Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV nói, sẽ ưu tiên các hoạt động ngăn chặn việc khai thác, kinh doanh, xuất lậu than trái phép, đồng thời lắng nghe những ý kiến trái chiều về khai thác bauxite, mở bể than Sông Hồng…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang |
+ Thưa ông, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT TKV có phải là thêm gánh nặng với ông, khi vừa phải quản lý nhà nước vừa điều hành sản xuất kinh doanh?
- Tôi nghĩ là tôi sẽ làm được.
+ Sau hàng chục năm phát triển, đến nay, liệu có cần thiết phải đánh giá lại thực trạng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên không tái tạo này không?
- Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành chức năng tiến hành tổng kết, đánh giá (dưới sự chủ trì của Văn phòng T.Ư Đảng) việc thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 1-3-1996 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2010.
+ Ông nghĩ gì về những gì xảy ra ở TKV thời gian qua (khai thác bất hợp lý, ồ ạt, quản lý lỏng lẻo gây thất thoát, sai phạm như UBKT T.Ư kết luận…)?
- Những thiếu sót, sai phạm đó có nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Lãnh đạo TKV, cũng có những nguyên nhân không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của TKV.
Tôi cho rằng, đây là dịp để không chỉ riêng TKV mà cả các cơ quan quản lý nhà nước liên quan từ T.Ư đến địa phương nhìn lại chính mình, rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời những bất cập, những kẽ hở trong quản lý, giúp TKV đảm nhiệm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của một tập đoàn kinh tế mà Chính phủ giao phó.
+ Trong bộn bề công việc của sự tiếp quản, ông ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước?
- Tôi hình dung sẽ có hai loại công việc. Trước mắt, phải cùng tập thể HĐQT chỉ đạo và tạo điều kiện cho cơ quan điều hành tập trung nỗ lực thực hiện thật tốt nhiệm vụ năm 2009 của TKV và chuẩn bị kế hoạch 2010.
Thực hiện nhiệm vụ này, tôi hết sức chú trọng chỉ đạo việc chuẩn bị khai trương, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, công trình, đàm phán ký kết hợp đồng cho năm sau và tăng cường quan tâm vấn đề an toàn lao động.
Kinh nghiệm cho thấy khi áp lực chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch cao thì rất dễ xảy ra sơ suất trong việc tuân thủ các quy định về an toàn.
Loại công việc thứ hai là tôi sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ; đánh giá lại toàn bộ hoạt động của TKV để tìm ra và có hướng khắc phục những điểm yếu; rà soát các dự án đầu tư để tập trung chỉ đạo có trọng điểm; điều chỉnh việc sắp xếp tổ chức (nếu cần) để tăng sức mạnh cho TKV; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh có hoạt động của TKV, với các ngành hữu quan để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép, v.v…
+ Việc xuất khẩu than của Việt Nam trong những năm qua được coi là mất cân đối, đặc biệt là nạn xuất lậu, chảy máu tài nguyên?
- Chưa có đủ cơ sở để nói việc xuất khẩu than những năm qua là mất cân đối. Trước nhu cầu ngày càng tăng của các ngành kinh tế (trước hết là điện, xi măng, phân bón, VLXD…), ngành than phải tăng sản lượng để đáp ứng, đồng thời cũng phải có trách nhiệm tham gia bình ổn thị trường (giữ giá thấp để khỏi tăng giá các mặt hàng khác).
Trong quá trình khai thác, cùng với than đủ tiêu chuẩn phục vụ sản xuất trong nước, còn có một lượng than khá lớn mà trong nước không có hoặc chưa có nhu cầu sử dụng (than không khói, than chất lượng xấu), cần phải xuất khẩu để bù đắp cho giá than trong nước và cân đối tài chính phục vụ đầu tư phát triển ngành.
Tất nhiên, sẽ là lý tưởng nếu ta đủ khả năng tài chính để dự trữ lại số than đó cho sau này. Song điều đó là không thực tế.
Còn xuất lậu thì đúng là vấn đề nhức nhối. Nguyên nhân thì có nhiều, song trước hết là do chênh lệch giá và quản lý chưa tốt. Tuy nhiên, về giá, hiện Chính phủ đã quy định giá bán than trong nước không được thấp hơn giá xuất khẩu quá 10% (riêng đối với than cho điện sẽ thực hiện muộn hơn).
