>> Phát hiện nhiều hộp xốp Trung Quốc
>> Kẹo phát sáng có chất gây ung thư
Phóng viên Tiền Phong tìm tới phòng làm việc của Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn...
Cục trưởng Cục VSATTP Nguyễn Công Khẩn tiếp nhận hộp xốp có chữ Trung Quốc do PV Tiền Phong mang đến. Ảnh: Minh Đức |
Kênh cảnh báo của báo chí là vô cùng quan trọng!
Cách đây vài ngày, ông có thông tin với báo chí rằng, trong những mẫu hộp xốp được kiểm nghiệm cho thấy kết quả phần lớn là được sản xuất tại Việt Nam, và không có hợp chất monostyren độc hại giải phóng ra khi đựng thức ăn nóng, dầu, mỡ, muối, axít... như hộp xốp của Trung Quốc. Vậy ông nghĩ sao trước việc PV Tiền Phong phát hiện hộp xốp có chữ Trung Quốc tại nhiều quán ăn, nhà hàng ở Hà Nội?
Khi chưa nhận được kết quả phân tích thì chưa làm gì được, không nên nói tất cả các hộp xốp của Trung Quốc đều nhiễm độc, cái đó nói phải rất thận trọng.
Tất cả phải có kiểm nghiệm, khi chúng tôi có kết quả kiểm nghiệm, lập tức sẽ thông báo ngay. Cơ quan kiểm nghiệm của chúng tôi cũng làm rất nhiều trong quý I và sẽ còn tiếp tục kiểm nghiệm.
Không chỉ riêng có hộp xốp mà còn rất nhiều mặt hàng khác sẽ được kiểm nghiệm quanh năm, và đặc biệt trong tháng này là Tháng hành động vì ATVSTP. Liên tục hậu kiểm và chúng tôi cũng chưa thể biết có bao nhiêu mặt hàng cần kiểm nghiệm, khi kiểm nghiệm mà phát hiện sẽ tiếp tục công bố.
Hôm nay Viện Kiểm nghiệm vừa cập nhật thêm 30 mẫu nữa, ngày hôm qua là 40 mẫu, đó là mẫu hộp xốp và các mẫu dụng cụ khác. Tôi tin là việc lấy mẫu hoàn toàn ngẫu nhiên trên thị trường, không loại trừ sẽ có mẫu có nguồn gốc Trung Quốc.
Về trường hợp cụ thể này, chúng tôi tiếp nhận và phân tích ngay, phải hết sức thận trọng và chờ kết quả phân tích. Hộp xốp có chữ Trung Quốc là một chuyện, và hộp xốp có độc hay không lại là chuyện khác.
Chúng tôi sẽ tiếp thu những thông tin từ báo chí, đồng thời luôn có thông tin kiểm tra trên thị trường để cập nhật.
Hiện nay, kênh cảnh báo về ATVSTP thì báo chí chiếm một vị trí rất quan trọng. Các nước hiện đại có hệ thống cảnh báo rất tốt, nhưng ở ta, khi điều kiện chưa cho phép thì báo chí là kênh cảnh báo vô cùng quan trọng.
Vấn đề ATVSTP luôn nhức nhối khiến người dân có cảm giác bất an với chuyện đồ ăn thức uống. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý ATVSTP, ông suy nghĩ thế nào?
Nước ta đang tiến tới một đất nước hiện đại, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều. Chúng ta hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện, kể cả hệ thống quản lý. Đứng về mặt sản xuất, chúng ta có tới 9,4 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Chúng ta cũng chưa có chế tài đủ mạnh, Luật chưa có (mới có Pháp lệnh ATVSTP) đang phấn đấu trong năm nay thông qua Luật ATVSTP, Luật có rồi phải có các chế tài kèm theo, có người thi hành, có nhiệm vụ chức năng rõ ràng.
Thưa ông, với bộ máy và chế tài hiện nay, có khi nào ông cảm thấy bất lực trước thực trạng vi phạm ATVSTP?
