Bộ Công thương họp khẩn bàn kiềm chế nhập siêu

Bộ Công thương họp khẩn bàn kiềm chế nhập siêu
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nhập siêu quý 1/2010 ước đạt 3,51 tỷ USD và chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, vượt quá chỉ tiêu khống chế dưới 20% kim ngạch xuất khẩu mà Quốc hội đã thông qua. Hôm nay Bộ này đã phải họp khẩn để tìm biện pháp chống nhập siêu.
Bộ Công thương họp khẩn bàn kiềm chế nhập siêu ảnh 1
VN đang hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu như ô tô, xe máy, mỹ phẩm để chống nhập siêu.

Thời gian qua, mặc dù Bộ Công Thương đã đề xuất hàng loạt các biện pháp mạnh giúp kiềm chế nhập siêu gồm hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu... nhưng nhập siêu những tháng đầu năm nay vẫn có xu hướng nhích lên, ngược với diễn biến cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, hôm nay 25/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn với các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành hàng nhằm tìm ra nguyên nhân và bàn giải pháp kiềm chế nhập siêu trong thời gian tới.

Vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu

Kim ngạch nhập khẩu tăng tập trung vào các mặt hàng phân bón, cao su, giấy, bông, sợi các loại, thép thành phẩm, phôi thép, kim loại khác. Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất, nhiều mặt hàng phụ thuộc vào nhập khẩu cũng tăng mạnh.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Nguyễn Tiến Trường cho biết: Dệt may vốn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta nhưng hai tháng qua, để xuất khẩu được 1,46 tỷ USD (tăng 13% so với cùng kỳ) thì đồng thời cũng phải chi 991 triệu USD để nhập bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu (riêng bông nhập khẩu tăng tới 156,3%, sợi tăng 66,1% so với cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu của ngành dệt may càng tăng mạnh khi mà giá các mặt hàng nhập khẩu tăng chóng mặt: giá bông tăng 40% (từ 1,4 USD/kg lên 1,9 USD/kg), giá vải tăng 20%.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nhận định rằng: chênh lệch xuất nhập khẩu cũng lớn hơn khi các mặt hàng thuộc nhóm nguyên nhiên liệu, vốn đóng góp lớn vào tăng trưởrng xuất khẩu các năm trước năm nay lại giảm. Tính đến hết quí I, xuất khẩu dầu thô giảm về lượng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái do dành cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đáng chú ý là xuất khẩu dầu thô giảm một nửa nhưng nhập khẩu xăng dầu không giảm tương ứng mà còn tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu năm nay lại thiếu sự đóng góp của mặt hàng vàng bạc đá quý.

Điều hành bằng giải pháp

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều biện pháp kiềm chế nhập siêu như đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Cụ thể, không khuyến khích sử dụng như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy, nước hoa, mỹ phẩm, rượu ngoại...; không nhập khẩu đối với nhóm hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và trong nước đã sản xuất được....

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát nhập khẩu bằng áp dụng hạn ngạch thuế quan, giấy phép nhập khẩu, thắt chặt quy trình thông quan, kiểm tra chất lượng, xuất xứ đối với nhóm hàng nông lâm sản, thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật....

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa phải là "liều thuốc mạnh" bởi các biện pháp hạn chế nhập siêu chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng tiêu dùng nhưng tỷ trọng của nhóm này rất thấp, chỉ chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên liệu, máy móc thiết bị chiếm tới 82,6%, gấp gần 10 lần lại khó áp dụng các biện pháp hạn chế.

Thứ trưởng Biên cho rằng để hạn chế nhập siêu thì biện pháp tốt nhất là gia tăng xuất khẩu theo hướng tiến hành thúc đẩy xuất khẩu ngay từ gốc. Ðó là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, kim ngạch lớn và có khả năng tăng trưởng cao.

Trong đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho những mặt hàng có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu và cả những mặt hàng tuy giá trị xuất khẩu chưa lớn nhưng lại có hàm lượng công nghệ cao như sản phẩm phần mềm, hàng điện tử, tin học...

Nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường sản xuất những mặt hàng phục vụ xuất khẩu, Bộ đã kiến nghị một số chính sách phát triển xuất khẩu và Chính phủ như: điều chỉnh tỷ giá USD, thậm chí can thiệp không để giá một số mặt hàng nông sản xuống đến mức gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp.

Để kiểm soát nhập siêu, bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ đề xuất danh mục các mặt hàng cần áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan hoặc giấy phép nhập khẩu, áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu và quy trình thông quan đối với các nhóm hàng cần kiểm soát.

Đặc biệt, Bộ vừa đưa ra một số biện pháp quyết liệt trong việc hạn chế nhập khẩu, từ đó giảm nhập siêu đối với mặt hàng muối. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với một số bộ liên quan xây dựng và áp dụng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu như ô tô, xe máy, mỹ phẩm.

MỚI - NÓNG