của tạp chí Văn nghệ quân đội nhiều năm với một ông Vũ Cao hiền khô, tầm phào đang ngồi cạnh tôi đây có gì “mâu thuẫn” không? Cái thời Vũ Cao làm Tổng biên tập có thể coi là thời vàng son của tạp chí Văn nghệ quân đội.

Châu tuần quanh Vũ Cao ngày đó là những tên tuổi sáng danh, mỗi người một cá tính: Từ Bích Hoàng, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Phương, Nam Hà, Xuân Sách, Mai Ngữ... Rồi tiếp đến: Đỗ Chu, Lê Lựu, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang... và nhiều cây bút nữa cũng chịu sự “cai quản” của ông từ coi đền Vũ Cao.

Tôi nói với ông rằng, với 15 năm “chăn dắt bầy chiên” mà không phải con chiên nào cũng ngoan đạo, vậy mà ông Tổng biên tập Vũ Cao không để xảy ra điều gì đáng tiếc; trái lại, những người từng được ông “chăn dắt” cứ nhắc đến ông là thuần một giọng thân thương, thành kính, như thế nghĩa là sao?

Cũng đã có người từng hỏi Vũ Cao như thế, và ông đã trả lời “chơi chơi”, đại khái, ông làm lãnh đạo mà như không lãnh đạo gì cả. Câu trả lời thoáng nghe thì như chẳng có gì đáng bàn, nhưng tinh ý thì thấy đó là cả một phương châm xử thế của người lãnh đạo đối với giới trí thức văn nghệ sĩ.

Còn bây giờ tôi cũng hỏi ông câu đó thì ông trả lời, tớ làm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội nhiều năm “thông dòng bén giọt” là bởi tớ có cái tiếng cười khà khà. Trả lời tôi xong, như là để thị phạm cho điều mình đang nói, ông bật lên tiếng cười khà khà rõ dài, rõ to.

Suy ra thì câu ông trả lời tôi cũng nhất quán với câu ông trả lời mọi người trước đây. Phải, cái tiếng cười khà khà của ông nó đã nói lên tất cả, rằng lãnh đạo giới văn chương, vui vẻ và giúp đỡ họ là thượng sách, định kiến hay gây hại cho họ là hạ sách!

Sau này khi Vũ Cao thôi ở Văn nghệ quân đội chuyển ra dân sự làm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, ông vẫn giữ cách sống như thế.

Văn Ngan tướng công vượt qua giông bão

Vũ Tú Nam là em út, phong thái có vẻ nho nhã, chậm chạp, nhưng xem ra quãng đời làm “quan văn nghệ” dài hơi hơn và gặp lắm “đoạn trường” hơn ông anh cả Vũ Cao.

Năm 1958, đang mang tước chính trị viên tiểu đoàn, làm việc ở Phòng Văn nghệ quân đội thì Hội Nhà văn xin với trên điều động ông sang công tác Hội. Trong quá trình ở Hội Nhà văn, Vũ Tú Nam làm việc trên nhiều bình diện. Làm Phó bí thư Đảng bộ các hội Văn học nghệ thuật (Bí thư là nhà văn Tô Hoài), rồi làm Bí thư Đảng bộ cơ quan Hội Nhà văn nhiều năm.

Làm Thư ký toà soạn (nhà thơ Hoài Thanh làm Chủ nhiệm) báo Văn học, rồi báo Văn nghệ. Làm Bí thư chi bộ, kiêm “hiệu phó” (nhà văn Nguyên Hồng làm “hiệu trưởng”, nhà văn Kim Lân làm ủy viên) Trường bồi dưỡng viết văn Quảng Bá khóa II; mà cái khóa ấy “nảy nòi” ra kha khá những tên tuổi ấn tượng: Đỗ Chu, Triệu Bôn, Lê Lựu...

Làm Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới 15 năm; rồi làm Tổng biên tập tạp chí của Hội cái thủa ban đầu. Và đến Đại hội nhà văn lần IV, ông được bầu làm Tổng thư ký của Hội.

Sau này nếu có một tập kỷ yếu mang tính chất tổng duyệt lại quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam, người ta không thể không ghi danh Vũ Tú Nam vào một trong những dòng đầu trang trọng.

Tôi có những kỷ niệm rất khó quên trong những lần tôi và nhà văn Vũ Tú Nam đi thương thuyết lấy lại được khu thổ cũ của thi sĩ Nguyễn Bính, rồi cả những lần đi can thiệp để gia đình nhà văn Nam Cao có một mảnh đất mặt tiền phố Nguyễn Du, thành phố Nam Định.

Nhưng trong một bài viết mà cứ “khoe hay”, toàn những chuyện thuận buồm xuôi gió chắc nhà văn Vũ Tú Nam cũng không thích, mặc dù những việc hay việc tốt ông làm không phải là ít. Tôi chỉ xin kể hầu bạn đọc dăm bảy việc có vẻ “gai góc” mà Vũ Tú Nam phải đối mặt.

