10 năm nay, VEAM phối hợp với nhiều địa phương để làm chính sách, theo hướng VEAM cấp máy, ngân hàng cho nông dân vay, địa phương hỗ trợ lãi suất, trong thời gian 36 tháng. Số lượng máy móc bán theo chính sách này chiếm khoảng 20% sản lượng máy do VEAM sản xuất. Tuy nhiên, chính sách không thống nhất trên cả nước.
Hằng năm, địa phương phải tính toán, đưa hội đồng nhân dân họp, quyết định có hỗ trợ hay không, ngân sách ít hay nhiều… cũng mất khá nhiều thời gian. Đối với máy nông nghiệp, nhất ở miền Bắc thường bán theo thời vụ. Nhiều khi, tỉnh duyệt chính sách hỗ trợ rồi, nhưng vụ đã qua, phải chờ đến vụ sau, dẫn đến máy tiêu thụ chậm.
Thưa ông, thực hiện Quyết định 497 (tháng 4/2009, về lãi suất cho nông dân mua máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp), VEAM gặp những vướng mắc gì?
Quyết định 497 là chủ trương thống nhất cả nước. Tuy nhiên, việc phổ biến, triển khai đến các tỉnh, nhất là từ các ngân hàng còn chậm. Từ lúc có hiệu lực đến khi hết hạn chỉ khoảng 8 tháng, chính sách về đến địa phương còn 5-6 tháng. Trong khi, nông dân mua máy theo thời vụ, khoảng thời gian trên ứng với 1 vụ, chỉ bán được một lần.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Tổng GĐ Tổng Cty Máy động lực & Máy nông nghiệp (VEAM) |
Mặt khác, nguồn vốn cho 497 cũng bị hạn chế vì các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã bơm cho các gói kích cầu trước đó. Đây chính là nút thắt. Hơn nữa, chính sách lớn nhưng, khi triển khai, dân nhiều tỉnh, kể cả chủ tịch xã, cũng không biết.
Sản xuất máy móc, chi phí mua sắm nguyên vật liệu rất lớn, không thể nào qua một đêm bấm nút là có sản phẩm ngay được.
Khi nghe ngóng có 497, chúng tôi đã có kế hoạch tăng sản lượng. Thời gian đầu, chúng tôi cháy hàng. Nhưng khi sản lượng tăng cao, ngân hàng lại thắt hầu bao. Những tháng cuối năm 2009 tồn kho đến 7.000 - 8.000 máy kéo.
Có chủ trương của nhà nước, mình không làm đủ hàng thì đó là khuyết điểm. Nhưng làm đủ để cung ứng mà ngân hàng không sẵn sàng thì mình chết.
Tiền gà bằng ba tiền thóc
VEAM đã chuẩn bị cho QĐ 2213 sửa đổi, bổ sung một điều QĐ 497, tiếp tục kéo dài thời gian hơn việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân ra sao?
Thời gian kéo dài hơn là đáng mừng. Thế nhưng cũng lo lắng vì, quá trình làm việc với các ngân hàng địa phương, chúng tôi thấy họ còn lúng túng về vốn. Chúng tôi hồ hởi vác QĐ 2213 đến các tỉnh để làm việc. Đến nơi họ còn trách mình làm sớm quá, họ chưa chuẩn bị được.
Theo tôi, các quyết sách lớn của nhà nước, trước khi Thủ tướng ký, các ngân hàng nên bàn kế hoạch triển khai. Chứ đợi lúc ký ban hành, mới loay hoay thực hiện thì để đến dân sẽ rất lâu.
Chúng tôi sẵn sàng tăng sản lượng, nhưng tín hiệu từ ngân hàng chưa rõ. Làm một cái máy, không phải như may quần, áo, hay mặt hàng khác, lúc tồn kho có thể xả hàng. Vì máy nông nghiệp lợi nhuận thấp vì thế, điều hành sản xuất phải theo đầu kéo, cần bao nhiêu sản xuất bấy nhiêu, không sẽ tắc.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của VEAM như thế nào?
Các loại máy nông nghiệp chúng tôi có thể làm được tất cả chi tiết. Nhưng thế giới không ai làm thế, vì sẽ rất tốn kém, giá sẽ cao. Tất nhiên, mình phải chủ động thiết kế, quyết định tính năng của máy. Như động cơ diezel, phải làm được trục khủy, thanh truyền, nắp quy láp, thân máy, trục cam…
Hiện VEAM có 16 sản phẩm chính, từ máy phun thuốc trừ sâu, máy xay xát, máy cày, các máy liên hợp, máy cấy, động cơ diezel… Tùy từng máy, có máy có tỷ lệ nội đia hóa từ 20-80%. Hiện, thị phần của VEAM tại Việt Nam là động cơ diezel chiếm 25-30%; máy kéo cao hơn, khoảng 30-40%...
Nhiều người cho rằng máy móc phục vụ nông nghiệp sản xuất trong nước quá đắt so với máy sản xuất từ Trung Quốc?
Chuyện rẻ hay đắt đi liền với chất lượng của máy. Máy do doanh nghiệp TƯ của họ sản xuất cũng đồng cân, đồng lạng với sản phẩm của chúng tôi. Còn máy do doanh nghiệp địa phương của họ sản xuất, chất lượng thấp hơn, nên bán rẻ.
Đó là chưa kể, đi liền với cái máy là chất lượng dịch vụ như bảo hành, sửa chữa máy móc, cung cấp phụ tùng như thế nào.
Tuy nhiên, nông dân ít tiền nên phải mua máy rẻ tiền, chất lượng không tốt. Có khi chạy được một mùa, phải sửa chữa nhiều lần, tiền gà bằng ba tiền thóc. Vì thế, có khoản hỗ trợ là một miếng đệm, kê thêm để nông dân tiếp cận được máy móc, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn.
Phạm Anh
Thực hiện