Tôi cảm thấy, vấn đề ATVSTP của ta đã được cải thiện rất nhiều; trước đây chưa có các hệ thống chi cục, nay đã có cả ở bên Y tế lẫn Nông nghiệp. Đúng là còn nhiều lỗ hổng, nhưng chúng ta đang nhận ra và khắc phục tương đối nhanh.
Ví dụ như Thái Lan, Indonesia, Philippines - trong thời gian phát triển kinh tế kéo dài hàng mấy chục năm, họ đã đối mặt với vấn đề này, còn chúng ta bây giờ mới bắt đầu…
Biết bẩn mà không phạt được
Ông Nguyễn Công Khẩn : Phải coi chế tài bằng tiếp cận thực chứng chứ không phải tiếp cận duy chứng. Ảnh : Minh Đức |
Muốn kiểm soát được ATVSTP, cần thay đổi tư duy theo từng bước. Mình đang ở tình trạng “mất một con gà la hết cả làng xóm lên”, bảo cái này độc, cái kia ung thư nhưng thực ra mình có chứng minh được đâu? Không ai chứng minh được. Nhưng mình kém về thực hành vệ sinh thì rất rõ. - Ông Nguyễn Công Khẩn
Tại sao chúng ta không học hỏi áp dụng một phần cách quản lý của các nước phát triển? Chẳng hạn luật của họ rất nghiêm, vi phạm thì bị phạt nặng, còn các quy định về ATVSTP của họ lại rất cụ thể.
Chế tài của mình là cả một câu chuyện. Chúng ta phải có cách tiếp cận về pháp lý tốt hơn, phải tăng tính chấp hành pháp luật của người dân.
Ở ta nhà nhà, người người đều kinh doanh, không thể có ngay mọi thứ một lúc, song tôi tin rằng so với một thời gian ngắn trước đây, chúng ta đã có những cải thiện đáng kể. Hiện đã kiểm soát được khoảng 30% về điều kiện ATVSTP và đang cố gắng kiểm soát được nhiều hơn.
Tuy nhiên chế tài là việc ngay trong cơ quan ATVSTP cũng đang đặc biệt quan tâm, phải làm sao xây dựng được một chế tài riêng, hệ thống thanh tra kiểm tra chuyên ngành riêng. Hiện nay chúng ta chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành.
Đúng là có nhiều lý do khách quan, nhưng thưa ông, người dân thì lại đang rất sốt ruột và bức xúc về chất lượng ATVSTP, thậm chí trên diễn đàn Quốc hội có ý kiến còn lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Có cảm giác mình đang làm rất hình thức, không thực chất ? Ra quân kiểm tra thì rầm rộ, song phạt thì rất nhẹ rồi đâu lại vào đấy. Tôi từng vào một quán ăn ở TP New York, thấy dưới tầng hầm trong gian bếp có treo một bảng quy định to tướng ghi chi tiết các vấn đề ATVSTP ( theo một điều luật của bang này) mà nhân viên trong quán phải thực hiện, kèm theo đó là các chế tài phạt tương ứng, thậm chí họ quy định cả tới trang phục của nhân viên kèm theo hình vẽ minh họa. Ở ta, vào quán ăn, để ý lắm cũng chỉ thấy một tờ giấy A4 chủ quán tự cam kết ATVSTP chung chung dán trên tường hay tủ kính, rất lem nhem và hời hợt...
Tôi từng làm nghiên cứu sinh ở Hà Lan và tôi thấu hiểu cái đó, tôi chỉ nói với anh rằng, anh đã điều tra hệ thống pháp luật của nước ta chưa? Luật VSATTP của Trung Quốc, anh đã xem chưa? Nó không có gì cồng kềnh như của ta, đằng sau luật chỉ là: một, có rác phạt 500 nhân dân tệ; hai, bẩn, có con ruồi phạt từng này… Tại sao luật họ cụ thể như thế?
Chúng tôi đấu tranh mãi nhưng không được, bởi chế tài của ta khác, đấy là cách tiếp cận pháp luật của ta khác. Tôi là người phát biểu rất mạnh mẽ trên diễn đàn Quốc hội, phải coi chế tài bằng tiếp cận thực chứng chứ không phải tiếp cận duy chứng.