Xưa nay Vũ Tú Nam được tiếng là viết điềm đạm, giản dị, thế mà vào năm 1963, cái truyện Văn Ngan tướng công của ông ra mắt đã trở thành một vụ “xì-căng-dan” khá là ầm ĩ. Văn Ngan tướng công vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng cho xuất xưởng thì đã lọt vào cặp mắt xanh của nhà văn Marian Tkachov, ông này đã dịch truyện đó sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô.

Thời điểm ấy bên Liên Xô đang có vấn đề “xét lại” nên tất cả những gì liên quan đều bị xem xét. Văn Ngan tướng công đã không tránh được sự soi xét và suy diễn. Đã có những câu hỏi nghi vấn đến “chết người”.

Đã có bài báo lên tiếng phê phán gay gắt, thậm chí cuối bài tác giả kết luận: Vũ Tú Nam viết Văn Ngan tướng công rất có hại, tác giả mang món nợ với thiếu nhi Việt Nam...

Viện Văn học tổ chức một cuộc hội thảo về Văn Ngan tướng công. Nhà văn Vũ Tú Nam biết có cuộc hội thảo, ông đề nghị Ban tổ chức cho ông tham dự. Sau khi tranh luận và tranh biện, đến phần Vũ Tú Nam phải nói thì ông trả lời rất giản dị:

Tôi quan sát cuộc sống của bầy ngan  thấy có những điểm hay thì tôi viết chứ không có ý ám chỉ ai. Mọi người có vẻ chịu lý, nhưng sau hội nghị không khí căng thẳng vẫn chưa hề thuyên giảm.

Phải tới một cuộc họp về đề tài nông nghiệp ở Thái Bình, đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với những người có trách nhiệm định đoạt cho số phận những tác phẩm văn học rằng Văn Ngan tướng công viết tốt, người lớn hay trẻ con đều đọc được. Dư luận từ đó lắng đi...

Hơn chục năm sau,Vũ Tú Nam lại dính cái vụ Cây táo ông Lành. Báo Văn nghệ  vừa in ra đã xôn xao cả nước. Ngày đó để xảy ra những việc như thế là khá nặng nề và không thể nói là không nguy hiểm. Khi tòa soạn nhận được những ý kiến phản hồi, phê phán, thì Vũ Tú Nam tìm đến cái nhà máy nơi Hoàng Cát, tác giả truyện ngắn Cây táo ông Lành đang làm việc để tìm hiểu, thẩm tra.

Có dư luận cho rằng, đứng sau Hoàng Cát là một thế lực hắc ám nào đó, không loại trừ đám nhân văn– giai phẩm còn rơi rớt lại, xúi giục, thậm chí trực tiếp nhúng bút viết, Hoàng Cát chỉ là người đứng tên! Sau khi Vũ Tú Nam thẩm tra, biết chắc Hoàng Cát đích thị là tác giả của cái truyện ngắn đầy “thân phận” nọ thì một cuộc họp của cơ quan cấp trên đã diễn ra. Chủ nhiệm Hoài Thanh từ chối không đi dự họp.

Ông nói, Cây táo ông Lành chẳng có gì đáng phải ấm ĩ như thế. (Vũ Tú Nam nói, Hoài Thanh là người rất “bướng” chứ Xuân Sách viết chân dung nói Hoài Thanh là người “vị cấp trên” là không đúng). Hoài Thanh từ chối họp, ủy quyền cho Vũ Tú Nam đi thay. Cuộc họp hôm ấy người ta phát biểu rất hăng. Không ít những ý kiến quy kết chính trị.

Đến lượt mình, Vú Tú Nam chỉ nói rất nhẹ nhàng: Hoàng Cát là một thương binh mới từ chiến trường chuyển ngành về. Đọc truyện Cây táo ông Lành tôi chỉ thấy tình yêu tác giả dành cho cuộc sống, cho con người chứ không thấy chỗ nào có biểu hiện muốn lật đổ cái thể chế mà anh ta đã mang máu mình ra để gìn giữ.

Nhân đây tôi cũng xin thưa rằng, nếu đọc tác phẩm văn chương mà cứ theo lối suy diễn rồi kết tội cho người ta thì rất nhiều tác phẩm sẽ bị, chứ không riêng Cây táo ông Lành! Sau hội nghị ấy, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đó là thời kỳ đất nước bận những việc lớn hơn nên vụ việc cũng lắng dần xuống...

