Một bạn đọc gọi điện hỏi: “Tôi đang thuê một căn nhà trên địa bàn quận 1 với giá 3.000 USD/tháng. Chủ nhà yêu cầu tôi thanh toán bằng USD. NH không bán USD nên tôi phải mua USD ngoài thị trường chợ đen với giá cao hơn 1.000 đồng/USD so với giá niêm yết của NH. Giờ tôi phải mua USD ở đâu?”.
Không những trong thanh toán dịch vụ, hàng hóa mà hiện nay một số người dân đặt vấn đề họ muốn đổi từ tiền đồng sang USD để cất trữ hay gửi tiết kiệm NH thì sao?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, theo quy định, NH chỉ bán ngoại tệ cho người dân khi du học, du lịch, chữa bệnh..., còn mua USD để thanh toán hàng hóa, dịch vụ trong nước hay để cất trữ là không được phép.
Pháp lệnh Ngoại hối quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
Đi du lịch: được mua nhưng NH không bán
Nếu theo giải thích trên thì đi du lịch hẳn nhiên có thể ra NH để mua ngoại tệ. Quy định hiện nay cho phép mỗi người dân khi ra nước ngoài sẽ được mua 7.000 USD (hoặc ngoại tệ khác tương đương) tại NH. Thế nhưng trên thực tế hầu hết các trường hợp trên đến “gõ cửa” NH để mua ngoại tệ cho các nhu cầu này đều bị lắc đầu từ chối.
Đây chính là lý do NH đã "đẩy" người dân ra chợ đen mua ngoại tệ và tiếp tục tạo đất sống khỏe cho thị trường tự do.
Ngoại tệ có nhưng không thu hút được Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2009 khoảng 6,2 tỉ USD, giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Trong đó, NH TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 920 triệu USD, NH TMCP Đông Á là 1 tỉ USD, NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) là 850 triệu USD... Đây là những con số không nhỏ góp phần vào nguồn ngoại tệ để giải quyết các nhu cầu thanh toán trong nước. Theo ông Trần Xuân Huy - Tổng giám đốc Sacombank, chỉ cần người dân bán số ngoại tệ này cho NH cũng sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, hiện nay các NH chỉ mua được khoảng 10% số kiều hối này. Nguyên nhân là do giá ngoại tệ mà NH mua thấp hơn giá thị trường tự do |
Lâu nay nếu có ngoại tệ cần đổi ra đồng Việt Nam bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng mang đến bán cho NH, nhưng thậm chí vừa bán xong nếu cắc cớ đưa đầy đủ giấy tờ chứng minh đi du lịch để xin mua lại thì chắc chắn sẽ bị từ chối.
Quy định ghi các tổ chức tín dụng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức và cá nhân nhưng lại không bắt buộc nên xảy ra tình trạng NH có ngoại tệ thì bán, không thì thôi. Mà các NH thì thường xuyên trong tình trạng "cung không đủ cầu" nên việc mua ngoại tệ tại NH đối với nhiều người lâu nay gần như là chuyện không tưởng. Nếu cần, nơi họ nghĩ đến đầu tiên là chợ đen.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM thừa nhận: “Trong thời gian qua có thời điểm NH thương mại không mua được ngoại tệ bán cho doanh nghiệp để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ nên nhiều khi cũng khó đáp ứng được cho người dân”.
Thị trường tự do hoạt động "kín"
Có cầu ắt có cung, thị trường tự do vì thế không thể nói "dẹp là dẹp". Theo ghi nhận của PV chiều 28.1, tại các số cửa hàng kinh doanh vàng, bạc đá quý trên phố Hà Trung, Trần Nhân Tông (Hà Nội)... thị trường mua bán, thu đổi ngoại tệ diễn ra rất sôi động.
Tuy nhiên, giá mua bán ngoại tệ tại các cửa hàng này không còn niêm yết công khai trước mặt tiền cửa hàng. Nếu khách có nhu cầu mua bán, nhân viên cửa hàng sẽ hướng dẫn tận tình.
Tại một cửa hàng vàng lớn trên phố Hà Trung, việc mua bán ngoại tệ diễn ra nhanh gọn: sau khi thỏa thuận giá mua hoặc bán, khách báo nhu cầu sẽ được chủ cửa hàng sai nhân viên lấy về đầy đủ.
Còn tại một tiệm vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, số lượng người đến đây mua, bán USD cũng rất nhộn nhịp. Khi được hỏi vì sao có quy định không được bán USD cho người dân mà vẫn bán, chủ các cửa hàng vàng chỉ... cười.
Lãnh đạo một NH cổ phần tại Hà Nội cho biết: "Về mặt bản chất, thị trường USD tự do đang bù đắp phần thiếu hụt mà các NH không thể đáp ứng được nên nó mới tồn tại. Thêm vào đó, các quy định về quản lý ngoại hối hiện tại cũng gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của thị trường này".
Ông này phân tích, việc "gián tiếp" thừa nhận thị trường USD tự do thể hiện qua quy định cho phép người dân được quyền gửi tiết kiệm USD và sở hữu hợp pháp nguồn USD này tại NH dù họ không có nguồn USD kiều hối, không được NH bán USD. Bên cạnh đó, người dân nhận kiều hối là USD cũng không bị bắt buộc phải bán cho ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên chiều 28.1, một lãnh đạo của NHNN VN cũng thừa nhận: hệ thống NH chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu ngoại tệ dù là chính đáng của người dân và vì thế người dân phải tìm đến thị trường tự do khi mua. Còn khi bán, do giá của USD tự do thường cao hơn trong NH nên người dân cũng thường bán ở thị trường tự do có lợi hơn.
"Tuy nhiên, nếu cứ để cho thị trường ngoại tệ tự do phát triển mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ nên cần phải có biện pháp quản lý phù hợp, gồm cả các biện pháp mang tính hành chính và kinh tế.
Về định hướng lâu dài, khi khả năng chuyển đổi của đồng Việt Nam cao hơn, chênh lệch tỷ giá giữa NH và thị trường tự do không còn thì hoạt động của thị trường tự do sẽ tự động teo lại", quan chức này nhận định.
Đại lý đổi ngoại tệ cũng không được bán ngoại tệ Theo Quyết định 21 của NH Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 11-7-2008 thì địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ (ĐLĐNT) tại cơ sở lưu trú du lịch (bao gồm các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp...) đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy), khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài, văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam, khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài tham quan, mua sắm. Tổ chức có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của ĐLĐNT như nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ) trong đó trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc... Các tổ chức sau khi đã ký hợp đồng làm ĐLĐNT với tổ chức tín dụng được phép sẽ gửi hồ sơ đăng ký cho NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn nơi có nhu cầu đặt ĐLĐNT để được cấp giấy chứng nhận đăng ký ĐLĐNT. ĐLĐNT chỉ được hoạt động sau khi được NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn cấp giấy chứng nhận đăng ký ĐLĐNT. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký ĐLĐNT. Các ĐLĐNT chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam (trừ các đại lý đổi ngoại tệ đặt tại các khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế). ĐLĐNT niêm yết và thực hiện mua ngoại tệ theo tỷ giá niêm yết của tổ chức tín dụng. |
Theo Thanh Niên