Sống chung với đôla hóa

Sống chung với đôla hóa
Tình trạng ngoại tệ hóa nền kinh tế, thuật ngữ diễn tả sự hiện diện rộng rãi - chính thức hay không chính thức - một số lượng lớn ngoại tệ mạnh bên cạnh đồng tiền bản địa, thực hiện chức năng thanh toán, tín dụng và dự trữ giá trị không khác gì đồng tiền bản địa, không phải là hiếm hoi trên toàn thế giới.
Sống chung với đôla hóa ảnh 1
Ảnh minh họa

Thông thường đồng ngoại tệ mạnh ấy là đồng đôla Mỹ nên các nhà kinh tế thường gọi hiện tượng này là đôla hóa.

Những nền kinh tế có xu hướng đôla hóa thường là những nền kinh tế nhỏ, theo đuổi một chính sách tỷ giá cố định với đồng USD và có mối quan hệ thương mại rộng rãi với phần còn lại của thế giới (Hong Kong), hoặc là những nền kinh tế từng trải nghiệm hiện tượng siêu lạm phát, do đó người dân đi tìm nơi trú ẩn cho tài sản của họ ở đồng USD (Argentina), hoặc những nền kinh tế chủ động chọn lựa đồng USD là đồng tiền chính thức của họ (Panama, Liberia).

Một báo cáo của IMF cho thấy, trong số các nền kinh tế bị đôla hóa, có đến bảy quốc gia có số lượng USD trong khối tiền tệ vượt mức 50%, 12 quốc gia khác có số lượng USD chiếm từ 30% đến 50% khối tiền tệ quốc gia và phần lớn các nước còn lại có tỷ lệ từ 15 - 20% lượng USD trong khối tiền tệ của họ.

Một số trường hợp cụ thể như sau: Thổ Nhĩ Kỳ (46%), Argentina (44%), Nga, Hy Lạp, Ba Lan, Philippines (20%), Bolivia (82%).

Tình trạng đôla hóa phổ biến của nhiều nền kinh tế thế giới đưa đến hậu quả là lượng tiền mặt USD được găm giữ bên ngoài nước Mỹ cao gấp hai lần trong nước Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian từ 1989 - 1996, Mỹ xuất khẩu đến 44 tỉ USD tiền mặt sang Nga và 36 tỉ USD tiền mặt sang Argentina và có thể cả ngàn tỉ USD sang phần còn lại của thế giới.

Hiện nay, nhiều ngân hàng Mỹ và các ngân hàng thương mại quốc tế khác tiếp tục mở rộng dịch vụ xuất khẩu tiền mặt USD sang các nước trên thế giới và xem đây là một dịch vụ ngân hàng béo bở mang đến nhiều lợi nhuận và ít rủi ro, xét về phương diện tài chính.

Thực trạng đôla hóa

Tình trạng đôla hóa của nền kinh tế nước ta được đề cập đến từ khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa và sau khi trải qua một tình hình lạm phát nghiêm trọng, tức là từ cuối thập niên 1980.

Hơn 20 năm trôi qua, nền kinh tế sống chung hòa bình với hiện tượng đôla hóa, mặc cho những nhà phân tích kinh tế trong và ngoài nước lên tiếng cảnh báo rất nhiều lần về những hệ quả không hay của đôla hóa đối với chủ quyền tiền tệ quốc gia, một chính sách tỷ giá độc lập và hiệu quả của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế đất nước.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng này, tuy nhiên hoặc là những giải pháp đưa ra chưa đủ liều lượng, hoặc là cơ chế quản lý và hạ tầng kỹ thuật của hệ thống tài chính ngân hàng trong nước còn bất cập, hoặc là sự giải quyết triệt để căn bệnh đôla hóa sẽ không những đụng chạm đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp, cá nhân mà xem ra còn có thể ảnh hưởng đến cả lợi ích của nền kinh tế quốc dân, đến những mục tiêu vĩ mô thiết yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền trong nước và có khi còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cho nên, các kết quả đạt được của kế hoạch phi đôla hóa - nếu thực sự có một kế hoạch như thế - còn rất khiêm tốn.

Ngay cả yêu cầu cấm định giá hàng hóa, dịch vụ trong nước bằng ngoại tệ - một biện pháp rất nhẹ nhàng - cũng không được doanh nghiệp và người dân triệt để chấp hành. Du khách nước ngoài và cả người dân trong nước vẫn có thể thanh toán trực tiếp bằng đồng USD tiền thuê phòng, tiền ăn và mua hàng hóa, sản phẩm tại khách sạn, nhà hàng và trung tâm mua sắm trên toàn quốc.

Chưa có thống kê chính xác được công bố về tỷ lệ đôla hóa trong khối tiền tệ quốc gia của chúng ta, tuy nhiên ước lượng không chính thức cho thấy có lúc tỷ lệ này không dưới 40%.

Trong một thời gian dài, đồng USD là phương tiện thanh toán chủ yếu cho các giao dịch mua bán lớn như ôtô, xe gắn máy, các thiết bị máy móc cao cấp và có khi cả đất đai nhà cửa.

Đồng USD là phương tiện thanh toán cho những thương vụ nhập khẩu qua biên giới, nhất là buôn lậu. Cho vay bằng USD trong dân cư, cũng như tín dụng bằng USD trong hệ thống ngân hàng là điều phổ biến. Đã có lúc, tín dụng bằng USD bị hạn chế nghiêm ngặt nhưng sau đó lại được nới lỏng dần trước đòi hỏi của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, việc giảm lãi suất tiền gởi và tiền vay của đồng USD, một hành động của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm bớt áp lực tăng giá USD trên thị trường tiền tệ Việt Nam, lại được hiểu là khuyến khích việc vay mượn USD của doanh nghiệp, như được thông tin trên các phương tiện báo chí mới đây. Phải chăng đây là một bước lùi trong kế hoạch phi đôla hóa?