Nhưng nếu nói về những vụ việc dữ dội, hóc hiểm mà Vũ Tú Nam phải đối mặt thì phải kể đến thời kỳ ông làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Theo chính kiến của rất nhiều nhà văn thì kể từ khi thành lập Hội (1957) đến nay, chưa có nhiệm kỳ nào mà tính phức tạp của nó được đẩy đến tận cùng như cái nhiệm kỳ IV ấy. Tính phức tạp được biểu hiện ngay từ khi bước chân vào phiên họp trù bị đại hội, mở đầu nhiệm kỳ. Xu thế khát khao đổi mới thì cháy bỏng.

Nhưng Liên Xô vừa tan rã khiến không ít người hoang mang, ngại ngần, muốn quay về cố thủ với cái cũ. Chuyện nhà văn Nguyên Ngọc vừa bị miễn nhiệm chức Tổng biên tập báo Văn nghệ cũng tạo ra những làn sóng khác nhau tranh luận trong đại hội.

Rồi những oan khuất của nhà văn này, những ẩn ức của nhà thơ kia được phơi lộ. Mở đầu phần tham luận, một nhà văn nữ đã đứng lên đề nghị đại hội không bầu Ban chấp hành và Tổng thư ký mà chỉ bầu một già làng!

Những luồng ý kiến cứ căng dần lên, cọ xát nhau chan chát, mà xem ra khó phân thắng bại. Cuối cùng người ta bầu ông “bụt” Vũ Tú Nam làm Tổng thư ký, như một ông gác đền, ấy thế mà xem ra bớt căng thẳng, từ lúc ấy không khí lắng dịu hẳn xuống...

Một thời Hội Nhà văn đầy biến động

Cho dù cầm trịch một nhiệm kỳ vô cùng phức tạp, với những khúc quanh giông gió, song không phải không có những cơ hội cho người đứng đầu thực hiện những toan tính cá nhân, nếu muốn.

Tôi có đọc ở đâu đó, một nhà tư tưởng hiện đại khái quát rằng, thời nay căn bệnh trầm kha nhất của nhân loại là thói lộng hành. Đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển và thiếu dân chủ thì thói lộng hành càng có nhiều đất sinh sôi, bành trướng.

Thói lộng hành chính là một trong những căn nguyên dẫn đến cuộc diệt chủng vùi gần 1/3 dân số Căm-pu-chia trong những hố chôn tập thể, cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 nhằm vào tòa tháp đôi của nước Mỹ làm tiêu vong hơn 3.000 mạng người vv...

Nếu ông Tổng thư ký Vũ Tú Nam có chút thói lộng hành, ông có thể mượn cái ghế của mình làm nhiều thứ, mà đi nước ngoài như đi chợ, mà vun vén chỗ ngồi cho người thân, thậm chí một kẻ viết văn xoàng xóe như tôi không khéo cũng được một suất ăn theo nhờ tình đồng hương đồng khói cũng nên!

Nhưng sự thật thì Vũ Tú Nam không có căn bệnh đó. Cả nhiệm kỳ, ông có đi Thụy Điển một chuyến, Pháp một chuyến, Lào một chuyến. Đi trong tình thế buộc phải đi để giải quyết công việc đối ngoại của Hội. Những việc “êm đềm, ngọt ngào” như thế thì ít. Việc chông gai, ghềnh thác thì nhiều.

Vừa ngồi ghế Tổng thư ký chưa ấm chỗ, Vũ Tú Nam đã phải giải tỏa một vụ lộng hành ghê gớm: Một người viết văn trẻ ở một tỉnh Nam Trung Bộ  bị tống giam trái phép. Người viết văn trẻ ấy, một sĩ quan công an, tên là Kim Anh (cái tên hàm chứa nữ tính hơn nam tính).

Kim Anh viết cuốn tiểu thuyết có tên là Lãng đãng sương mù, giá trị văn chương không có gì đáng nói, cái đáng nói là trong đó có nhiều pha sex. Người ta lên án cái tội viết sex ấy là phản động, đồi trụy, và người ta tống giam tác giả. Một người anh trai của Kim Anh cất công ra Hà Nội, tìm đến nhà riêng Vũ Tú Nam kêu cứu.

Cho dù Kim Anh chưa phải là hội viên Hội Nhà văn, nhưng sau khi đọc tác phẩm Lãng đãng sương mù và bức xúc trước hoàn cảnh bị giam cầm của tác giả, Vũ Tú Nam đã cùng với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn tác động từ trung ương đến tỉnh, thương thuyết, tháo gỡ.

Cuối cùng thì Kim Anh đã được thả. Nhưng dẫu sao cũng đáng tiếc: Những gì đã nếm trải khiến Kim Anh kinh hãi cái món văn chương. Anh ta bỏ văn, bỏ ngành, đi làm luật sư.

Rồi tiếp đến cái vụ báo Văn nghệ cho đăng truyện ngắn Linh nghiệm. Khi ấy nhà thơ Hữu Thỉnh làm Tổng biên tập. Nhưng vụ này được coi là nghiêm trọng, đích thân ông Tổng thư ký Hội Nhà văn Vũ Tú Nam phải đi gặp các cơ quan hữu trách để giải trình.

