Một dải đất chạy dài dọc bãi giữa trở nên khô cằn, nứt nẻ từ ngày sông Hồng cạn nước |
Tôi men theo con đường mòn dọc bãi giữa sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, trong một chiều cuối tháng ba im ắng. Vài đứa trẻ bụi đời nằm phơi mình trên bãi cát. Hai ba chiếc thuyền đánh cá lẻ loi đậu gần gầm cầu Long Biên cạn nước và cơ man rác thải.
Anh Nguyễn Văn Lâm, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, là ngư phủ có thâm niên trên sông Hồng, thong thả với điếu thuốc lào, anh bắt đầu mặn chuyện: “Hơn 30 năm làm nghề đánh cá, năm nay tôi mới thấy nước sông Hồng cạn nhiều như thế. Cá không về nên đánh bắt càng khó khăn hơn”.
Những chiếc thuyền chài của dân xóm vạn đò dường như mệt mỏi, bập bềnh, trôi nổi trên sông chờ vận may, chờ con nước đem cá về. Trong khi đó, nước sông Hồng thì càng ngày càng khô cạn. |
Cứ tầm 6 giờ sáng, anh Lâm lại chạy thuyền dọc sông Hồng, vòng đi vòng lại đến ba giờ chiều, chỗ nào linh cảm có nhiều cá là anh giăng lưới không kể nước sâu hay nông.
Cũng có khi anh chạy vào ban đêm, từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Được mẻ cá nào, anh mang về cho vợ bán dọc cầu Long Biên.
“Có hôm may mắn, gặp mớ cá lớn, hai vợ chồng bán được gần 500 nghìn đồng. Nhưng nước sông Hồng mùa này cạn kiệt, dân chài chúng tôi chỉ lo không bị lỗ là tốt rồi”, anh phân trần.
Sông Hồng có hai mùa nước, mùa nước đục và mùa nước trong. Mùa nước đục bắt đầu khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Mưa lũ tràn về, nhất là mưa rào, cá theo nước về, sinh sôi nảy nở. Dân chài thường trông chờ mùa này để kiếm ăn. Còn mùa nước trong này thì không có nhiều cá.
Nhiều lần anh Lâm chạy ròng rã suốt dọc sông Hồng nhưng không bắt được con cá nào, đành chấp nhận trắng tay trở về, mất toi trăm nghìn tiền dầu chạy máy.
Ngóng chiếc thuyền đang chạy mỏi giữa lòng sông, anh buông tiếng thở dài: “Biết không có cá mà bắt nhưng không chạy không được. May chăng được mẻ cá nào chăng. Bỏ đi thì tiếc lắm”.
Những chiếc thuyền chài của dân xóm vạn đò dường như mệt mỏi, bập bềnh, trôi nổi trên sông chờ vận may, chờ con nước đem cá về. Trong khi đó, nước sông Hồng thì càng ngày càng khô cạn.
Cây trồng chết héo
Không những dân chài, bà con canh tác hoa màu trên bãi giữa cũng loay hoay vì không có nước tưới. Một vùng đất rộng chạy dọc bờ sông khô khốc, nứt nẻ.
Những chiếc hố được đào để đặt máy bơm đành bỏ đi vì không hút được nước |
Trước đây, các gia đình dẫn nước từ ngoài sông vào để tưới ruộng. Trung bình mỗi nhà có 60 ống, mỗi ống dài 4 mét mới đủ để dẫn nước đến tận ruộng nhà. Nước sinh hoạt thì khoan dưới lòng đất và bơm bằng tay.
Nhưng chẳng mấy chốc sông Hồng cạn kiệt, các ống nhựa chất đầy sau nhà, cần bơm nước bỏ không cả tháng nay không dùng đến nữa. Một số nhà phải đào hố sâu hai mét. Đặt máy bơm xuống thì may chăng còn có nước.
Nhiều gia đình đào rồi mà vẫn không bơm lên được, đành gánh nước nhờ của hàng xóm, giăng bạt hứng nước để dùng dần.
Chỉ tay ra bãi trồng lạc thưa thớt nhà mình, anh Nguyễn Văn Lợi, 38 tuổi, than: “Đến mùa lạc ra hoa mà không có nước tưới thì làm sao có củ được. Lại mất trắng mùa thôi”.
Lạc và ngô ở bãi giữa trồng từ tháng chạp. Nhà nào trồng đúng vụ cây còn lên được. Nếu để ra giêng, phần sắt lại, phần chết lụi. Đất bãi giữa lại là đất cát nên khó giữ nước.
Vợ chồng anh Lợi từ Hưng Yên lên Hà Nội, thuê hơn mẫu rưỡi đất ở bãi giữa để trồng hoa màu với giá 300 nghìn đồng/sào.
Trước căn lều lụp xụp chỉ đủ để chui ra chui vào, không một vật gì đáng giá, anh Lợi vừa bón cơm cho hai đứa con nhỏ vừa chăm chị vợ liệt giường.
Không có nước tưới, nhiều loại cây không lên được, chết héo hết mà phân bón, thuốc trừ sâu ra tết tăng giá nhiều. Cứ tình trạng càng ngày càng hạn hán, anh phải trả bớt đất.
Xóm bãi giữa chủ yếu là người Hưng Yên hoặc các vùng lân cận đến thuê để canh tác. Bà Đàm Thị Cửi, 64 tuổi, có bốn con thì hai người lên đây thuê đất trồng trọt. Thỉnh thoảng bà đến phụ giúp con cái.
Đất khô hạn, rau xanh chết héo hết, bà chuyển sang trồng ớt mà chẳng được bao nhiêu. Gia đình bà cũng đào hố hút nước nhưng nước không lên được. Thỉnh thoảng, bà phải gánh nước xin nhờ hàng xóm để dùng sinh hoạt còn nước tưới cây đành chịu.
