Những người nghèo khổ Ấn Độ đến đặt hoa tưởng niệm Mẹ Teresa trong ngày giỗ bà hồi tháng 9 vừa qua |
Trước yêu cầu của phía Albania, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tuyên bố: “Mẹ Teresa là công dân Ấn Độ, hiện bà đang yên nghỉ trên đất nước mình, không thể có chuyện gọi là “hoàn trả thi hài Teresa về cho Albania”.
Ngày 13/10 vừa qua, Thủ tướng Albania Berisa tiếp tục kêu gọi chính phủ Ấn Độ hãy xem xét yêu cầu của Albania. Ông nói: “Tôi cho rằng bà được nằm bên cạnh mẹ và chị gái sẽ tốt hơn ở bất cứ nơi nào khác”.
Ông nói, mặc dù chính phủ Ấn Độ có thái độ bất hợp tác, nhưng vấn đề này cần phải tiếp tục được nói tới, “trong tương lai không xa, hai chính phủ phải ngồi vào bàn thương lượng về vấn đề này”. Trên thực tế, từ năm 2002 đến nay, Albania đã nhiều lần đòi Ấn Độ trả thi hài nữ tu Teresa cho họ.
Nữ tu Teresa tên thật là Agnes Gondža Bojadžiu, sinh năm 1910, là nữ tu Công giáo người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta, Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối. Tuy sinh ra ở Albania, nhưng nơi sinh sống và hoạt động từ thiện của bà lại ở Ấn Độ.
Bà tới Ấn Độ từ khi 18 tuổi, mở một trường học trong tu viện, dạy địa lý, lịch sử rồi trở thành hiệu trưởng nhà trường. Năm 1946, bà từ bỏ việc dạy học để khoác lên người chiếc áo nữ tu và bắt đầu dán thân vào sự nghiệp cưu mang, giúp đỡ những người nghèo khổ thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, lăn lộn sống cùng họ trong các khu ổ chuột ở Calcutta.
Ít lâu sau, bà bỏ số tiền mình dành dụm được để mở “trường học ngoài trời đường phố” cho trẻ mồ côi và “viện chăm sóc lúc lâm chung” cho những người già cả không nơi nương tựa mắc bệnh hiểm nghèo.
Cho đến nay, mặc dù Mẹ Teresa qua đời đã 12 năm nhưng mọi người vẫn không quên bà. Vào dịp công bố giải Nobel năm nay, Quỹ giải thưởng Nobel đã công bố Teresa là một trong 3 người được sùng kính nhất trong lịch sử 100 năm giải thưởng này. |
Việc Teresa mở “viện chăm sóc lúc lâm chung” đã khiến các tu sĩ trong các đền chùa nổi giận. Họ kéo đến bao vây cổng viện, nhưng Teresa kiên quyết dùng thân mình bảo vệ những người già sắp chết. Thái độ và tình cảm của bà đối với người nghèo đã cảm hoá được những người phản đối bà.
Năm 1964, khi đến thăm Ấn Độ, Giáo hoàng Paul VI đã tiếp Teresa và tặng bà chiếc xe hơi đắt tiền. Teresa đã đem bán đấu giá lấy tiền xây dựng một “Trung tâm phục hồi sức khoẻ cho người bị bệnh phong”.
Về sau, Teresa đã lập ra Dòng Thừa sai Bác Ái, đến nay dòng tu này đã quốc tế hoá với hơn 3.500 tu nữ, quản lý 543 cô nhi viện, trại thu dung, trung tâm bệnh nhân AIDS tại 115 quốc gia, hàng triệu người đã được họ giúp đỡ.
Trong suốt mấy chục năm, Teresa chỉ canh cánh một tâm nguyện là tìm mọi cách giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, giúp họ được chữa bệnh, ăn học và có được nơi mai táng sau khi chết...
Năm 1951, bà Teresa được hưởng quyền công dân Ấn Độ, sự nghiệp của bà cũng dần được chính phủ Ấn Độ ủng hộ. Năm 1962, hãng Hàng không Ấn Độ tuân theo chỉ thị của thủ tướng, cho bà hưởng chế độ miễn tiền vé khi đi lại bằng máy bay, sau ngành đường sắt cũng cho bà hưởng sự ưu đãi như thế.
Báo chí ngày càng quan tâm đưa tin về sự nghiệp từ thiện của bà, tên tuổi nữ tu Teresa cũng nhanh chóng nổi tiếng, nhưng bà không mấy quan tâm đến điều đó. Với bà, được làm việc vì mọi người nghèo là niềm hạnh phúc.
Năm 1982, khi hay tin 37 trẻ em thiểu năng trí tuệ người Palestine bị kẹt giữa hai làn đạn của quân đội Israel và du kích ở Beirut (Libăng), bà đã đến nơi, yêu cầu hai bên ngừng bắn để vào đưa các em nhỏ đến nơi an toàn.
Năm 1985, bà Teresa dẫn 28 nữ tu đến Ethiopia đang bị thảm hoạ để giúp các nhân viên y tế chăm sóc nạn nhân. Cuối năm đó, bệnh AIDS bùng phát ở Âu Mỹ, mọi người lâm vào sự hoảng loạn. Teresa lập tức có mặt ở New York để tuyên truyền về nguy hại và cách phòng chống căn bệnh thế kỷ này.
Ngày 6/9/1997, Mẹ Teresa qua đời khi 87 tuổi tại Calcutta. Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức lễ quốc tang trọng thể cho bà với sự có mặt của hơn 400 chính khách trọng yếu của hơn 20 nước, trong đó có 3 nữ hoàng và 3 tổng thống.
Để ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vì người nghèo và hoà bình của Teresa, năm 1979, Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao giải Nobel Hoà bình cho người phụ nữ nhỏ bé cao chưa tới 1m50 này. Teresa đã giành toàn bộ tiền thưởng hiến cho các trại phong và người nghèo. Sau khi nhận giải thưởng Nobel, bà Teresa bắt đầu mở rộng sự nghiệp từ thiện ra quốc tế. |
Phương Lan
Theo CRI