Có thể phân tích các lợi ích, các khuyến khích để hiểu loại hành vi này. Nếu đứng uy nghiêm, lồ lộ để ai cũng có thể thấy thì riêng với sự hiện diện đó đã toát ra uy quyền của pháp luật, nâng cao uy tín của công an và uy tín của nhà nước, tác động tốt đến ý thức của người tham gia giao thông, khiến họ ít vi phạm hơn.
Đấy là những cái được, là lợi ích công. Số vi phạm ít, đỡ phải phạt, nên công việc của công an đỡ vất vả hơn. Và vì việc thực hiện dịch vụ công đó, họ phải được trả lương xứng đáng và được dân kính trọng.
Nếu mọi sự diễn ra theo hướng như vậy thì quá trình này tự tăng cường: công an yên tâm làm việc, được kính trọng, kỷ luật giao thông tốt hơn, ít tắc nghẽn hơn, dân đỡ stress hơn, họ làm việc nhiều hơn, nộp thuế nhiều hơn và lại có thêm nguồn lực trả công xứng đáng hơn nữa cho công an. Cần khuyến khích cái vòng tự tăng cường tốt này.
Ngược lại, nếu lương thấp và có quy định trích một số phần trăm tiền phạt cho người đi phạt, thì sẽ có khuyến khích để phạt càng nhiều càng tốt. Và họ sẽ vô tình hay cố ý núp để cho người tham gia giao thông không thấy và bất thình lình chộp kẻ vi phạm, phạt họ (đó là chưa nói đến khuyến khích phạt và đút túi toàn bộ tiền phạt đã ngã giá với kẻ vi phạm).
Có những khuyến khích để hình thành một vòng luẩn quẩn ngược với vòng thiện nêu trên mà kết quả là lòng tin của dân vào luật pháp bị xói mòn.
Nếu những người điều hành giao thông dựng biển báo (cấm, chỉ dẫn giao thông) mà lại để ở chỗ khuất, để ở chỗ người tham gia giao thông rất khó thấy và, vì thế, vi phạm và bị phạt, thì hành vi cắm biển như vậy có thể gọi là đánh bẫy, dẫu cố ý hay do trình độ nghiệp vụ kém.
Dù vô tình, sau khi dư luận lên tiếng, phân tích đúng sai mà nhà chức trách không chịu sửa, vẫn để người tham gia giao thông mắc lỗi, thì cũng có thể gọi là bẫy.
Nói đến bẫy không chỉ khi người ta có tính toán kỹ lưỡng từ đầu, để đưa ra những quy định hay thực hiện những hành vi có thể gọi là bẫy. Tuy nhiên, không thể loại trừ các trường hợp có tính toán, có chủ ý ngay từ đầu như thế.
Những quy định pháp lý bị tuyệt đại đa số vi phạm là các quy định không phù hợp thực tế cuộc sống. Đôi khi nhà chức trách cũng nhắm mắt làm ngơ vì số lượng người vi phạm quá lớn không thể xử lý nổi và nhất là bản thân họ cũng vi phạm.
Dư luận lên tiếng, các chuyên gia góp ý, phân tích và kiến nghị cách sửa, nhưng rất có thể quy định vẫn giữ nguyên và có thể viện dẫn đến nó để lấy cớ trừng trị những người mà các quan nào đó không ưa.
Việc trừng trị là hợp pháp vì có thể dẫn chiếu đến quy định pháp luật. Những trường hợp như vậy dứt khoát phải gọi đúng tên là "đánh bẫy". Cách làm này không có lợi cho bất cứ ai, trừ những kẻ lạm dụng quyền lực.
Cách làm ấy tạo ra một vòng luẩn quẩn hệt như vòng luẩn quẩn nêu trong trường hợp công an dùng nghiệp vụ núp để bắt kẻ vi phạm giao thông. Khi hầu như mọi người đều vi phạm và chính quyền làm ngơ, sự thượng tôn pháp luật bị xói mòn nghiêm trọng. Chỉ riêng thiệt hại to lớn này cũng nên kiên quyết chống cách làm như vậy.
Ngoài ra nó còn gây ra rất nhiều nghi kỵ, bức xúc khác. Nếu bỏ một chút công sức có thể thấy nhiều quy định như thế vẫn tồn tại, thậm chí nhiều dự thảo quy định chắc chắn sẽ gây ra các hiện tượng tương tự. Cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại các hiện tượng như vậy.