Ranh danh thiếp

Ranh danh thiếp
TP - Có người ngoài danh hiệu “nhà văn, nhà thơ” còn ghi thêm vào “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ”, “Tốt nghiệp Bằng đỏ”, “Tốt nghiệp Thủ khoa”. Rồi lại có người, sau hàng chữ “nhà văn, nhà thơ” còn thêm “Chuyên nhận chụp hình đám cưới, đám tiệc”, “Chuyên sản xuất, mua bán, trao đổi...”.

Các-vi-dít là nói theo Tây, ta gọi là danh thiếp. Nó là tấm giấy nhỏ in tên tuổi, địa chỉ, chức danh… của mình trao gửi cho người khác để tiện việc liên hệ, liên lạc. Nó không phải là chỗ để tranh thủ quảng cáo, khoe khoang.

Các nhà quản lý, lãnh đạo thì giới thiệu chức danh, đúng rồi! Các nhà doanh nghiệp thì khoe thương hiệu, đúng rồi! Các nhà nghiên cứu khoa học thì in học hàm học vị, đúng rồi! Riêng cánh viết văn làm thơ, chỉ đơn thuần sáng tác, thì sao?

Tôi nghĩ, cái danh xưng “nhà thơ”, “nhà văn”… thì nên để người khác, tức bạn đọc, nói về ta. Trong các-vi-dít thấy ghi là “Nhà thơ A”, Nhà văn B”… Như thế hoá ra ta tự xưng tụng? Ngộ nhỡ bạn đọc thấy tác phẩm không xứng với danh hiệu trân trọng, danh giá ấy thì… kỳ chết! Nhưng có người bên cạnh dòng chữ “nhà văn, nhà thơ” còn ghi thêm “Giám đốc…”, “Chủ tịch…”, “Trưởng ban…”… Bạn đọc chỉ đọc và thẩm định sáng tác của anh hay hay dở mà thôi, không đem so với những chức danh ấy đâu! Nếu đồng thời anh vừa là nhà sáng tác vừa là người mang trọng trách xã hội thì nên ghi phần xã hội để giao tiếp như đã nói ở trên, không cần “văn, thơ” vào đấy làm gì. Hai cái chẳng dính dáng gì nhau. Đôi khi lại thấy nó cập kênh thế nào!

Một các-vi-dít khác ghi kín cả hai măt giấy: “Tên… Tuổi…/ Quê quán…/ Hiện ở và viết tại Hà thành/ Chuyên làm thơ và Bình luận văn chương/ Từng viết Nhạc, Kịch cho…/ Nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa…/ Dạy đàn Organ - Chụp ảnh chuyên nghiệp/ Chuyên xử lý bằng vi tính ảnh cũ… đẹp như mới”! Hóa ra người này không những chuyên làm thơ mà nghề nào cũng… chuyên!

Lại có người ghi thêm vào danh hiệu “nhà văn, nhà thơ” các học hàm học vị “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, “Thạc sĩ”, “Tốt nghiệp Bằng đỏ”, “Tốt nghiệp Thủ khoa”… Ngộ nhỡ học hàm học vị cao thế mà giá trị nghệ thuật của sáng tác không “cao” bằng thì sao? Rồi lại có người, sau hàng chữ “nhà văn, nhà thơ” còn thêm “Chuyên nhận chụp hình đám cưới, đám tiệc”, “Chuyên sản xuất, mua bán, trao đổi…”… Thì cứ việc in cái các-vi-dít dành riêng cho phần quảng bá, giới thiệu công việc làm ăn, kế mưu sinh chính đáng của anh để tìm khách hàng, đối tác là đủ. Tương thêm cái chuyện “văn, thơ” vào đây phỏng có ích gì?

Có cái các-vi-dít in kín những dòng thế này: “Văn học Việt Nam hiện đại/ Đại học Quốc gia Hà Nội/ Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, cử nhân…”! Hỏi ra thì người này không công tác ở  trường Đại học nào, không làm việc ở Viện Văn học,Văn hóa nào, không là hội viên Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật nào! Đúng ra thì vị này cũng từng là hội viên một hội địa phương nhưng đã bị khai trừ! Mà cũng không tìm đâu ra tác phẩm của “nhà” này (kể cả bài lẻ in trên báo chí) để đọc!

Lại có người theo học cấp tốc một khóa Bồi dưỡng viết văn (BDVV) Nguyễn Du do Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) tổ chức, ngày bế mạc vội in ngay các-vi-dít phân phát khắp lượt mọi người. Trên tấm giấy thơm lựng in thế này (ghi theo trí nhớ, không đầy đủ): “Hội Nhà văn Việt Nam/ Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du/ Nhà văn, nhà thơ, nhà báo.../ Là tác giả 136 bài thơ in trên.../ Là tác giả gần 250 bài báo in trên.../ Nhận chụp hình rửa ảnh...”! Xem qua ngỡ là người của Trung tâm BDVV Nguyễn Du thuộc Hội NVVN (!). Còn cái chuyện trăm mấy bài thơ với mấy trăm bài báo thì có cần in trên các-vi-dít không nhỉ? Lại còn thêm cái khoản nhận làm dịch vụ nữa!

Đem “so sánh, đối chiếu” với nhiều các-vi-dít của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng, thấy khác nhau một trời một vực. Những nhà văn nhà thơ viết rất tài rất hay lại có cách in các-vi-dít rất… “dở”. Chức danh, bằng cấp, thành tích, tài năng các vị cứ giấu nhẹm đi, chán thật! Sực nhớ, dày dặn cỡ Nguyễn Quang Sáng còn nói “Tôi luôn đặt câu hỏi mình thật sự đã trở thành nhà văn chưa?”. Thành tựu như Kim Lân cũng bảo “Tôi viết ít quá! Nhà văn gì mà chỉ có được vài ba cái truyện ngắn rồi tắc tị. Cũng phải biết ngượng chứ!” v.v…

Có người nói vui: Có nghĩa trang liệt sĩ vô danh, sao không có loại nghĩa trang… “Bệnh sĩ háo danh”(?!). Nếu có, chắc cũng sẽ đầy nhong nhóc những mộ! Ai cũng biết giới văn nghệ sĩ đều là những người có cá tính độc đáo, khác người. Nhưng xin chớ nên lẫn lộn sự độc đáo sáng tạo của những “cơn điên nghệ thuật” với những… cơn điên phi nghệ thuật, nhăng nhố, hợm mình!

Tạ Văn Sỹ                                                                                                        

MỚI - NÓNG
Nơi được ví là ‘Nhà Trắng mùa đông’ của ông Trump
Nơi được ví là ‘Nhà Trắng mùa đông’ của ông Trump
TPO - Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Mar-a-Lago trở thành địa điểm yêu thích không chỉ của chính trị gia, người giàu đam mê tiệc tùng mà còn những kẻ cơ hội, tò mò. Phải tốn hàng nghìn USD để có được một chỗ ngồi trong bữa tối, nhưng không phải có tiền là mua được.