>> Kỳ 1: Cho những cánh chim không về tổ
Kỳ 2: Duyên nợ vắt qua ba thế kỷ
Tàu hạm đội Thái Bình Dương neo đậu trong cảng Cam Ranh |
Những sứ giả đầu tiên
Những thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, nước Nga bắt đầu quan tâm đến việc củng cố vị thế của mình ở vùng Viễn Đông và do đó rất chú ý đến các hải cảng ở khu vực Đông Nam Á, dự phòng cho các hoạt động của Hải quân Nga ở Thái Bình Dương.
Nhất là khi nguy cơ xung đột quân sự trên biển với Đế quốc Nhật Bản ngày càng tăng, thì mối quan tâm trên càng lớn. Tháng 11 năm 1887, đại tá hải quân S.O. Makarov nhận được mật lệnh xem xét và mô tả chi tiết các hải cảng ở vùng biển Thái Bình Dương mà Hải quân Nga còn ít hoặc chưa ghé qua để đánh giá vai trò của chúng đối với các tàu chiến Nga trong trường hợp xung đột Nga - Nhật diễn ra.
Thực hiện nhiệm vụ đó, một tàu chiến mang tên Tráng Sĩ đã có một chuyến đi vòng quanh thế giới trong vòng 6 tháng, ghé thăm khoảng 30 hải cảng. Trên đường từ Vladivostok ở vùng Viễn Đông trở về căn cứ ở Krondshtadt trên vịnh Phần Lan, vào tháng 12-1887, tàu Tráng Sĩ đã ghé qua Sài Gòn và Cam Ranh.
Năm 1904 sang năm 1905, nguy cơ chiến tranh Nga - Nhật lên đến đỉnh điểm, Hải quân Nga điều nhiều tàu chiến đi từ biển Baltic sang Thái Bình Dương.
Tráng Sĩ - Tàu chiến Nga đầu tiên đến Việt Nam năm 1887 |
Trên đường chuyến đi kéo dài 7 tháng, vượt khoảng 33.000 kilômét, ngày 13-4-1905, Hải đoàn Thái Bình Dương số 2 (gồm 7 thiết giáp hạm, 8 tàu tuần dương, 9 tàu phóng lôi) của Phó đô đốc Rodzestvensky đã phải ghé vào Cam Ranh do thiết giáp hạm Hoàng đế Alexandr đệ tam bị thiếu than đá để chạy máy. Hải đoàn đã vào cảng neo đậu, đề nghị một số sửa chữa, nạp than đá và các nhu yếu phẩm.
Ngày 9-5-1905, Hải đội 1 thuộc Hải đoàn Thái Bình Dương số 3 của Chuẩn đô đốc N. Nebogatov (gồm 4 thiết giáp hạm và 1 tuần dương hạm) đã vào Cam Ranh nhập cùng với Hải đoàn của Rodzestvensky.
Tuy nhiên, dưới sức ép của Nhật Bản và Anh, chính quyền thực dân Pháp đã yêu cầu hải đoàn Nga rời khỏi Cam Ranh. Ngày 14-5-1905, đoàn tàu chiến Nga buộc phải chuyển sang neo đậu ở vịnh Vân Phong.
Việc ghé vào Cam Ranh, theo một số đánh giá của các nhà lịch sử quân sự Nga, đã góp phần dẫn đến một hậu quả bi thảm. Đô đốc Nhật Bản Togo đã có đủ thời gian để nghiên cứu thấu đáo tình hình và dàn trận phục kích đoàn tàu chiến Nga trên eo biển Tsushima.
Kết quả là Nga mất 2/3 hạm đội của mình trong các trận đánh diễn ra các ngày 27, 28-5-1905. Sau trận chiến, các tàu chiến còn lại của các hải đoàn Thái Bình Dương 1 và 2 của Nga gồm thiết giáp hạm Tsesarevich, các tàu tuần dương Rossia, Gromoboy, Bogatyr và Diana trở về biển Baltic có ghé qua Sài Gòn và Cam Ranh.
Trong thời gian neo đậu ở Sài Gòn, một số thủy thủ Nga bị thương đã được đưa lên quân y viện của Pháp để chữa trị, một số người qua đời được chôn cất ở nghĩa trang địa phương.
Theo ông A.M. Vanyukov - đại tá cựu binh Cam Ranh, đại diện cho Cty cổ phần mở Zarubezhneft tại Vũng Tàu (đến năm 2008) thì vào năm 1983, khi di chuyển nghĩa địa Sài Gòn cũ, người ta đã tình cờ tìm thấy hài cốt của các thủy thủ Nga. Bia tưởng niệm họ đã được dựng lại.
