Đồng Nai: Mở rộng KCN để bò gặm cỏ

Đồng Nai: Mở rộng KCN để bò gặm cỏ
TP - Hiện Đồng Nai có đến 29 khu công nghiệp (KCN), nhưng trên thực tế, chỉ một vài KCN hoạt động hiệu quả, còn lại đều để cỏ mọc cho bò gặm.

Mặc thực tế ảm đạm ấy, các Ban quản lý KCN (BQLKCN) cùng nhà quản lý địa phương tiếp tục chiến lược nâng diện tích, mở rộng quy mô KCN. 

Bài 1: Như Chùa Bà Đanh

Nổi lên trong số KCN vắng bóng nhà đầu tư là KCN Tân Phú. Thông cáo báo chí trong ngày lễ động thổ KCN này vào ngày 15/5/2007 cho biết: Quy mô diện tích 54,16 ha, thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành công nghiệp ít ô nhiễm, đặc biệt ưu tiên cho các dự án chế biến nông sản, hứa hẹn giải quyết 20.000 lao động tại chỗ của huyện Tân Phú với mức thu nhập hấp dẫn.

Đồng Nai: Mở rộng KCN để bò gặm cỏ ảnh 1
KCN Xuân Lộc trở thành bãi cỏ cho đàn bò gặm - Ảnh: Đức Minh

Với huyện miền núi Tân Phú, KCN này được chính quyền địa phương quan tâm từ năm bảy năm trước, với kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống của nông dân được nâng cao khi sản phẩm nông nghiệp được thu mua, chế biến tại chỗ, và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho nguồn lao động ở địa phương…

Trên một trang web, ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú bày tỏ sự ủng hộ của chính quyền địa phương đối với KCN Tân Phú, đề nghị UBND tỉnh xem xét cho mở rộng KCN thêm 50 ha nữa, vì cho rằng với diện tích 54,16 ha như hiện tại là quá nhỏ, sẽ không đủ để các nhà máy mở rộng sản xuất tại KCN.

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

Từ khi bắt đầu xây dựng KCN, chủ đầu tư và UBND huyện Tân Phú đã nỗ lực giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư, nhưng từ đó đến giờ, vẫn... chưa có dự án nào được đầu tư vào KCN Tân Phú.

Ông Nguyễn Hồng Minh xác nhận: “Từ khi có KCN đến nay, chỉ có bốn Cty đến tìm hiểu về KCN, hỏi về chính sách đầu tư, tình hình lao động ở địa phương, sau đó đi không thấy trở lại”.

Ông Minh kể thêm, còn một Cty chế biến mít xuất khẩu đến tìm hiểu vùng nguyên liệu và yêu cầu diện tích trồng mít ở địa phương phải đảm bảo từ 100 ha trở lên, Cty mới có thể đầu tư nhà máy sơ chế. Tuy nhiên, yêu cầu này khó thực hiện được vì địa phương không thể tìm đâu ra diện tích lớn như vậy để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Thành bãi cỏ thả bò

Một huyện miền núi khác tiếp giáp với huyện Tân Phú là huyện Định Quán, có KCN Định Quán (xã La Ngà) do Cty Phát triển hạ tầng các KCN Miền Núi làm chủ đầu tư, diện tích 54,5 ha, được xây dựng từ năm 2004.

Theo một báo cáo về tình hình hoạt động của KCN Định Quán, tính đến ngày 15/3/2009, có 14 doanh nghiệp đến đăng ký với tổng diện tích sử dụng là 21,15 ha.

Nhưng trên thực tế, diện tích đã được sử dụng chỉ khoảng trên 12,7 ha (chiếm khoảng 25 phần trăm) với sáu doanh nghiệp, trong đó có hai doanh nghiệp hoạt động từ trước khi có KCN là Cty sản xuất bắp giống CP và Nhà máy chế biến phân vi sinh.

Chánh Văn phòng UBND huyện Định Quán Trương Đình Mà cho biết, các dự án đăng ký đã lâu nhưng chưa thấy hoạt động, ngoài sáu công ty đang hoạt động có ba dự án đang san lấp mặt bằng. Còn các dự án có tiếp tục hay không thì chỉ có chủ đầu tư KCN biết.

KCN  Xuân Lộc  (thuộc địa  bàn hai xã Xuân Tâm và Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) do Cty Phát triển KCN Biên Hòa đầu tư với diện tích trên 109 ha. Sau một năm xây dựng xong hạ tầng, chỉ có ba doanh  nghiệp vào thuê đất, trong đó riêng Cty may Dona Standa thuê trên 20 ha.

Đến nay KCN Xuân Lộc vẫn đang trống trên 50 phần trăm diện tích sử dụng. Phần đất dư cỏ mọc um tùm và trở thành bãi chăn thả bò của người dân địa phương.

Khi chúng tôi trở lại nơi này để ghi hình thì cái bảng hiệu của KCN nằm trên con đường rộng sáu làn xe dẫn vào KCN, tiếp giáp với quốc lộ 1A, đã bị ai đó lột mất.

--------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Những anh trai được cứu
Những anh trai được cứu
TPO - Bằng cách này hay cách khác, tất cả nghệ sĩ tham gia 2 show Anh trai đều được hưởng lợi. Có người được tận hưởng trở lại hào quang sau giai đoạn dài mất hút. Nhiều nghệ sĩ đã bứt lên phủ sóng mạng xã hội.