Thân cò làng sò huyết

Thân cò làng sò huyết
TP - Làng Sò, được đổi tên cách đây hàng chục năm khi đầm Ô Loan có Sò huyết giá trị và từ đó tại một cái làng thuộc thôn 8, xã An Ninh Đông (Tuy An, Phú Yên), phụ nữ chuyên nghề săn Sò, còn đàn ông ở nhà cấy lúa. Để có được ký sò đổi chữ cho con, có khi họ phải đánh đổi cả máu và nước mắt…

“Sò dậy trên đầm từ ngày 10 tháng giêng và cũng là sự xuất hiện trở lại trong vòng 5 năm lại đây. Sò huyết nhiều trở lại là từ cơn bão số 11 vừa qua đã bứt phá cửa biển, bà Nguyễn Thị Xe, 56 tuổi, trú tại thôn 8, xã An Ninh Đông cho biết.

Tìm đường về làng Sò chúng tôi phải vật mình với ma trận cát, mất nửa buổi trời rồng rắn, qua tới 3 cái chợ làng dậy mùi cá tôm, cua ghẹ mới nghe được tiếng leng keng từ dụng cụ đồ nghề của mấy thủ lĩnh săn Sò phát ra.

Bà Xe tự hào nói: “Tôi sinh ra ở cái làng này chưa một lần rời xa, săn sò từ lúc 20 tuổi đến nay đã trên 35 năm tuổi nghề, không trừ một thứ gì miễn là đổi được bát cơm cho các con. Săn sò cũng phải có kinh nghiệm, chỉ gắp bằng chân thôi nhưng tôi đố cô ra đấy mà gắp được một con…”.

Như có một tiếng nói chung trong làng, nhà nhà sát vách nhau, mọc lên trên bãi cát nham nhở. Chúng tôi đến đây được xem như là khách lạ, với cái làng Sò này ngoài các đầu nậu mua sò ra thì quanh năm bà con chỉ biết quây quần chung sống và hú nhau một tiếng nhỡ khi gặp chuyện đau buồn.

Bà Châu Thị Cử, một thủ lĩnh có 40 năm kinh nghiệm săn sò nói: “Năm nay hàu chưa rậy (chưa sinh - PV), còn sò thì đã xuất hiện nhiều. Từ đầu tháng giêng đến nay bà con chúng tôi có cái ăn là cũng nhờ nó, mấy năm trước sò mất tích đúng vào giai đoạn giáp hạt này, lúc đó chỉ có con hàu thay thế nhưng cũng trắc bằng lắm, hàu nhiều nhưng giá cả không ăn thua gì so với con sò đâu. Lũ quét sạch của cải trong làng, may ra năm nay sò huyết dậy, giá cả lại cao nên bà con làng Sò mừng lắm”.

Đi một vòng quanh làng, nếu là đường bê tông thì mất không mấy thời gian, nhưng toàn là cát trắng lún sâu cả bàn chân, lâu lâu bà con lại tập hợp khá nhiều, đông vui và “tự hào” khi cái nghề săn sò của họ cũng có người hỏi đến.

Chia sẻ vui buồn chuyện bắt sò đổi chữ cho con, bà Võ Thị Rình 56 tuổi cho biết: “Làm cái nghề gắp sò (dùng chân để gắp - PV) cũng lắm oái oăm, chỉ cười được khi thau sò phân nửa chứ thường ngày bà con làng này ngoài giỏi nghề săn sò ra thì chẳng có tài gì khác nữa. Có khi mang sò về nhà, nhìn thấy sản phẩm hì hục cả ngày đó có thể mua cho mấy đứa con đi học bộ đồ, bộ sách vở mới nhưng lại trào nước mắt vì đôi bàn chân rách nát, bê bết máu vì vỏ sò cứa”.

Thân cò làng sò huyết ảnh 1
Bến chợ làng Sò

Phải có kỹ xảo

Theo thông lệ, mỗi tháng có hai ngày sò huyết nổi lên mặt bùn. Cứ đến những ngày đó, ngoài những người rải rác ở các thôn của xã bên ra đầm thì ở làng Sò cả nhà cùng xuống đầm tìm bắt con vật quý, và giá trị này.

Bà Xe cười nói: “Ở cái làng này, qua bao đời nay dù con sò ở ngoài đầm Ô Loan mênh mông là thế, nhưng chúng tôi đều tính được hết. Tính mùa chúng rậy, tính ngày chúng dậy, tính được cả chất lượng trên mỗi màu da của nó… Có như thế nó mới xứng với tên gọi làng Sò chúng tôi chứ”.

Vào những ngày ấy bà con làng Sò phải dậy từ nửa đêm và chuẩn bị đồ nghề ra đầm sớm chừng nào hay chừng ấy và ngâm mình suốt ngày đến chập choạng tối ngày hôm sau mới có phân nửa thau sò huyết mang về.

Anh Huỳnh Đức Lý, trú xã An Cư, huyện Tuy An cho hay: “Ở cái đầm Ô Loan này con sò huyết có giá trị về kinh tế lẫn dinh dưỡng thì ai cũng biết, nhưng nó đã mất tích mấy năm nay rồi giờ lại xuất hiện. Để bắt được chúng chỉ có bà con làng Sò mà thôi. Ở đó họ truyền kinh nghiệm cho nhau món nghề ngàn đời nay rồi, như tui có muốn bắt cũng đành bó tay”.

Dù không ra đầm đánh bắt sò được như mọi người, nhưng cụ Nghinh, 78 tuổi, vẫn vanh vách đọc cách lượm sò bên đầm Ô Loan. Cụ kể lại: “Bắt sò chỉ bắt bằng chân chứ không bao giờ lặn được. Bắt sò đòi hỏi người phải cao, chân phải dẻo, tay phải dài và đặc biệt là dụng cụ đồ nghề để bắt nó là do mình tự chế ra, mua ngoài chợ coi như là thất bại ngay từ trên bờ”.