Trong thời gian đầu Đại chiến thế giới lần thứ hai, năm 1914, các tàu tuần dương Nga Askold và Dzemchuk đã ghé vào Cam Ranh để ăn than.
Căn cứ Hạm đội
Máy bay chiến lược TU 95 tại sân bay Cam Ranh |
Từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, hạm đội Xô Viết đã vươn xa trên các đại dương để thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược đảm bảo cân bằng an ninh toàn cầu. Việc không có căn cứ quân sự ở nước ngoài khiến cho công tác hậu cần của hạm đội Xô Viết gặp khó khăn.
Với những điều kiện lý tưởng của một hải cảng và quân cảng, xuất phát từ yêu cầu và lợi ích an ninh của hai nước, tháng 2 năm 1979, Cam Ranh được hai Chính phủ Việt Nam và Liên Xô thỏa thuận chọn làm nơi đặt Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật của Hạm đội Thái Bình Dương trong vòng 25 năm, tức cho đến năm 2004.
Theo đại tá hải quân Litkivets, phóng viên tờ Sao đỏ của Quân đội Liên Xô/Nga, thỏa thuận cho phép, Liên Xô có thể cùng lúc triển khai tại Cam Ranh nhiều nhất 10 chiến hạm nổi, 8 tàu ngầm và 6 tàu hộ tống; 16 máy bay mang tên lửa, 9 máy bay trinh sát và 2 - 3 máy bay vận tải. Và số lượng trên có thể được hai bên thảo luận tăng lên nữa tùy theo yêu cầu của tình hình.
Nhiệm vụ của căn cứ này được xác định chủ yếu là: Đảm bảo an toàn neo đậu cho các tàu chiến của hải quân khi đi qua đây, cung cấp hậu cần , kỹ thuật cho chúng; Duy trì dự trữ hậu cần đủ đáp ứng nhiệm vụ; Đảm bảo liên lạc tiếp sức cho các tàu chiến của Hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với chỉ huy sở của Hạm đội Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh Hải quân; Sử dụng sân bay Cam Ranh làm nơi đỗ của máy bay chống tàu ngầm và máy bay trinh sát; Củng cố phát triển quan hệ Xô/Nga - Việt ...
Cam Ranh là căn cứ lớn nhất của Hải quân Liên Xô ở nước ngoài, làm đối trọng với căn cứ hải quân ở hải ngoại lớn nhất của Mỹ tại Subic, Philippines. Thực tế, căn cứ đã góp phần làm tăng tính hữu hiệu sự có mặt của Hải quân Liên Xô - Nga tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong một giai đoạn đáng kể.
Theo Chuẩn đô đốc (Thiếu tướng Hải quân) Yu.P. Eryomin - nguyên Chỉ huy trưởng Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật giai đoạn 1999-2002 thì từ tháng 5-1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu vào Cam Ranh, trong đó có tàu ngầm nguyên tử phóng lôi K-5. Đơn vị đầu tiên của Hải quân Liên Xô gồm 54 người đến triển khai trên bán đảo Cam Ranh vào tháng 4 năm 1980.
Ba năm sau, cả một hải đoàn cơ động của Hạm đội Thái Bình Dương đã được bố trí ở đây. Thời gian cao điểm năm 1986, trên sân bay của căn cứ triển khai trung đoàn không quân hỗn hợp gồm 4 máy bay chiến lược TU 95, 4 chiếc TU 142 (phiên bản của loại TU 95 dùng cho hải quân), phi đoàn máy bay ném bom TU 16 (khoảng 20 chiếc), phi đoàn máy bay tiêm kích đánh chặn và ném bom MIG 25 (khoảng 15 chiếc), 2 máy bay vận tải AM 24, 3 máy bay lên thẳng Mi 8.
Ngoài ra căn cứ còn có đơn vị chống tàu ngầm, tiểu đoàn tên lửa và tiểu đoàn kỹ thuật. Có lúc trên một dải đất dài 10 km rộng 8 km có tới 6.000 quân nhân và kỹ sư, công nhân Liên Xô/Nga làm việc.
Theo thỏa thuận giữa hai chính phủ, phía Liên Xô đã xây dựng ở đây khoảng 30 công trình nhiều mục đích sử dụng. Đơn vị thực hiện việc xây dựng là Tổng Cty Xây lắp Liên Xô đã chuyến đến gần 1 triệu tấn vật tư, thiết bị kỹ thuật.
