Hàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt

Hàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt
TP - “Chúng ta đang bị hàng ngoại lấn lướt. Hàng do Việt Nam sản xuất luôn bị đe dọa bởi hàng giá rẻ, chất lượng thấp, mất an toàn, hàng ế thừa hay gần hết hạn sử dụng của nước ngoài tràn vào, chiếm lĩnh thị trường”.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinatas), cho biết như vậy tại hội thảo người tiêu dùng Việt Nam với hàng Việt Nam do Vinatas tổ chức hôm qua tại Đà Nẵng.

Hàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt ảnh 1
Máy tính Trung Quốc tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam thông qua hội chợ.
Ảnh: Phạm Yên

Hai phần ba chuộng hàng ngoại

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, dẫn số liệu mới nhất của một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, 77 phần trăm người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại. Trong khi số liệu này trung bình của toàn châu Á chỉ là 40 phần trăm.

Tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ: “Tại sao người Việt không dùng hàng Việt”, bà Loan nhận được những câu trả lời như: Tìm được hàng Việt Nam mua đâu dễ, trong khi khắp nơi nhan nhản hàng Trung Quốc giá rẻ. Người bán hàng lại chủ yếu quảng cáo cho hàng ngoại, thậm chí quảng cáo không đúng sự thật gây nhầm lẫn, lừa người mua.

“Ngay các nhà bán lẻ Việt Nam cũng không quảng cáo cho hàng Việt Nam thì ai mua”- Bà Loan nói.

Hàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt ảnh 2 Nhiều năm nay cụm từ “Tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp” được nhắc đi nhắc lại trong các báo cáo tổng kết về tình hình buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giảHàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt ảnh 3 -  Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương)

Không chỉ trong các trung tâm thương mại lớn, ngay tại các chợ truyền thống, hàng ngoại cũng đang ồ ạt xâm chiếm. Khảo sát tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho thấy, đối với đồ gia dụng, hàng lưu niệm, mỹ nghệ tỷ lệ hàng nội chỉ vỏn vẹn 20 phần trăm, hàng tiêu dùng cũng chỉ chiếm được 40 phần trăm.

Một đất nước bốn mùa xanh tươi, hoa trái quanh năm, vậy mà sáu tháng đầu năm chúng ta cũng bỏ ra tới 75 triệu USD để nhập khẩu trái cây, trong khi đang đi nhặt nhạnh từng đồng USD từ xuất khẩu hạt gạo, con tôm.

Theo bà Loan, nếu không tổ chức hệ thống phân phối, bán lẻ một cách bài bản và không có phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”, hàng Việt Nam sẽ ngày càng mất chỗ đứng tại chính sân nhà.

TS Hồ Tất Thắng băn khoăn: “Trung Quốc đòi hỏi hàng Việt Nam phải có xuất xứ hàng hóa vậy tại sao chúng ta không yêu cầu ngược lại đối với họ? Chúng ta quá dễ dãi với hàng nhập khẩu”.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Việt Nam luôn bị động, đưa ra các biện pháp tình huống như quy định ngưỡng melamine trong sữa nhập, formaldehyde trong quần áo nhằm khắc phục hậu quả.

Đáng lo ngại hơn là tình trạng quản lý hàng hóa theo dự đoán cảm tính mà không có cơ sở khoa học nào.

Hàng nội cô độc trước thị hiếu người Việt ảnh 4

Một số sản phẩm “Hàng Việt Nam chất lượng cao” của các công ty Dệt - May Việt Nam.  Ảnh: Phạm Yên

Quốc nạn nhưng chưa có quốc sách

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, hàng lậu như con ngựa bất kham, chúng ta không kiểm soát nổi.

Dù có phấn đấu hạ giá thành đến mấy, hàng nội cũng khó cạnh tranh nổi hàng lậu, hàng giả do giá rẻ, trốn thuế, mẫu mã phong phú, hợp với túi tiền của phần đông người tiêu dùng có thu nhập thấp. Thị trường hàng hoá quá lớn liền kề là một áp lức mạnh đối với hàng nội.

Nhìn thấy táo, lê để cả tháng không hỏng, chúng ta dự đoán là có chất bảo quản.

Điều người tiêu dùng muốn biết chất bảo quản đó là gì, có hại cho sức khỏe không, thì chưa thấy cơ quan chức năng nào giải đáp.

Ông Hùng cho rằng, chúng ta nhiều lần khẳng định hàng lậu là quốc nạn, nhưng lại chưa có quốc sách để ngăn ngừa.

Trong bối cảnh chống suy giảm kinh tế hiện nay, Chính phủ cần có ngay quốc sách trong công tác này. “Chúng ta không bài hàng ngoại hợp pháp nhưng cần tẩy chay hàng nhập lậu bởi những rủi ro và hậu quả xấu mà nó đem đến”- Ông Hùng nói. 

Theo TS Hồ Tất Thắng, sau gần hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam vẫn chưa có hàng rào chặt chẽ để bảo vệ hàng trong nước cũng như ngăn hàng kém chất lượng vào Việt Nam.

TS Vũ Văn Diện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ) thừa nhận, hiện mới có 35 phần trăm tiêu chuẩn Việt Nam tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam vừa phải hủy bỏ 1.000 tiêu chuẩn lạc hậu.

Thực tế hiện nay, nếu cạnh tranh sòng phẳng, đúng luật, một số mặt hàng tiêu dùng Việt Nam không thua kém hàng ngoại. Nhưng hàng nhập lậu qua biên giới không chịu bất cứ khoản thuế nào, không bị kiểm soát về chất lượng, kiểm dịch thì doanh nghiệp Việt Nam chào thua.

TS Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam nhưng cũng đòi hỏi nhà sản xuất phải đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý.

Minh chứng rõ ràng nhất là sản phẩm sữa bột, sau nhiều hội thảo và báo chí đưa ra thông tin minh bạch về chất lượng, giá cả, sản phẩm sữa bột nội giá rẻ của các doanh nghiệp lớn đang dần chiếm lĩnh lại thị trường.

MỚI - NÓNG