Với 95% dân thôn 8, xã An Ninh Đông  nghề bắt sò huyết bên đầm Ô Loan,  là nghề truyền kiếp. Mấy năm về trước sò huyết đột nhiên mất trắng, một con cũng tìm không ra, khi ấy người dân ven đầm Ô Loan chỉ còn cách là cào nghêu, đục hàu kiếm gạo.

Có cả thảy 5 xã (An Cư, Anh Ninh Đông, An Hải, An Hòa, An Hiệp) trên huyện Tuy An mưu sinh trên đầm Ô Loan. Cứ hết mưu sinh bằng tôm, cua ghẹ, đến hàu… có đến hàng ngàn người bủa vây nơi đây để sinh tồn. Chỉ riêng con sò huyết, một loại đặc sản có giá trị, đã đến mức cạn kiệt mấy năm trước đây, giờ có lại làng Sò lại dậy tiếng.

Thân cò làng sò huyết ảnh 2
Cao thủ làng Sò đang diễn Cảnh bắt sò huyết đầm Ô Loan

Làng Sò dậy tiếng

Chúng tôi đến làng Sò lúc chưa đến ngày dân đi bắt, nhưng đâu đó đã nghe tiếng leng keng đồ nghề được chuẩn bị sẵn. Đem thắc mắc rằng sao chưa đến ngày mà mọi người chuẩn bị đồ nghề sớm vậy thì được giải đáp rằng, “để lấy ngày đó cô”. Săn sò cũng lấy ngày hên để chuẩn bị dụng cụ?

Anh Huỳnh Ngữ, trú xã An Ninh Đông, một chủ ghe chuyên chở bà con ra đầm Ô Loan bắt sò huyết, tâm sự: “Cứ đến ngày sò dậy ngoài đầm thì bà con ở làng tập hợp lại chừng trên dưới 100 người ra bến đò chờ sẵn.

Một lượt đi về là 4.000 đồng/người, ghe tui phải chở đến 2 lượt mới hết. Ra đến vùng bắt sò thay vì đợi để chở bà con quay về lúc trời sẩm tối, tui cũng học hỏi được một ít kinh nghiệm, nhảy xuống đầm cùng gắp sò về bán thu thêm được dăm bảy chục”.

Làng Sò vốn yên ắng tiếng người, nay lại trở nên nhộn nhịp khi có sự xuất hiện hàng chục nậu bán buôn sò huyết tứ phương đổ về. Theo lời bà con thì những nậu thu mua sò huyết nơi đây đều là ở các địa phương khác đến, thu mua tại nhà xong, họ mang ra Quy Nhơn, vào Sài Gòn để tiêu thụ nên ở chợ làng ai muốn mua vài lạng cũng khó. Chợ làng đầy sản phẩm cá, tôm, cua, ghẹ từ đầm Ô Loan nhưng lại thiếu vắng sò huyết.

Vì giá sò huyết khá cao, từ 50 đến 70 ngàn đồng/kg nên người dân làng Sò luôn hy vọng mỗi khi ra đầm. Anh Ngữ hoài cổ: “Trước đây mỗi khi chở bà con ra đầm khi về chỉ chở được một phần tư số người vì họ săn được nhiều sò quá. Nay thì số sò họ săn cả ngày không bằng 1 tiếng đồng hồ trước đây, mặc dù giá cả không thay đổi là bao nhưng với bà con chuyên nghề săn sò huyết ở đây thì thà ít còn hơn mất trắng”.

Anh Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch xã An Hải khẳng định: “An Hải cũng như các xã bạn quanh đầm Ô Loan, đều có chung một nghề là đánh bắt thủy sản trên đầm. Qua bao nhiêu năm, cuộc sống của hàng ngàn dân 5 xã nơi đây cũng từ đó mà ra thì nguồn hải sản trên đầm không cạn kiệt sao được. Nếu cửa biển không bị tắc mà cứ liên thông hàng năm thì tui tin rằng nhân dân 5 xã của Tuy An sẽ không lo thiếu đói.

Mới đây, Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã khảo sát và tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan”.

Chị Lê Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Khi nguồn sò huyết trên đầm Ô Loan cạn kiệt đến mức báo động thì Trung tâm đã xây dựng mô hình bảo tồn loài sò huyết trên đầm Ô Loan, mua gần 500kg sò giống mang về nuôi thử nghiệm cũng đã cho kết quả khả thi. Đầu năm nay, khi cửa biển đã bứt, nguồn sò huyết tự nhiên lại xuất hiện khá dày đặc trên đầm thì bà con làng Sò lại tấp nập đổ xô ra khai thác. Cứ tình trạng khai thác quá tải thế này nay mai không riêng sò huyết mà các loài thủy sản khác cũng bị tận diệt”.

Với diện tích khoảng 1.570 ha trải dài thì có đến 1.200 ha mặt nước với độ sâu từ 1,4m đến 3m. Được khảo sát là thuộc loại đa dạng và phong phú về tài nguyên sinh vật vào loại nhất nhì các loại đầm lớn trên cả nước.

Thống kê được 108 loài cá thì có đến 23 loài có giá trị kinh tế cao, 5 loài có trong sách đỏ Việt Nam; 5 loài động vật 2 mảnh vỏ (trong đó sò huyết và hàu cửa sông được xác định là loài đặc sản bản địa); còn các loài tôm sú, tôm đất, tôm rằn và cua ghẹ cho thu nhập 200 – 300 tấn/ năm.

MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?