Tôi đến chơi nhà một bà con tại Ngã Giữa (tức là đường Gia Long, sau đổi là Phan Bội Châu, nay là Phan Đăng Lưu), nhân dịp có mấy em gái họ từ Đà Lạt về nghỉ hè tại đây. Anh em cười nói rộn ràng và bày ra một cuộc đàn hát vang dội. Giữa chừng có một anh chàng từ nhà kế cận vọt bao lơn sang và tỏ ý muốn chung vui. Anh ra dáng thư sinh, vui vẻ, dễ mến. Nghe giới thiệu mới biết đó là Trịnh Công Sơn, hiện ở trên đường này cùng với gia đình.
Mãi đến năm 1963, tôi vào Sài Gòn khởi sự làm báo, ở một góc căn gác gỗ bên chân cầu Trương Minh Giảng. Một hôm bỗng đâu Trịnh Công Sơn đến gặp tôi. Và lại có mẹ của anh đi cùng. Đinh Cường và Ngô Kha chỉ chỗ ở của tôi cho anh. Đây mới là lần thứ hai tôi gặp Trịnh Công Sơn.
Căn gác gỗ quá chật chội và lôi thôi, tôi tỏ ra vô cùng lúng túng nhưng rất mừng vì cuộc hạnh ngộ lần này, sau khi nghe Ngô Kha tán dương những bài hát đầu tiên của anh mà mình chưa được thưởng thức.
Đó là thời gian Trịnh Công Sơn đang chôn chân vào trường Sư phạm Quy Nhơn.
Chân dung Trịnh Công Sơn |
Năm sau, 1964, tôi từ Sài Gòn lên Bảo Lộc để ở lại với Sơn vài ngày tại nhiệm sở và nhân thể nhìn ngó tận mắt chỗ ở và chỗ làm việc của bạn. Tôi lên đến miền đất đỏ này vào buổi chiều, gặp lúc Sơn đang đứng lớp. Vắng chủ nhà nhưng tôi vẫn được phép vào phòng Sơn: Bàn ghế bề bộn, giường ngủ buông mùng. Cái đập vào mắt hơn cả là bao thuốc lá vứt tứ tung.
Nằm trên giường bạn và nhìn quanh, tôi nhận ra căn phòng này dễ xua đuổi hơn là ấp ủ chủ nhân, bởi lẽ chỉ toàn mùi thuốc lá, ẩm mốc và lạnh lẽo. Kim chỉ dây dưa, tôi nghĩ thêm rằng nghề dạy học không phải dành cho anh chàng phóng khoáng và tài hoa Trịnh Công Sơn.
Hàng tuần, anh đi đi về về Sài Gòn - Bảo Lộc. Đến 1965 anh bỏ dạy hẳn. Anh đi Đà Lạt và lần đầu tiên gặp Khánh Ly ở đây. Cô ca sĩ này đang hát ở một hai phòng trà nơi thành phố mộng mơ. Ngay từ lúc đầu, hai người tỏ ra hợp nhau.
Trịnh Công Sơn xem Khánh Ly là người em thân thiết và đúng là ca sĩ nhanh nhạy, thông minh, có chất giọng phù hợp với ca khúc của mình hơn cả. Khánh Ly không những hát toàn vẹn bài hát mà thôi, còn hát từng câu. Và không những hát từng câu mà còn hát từng chữ một, tròn trịa, đầy đặn, nâng niu. Đó là chưa kể nốt luyến, nốt ngân, nốt buông, nốt vỡ, nốt lặng...
Trịnh Công Sơn cùng với Khánh Ly từ giã phòng trà Đà Lạt về Sài Gòn mở ra phong trào hát giữa sinh viên thanh niên: tại trụ sở sinh viên gần hồ Con Rùa, tại sân bỏ hoang của Đại học Văn khoa. Trịnh Công Sơn với cây đàn thùng, Khánh Ly trật dép ra đi chân đất, cùng hòa mình vào phong trào tranh đấu vì hòa bình của sinh viên.
Cũng năm này, Trịnh Công Sơn đến ngủ tại chỗ ở mới của tôi: cư xá sĩ quan Chí Hòa, đường Bắc Hải. Năm sau, 1966, tôi lại đến chỗ ở mới tại đường Lý Thái Tổ để cùng làm việc với Trương Phú, Giám đốc Nhà xuất bản An Tiêm. Và nơi đây sau đó là nơi lui tới thường xuyên của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn.