Tham gia xây dựng căn cứ Cam Ranh bên phía Việt Nam là Binh đoàn 394 mà đội ngũ sĩ quan hầu hết là những người đã tốt nghiệp các trường cao đẳng xây dựng quân sự, đại học mỏ và đại học xây dựng ở Liên Xô.
Việc duy trì căn cứ Cam Ranh đối với Liên Xô và nước Nga trong bối cảnh cuối những năm 80 và những 90 thế kỷ trước không phải là không khó khăn.
Giai đoạn 1965-1972, Mỹ đã xây dựng căn cứ hải và không quân của Hạm đội 7 ở Cam Ranh. Do tầm quan trọng đặc biệt của căn cứ này, Tổng thống Mỹ Lyndon Jonhson hai lần đến thị sát vào ngày 26-10-1966 và 23-12-1967. Bất chấp sự canh phòng nghiêm ngặt của địch, đặc công thủy của ta đã một số lần đột nhập thành công vào quân cảng, đánh chìm 2 tàu vận tải có chở máy bay trên boong. Mỹ buộc phải đưa đến đây những con cá heo được huấn luyện đặc biệt ở căn cứ San Diego (bang California) để bảo vệ. |
Đại tá hải quân - nhà báo Litkivets hồi ức lại rằng khi được cử vào chức vụ chỉ huy trưởng căn cứ, Yu.P. Eryomin (khi đó còn là đại tá) đã được Đô đốc Zakharenko - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương gọi lên giao nhiệm vụ. Đô đốc nói: "Trạm cung ứng kỹ thuật là một quả tạ treo trên cổ tôi, nhưng đó là một quả tạ bằng vàng cần phải mang đi tiếp".
Tuy nhiên, tình hình nước Nga và quốc tế có nhiều thay đổi, từ cuối những năm 80, Liên Xô/Nga bắt đầu rút bớt lực lượng ở đây do chiến lược quốc phòng dần chuyển sang phòng thủ.
Đầu những năm 90, phần lớn cầu tàu và các công trình cảng đã bàn giao cho phía Việt Nam sử dụng. Và năm 2001, chính phủ hai nước Việt Nga đã nhất trí chấm dứt sớm thỏa thuận ký năm 1979 trước 2 năm.
Ngày 2-5-2002, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, đại diện phía Việt Nam và Chuẩn đô đốc A.N. Ivliev - đại diện phía Nga đã đặt bút ký vào biên bản bàn giao căn cứ Cam Ranh cho phía Việt Nam. Ngày 4-5-2002, Hải quân Việt Nam và nhân dân Cam Ranh đã làm lễ trọng thể chia tay tiễn biệt những người bạn chiến đấu Nga.
Những quân nhân Nga cuối cùng rời Cam Ranh năm 2002 |
Đại tá chỉ huy trưởng Eryomin là người cuối cùng rời bán đảo lên tàu Sakhalin 9, chấm dứt 23 năm tồn tại của căn cứ Cam Ranh của Hạm đội Thái Bình Dương.
Sống mãi cùng ký ức
Những hồi ức của các quân nhân Nga từng phục vụ hoặc làm nhiệm vụ hỗ trợ căn cứ Cam Ranh đều cho thấy họ có một tình cảm sâu nặng đối với mảnh đất nhiệt đới nằm cách xa đất nước họ hơn 2.500 km.
Có thể có những đánh giá khác nhau về quyết định của các nhà chính trị và quân sự Nga năm 2001 đối với việc chúng ta có mặt ở Cam Ranh. Nhưng những chuyến viễn dương mới đây của chiến hạm Nga, việc phục hồi các chuyến bay tuần tiễu của không quân chiến lược, việc các hải đội tầu chiến tham gia các chiến dịch chống khủng bố thiếu hệ thống neo đỗ và đảm bảo hậu cần vững chắc tại nhiều điểm khác nhau trên đại dương, kinh nghiệm lịch sử và tình hình quốc tế hiện nay đều đã khẳng định một điều là nước Nga cần có các căn cứ hải quân và không quân bên ngoài lãnh thổ của mình. - Chuẩn đô đốc Yu.P. Eryomin - nguyên Chỉ huy trưởng Căn cứ Cam Ranh. |
Trong hồi ức "Cam Ranh, miền đất bạn bè", Trung tướng V.F. Aistov - Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên Nga và ông M.Z. Nagumanov - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Xây lắp Liên Xô thời kỳ 1987-1989 vẫn nhớ chi tiết một vị tướng hàng đầu của Việt Nam đã hứng nước thẳng từ vòi của hệ thống lọc và xử lý sinh học nước khoan ngầm của căn cứ để uống, một hành động mà họ cho là thể hiện lòng tin của lãnh đạo cao cấp Việt Nam đối với các chuyên gia Liên Xô và thành quả lao động của họ.
