Phòng chống ung thư từ thói quen ăn uống

Phòng chống ung thư từ thói quen ăn uống
TP - Thói quen ăn uống chiếm 1/3 nguyên nhân gây bệnh ung thư, và nên có ý  thức nhận biết để thay đổi, điều chỉnh thói quen, chế độ ăn uống, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Chủ tịch Hội Ung thư TPHCM cho biết.
Phòng chống ung thư từ thói quen ăn uống ảnh 1
Thức ăn ướp muối lâu ngày được chứng minh là có hại nhiều hơn có tác dụng chống ôi thiu, nhất là, có thể gây ra cả bệnh ung thư.

Trong các loại bệnh ung thư, ung thư đại tràng và ung thư dạ dày là hai loại bệnh mà chế độ ăn uống tác động đến khả năng bị bệnh rất cao. Giáo sư Nguyễn Chấn Hùngcho biết: Trước đây, nhân dân vẫn thường sử dụng những thức ăn dự trữ lâu như khô cá muối, các loại dưa muối, mắm. Trong thức ăn ướp muối lâu ngày có tác nhân sinh ung thư nitrosamin.

Để giảm nguy cơ bị bệnh ung thư loại này, nên dự trữ thức ăn bằng cách trữ lạnh thay vì ướp muối.

Vi khuẩn HT gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ chuyển biến  thành ung thư. Vì vậy, nếu phát hiện ra bị viêm loét dạ dày thì nên điều trị sớm để tránh biến chứng, dẫn đến mắc bệnh.

Ung thư đại tràng là loại ung thư hay gặp nhất kể cả đối với nam lẫn nữ. Nguyên nhân gây bệnh do ăn nhiều thịt nướng, nhiều thịt mỡ, nhất là đồ ăn theo kiểu phương Tây. Những món ăn nhanh như ba tê, xúc xích, đồ ăn hộp có chứa nhiều dầu mỡ nóng. Đặc biệt, các thức ăn thiếu chất xơ, chất rau quả.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn ướp muối lâu ngày được chứng minh là có hại nhiều hơn có tác dụng chống ôi thiu, nhất là, có thể gây ra cả bệnh ung thư. 

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng kèm theo những đồ uống có gas và đường như Cocacola… dẫn đến nguy cơ ung thư đại tràng cao.

Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng căn bệnh này. Tỷ lệ béo phì càng cao thì nguy cơ bị ung thư càng tăng, đặc biệt đối với ung thư ruột già, tử cung, tuyến tiền liệt và da.

Vì thế, cần hạn chế đến mức có thể sử dụng nhiều đồ ăn nhanh (fast food). Kết hợp giữa ăn nhiều thức ăn rau quả và tập thể dục hằng ngày.

Đối với ung thư gan, sử dụng lương thực như gạo, khoai, ngô lâu ngày không bảo quản tốt, bị ẩm mốc là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, những thực phẩm nhiễm nấm độc aflatoxin như lạc mốc, hay các loại hạt khác bị mốc là nguy cơ dẫn đến ung thư gan rất cao.

Theo bác sĩ Lê Văn Quảng, giảng viên Bộ môn Ung thư, Bệnh viện K, uống nhiều rượu, uống thường xuyên và kéo dài, dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Biện pháp phòng ung thư gan quan trọng nhất là tránh nhiễm virus viêm gan B và C, là không nghiện rượu, tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm nhiễm nấm mốc aflatoxin. Đồng thời, chế độ ăn uống hàng ngày nên sử dụng nhiều rau quả tươi.  

MỚI - NÓNG