Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết
TP - Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH).

TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, dịch bùng phát lớn như vậy, một phần do sự gia tăng của tốc độ xây dựng, mật độ dân số khiến các ổ dịch hình thành.

Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết ảnh 1

Bệnh nhân SXH điều trị tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia. Ảnh: T.H

Tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia, hiện có tới 550 bệnh nhân đang điều trị nội trú thì có hơn 300 trường hợp là bệnh nhân SXH. Một giường ghép tới bốn, năm bệnh nhân nên nếu hai bệnh nhân nằm thì phải có hai bệnh nhân khác ngồi.

Viện phải huy động thêm các khoa phòng khác để hỗ trợ giường bệnh cho bệnh nhân SXH. Hành lang bệnh viện cũng được trưng dụng để kê giường xếp cho bệnh nhân.

TS Lý Ngọc Kính – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ hai tháng nay, Hà Nội đối mặt một lúc với hai dịch bệnh là SXH và cúm A/H1N1. Là tuyến đầu trong điều trị dịch bệnh truyền nhiễm nên các bác sĩ, nhân viên y tế tại Viện luôn làm việc quá sức.

Năm nay, dịch SXH tấn công vào người lớn nhiều hơn trẻ em và dịch xuất hiện tại hầu hết các tỉnh phía Bắc. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân SXH, các bác sĩ tại Viện nhận thấy năm nay phần lớn bệnh nhân mắc SXH Dangue type 2 (D type 2). Đây là type có khả năng khiến bệnh nhân tái nhiễm và nguy cơ sốc tái nhiễm cao dễ dẫn tới khả năng tử vong cao hơn mắc các type khác (SXH có bốn type huyết thanh là D1, D2, D3, D4).

Dịch SXH tại Hà Nội hiện nay do loại virus là D1, D2 gây ra. Type D1 là type cổ điển, biểu hiện lâm sàng nhẹ như mệt mỏi đau cơ, nhức đầu, xuất huyết ít, nhanh khỏi.

Sau lần mắc này, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể với huyết thanh D1, nhưng bệnh nhân vẫn có thể mắc SXH do type huyết thanh khác. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song hai loại kháng thể có thể xảy ra sự xung đột giữa hai kháng thể, nên gây phản ứng tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch...

TS Kính lo ngại, năm nay virus SXH có độc lực cao, gây tổn thương gan hoặc các tạng khác làm bệnh nhân bị viêm tụy cấp, tăng men gan, tràn dịch màng phổi. Hiện hầu hết bệnh nhân tới điều trị tại Viện đều trong tình trạng nặng và rất nặng.

Cá biệt có bệnh nhân chỉ số tiểu cầu chỉ có 20.000 đơn vị, trong khi đó mức tối thiểu của cơ thể là hơn 100.000 đơn vị. Những trường hợp này cần phải truyền tiểu cầu khẩn cấp nếu không sẽ tử vong. Cũng có nhiều bệnh nhân giới hạn tiểu cầu tụt xuống dưới 30.000 đơn vị nhưng không bị xuất huyết thì cũng không nhất thiết phải truyền tiểu cầu do lượng tiểu cầu đang khan hiếm.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia cho biết, đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân giảm tiểu cầu nặng, sốc, trụy mạch... Những bệnh nhân xuất huyết nặng, tình trạng tiểu cầu giảm rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong. Vì thế, bệnh viện phải ưu tiên truyền cho những ca nặng hơn như tiểu cầu giảm cực thấp hoặc xuất huyết.

Ngoài ra, Viện cũng vận động người nhà bệnh nhân hiến máu để có tiểu cầu truyền cho bệnh nhân.

Do dịch SXH năm nay bùng phát mạnh nên nhu cầu về tiểu cầu của các bệnh viện rất cao. Nhưng lượng người hiến máu tình nguyện ít nên không thể thu gom, phân tách được đủ lượng cần thiết (để có được một đơn vị tiểu cầu phải trộn bốn đơn vị máu, tương đương bốn người cho cùng nhóm máu).

Theo các chuyên gia y tế, SXH có biểu hiện ban đầu giống các triệu chứng sốt virus khác nên nhiều người chủ quan tự ý mua thuốc về nhà điều trị. Tuy nhiên, nếu bị SXH mà uống một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay thế giới vẫn chưa có vaccine tiêm phòng và thuốc trị đặc hiệu bệnh SXH. Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới còn cho biết, phải sớm nhất đến năm 2017, thế giới mới có vaccine phòng dịch này. 

Tại buổi tọa đàm Đối mặt với dịch cúm A/H1N1 và SXH do kênh O2TV (Đài Truyền hình Việt Nam) và Cty Plussz tổ chức sáng qua, TS Lý Ngọc Kính – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong ngày đầu tiên khởi phát bệnh rất khó phân biệt giữa bệnh cúm A/H1N1 với bệnh SXH vì hai bệnh này đều có sốt. Tuy nhiên, sang tới ngày thứ hai trở đi, cúm A/H1N1 sẽ xuất hiện ho, đau ngực, tức thở, người bệnh trở nên lờ đờ.

Còn với bệnh SXH sang ngày thứ hai sẽ bắt đầu sốt cao liên tục kéo dài từ hai tới bảy ngày, triệu chứng SXH biểu hiện rõ với hiện tượng như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da. Tại cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm sẽ thấy giảm tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu…

MỚI - NÓNG