Trong vai người cần mua tamiflu điều trị dự phòng cúm A/H1N1, ngày 12/8, tôi tìm hiểu tại các cửa hàng kinh doanh dược phẩm ở chợ dược Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM. Nhân viên tên T. một cửa hàng thuốc cho biết: “Mấy ngày nay, cơ quan y tế kiểm tra gắt nên không dám bán loại thuốc này”.
Năn nỉ mãi, cuối cùng nhân viên này cũng bán cho tôi một vỉ 10 viên giá 700.000 đồng. Tôi hỏi hóa đơn, nhân viên này lắc đầu: “Hàng xách tay, không có hóa đơn”.
Trước đó, khi cúm A/H1N1 lây lan ra cộng đồng, nhiều người dân đã đến nhà thuốc M.C. trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM để mua Tamiflu và đều được đáp ứng nhu cầu.
“Ngày 4/8, sau khi nghe ở Khánh Hòa có ca tử vong vì cúm, tôi ghé nhà thuốc M.C mua Tamiflu thì, nơi đây hét giá một triệu đồng hộp/10 viên. Nghe nói uống vào phòng được cúm nên tôi đành phải mua” - chị Nguyễn B.L. ở quận 3, TPHCM cho biết.
Sau khi chị L. phản ánh giá thuốc Tamiflu bán quá cao và báo chí thông tin, ngày 10/8, Sở Y tế TPHCM đã khảo sát 20 nhà thuốc trên địa bàn TPHCM, ghi nhận tại ba nhà thuốc là Mỹ Châu 1, Mỹ Châu 10 và Thanh Quang trên đường Hai Bà Trưng bán giá thuốc Tamiflu với giá cao gấp ba lần giá gốc.
Theo PGS- TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khảo sát tại đây cho thấy, nhà thuốc đã bán công khai thuốc này với giá từ 1,4 đến 1,5 triệu đồng/hộp/10 viên. “Nếu Tamiflu được bán tại nhà thuốc và các cửa hàng dược phẩm thì thuốc này chỉ có thể là hàng xách tay, trôi nổi” - Bà Lan cho biết.
Điều lạ là, tại sao các loại thuốc này được bán tại nhà thuốc trong khi nó không được phép?
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, hiện một số cơ sở y tế, phòng khám đa khoa được cấp Tamiflu điều trị cho bệnh nhân và một số Cty được cấp để dự phòng đã cấp miễn phí lại thuốc này cho nhân viên của mình. Thay vì dự phòng để sử dụng, không ít người đã tuồn thuốc ra chợ và các nhà thuốc để bán kiếm lời.
Lỗ hổng
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 tại Sở Y tế TPHCM chiều 10/8, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan công khai tên ba nhà thuốc bán Tamiflu giá cao cho các cơ quan báo chí.
Ngay sau khi báo chí cùng Đoàn Thanh tra Bộ Y tế đến kiểm tra nhà thuốc Mỹ Châu 1, ông Lê Hoàng Tuấn - Phụ trách nhân sự nhà thuốc Mỹ Châu cho biết, Đoàn Thanh tra Bộ Y tế xuống nhà thuốc để xem xét thẩm định cấp chứng nhận GPP cho nhà thuốc chứ không phải thanh tra bán thuốc Tamiflu như báo chí nêu, và yêu cầu báo chí không được vào. Tuy nhiên, ông Bùi Đức Phong - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế khẳng định với Tiền Phong, Đoàn đến thanh tra nhà thuốc Mỹ Châu vì báo chí thông tin nơi đây bán thuốc Tamiflu giá cao. |
Một ngày sau, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược ban hành liền hai công văn gửi Thanh tra Bộ Y tế chỉ đạo thanh tra Bộ khu vực phía Nam vào cuộc thanh tra Tamiflu tại ba nhà thuốc nói trên; đồng thời trong một công văn gửi Sở Y tế TPHCM yêu cầu báo cáo vụ việc và kết quả xử lý.
Tuy nhiên, trong khi Thanh tra Bộ và Sở Y tế TPHCM chưa tiến hành thanh tra sự việc thì trong văn bản gửi cho báo chí, ông Trương Quốc Cường cho rằng, các báo đưa tin không đúng sự thật. Công văn cho rằng: Cục Quản lý Dược đã kiểm tra và nhà thuốc báo cáo không tăng giá như báo chí đã nêu.
Trong một diễn biến khác, chiều 12/8, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM kiểm tra ba nhà thuốc bán Tamiflu và giá cao kể trên, ghi nhận cả ba cơ sở không còn bán thuốc nữa. Tuy nhiên, việc thanh tra này chỉ là sự đã rồi vì sáng cùng ngày, báo chí đã đồng loạt thông tin kiểm tra các nhà thuốc này.
Điều đáng nói, Tamiflu được cấp miễn phí cho bệnh nhân mắc cúm theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không được phép có mặt ở thị trường nhưng vẫn hiện diện ở các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh dược phẩm.
Nếu Tamiflu khi nhập về Việt Nam được Cục Quản lý Dược kiểm định chất lượng, sau đó phân phối đến các cơ sở y tế thì tại sao lại có mặt ở thị trường. Điều này Cục Quản lý Dược cần phải làm rõ.