Tiếp cận thực chứng là tôi vào quán của anh, không cần xét nghiệm gì hết, tôi nhìn thấy cái này bẩn là phạt ngay. Tiếp cận duy chứng là gì, là kiểm nghiệm xem có gây kết quả có nguy hại không, thì làm sao mà anh chứng minh được ?
Như vậy anh phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi hoàn toàn hệ thống pháp luật, thay đổi cách nhìn nhận về hệ thống tư pháp...
Tôi không cần kiểm nghiệm gì hết, tôi đến kiểm tra thấy bẩn, lập tức phạt 100.000 đồng! Phạt lần 1, lần 2, lần 3 đóng cửa, lần 4 đi tù. Thế thì mới được. Nhưng chúng tôi tranh cãi không nổi. Có người bảo nếu làm như thế thì đóng cửa hết à?
Có những lúc chúng ta nghĩ đến phải quy hoạch cái chỗ ăn, nhưng điều ấy cũng không phải hoàn toàn đúng. Nhiều nước văn minh, người ta quy hoạch cái đó bằng yếu tố văn hóa. Còn về VSATTP, đầu tiên người ta bắt anh tuân thủ các điều kiện, khi anh không làm được cái đó, dứt khoát không cho hành nghề!
Còn ở ta, trong khách sạn muốn có chỗ mát xa, ông bác sĩ bảo mát xa phải có điều kiện là có bác sĩ, không có bác sĩ không được mát xa. Nhưng trên thực tế họ đã cấp giấy phép mát xa trước mất rồi.
Việc phải làm hằng ngày
Ông Nguyễn Công Khẩn : Điều quan trọng nhất là nguồn cung cấp phải được công nghiệp hóa. Ảnh : Việt Hùng |
Thưa ông, vậy chả nhẽ ta lại cứ loay hoay mãi thế à ?
Phải tiếp tục củng cố! Báo cáo giám sát của Quốc hội vừa rồi cho thấy xuất khẩu các mặt hàng của ta tăng từ 15 lên 19 tỷ USD, trong đó có nông, thủy sản. Như vậy cái quan trọng nhất là ATVSTP của mình tăng lên, nếu không làm sao ta xuất khẩu được.
Đó có phải là chuyện ta làm cho tây ăn thì rất sạch, nhưng ta làm cho ta ăn thì lại bẩn. Phải chăng do hàng rào kiểm soát ATVSTP của tây nghiêm và tốt hơn của ta?
Trước đây thực hành vệ sinh của ta còn kém, không xuất được, nhưng bây giờ lại xuất khẩu được, như vậy không phải ta không làm được. Ta hoàn toàn có thể làm được, nếu học được bài học từ xuất khẩu để cải thiện toàn bộ hệ thống.
Điều quan trọng nhất là nguồn cung cấp phải được công nghiệp hóa. Điều thứ hai, kiểm soát được tới từng cái tên của người cung cấp hàng hóa.
Muốn kiểm soát được ATVSTP, cần thay đổi tư duy theo từng bước. Mình đang ở tình trạng “mất một con gà la hết cả làng xóm lên”, bảo cái này độc, cái kia ung thư nhưng thực ra mình có ai chứng minh được đâu. Tuy nhiên, mình kém về thực hành vệ sinh thì rất rõ.
Tháng ATVSTP có vẻ hình thức quá. Theo ông, hoạt động này có hiệu quả gì không ?
ATVSTP là việc ta phải làm hằng ngày, không thể là tháng. Đây là cách vận động xã hội. Chúng ta có ngày thương binh, ngày nhà giáo… chẳng qua là cuộc vận động để tạo ra sự ủng hộ xã hội thôi, điều ấy không có nghĩa hết tháng là kết thúc. Cũng không nên tạo ra tâm lý hết tháng là kết thúc; tôi cho rằng tháng ATVSTP chỉ là một cuộc vận động thôi.