Đồng USD từ lâu cũng là một phương tiện dự trữ giá trị. Lượng kiều hối nhiều tỉ USD hằng năm chuyển về nước tạo điều kiện cho việc gia tăng nhanh chóng tiết kiệm trong dân cư bằng đồng USD.

Thu hút USD trong dân vào hệ thống ngân hàng bằng cách cho phép người dân gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng bằng USD và rút ra bằng USD là một biện pháp rất thành công của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuy cũng hàm chứa khá nhiều rủi ro.

Thống kê về sự gia tăng chóng mặt của tiền gởi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại các ngân hàng trong nhiều năm qua là một minh chứng hùng hồn cho sự thành công này.

Biện pháp này đã nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm rộng rãi của người dân, và khó thể nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước lại sớm thay đổi quyết định này vì mục tiêu phi đôla hóa.

Yếu tố tích cực

Đồng USD đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong khối tiền tệ quốc gia, hơn nữa, đó là một thành phần tích cực. Chính sách tiền tệ thắt chặt của chúng ta trong thời gian dài nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát vốn luôn là nỗi ám ảnh thường trực của các nhà lãnh đạo tiền tệ, đã không tác động quá tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chính là nhờ sự hiện diện của đồng đôla.

Nhờ nó, các hoạt động kinh tế trong khu vực tư vẫn tiếp tục tăng trưởng, ngay cả trong những thời kỳ mà khu vực này không tiếp cận được các khoản tín dụng cần thiết từ hệ thống ngân hàng.

Nguồn cung USD đầy đủ trong nền kinh tế cũng đã góp phần ổn định tỷ giá đồng bạc Việt Nam và trong một số trường hợp, nó còn đi quá đà trong việc nâng cao tỷ giá của đồng bạc, khiến các chuyên gia kinh tế quy cho nó trách nhiệm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Những năm 2006, 2007 khi đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài tăng vọt cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn kiều hối, tỷ giá đồng bạc Việt Nam đã ổn định ở mức cao, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng nhanh mặc dù nhập siêu lớn chưa từng có.

Đã có lúc, tiền đồng khan hiếm nghiêm trọng khiến các ngân hàng thương mại, và cả Ngân hàng Nhà nước, từ chối mua vào USD của các doanh nghiệp, gây nên tình trạng tắc nghẽn trong việc triển khai dự án đầu tư nước ngoài.

Nhà phân tích kinh tế Fred Bergstein thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, có hai “loại” đôla hóa, một loại phát sinh do thực tế (de facto) và một loại xuất phát từ chính sách (policy) của nhà cầm quyền tiền tệ.

Chỉ có một số ít quốc gia (như Argentina trước đây, Panama, Liberia...) là thực sự theo đuổi một chính sách đôla hóa, chấp nhận đồng USD lưu hành chính thức song song với đồng tiền bản địa, hoặc là đồng tiền duy nhất trong nền kinh tế bản địa.

Tại hầu hết các nước còn lại, đôla hóa xuất hiện như một hiện tượng thực tế khi người dân chọn USD là một phương tiện dự trữ giá trị tương đối bền vững so với đồng tiền bản địa, còn Nhà nước thì chấp nhận thực tế nói trên vì một là nó có những hệ quả tích cực đối với nền kinh tế và sự ổn định trước mắt của hệ thống tài chính tiền tệ trong nước, hai là vì chưa có cách nào chấm dứt được tình trạng này mà không phải trả giá bằng sự bất ổn tiền tệ và lạm phát.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã nhất thời làm lung lay vị thế của đồng USD trong hệ thống thanh toán và tín dụng trên toàn thế giới và người ta đã nói đến sự thay thế vị trí đó trong tương lai bởi các đồng tiền chung trong khu vực (như euro) hay những đồng tiền “ngôi sao đang lên” (như nhân dân tệ).

Tình trạng nhập siêu kéo dài của ngoại thương Việt Nam với Trung Quốc khiến nhiều người nghĩ đến một tương lai không xa khi nền kinh tế Việt Nam, vốn có xu hướng ngoại tệ hóa, có nguy cơ chuyển từ trạng thái “đôla hóa” sang “nhân dân tệ hóa”, nếu không sớm cùng các nước ASEAN khác xây dựng một đồng tiền thanh toán chung cho khu vực, hoặc không sớm có những giải pháp tiền tệ khả thi cả về mặt chính sách lẫn về mặt kỹ thuật nhằm thực thi chủ quyền tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên, nguy cơ “nhân dân tệ hóa” khó có thể xảy ra một phần vì Trung Quốc chưa sẵn sàng cung ứng nhân dân tệ cho phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, phần khác người dân Việt Nam vẫn chưa tín nhiệm đồng nhân dân tệ như đối với đồng USD.

Trong khi chờ đợi, sống chung hòa bình với tình trạng đôla hóa có thể là một sự chọn lựa khả thi trong ngắn hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Huỳnh Bửu Sơn
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

MỚI - NÓNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
TPO - Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân. Đến nay, ông Nhân từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và ông Minh quay lại ghế chủ tịch. Hiện vị trí tổng giám đốc của công ty này đang bỏ trống.