Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Cung cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là nâng cao năng suất, thu nhập. Chúng ta lâu nay ít chú ý đến kết quả cuối cùng mà kết quả này phải là nâng cho được mức sống của người dân.
Chúng ta đạt được khá nhiều trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, thu hút người dân vào quá trình sản xuất rất lớn nhưng cuối cùng là thu nhập của người lao động lại không được cải thiện.
Theo những nghiên cứu của chúng tôi, những giá trị gia tăng đang giảm xuống. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của ta vẫn chưa đạt được.
Theo ông, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào sau suy giảm kinh tế?
Trong năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà chúng tôi so sánh, cạnh tranh vĩ mô không phải là yếu. Theo đánh giá, năng lực cạnh tranh của chúng ta hiện nay chủ yếu mới dựa trên giá, trên những thứ đã có hoặc đang có như lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên (trồng lúa…). Phải cạnh tranh bằng năng suất. Muốn tăng năng suất thì phải cải tiến, nâng cao công nghệ.
Doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung chưa thúc đẩy được cải tiến, nâng cấp công nghệ và công suất. Với cách cạnh tranh như hiện nay, có nguy cơ chúng ta càng làm càng thiệt. Vì khi giá phải giảm xuống, phần giá trị tăng thêm còn lại cũng giảm xuống, kéo theo lợi nhuận giảm, lương giảm, thu nhập giảm.
Về ngắn hạn, tại thời điểm hiện nay thì tạm được nhưng xét về trung và dài hạn thì phải thay đổi.
Bất cập trong cạnh tranh như thế thì việc kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt có giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh?
Tôi nghĩ là có vì nó nâng được yêu cầu của người tiêu dùng. Người Việt bắt đầu chú ý tới hàng Việt thì bắt đầu chú ý chất lượng, giá cả, buộc người sản xuất phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu. Hai là, người Việt dùng hàng Việt khiến cầu tăng lên, các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất, chuyên môn hóa được.
Với những doanh nghiệp lâu nay chú trọng xuất khẩu cũng phải thay đổi lại quá trình sản xuất như về thiết kế, đổi mới sản phẩm cách thức tiếp thị, quy trình sản xuất… Theo tôi, đó là những thứ nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững.
Tại hội nghị mới đây ở Hà Nội, một doanh nghiệp nước ngoài cho biết, họ đầu tư vào Thái Lan không mất chi phí không chính thức, trong khi đầu tư vào một tỉnh phía Bắc Việt Nam thì chi phí này rất cao?
Thực ra đó là vấn nạn. Có lẽ một cảm nhận chung là ai cũng thấy phải mất một khoản chi phí không chính thức. Theo tôi, nguyên nhân đơn giản là do một người đang phải làm nhiều việc. Hai là, quy định phức tạp quá, không tách bạch, đánh giá được hiệu suất công việc.
Hiện, một ông chủ tịch tỉnh làm quá nhiều việc. Như ở Singapore, họ có những bộ phận chuyên trách làm việc rất chuyên nghiệp. Nên có tiêu chí đánh giá rõ ràng hơn, phải dựa trên những đánh giá lượng hóa được. Làm được việc này sẽ giúp thay đổi được nhiều thứ.
Ông nói doanh nghiệp Việt Nam mới chủ yếu cạnh tranh trên những gì đã có vậy theo ông có yếu tố nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ?
Đây là vấn đề phức tạp và cần có sự nhìn nhận từ nhiều phía. Những gì cản trở sự sáng tạo thì phải loại bỏ. Nói cách khác, những quy định, luật lệ cần khuyến khích người kinh doanh sáng tạo. Đừng để người ta vừa làm vừa run vì luật không quy định hay vì nó có quá nhiều chi phí.
Thứ hai là phải khuyến khích hệ thống ưu đãi đầu tư. Người nào đổi mới sáng tạo thì phải được ưu đãi.
Thứ ba, các Hiệp hội cũng phải phối hợp tìm kiếm cách thức mới để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực của doanh nghiệp.
Còn doanh nghiệp, đây là điều cực quan trọng. Xét cho cùng, mọi sự thành công, tạo ra của cải đều do doanh nghiệp. Trong môi trường như vậy, doanh nghiệp phải năng động, có định hướng phát triển hơn là tìm kiếm các mối quan hệ và trục lợi.
Có chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nhưng vẫn không thoát khỏi việc chỉ dựa được vào cạnh tranh về tài nguyên thô và nhân lực giá rẻ?
Thực ra, vị trí địa lý của Việt Nam cũng là một điểm khác biệt. Văn hóa cũng là sự khác biệt. Trong chuỗi sản xuất, Việt Nam cũng rất mạnh về sản xuất nông nghiệp nhiệt đới. Vấn đề khác biệt ở đây là làm sao tạo ra được sản phẩm có năng suất cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn. Đó mới là sự khác biệt bền vững.
Kết quả khảo sát năng lực cạnh tranh năm 2008 tại Việt Nam cho thấy, vẫn còn ba nút thắt phải tháo liên quan đến đến các vấn đề: Thủ tục hành chính và chi phí không chính thức; Lao động, nhân lực và Cơ sở hạ tầng. Khảo sát cho thấy, có 27,71% doanh nghiệp cho rằng, chi phí không chính thức là cản trở đối với hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề lao động và nguồn nhân lực là một trong ba khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp phải trong khảo sát của các năm 2007 và 2008. |
Phạm Tuyên
Thực hiện