Sàng lọc ung thư: cân nhắc kỹ

Sàng lọc ung thư: cân nhắc kỹ
Nghe chuyện mấy người bà con ở quê mắc ung thư, phát hiện bệnh xong thì chỉ một, hai tháng sau đã qua đời, bà Nguyễn Thị N. 52 tuổi, ở đường Trần Xuân Soạn, Hà Nội, càng hoảng với triệu chứng đau đầu của mình.
Sàng lọc ung thư: cân nhắc kỹ ảnh 1

Điều trị tia xạ cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - Ảnh: N.Hà (Tuổi Trẻ).

Mới khám tuần trước, bác sĩ kết luận rối loạn thần kinh thực vật nhưng bà N. vẫn không yên tâm. Đến một phòng khám trên đường Trần Hưng Đạo, bà N. đưa ra yêu cầu chắc nịch: chụp cộng hưởng từ xem có u não hay không. Hai triệu đồng cho phiếu chụp và kết quả vẫn là rối loạn thần kinh thực vật! Bà N. kể, hôm đó, bà sàng lọc u não, còn chồng bà cũng sàng lọc u thận và phổi!

Theo phong trào

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, khẳng định, việc sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư sẽ giúp cải thiện kết quả điều trị, song không phải tất cả hơn 200 loại ung thư đều có thể dễ dàng chẩn đoán sớm. Có nhiều loại ung thư ở vị trí sâu, các xét nghiệm không đủ khả năng phát hiện khi khối u còn nhỏ.

Tâm lý lo lắng thái quá của người dân lại được cộng hưởng với tư tưởng trục lợi ở nhiều phòng khám khiến không ít người chi phí tốn kém không cần thiết. Bệnh nhân cứ yêu cầu sàng lọc, phòng khám cứ vô tư chụp chiếu.

Hiện nay, tại Hà Nội, nhiều người đang kháo nhau về máy chụp PET/CT (hệ thống máy chụp xạ hình mô phỏng), có khả năng phát hiện sớm ung thư ở mọi ngóc ngách của cơ thể. Song, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức - cơ sở đầu tiên của cả nước được trang bị thiết bị này, việc chọn lựa PET/CT để chẩn đoán cần có cân nhắc rất kỹ, không phải ai thích cũng có thể làm được.

Thông tin PET/CT có thể phát hiện ung thư giai đoạn rất sớm khiến nhiều người có điều kiện kinh tế nháo nhào chạy đua đi “bắt bệnh” ngay từ khi cơ thể... chưa có biểu hiện gì! 

Giáo sư Đức khẳng định, PET/CT là thế hệ máy chẩn đoán hình ảnh vào loại tiên tiến nhất hiện nay, song phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân phải tiêm một liều phóng xạ vào cơ thể, tất sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Do đó, PET/CT cần có chỉ định nghiêm ngặt.

Không nên coi đây là một kỹ thuật áp dụng để kiểm tra sức khỏe định kỳ thông thường, cho dù các liều phóng xạ đưa vào cơ thể đã được tính toán an toàn. Phương pháp này chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú.

“Chụp PET/CT tiêu tốn hơn 30 triệu đồng, lại bị tiêm chất phóng xạ vào người, xài sang mà có khi... dại vì không cần thiết” - một giáo sư chuyên ngành ung thư nói.

Vai trò trợ giúp

Việc sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư không hề đơn giản, kể cả với các loại ung thư nằm trong nhóm bệnh có thể tầm soát được. Không thể chỉ vin vào vài thiết bị đắt tiền là “rà” được bệnh. Máy móc rốt cuộc chỉ là trợ giúp, vai trò bác sĩ mới là quan trọng.

Giáo sư Đức “bật mí”, ngay tại một bệnh viện đầu ngành về điều trị ung thư cũng từng xảy ra chuyện dở khóc dở cười về chẩn đoán sớm. Một bệnh nhân nghi ung thư gan đến kiểm tra và làm các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ khẳng định: “Nên về nhà mở tiệc ăn mừng, gan ổn”. Nhưng cũng vẫn bệnh nhân ấy sáu tháng sau đau không chịu nổi, quay lại viện thì bị mắng: “Sao để đến giờ mới khám?”.

Theo Giáo sư Đức, một số loại ung thư có khả năng phát hiện sớm thông qua sàng lọc là ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, khoang miệng, da...

PET/CT có tác dụng tốt trong hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi ung thư và ung thư di căn, nhưng chỉ nên dùng khi bệnh nhân đã được xác định bị ung thư mà chưa điều trị, hay đã được điều trị nhưng cần khoanh vùng xem đã di căn chưa và bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa là ung thư nhưng chưa xác định được vị trí.

Theo Ngọc Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG