Xạ trị - Bệnh nhân nghèo khánh kiệt

Xạ trị - Bệnh nhân nghèo khánh kiệt
TP - Công nghệ xạ trị ngày càng phát triển, khả năng được chữa trị của bệnh nhân ung thư càng cao. Thế nhưng đối với những bệnh nhân nghèo, chi phí cho một lần sử dụng dịch vụ này quá sức chi trả của họ lại trở thành một nỗi ám ảnh, lao đao vì khánh kiệt.

Buổi chiều muộn, tôi gặp cô ngồi thẫn thờ giữa bao nhiêu người nằm la liệt ở hành lang khu nội trú, bệnh viện K (43 Quán Sứ, Hà Nội). Cô là Nguyễn Thị Thủy (Nghĩa Đàn, Nghệ An) ở thăm nuôi cháu là Nguyễn Thế Anh (16 tuổi) đang điều trị bệnh K vòm họng từ tháng hai tới giờ.

Đôi mắt đỏ hoe, chỉ chực trào nước mắt, cô tâm sự: “Cô đưa em nó ra Hà Nội khám bệnh, bác sĩ xác định bị K vòm họng. Từ tháng Hai đến nay, cả nhà đổ vào chạy chữa cho em nó tiêu tốn gần 50 triệu đồng rồi”.

Cô kể, khi thấy Thế Anh kêu đau dữ quá, bố mẹ đưa em đi chụp cổng từ ở bệnh viện Bạch Mai hết một triệu đồng nhưng vẫn không thấy biểu hiện gì. Bác sĩ phải tiêm thêm một lọ thuốc giá 500 nghìn và tiến hành chụp CT mất 1,2 triệu nữa thì phát hiện thấy một khối u ở họng.

Chuyển em sang BV Tai - Mũi - Họng  lại xét nghiệm hết 160 nghìn và 500 nghìn tiền thuốc nhưng chỉ uống được ba bốn hôm thì không uống nữa vì không hợp. Khi biết được chính xác Thế Anh bị u ác tính, cả gia đình quyết định đưa em đến bệnh viện K điều trị.

Ban đầu, Thế Anh được bác sĩ chỉ định theo xạ ở máy Cobalt (kí hiệu là máy C), được 20 mũi thì thấy sức khỏe em đỡ hơn nên chuyển sang máy gia tốc A xạ tiếp. Khi đưa em vào xạ ở máy này, cô Thủy phải mua mặt nạ xạ thêm 850 nghìn. Hiện nay Thế Anh đã xạ được 70 mũi thì xuất hiện hạch ở cổ. Gia đình phải đóng thêm 500 nghìn tiền kẹp chì để chuyển em sang máy gia tốc kỹ thuật cao (máy B) điều trị.

Khi được hỏi sao không cho Thế Anh tia xạ máy gia tốc kỹ thuật cao, cô Thủy chỉ bảo rằng các bác sĩ cho tia xạ theo máy Cobalt (máy C), loại máy xạ trị đầu tiên của bệnh viện K vì sức khỏe của em quá yếu. Sau khi được về nhà mấy ngày để lên điều trị tiếp, Thế Anh đã ổn định sức khỏe hơn nên bác sĩ lại ghi sang điều trị ở máy gia tốc A, máy gia tốc của nhà nước đầu tư cho bệnh viện K.

Thế nhưng, theo như bác sĩ Lê Văn Quảng, Giảng viên bộ môn Ung thư, Bệnh viện K, sức khỏe của bệnh nhân không hề liên quan đến việc các bệnh nhân được điều trị ở máy gia tốc hay máy Cobalt.

Bác sĩ Đặng Thế Căn, Phó GĐ Bệnh viện K, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi cho hay, máy Cobalt là loại máy “cổ lỗ sỉ” mà hiện nay trên thế giới hầu như không còn dùng để điều trị nữa. Thế nhưng, Bệnh viện K vẫn sử dụng vì tình trạng quá tải bệnh nhân và chi phí khá rẻ, phù hợp với túi tiền của người bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ mất 15.000 đồng/mũi xạ ở máy Cobatl trong khi đó mất 150.000 đồng/mũi ở máy gia tốc A.

Bệnh nhân đau đớn vì các đợt điều trị kéo dài liên miên. Còn đối với người nhà của họ, đặc biệt là đối với những gia đình nghèo rớt mồng tơi, đằng sau những công nghệ xạ trị là cả một nỗi ám ảnh vì nợ nần, vì khuynh gia bại sản.

Hiện nay bệnh viện có ba máy Cobalt, gần 10 năm phải thay nguồn một lần. Đến năm 2000 bệnh viện K có máy gia tốc đầu tiên( máy A) và năm 2007 có máy gia tốc hiện đại (máy B), ông nói.

Không phải chỉ riêng cô Thủy mà nhiều người cùng có chung câu trả lời về loại máy xạ trị mà mình đang theo xạ. Họ đều nói là do bác sĩ điều trị quyết định và xạ ở máy Cobalt thì liều nhẹ hơn, phù hợp với bệnh nhân có thể trạng và sức  khỏe yếu.