Các nguyên nhân khác có thể kể đến như địa bàn vùng than rộng, nhiều đường qua lại biên giới (nhất là trên biển); thiếu lực lượng, phương tiện, kinh phí cho công tác chống buôn lậu; pháp luật còn thiếu đồng bộ, lại chưa được thực thi nghiêm; sự phối hợp giữa các ngành chức năng thiếu chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời; một bộ phận cán bộ kém năng lực hoặc thoái hoá về phẩm chất, cố tình làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho hoạt động buôn lậu...
+ Mới đây, khi trả lời PV báo Tiền Phong, ông Đoàn Văn Kiển - nguyên Chủ tịch TKV, cho rằng trong vùng mỏ hiện nay có rất nhiều đại gia từ Hà Nội xuống mua đất chỉ để chiếm chỗ nhằm khai thác than lậu. Bên cạnh đó, việc cấp phép khai thác mỏ nói chung sẽ chuyển về cho Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) quản lý, và như vậy sẽ có chuyện cấp phép lại toàn bộ. Đây có phải là các vấn đề ông ưu tiên quan tâm không?
- Về việc các đại gia mua đất để chiếm chỗ khai thác than, tôi không rõ. Nếu có thì đó thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Còn việc cấp phép khai thác mỏ thì (theo Luật Khoáng sản) thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT.
Khai thác than ở Quảng Ninh -Ảnh: Trần Hải |
Tôi không cho rằng hai việc này gây xáo trộn hoạt động khai thác than. Tất nhiên, trên thực tế có tình trạng lén lút đào bới, khai thác than trong phạm vi đất, vườn nhà dân.
Để ngăn chặn tình trạng này, một mặt, địa phương - trước hết là cấp xã, phường - phải tăng cường quản lý hoạt động của cư dân trên địa bàn và tôi cho là việc này không khó.
Mặt khác, TKV cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, tiêu thụ than. Khi chặn được đầu ra thì hoạt động khai thác trái phép kiểu đó sẽ chấm dứt.
+ Trong cuộc chiến chống than lậu xảy ra cuối năm 2008 mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phải trực tiếp chỉ đạo thì quan điểm của TKV và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có lúc khác nhau. Từng là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Địa phương, theo ông việc khai thác than cần phát triển thế nào để vừa giúp được kinh tế địa phương phát triển, vừa để TKV hoàn thành được nhiệm vụ?
-Tôi cho là không nên đặt vấn đề tách bạch sự phát triển kinh tế địa phương với sự phát triển của TKV.
TKV phát triển tốt thì kinh tế địa phương phát triển tốt, đời sống công nhân và gia đình họ - cũng chính là những công dân của địa phương - ổn định, được cải thiện. Ngược lại, kinh tế địa phương phát triển nhanh, vững chắc thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của TKV, giúp TKV hoàn thành nhiệm vụ.
Còn về việc cần phát triển ngành than như thế nào thì trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành than cũng đã nêu đầy đủ.
+ Nếu bị các đối tượng buôn, xuất than lậu đe dọa như ông Đoàn Văn Kiển từng gặp phải, ông có sợ không?
- Nói không sợ thì không đúng, nhưng tôi không nghĩ rằng chuyện đó sẽ xảy ra nếu như mình làm việc đúng pháp luật, đúng trách nhiệm, công tâm, minh bạch, không cá nhân, tư túi.
+ Trong khi ngành than đang có nhiều dự án mà dư luận còn chưa yên tâm hoặc có ý kiến tranh luận trái chiều gay gắt như bauxite, mở bể than Đồng bằng sông Hồng, ông có cho rằng các ý kiến trái chiều với chủ trương của Chính phủ và các ý kiến, góp ý tương tự có phải là điều cần lưu tâm trong quá trình điều hành, chỉ đạo và có thể sẽ dẫn đến thay đổi nào đó trong quyết định của mình không?
- Việc có những ý kiến trái chiều, nhất là đối với các vấn đề lớn, dự án lớn, phức tạp là bình thường bởi vì mỗi người có góc nhìn khác nhau, được tiếp cận thông tin ở mức độ khác nhau.
Cá nhân tôi luôn lưu tâm đến mọi ý kiến trái chiều. Tôi rất trân trọng những ý kiến, góp ý mang tính xây dựng và, về nguyên tắc, nếu đó là những ý kiến xác đáng, có cơ sở, có lập luận vững chắc, dựa trên thông tin đúng thì phải tiếp thu và đưa ra bàn bạc ở tập thể HĐQT để có quyết định phù hợp.
+ Cảm ơn ông!
Quyền Thành
Thực hiện