Trong trồng trọt thì nhất nước, nhì phân. Khi nước sông cạn, diện tích đất được mở rộng. Nhưng nếu không có nước tưới, trồng thêm cây chẳng để làm gì, bà Cửi ngậm ngùi.
Theo ông Lý Xuân Hùng, Trưởng tàu Du lịch sông Hồng, Hà Nội, năm nay, thời tiết dị thường biểu hiện rất rõ. Nhiều đoạn sông khô cạn nước hơn, thủy triều dâng cao, xâm mặn nhiều hơn. Trước đây, thủy triều dâng lên chỉ khoảng 10cm. Nay, thủy triều lên đến hơn một mét.
“Chỉ đến khi nước cỏ gà từ thượng nguồn đổ về ngập các cồn cát nổi, nước sông Hồng mới có thể cải thiện được. Mọi sinh hoạt và kinh doanh trên sông sẽ bớt khó khăn hơn”, ông Hùng nói.
Tàu thuyền vẫn qua
Ông Lý Xuân Hùng, Trưởng tàu Du lịch sông Hồng, Hà Nội lạc quan cho rằng dù nước sông Hồng cạn nhưng tàu vẫn qua |
Sông Hồng năm nay cạn đến mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Tuy nhiên, với mực nước đo được mà Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra, khoảng cách còn khá xa so với mực nước thực tế. “Chính vì vậy, tàu thuyền chúng tôi vẫn đi lại bình thường”, ông Lý Xuân Hùng, cho biết.
Số liệu mà cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra không phải là mực nước thực cách đáy sông. Theo ông Hùng, trên thực tế chưa bao giờ nước sông Hồng xuống tới mức 0,1m.
Các số liệu mực nước từ trước đến nay tại chân cầu Long Biên chẳng hạn, mà cơ quan khí tượng thủy văn công bố, là số liệu so với mực nước biển và không có hiện tượng nước ở lòng sông chỉ cao bằng đầu gối, có thể lội qua được.
Ông Hùng cảnh báo, do tình trạng hiểu không đúng số liệu công bố, từng xảy ra hiện tượng một nhóm thanh niên định lội ngang đoạn sông được bảo mực nước chưa đến đầu gối và suýt nữa chết đuối.
Chúng tôi đem ý kiến thắc mắc của một số người cho rằng mực nước sông Hồng cạn đáy mà tàu thuyền vẫn qua được đến hỏi các chuyên gia.
Bà Trịnh Thu Phương, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho hay, từ trước đến nay, số liệu đo đạc mực nước sông Hồng vẫn được tính theo tiêu chuẩn cao độ quốc gia của trạm Hòn Dấu, không phải là mực nước thực cách đáy sông.
Số liệu mà cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra không phải là mực nước thực cách đáy sông. Theo ông Lý Xuân Hùng, Trưởng tàu Du lịch sông Hồng, Hà Nội, trên thực tế chưa bao giờ nước sông Hồng xuống tới mức 0,1m. |
Cũng theo bà Phương, hiện nay, tình trạng cạn kiệt trên toàn bộ hệ thống sông Hồng vẫn đang diễn ra. Các dòng thượng nguồn sông Lô, sông Thao không còn đủ nước, kể cả thủy điện Trung Quốc cũng đang khan hiếm nước.
Trong thời điểm cạn nước nhất, ông Hùng cho biết, nhiều tàu thuyền trên sông vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí có tàu trọng tải lên tới 400 tấn vẫn chạy, không hề có sự cố hay bị mắc cạn đoạn nào trên sông khi đi đúng luồng.
Để tàu thuyền trọng tải lớn có thể chạy được, mực nước sông tối thiểu phải đạt từ 1,6 - 1,8 m. Riêng tàu du lịch, mực nước đảm bảo tàu chạy an toàn là 80cm - 1m. Vì thế, chân vịt của tàu chỉ cần cách đáy sông 10cm - 15 cm là có thể đi được.
Ông Hùng nói thêm, thông tin nước sông Hồng cạn trơ đáy khiến du lịch sông Hồng gặp không ít khó khăn trong việc ổn định tâm lý khách hàng. Có người còn đến tận nơi để xem xét, liệu nước sông cạn thế có đi được hay không. Thậm chí, nhiều hành khách đăng ký từ trước đã gọi điện hủy bỏ chuyến đi.
“Tuy nhiên, tàu du lịch sông Hồng vẫn hoạt động bình thường, kể cả ngày nước sông cạn nhất, đảm bảo an toàn cũng như đưa chúng tôi đến tận địa điểm muốn tham quan dọc bờ sông mà không bị cản trở nào”, ông Hùng nói.
Những hàng hóa nặng như đất đá, sỏi cát, sắt thép chuyên chở bằng đường thủy là thích hợp nhất cả về giá cả lẫn tính an toàn. Nếu sông cạn đến mức không thể đi nổi thì sẽ rất ảnh hưởng đến kinh doanh. Nhưng với mớn nước như hiện nay, nhiều tàu thuyền vẫn có thể qua lại và không bị gián đoạn.
Riêng với đoạn Cửa Dâu dài khoảng vài trăm mét thì, năm nào cũng vậy, vào mùa nước cạn đều bị ùn tắc, khó đi do luồng chảy hẹp. Tàu thuyền chen nhau đi qua, không tàu nào chịu nhường tàu nào là cảnh thường thấy y hệt trên đường bộ.
Những lúc như thế, ngay cả những hôm mực nước sông Hồng cao hơn như thời gian qua, vẫn phải chờ thủy triều lên, chờ con nước mới đủ lớn, để mở rộng mặt nước, thông đường cho tàu thuyền chen chúc lộn xộn được giải tỏa.