Năm 1968, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly biểu diễn ở Huế. Nhưng không ngờ khán giả khá mất trật tự nên cả hai không hài lòng lắm. Năm 1970, Trịnh Công Sơn trình diễn “Tự tình khúc” tại trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán ở Huế.
Cũng năm này Phạm Công Thiện ra Huế chơi, đúng vào mùa mưa lụt. Buổi sáng, dù trời còn mưa, chúng tôi đi về Vỹ Dạ. Đi ngang qua Đập Đá, nước đục ngàu xăm xắp con đập. Có bạn nào đó ngồi trên xe lo sợ đi về Vỹ Dạ đến hồi trở về nước có thể lên cao. Nhưng rồi vẫn đi. Xuống tới Vỹ Dạ, Phạm Công Thiện đi thăm nhà thơ Võ Ngọc Trác và buổi trưa ở lại. Chiều quay xe trở về thì Đập Đá nước tràn.
Tính liệu không thể qua đêm ở Vỹ Dạ, người bạn lái xe lao tới. Qua được nửa con đập, đột nhiên xe chết máy vì nước lút máy xe. Trịnh Công Sơn và tôi xanh mặt. Phạm Công Thiện đọc kinh “tai qua nạn khỏi” bằng tiếng Phạn: “Hare Rama…”. Tài xế bình tĩnh thử máy một hồi lát sau nghe tiếng rồ. Chiếc xe, bò từng bước, và cuối cùng cũng qua được bên kia Đập Đá. Mọi người thở phào!
Ký ức từ những năm bảy mươi
Năm 1971, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Lần này có thêm Phạm Duy. Xong chương trình, mọi người kéo nhau sang trường Đại học Mỹ thuật gần kề xúm quanh cốt tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn và tiếp tục hát.
Những năm bảy mươi này, tôi thường tá túc nhà Trịnh Công Sơn ở Phú Cam. Đây là thời gian “trốn lính” cao điểm của chúng tôi. Một đêm, cảnh sát dã chiến bao vây cả khu vực này và sục sạo từng nhà một. Nghe động, mẹ của Trịnh Công Sơn giục con trai trong nhà trốn gấp. Em trai của Sơn thoát nhanh, Sơn cũng thoăn thoắt trèo lên cánh cửa và nhảy lên trần nhà.
Cơ khổ cho tôi cứ trèo lên trật xuống, phải đứng lên hai vai em gái của Sơn, vậy mà vẫn không tài nào nhảy lên trần nhà được, đành buông tay làm rớt cả một dãy móc quần áo đính vào cửa. Và tôi ngồi xuống giường chờ cảnh sát xộc vào. Chẳng hiểu sao, cảnh sát đi ngang qua và đi thẳng.
Năm 1975, tháng ba giải phóng Huế, Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn, tôi nôn nóng gọi anh ra Huế. Và tháng chín, Trịnh Công Sơn trở về thật. Anh về lại căn hộ ở cầu Phú Cam. Anh em bạn bè hàng ngày lui tới với anh, ngủ lại với anh, cho anh bớt trơ trọi. Cho đến năm 1979, Trịnh Công Sơn từ giã Huế vào hẳn Sài Gòn.
Năm 1989, tôi gặp Sơn tại Paris. Đêm hát tại Paris ngoài Trịnh Công Sơn, còn có Michiko, Nguyễn Quang Sáng, Thanh Hải. Tôi và anh Cao Huy Thuần dẫn chương trình. Việt kiều ở đây mừng vui gặp Trịnh Công Sơn. Buổi hát chấm dứt, các bạn trẻ mời anh đi nơi này nơi khác.
Trịnh Công Sơn còn về Huế sau năm 1979 rời căn hộ ở cầu Phú Cam vài lần: 1983 về cùng với Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn; 1987 về dự ra mắt Hội Văn nghệ thành phố Huế; 1990 về để quay phim với hãng BBC; 1995 về trình diễn hai đêm Những bài ca không năm tháng; 1996 về làm giám khảo cuộc thi Duyên dáng cố đô, 1998 về dự khánh thành KS Morin (tái thiết).
Năm 2000, ngày 13-4, Trịnh Công Sơn có mặt ở Huế. Không phải là khách mời nhưng nghe tin lúc đó diễn ra Festival Huế, Sơn lại về. Có ai ngờ đó là lần về Huế cuối cùng của Trịnh Công Sơn.
Huế, 30-3-2010