Đường vẫn "sốt" giá, vì sao?

Đường vẫn "sốt" giá, vì sao?
TP - Trái với khẳng định của Hiệp hội Mía đường và Bộ NN&PTNT, dù đã chính thức vào vụ sản xuất nhưng cơn sốt giá đường vẫn không hề hạ nhiệt mà có xu hướng vẫn tiếp tục tăng cao.

>> Dự trữ đường ít chứ không thiếu

Đường vẫn "sốt" giá, vì sao? ảnh 1
Giá đường trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Hồng Vĩnh

Lại tăng giá

Xu hướng đường giữ giá cao vẫn tiếp diễn trên thị trường trong những ngày gần đây. Khảo sát của phóng viên tại các chợ và siêu thị cho thấy giá đường bán lẻ đã tăng thêm 1.000 đồng so với một tháng trước đây.

Tại hệ thống siêu thị Intimex trên đường Lò Đúc và Giải Phóng, giá bán lẻ đường Biên Hòa đã lên tới 18.000 đồng/kg trong khi hơn một tháng trước đó chỉ ở mức 16.600 đồng/kg. Giá đường của một số doanh nghiệp khác bán tại siêu thị này cũng ở mức 17.300 đồng/kg.

Tại một số chợ tại Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Hôm giá đường bán lẻ dao động 18.500 – 19.000 đồng/kg.

“Đường tăng giá liên tục chắc do nguồn hàng khan hiếm. Giá cao nên chúng tôi cũng không nhập nhiều. Mà muốn nhập cũng không có. Còn nguyên nhân chính xác vì sao giá tăng liên tục như vậy thì tôi cũng không rõ”- Chủ một cửa hàng bán đồ thực phẩm tại chợ Thành Công cho biết.

Việc giá đường tiếp tục căng thẳng đẩy các doanh nghiệp rơi vào tình trạng bắt buộc phải mua với bất kỳ giá nào do nhà máy đưa ra.

“Hiệp hội Mía đường và Bộ NN&PTNT nói, đường không thiếu nhưng thực tế chúng tôi đặt vấn đề mua thì có đáp ứng được đâu”- Đại diện một doanh nghiệp thẳng thắn.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) khẳng định nếu không được giải quyết sớm thì việc sản xuất của Cty tháng 11 sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó Cty sẽ phải tính tới việc tăng giá bán các sản phẩm do giá đường tăng quá cao trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) cũng khẳng định sẽ buộc phải tăng giá bán nếu như giá đường trong thời gian tới không giảm.

Ngành mía đường bỏ lỡ cơ hội

Về diễn biến của thị trường đường, theo Phạm Quang Diệu, Giám đốc TT Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo), Bộ NN&PTNT cho biết, giá đường trắng tinh luyện trên thị trường nội địa đã tăng từ 50 đến 60 phần trăm so với hồi tháng 1/2009.

Nếu tính theo giá giao dịch tại Luân Đôn làm cơ sở thì giá đường nhập khẩu về đến Việt Nam vẫn rẻ hơn giá trong nước tới hơn 2.000 đồng.

Khác với thế giới, giá tăng không phải do mất mùa, do sản xuất ethanol mà do giảm diện tích. Ước tính diện tích mía giảm tới 22.000 ha so với năm 2008, tương đương với mức giảm 115-125.000 tấn đường hay giảm cung khoảng 10 phần trăm.

Theo ông Diệu, ngành mía đường Việt Nam đã được hỗ trợ rất lớn bởi Chương trình 1 triệu tấn đường 1995-2000 do ngành nông nghiệp triển khai, và các biện pháp bảo hộ phi thuế trước khi vào WTO.

Hy vọng sự bảo hộ như vậy sẽ giúp thúc đẩy ngành mía đường vững mạnh, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá và sự ổn định của thị trường đối với một mặt hàng thiết yếu.

Trong thực tế đáng ra giá thế giới tăng mạnh, giá nội địa có thể không tăng mạnh và đây có thể coi là một cơ hội cho ngành mía đường Việt Nam vươn lên để đạt lợi nhuận và tự đứng vững được. Nhưng sự suy giảm của vùng nguyên liệu, cùng với giá thành sản xuất cao đã làm cho giá thị trường nội địa cũng tăng theo giá thế giới.

“Đối với nông dân trồng mía cũng không được hưởng lợi, vì họ đã bán mía từ vụ trước, và nhiều vùng đã chuyển sang các cây trồng khác. Lại có thể diễn ra tình trạng chặt rồi lại trồng. Kết quả là cơ hội đối với ngành đường bị bỏ lỡ, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt vì mức giá vẫn cao”- Ông Diệu phân tích.

MỚI - NÓNG