Hai ông còn nhớ rõ các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam thời điểm đó như Ái Vân, Thanh Thanh Hiền, Vương Linh- Đặng Hùng... và tên các tiết mục mà họ đã mang đến Cam Ranh để biễu diễn phục vụ các bạn Liên Xô.
Đại tá quân dự bị S.I. Urbanovich nhắc lại kỷ niệm lần đến ban chỉ huy trung đoàn bảo vệ của phía Việt Nam để xin cho các phụ nữ của căn cứ được ra thị trấn Mỹ Ca gần đó chơi nhân dịp ngày 8-3.
Các chỉ huy trung đoàn "xếp ra bàn hai bình ba lít rượu truyền thống của lính thủy đánh bộ là rượu ngâm rắn biển và sò huyết, còn đồ nhắm thì chỉ có xoài xanh thái lát chấm muối và một xô đá lạnh...
Và không nhớ là chúng tôi uống đến cốc rượu thứ bao nhiêu khi tôi muốn biết về hướng giải quyết đề nghị của mình thì được câu trả lời: Giờ nào việc nấy. Và cuối cùng, sau những lời nói bóng gió, tôi nghe thấy câu: Đồng chí Liên Xô thân mến, việc này chúng tôi giải quyết lâu rồi".
Đại tá Urbanovich kết luận: "Nhắc lại các sự kiện ngày ấy, tôi luôn tin tưởng rằng mối quan hệ anh em thân thiết giữa quân nhân hai nước Việt - Nga sẽ vượt qua được mọi rào cản của ngoại giao quan liêu".
Cựu thủy thủ công binh V.M. Koval thì lại nhớ đến một chi tiết rất người là những lần "ăn trộm" dừa để giải khát: "Các bạn Việt Nam đã từng phải lấy dây kẽm gai quấn quanh gốc dừa nhưng chúng tôi vẫn hái được. Sáng ra dưới gốc dừa là cả một đống vỏ trái dừa đã bị uống hết nước".
Ông bộc bạch: "Một năm quân ngũ "vui vẻ" của tôi trôi qua thật nhanh trên đất nước nóng bức nhưng tuyệt vời đến mức làm chúng tôi đem lòng yêu mến này, yêu và gọi Việt Nam của tôi. Và mỗi lần trò chuyện khi nhắc đến đất nước này, tôi lại nói: Còn ở Việt Nam chúng tôi thì...".
Đại tá Vanyukov mà chúng tôi nhắc tới ở phần đầu nhớ tới những đồng đội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Cam Ranh: "Chúng ta cần giữ ký ức về họ.
Hãy tưởng nhớ tất cả mọi người: nhớ vị đô đốc hải quân đã hy sinh trong tai nạn ở Sân bay Cam Ranh, những phi công cất cánh bay đi mà không thấy trở về; nhớ những chiến sỹ hải quân hy sinh khi làm nhiệm vụ, những chuyên gia dân sự chết vì các bệnh nhiệt đới, nhớ cả cậu con trai viên quản trị trưởng còn ở tuổi đến trường đã chết vì quả lựu đạn Mỹ để lại...". Ông kết luận: "Chúng ta vẫn sống khi ký ức về chúng ta vẫn còn".
Điều ông Vanyukov da diết ấy trùng với câu trả lời phỏng vấn của một cựu binh Cam Ranh tại Lễ khánh thành tượng đài "Tưởng niệm những người Liên Xô/Nga và Việt Nam hy sinh tại bán đảo Cam Ranh vì hoà bình, ổn định khu vực" ngày 10-12-2009: "Tượng đài này cho thấy sự có mặt của tôi, của chúng tôi ở đây đã không bị lãng quên".
--------
Trong bài viết này tác giả sử dụng tư liệu và ảnh của mạng www.camranh.ru và sách "Tượng đài Cam Ranh - biểu tượng mới của tình bạn vĩ đại" do Vietsopetro ấn hành.- TG.
Đón đọc kỳ 3: Từ căn cứ quân sự đến cảng hàng không quốc tế