Ban giám khảo và ban tổ chức cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4 - năm 2009, tại cuộc họp thống nhất danh sách trao giải ngày 20-2. Ảnh: Lê Xuân |
Dư luận quan tâm chủ yếu hiện nay ở việc xử lý tiếp theo của ban tổ chức cuộc thi thơ ĐBSCL lần 4 năm 2009. Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi nói: “Là Trưởng ban Tổ chức, tôi chịu trách nhiệm trước nhân dân ĐBSCL, trước nền văn học nghệ thuật của mảnh đất này nên không thể tùy tiện”.
Những lời hơi quan trọng hóa, dấu hiệu của sự lúng túng. Khi ban tổ chức một cuộc thi thơ lúng túng giải quyết vấn đề do chính mình đặt ra, dư luận lại tò mò tìm hiểu một số cuộc thi khác ở ĐBSCL.
“Cuộc thi thơ kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các năm 2010” do Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang tổ chức, vừa trao giải. Bài Chiếc áo thân thương của Phạm Mạnh Khiên ở thành phố Rạch Giá được giải khuyến khích. Bài này sửa lộ liễu từ bài thơ Chiếc áo bà ba của nhà thơ Bùi Văn Bồng, ông Khiên giải thích với PV Tiền Phong, trước khi sửa có xin phép. Nhà thơ Bùi Văn Bồng xác nhận việc xin phép và nói đùa “sách vở được phát hành, văn thơ được phát tán, thôi thì cho vui”.
Ông Khiên là doanh nhân, thơ văn chỉ “cho vui”. Nhưng tại sao ban giám khảo cuộc thi lại chấm giải cho bài thơ “xào nấu” ấy, khi bài thơ Chiếc áo bà ba của Bùi Văn Bồng đã in ở nhiều sách báo? Thành phần ban giam khảo có nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh An Giang.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài là trưởng ban sơ khảo và thành viên ban chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL chấm giải nhất bài Trăng nghẹn. Dư luận đang đặt dấu hỏi về sự “liên thông giám khảo” này với việc tỉnh An Giang đoạt 3/11 giải của cuộc thi.
Các bài của tác giả người An Giang đều được xếp giải cao hơn, dù điểm thấp hơn, những bài của tác giả địa phương khác (trừ Cần Thơ). Bài Sương hồ của Lê Thanh My (An Giang), 24,25 điểm, giải nhì trong lúc bài Quê cũ bâng khuâng của Hà Ngọc Trảng (Vĩnh Long) cùng số điểm nhưng chỉ giải khuyến khích.
Bài Hình như, 22,5 điểm, của Phạm Nguyên Thạch (An Giang) được giải ba, trong lúc ba bài khác có điểm 22,75 (mỗi bài) chỉ giải khuyến khích. Hai bài thơ của tác giả Cần Thơ xếp giải ba cũng đều có điểm thấp hơn bài giải khuyến khích của tác giả địa phương khác.
Đến đây, dư luận liên tưởng lời đồn thổi lâu nay, ở các cuộc thi thơ ĐBSCL, địa phương nào có người trong ban giám khảo sẽ có giải cao và địa phương nào đăng cai tổ chức sẽ ẵm giải nhất.
Cuộc thi lần thứ 3, năm 2006, do Hội Văn nghệ tỉnh Long An đăng cai, hai bài giải nhất của tác giả Long An. Cuộc thi lần thứ 2 do Hội Văn nghệ tỉnh Bến Tre đăng cai, giải nhất về tác giả Bến Tre.
Ở TP Cần Thơ, năm 2006, cuộc thi bút ký “phát hiện được hai tác giả mới” lại trở thành câu chuyện đàm tiếu. Giải nhất trao cho tác phẩm Vầng dương trong mây xám của một tác giả nữ xinh đẹp, được ca ngợi là giàu cảm xúc, nhưng đó lại là một truyện ngắn.
Giải nhì trao cho tác phẩm Hạt giống đỏ tỏa hương của Phạm Vĩnh Hưng, bài viết có 1/3 được cóp từ sách báo cũ. Về sau, giải phải rút nhưng chỉ thu hồi được tờ giấy chứng nhận, tiền thưởng kèm theo thì không đòi lại được.
Những biểu hiện yếu kém của ban giám khảo, lúng túng và thiếu độc lập của ban tổ chức, làm cho nhiều cuộc thi văn chương tốn công của, hy vọng khuấy động đời sống văn chương tẻ nhạt, nhưng kết quả ngược lại. Đời sống văn chương vẫn tẻ nhạt lại thêm phần chán ngán, công chúng ngày càng xa lánh.
Dư luận vẫn quan tâm đến số phận Trăng nghẹn, không phải vì chất lượng nghệ thuật của bài thơ, như đứa con đã sinh ra không còn gì bàn cãi, mà theo dõi cách xử lý tiếp theo của ban giám khảo và ban tổ chức. Họ có đủ dũng khí để vượt qua yếu kém trước kia và ràng buộc hiện nay, để nuôi dưỡng sự đa dạng sáng tạo nghệ thuật, hay không?