Nếu chọn điều trị ở máy gia tốc kỹ thuật cao, bệnh nhân phải chi trả một số tiền xạ lớn hơn ở máy Cobalt. Đổi lại, bệnh nhân điều trị ở máy Cobalt lại mất một khoản chi phí cho việc sinh hoạt và một số khoản khác vì thời gian xạ trị kéo dài như ăn uống, đi lại, thuốc men…

Cô Thủy nghẹn ngào: “ Bố nó mới mổ dạ dày hai lần, còn mẹ nó cũng vừa mổ xoang ba lần. Chưa trả hết nợ thì lại đến lượt nó nằm viện. Riêng khoản tiền đi đi về về hơn 200 cây số từ hôm em nhập viện tới giờ mất mấy triệu rồi. Ở quê, một ngày để kiếm được mấy chục đồng cũng bạc mặt ra nhưng lên thành phố vèo một cái là tiêu hết trăm bạc như chơi ấy. Đúng là trời không có mắt bắt tội người nghèo”.

Vì tác dụng phụ của xạ trị, Thế Anh còn  bị loét miệng và bỏng rát xung quanh vùng cổ họng. Ngày nào em cũng phải uống 2 viên thuốc (mỗi viên hơn 20 nghìn) và bôi thuốc mỡ.

Thấy cháu mình đau đớn nên người ta bảo có thuốc nam gì hay là cô lại mua về sắc cho Thế Anh uống ngày hai lần.

Mấy anh em, họ hàng gắng gượng tích góp được 16 triệu cộng thêm 20 triệu tiền bán dưa hấu mùa vừa rồi, bố mẹ đều gửi lên cho Thế Anh điều trị nhưng rồi cũng hết. Cô Thủy cho biết: “Trong nhà, anh chị tôi bán hết những gì có thể bán được rồi. Nhiều tiền nhất là đôi trâu được 17 triệu. Còn mấy ha đất rừng chưa nỡ bán mà có bán cũng chỉ được 10 triệu/ha là cùng. Bán rồi lấy gì mà sống”.

May mắn, em được hưởng bảo hiểm hộ nghèo nhưng theo như những chi phí mà cô Thủy tính ra cho tôi cũng đã đủ khiến cho gia đình Thế Anh khánh kiệt. Những khoản tiền trời ơi mà “không chi thì không được”. Tiền bồi dưỡng cho bác sĩ mỗi lần xạ 100 - 200 nghìn để không bị rớt lại lượt ngày hôm sau, tiền thuốc thang không có trong danh mục thuốc được cấp. Nhìn con cháu đau đớn ai nỡ cam lòng.

Trong phòng điều khiển máy xạ, có hai đến ba bác sĩ làm nhiệm vụ, đến lượt bệnh nhân nào, họ lại quay ra đọc tên rồi đưa bệnh nhân vào phòng xạ. Cứ lần lượt như thế, hầu như không có sự trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ, họ chỉ biết ngồi đợi đến lượt tên mình.

Lại thêm một cậu bé mười sáu tuổi, em Trần Văn Nam cũng ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, bị ung thư vòm họng đã lên điều trị ở bệnh viện K được hơn một tháng nay. Tiền viện phí và các khoản chi tiêu khác mất hơn 10 triệu đồng (trong đó tiền xạ trị mất 4 triệu, tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày gần 3 triệu, tiền bồi dưỡng thuốc men vài triệu nữa). Em tia xạ được 20 mũi rồi mà tình hình bệnh vẫn chưa mấy thuyên giảm. Nam không ăn được cơm, chỉ có thể húp ít cháo loãng và uống sữa.

Ngồi tâm sự với tôi, Nam nghẹn ngào: “Nhà em nghèo lắm, bố mất rồi, chị gái lấy chồng miền biển xa cũng chẳng giúp gì được để chữa bệnh cho em. Bây giờ mẹ lên đây chăm em thì ở nhà chỉ có anh trai làm việc đồng áng một mình kiếm tiền thôi”.

Em kể, căn nhà em chật chội, hai bên vách nứa, dột nát suốt mùa mưa lũ mà không có tiền để sửa lại, cả nhà trông chờ vào hơn hai sào lúa và gần hai sào hoa màu. Hiện tại số tiền gia đình còn vay nợ lên đến hơn 40 triệu đồng. Số tiền đó vay để chữa bệnh cho em. Nam bị viêm kết mạc mắt, lên hết bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh rồi ra trung ương chữa trị, giờ lại vướng vào căn bệnh quái ác này.

Nhìn cậu bé 16 tuổi nhỏ nhắn, gầy gò đã phải mang trong mình căn bệnh chết người mà lòng tôi  ái ngại. Ái ngại vì gia cảnh khó khăn của cậu không biết có thể bám trụ  bao lâu  khi đợt điều trị của em có thể phải kéo dài thêm 2, 3 tháng nữa. Cho đến bây giờ gia đình em mới xin làm được bảo hiểm hộ nghèo, mong rằng có hỗ trợ phần nào chi phí.

Các bác sĩ ở đây đều công nhận rằng điều trị bằng máy gia tốc tốt hơn so với máy Cobalt vì thời gian xạ nhanh hơn và giảm thiểu tối đa tổn thương những vùng lành xung quanh.  

----------------------

(còn nữa)

MỚI - NÓNG