Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội |
Theo ông Nhã, chúng ta đang ở giai đoạn tăng trưởng trở lại và như vậy đòi hỏi có sự điều chỉnh về các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách ưu đãi thuế.
Nếu tình hình tăng trưởng tốt, có thể sẽ phải rà soát, điều chỉnh lại các chính sách thuế trong tình hình hiện nay, đặc biệt là vấn đề miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa phục hồi có điều kiện phát triển nhưng cũng không làm thất thu, giảm thu ngân sách.
Đây là thời điểm phải xem xét một cách tỉnh táo và linh hoạt để nhìn nhận lại các nội dung và hàm lượng của các chính sách.
Tôi cho rằng, nếu có sự điều chỉnh về chính sách, nhất là các chính sách quan trọng như tiền tệ, tài chính thì hai chính sách này tác động rất lớn đến cơ cấu của nền kinh tế.
Cơ cấu lại nền kinh tế là bài toán lớn và chúng ta không thể xử lý được trong một năm. Trong hai, ba năm gần đây, chúng ta đã có từng bước điều chỉnh.
Cũng có một số chuyên gia cho rằng, các chính sách chống suy giảm kinh tế của chúng ta trong thời gian qua chưa có tác động nhiều trong việc cơ cấu lại nền kinh tế. Đến thời điểm này, nếu chúng ta có sự điều chỉnh lại thì mục tiêu chính của các chính sách này là phải đặt ra bài toán hỗ trợ trong chuyển dịch cơ cấu.
Có thể, chúng ta giảm sự hỗ trợ ở một số lĩnh vực nhưng đồng thời lại tăng cường hỗ trợ cho các lĩnh vực khác trọng yếu của nền kinh tế để nó có tác dụng trong chuyển dịch cơ cấu.
Lâu nay, chúng ta vẫn lấy xuất khẩu là động lực để tăng trưởng nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự lệch lạc về cơ cấu phát triển của nền kinh tế? Sau khi xác định lại mục tiêu tăng trưởng thì cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào?
Kinh tế của chúng ta phát triển được, có tăng trưởng tốt nhưng vấn đề là vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường các nước. Đây là bài toán rất quan trọng.
Tôi cho rằng, trong suy thoái cần tiếp tục hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại để tìm ra các thị trường mới, cũng như đẩy mạnh hỗ trợ cho thị trường tiêu thụ nội địa.
Việc điều chỉnh chính sách phải có sự lựa chọn gắn với tác động chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ sao cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất được.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá như thế nào về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất trong thời gian qua?
Chúng tôi đang triển khai các chương trình giám sát rất lớn và có kế hoạch làm việc với một số bộ ngành T.Ư, làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.
Chúng tôi cũng làm việc trực tiếp với hai ngân hàng lớn là Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Đây là hai ngân hàng chiếm tỉ lệ dư nợ lớn nhất về cho vay hỗ trợ lãi suất trong số các tổ chức tín dụng được Chính phủ cho phép thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất.
Chúng tôi cũng có kế hoạch làm việc với hệ thống các ngân hàng ở ba tỉnh phía Bắc và bốn tỉnh ở Đông và Tây Nam Bộ. Đây là hai vùng chiếm tỉ lệ dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất cao nhất.
Qua làm việc với hai ngân hàng, chúng tôi thấy đang phát sinh vấn đề về việc phòng ngừa nguy cơ lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo một số ngân hàng phải thu hẹp quy mô tín dụng, khống chế quy mô tăng trong phạm vi khoảng 25 - 27%.
Nhưng, vấn đề là sau khi triển khai được mấy tháng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, nhất là vay vốn về hỗ trợ lãi suất về trung hạn, mới triển khai từ đầu tháng Năm đến nay nhưng đến thời điểm này, nhiều dự án mới bắt đầu triển khai.
Nếu co hẹp lại nguồn vốn, có thể nhiều dự án sẽ gặp khó khăn, nhất là những vùng sâu, vùng xa, nhiều bà con mới tiếp cận được vay vốn hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng.
Theo tôi, các cơ quan nhà nước cần phải nghiên cứu, có lẽ các ngân hàng như Ngân hàng NN&PTNT có khách hàng phần lớn là nông dân nên tiếp tục thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đến đối tượng này.
Nguồn tín dụng của Ngân hàng này cần thiết được nới lỏng để có thêm hàng triệu hộ nông dân tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.
Đây là đòi hỏi phải có sự sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt là ưu tiên khu vực nông nghiệp, nông thôn. Quy mô các dự án vay ở khu vực này không lớn, vài trăm triệu đến vài tỷ chứ không đến hàng mấy chục tỷ nên không lo ngại là sẽ có tác động lớn đến nguy cơ lạm phát.
Giải ngân kích cầu còn quá ít
Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên triển khai gói kích cầu thứ hai. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Cũng có một số chuyên gia cho rằng, cần phải có gói kích cầu thứ hai về tiêu thụ, nhất là tiêu thụ nội địa, tiêu dùng trong sản xuất, tiêu dùng trong sinh hoạt. Tôi nghĩ, hệ thống các ngân hàng đã triển khai cho vay tiêu dùng. Vấn đề hiện nay xử lý cái tiêu thụ nội địa như thế nào.
Hiểu theo đúng nghĩa, nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kích thích tiêu thụ nội địa cũng là điều nên làm trong khi thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu mở rộng trở lại.
Chúng ta có tiếp tục nới lỏng nữa hay không hay nới lỏng trong thắt chặt thận trọng hơn để vẫn có khối lượng tiền lưu thông mà không ảnh hưởng đến áp lực về lãi suất, cũng như điều chỉnh về tỷ giá trong chủ trương chung là duy trì tỷ giá vẫn ổn định, phục vụ cho hỗ trợ xuất khẩu.
Bối cảnh hiện nay đang nghiên cứu còn điều chỉnh như thế nào thì cần phải dựa vào kết quả kinh tế của quý III này. Chắc chắn sẽ có một sự điều chỉnh nhất định.
Vậy Ủy ban Tài chính Ngân sách đã được Chính phủ báo cáo về giải ngân nguồn vốn cho gói kích cầu thứ nhất cũng như gói kích cầu tiếp theo chưa ông?
Hiện nay, vẫn triển khai gói kích cầu trên các nguồn cũ. 17.000 tỷ vẫn chưa sử dụng hết do quy mô dư nợ tín dụng của hệ thống các ngân hàng mới chỉ giải ngân gần 400.000 tỷ đồng.
Theo tôi được biết, hiện, phần vốn chính thức từ 17.000 tỷ đồng mới chuyển cho các ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, phần số dư còn rất lớn.
Tuy nhiên, nó còn căn cứ vào thời hạn thanh toán vốn của khách hàng, chứ không phải thanh toán đến đâu, lãi phát sinh đến đó thì Ngân hàng Nhà nước mới chuyển đến cho các tổ chức tín dụng. Nói 17.000 tỷ thôi, nhưng từ nay đến hết năm có thể không sử dụng hết số tiền này.
Cảm ơn ông