Vũ Tú Nam giải trình với họ y như ngày xưa ông nói về Cây táo ông Lành. Nhưng xem chừng, Linh nghiệm gay cấn hơn Cây táo ông Lành nhiều. Kể ra đây nó dài dòng lắm. Vả, cũng có những bất tiện.

Chỉ xin  tóm gọn lại như sau: Vũ Tú Nam và những người liên quan đến Linh nghiệm vượt thoát được vụ này là nhờ cái uy của ông Tổng thư ký, mà cái uy ấy chẳng phải từ điều gì cao xa mà nó ở như cái tâm cái đức của ông. Người ta nể trọng ông là ở cái đức của ông.

Liền kề với vụ Linh nghiệm là vụ Nỗi buồn chiến tranh, và đây mới là vụ Vũ Tú Nam phải lao tâm khổ tứ nhiều. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sau khi được trao giải Hội Nhà văn thì ý kiến khen cũng nhiều mà chê cũng lắm.

Có tới dăm bảy tờ báo in bài phê phán, và không phải ý kiến nào cũng của những người bị coi là bảo thủ. Người ta phê phán là có cái lý chính đáng của người ta. Điều đó đặt ông Tổng thư ký Vũ Tú Nam vào một trạng huống rất khó xử.

Nhất là khi người ta đồn thổi Nỗi buồn chiến tranh đang có danh sách ứng cử viên giải Nô-ben (?!) thì Vũ tiên sinh càng bị cật vấn, bị “xoay” đến chóng mặt. Vũ Tú Nam chỉ có thể giải thích rằng, ông làm việc trên nguyên tắc dân chủ.

Việc trao giải cho Nỗi buồn chiến tranh có sự nhất trí của Ban chấp hành Hội. Nỗi buồn chiến tranh không phải là tác phẩm toàn bích, nhưng cũng không phải là tác phẩm bôi nhọ chiến tranh cách mạng và tác giả là người lính từng xả thân ở chiến trường... 

Đại khái Vũ tiên sinh đã giải trình như thế. Rồi thời gian trôi đi. Vụ việc cũng lắng dần. Nỗi buồn chiến tranh có đời sống độc lập của nó, người ta nhận ra chân giá trị của nó.

Rồi cái nhiệm kỳ IV đầy ấn tượng ấy cũng đến hồi kết thúc bằng đại hội nhà văn lần thứ V. Sau đại hội này, Vũ Tú Nam nghỉ hưu. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lên thay. Người viết bài này có vinh dự được ngồi ở bàn của đoàn thư ký, có nhiệm vụ ghi chép tất cả những diễn biến trong đại hội nên cũng biết được một số chuyện.

Trở lại đại hội IV, sau khi Vũ Tú Nam đắc cử, có mấy đại biểu gặp nhà văn Vũ Tú Nam tay bắt mặt mừng nói: Đúng là sinh ra Vũ Tú Nam để làm Tổng thư ký nhiệm kỳ này, cứ như là thiên định vậy. Kết thúc nhiệm kỳ, vào đại hội V, có những đại biểu nói với Vũ tiên sinh, giọng tếu táo: Trông bác hiền khô thế mà chỉ huy trận mạc cũng đáo để ra phết. Chúc mừng Văn Ngan tướng công!

Cùng một chuyến hồi hương với ba anh em đều là văn sĩ, thi sĩ mà trong bài viết này tôi chỉ nói về hai người, có gì đó như không phải với bác Vũ Ngọc Bình, một cái đốt giữa, một cái cầu nối giữa Vũ Cao và Vũ Tú Nam. Nhưng tôi tin, cứ xem ý tứ của bài viết, hẳn bác Vũ Ngọc Bình sẽ thể tất cho tôi.

Không chỉ Vũ Cao mà cả Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình cũng mang quan niệm như vậy (mặc dù Vũ Ngọc Bình chưa một ngày làm lãnh đạo). Ngoài quan niệm ấy ra tôi còn nhận thấy ba anh em có điểm giống nhau nữa: Số lượng tác phẩm họ viết còn khiêm tốn so với nhiều người cầm bút cùng thế hệ. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy họ tỏ ra ghen tỵ với ai. Suốt cuộc hành trình đi theo văn chương, họ tự ý thức rất rõ về mình, luôn biết cách nhường đường cho những tài năng mạnh mẽ vượt lên trước. Họ cứ từ tốn viết, nhẩn nha viết. Chỉ viết những gì mình trải, mình thấy thúc giục từ nội tâm. Không tự quảng bá cho mình. Không bị ám ảnh vì cái danh treo lơ lửng đâu đó.

Cổ Nhuế, Hà Nội

MỚI - NÓNG