TP Hồ Chí Minh: Tăng trưởng giảm, lãng phí tăng

TP Hồ Chí Minh: Tăng trưởng giảm, lãng phí tăng
TP - Chỉ tính riêng 88 công trình chậm tiến độ vừa khảo sát, vốn ngân sách đã bị ngốn thêm 2.850 tỷ đồng, trong khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn trong sáu tháng qua chỉ đạt  mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TPHCM sáng 7/7, cho biết thông tin trên.

Yêu cầu UBND thành phố giải trình

TP Hồ Chí Minh: Tăng trưởng giảm, lãng phí tăng ảnh 1

Công trình cầu Hoàng Hoa Thám - một trong những công trình đứng đầu sổ về lãng phí do chậm tiến độ ở TPHCM. Ảnh: Hồng Hạnh

Đại biểu Đặng Văn Khoa bức xúc: Mặt bằng kho bãi sử dụng sai mục đích, lãng phí tồn tại từ nhiều năm nay. Mỗi khi có sức nóng của nghị trường, dư luận thì nổi lên, sau đó lại chìm xuống.

Hôm nay, kỳ họp sẽ dành trọn một ngày để các đại biểu chất vấn lãnh đạo các Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên & Môi trường, Y tế. Dự kiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài cũng sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn.

“Tôi rất đau xót và yêu cầu UBND thành phố giải trình lý do vì sao nhiều mặt bằng ở quận 6, quận 8, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi để làm trường học nhưng đến nay vẫn tồn tại. Thậm chí khi đoàn công tác xuống khảo sát, đơn vị còn sai bảo vệ ra đuổi hoặc đóng cửa không tiếp".

Đại biểu Phạm Văn Hải: Tôi không hiểu và yêu cầu UBND thành phố phải giải trình rõ lý do vì sao nhiều đơn vị được giao quản lý mặt bằng kho bãi là các đơn vị kinh tế trực thuộc, việc thu hồi nằm trong tầm tay của UBND thành phố nhưng đến nay việc sử dụng lãng phí, sai mục đích vẫn kéo dài ?

Đại biểu Đặng Văn Khoa gay gắt: Tôi cảm thấy thất vọng. 7-8 năm trước, vấn đề thất thoát nước sạch đã được HĐND thành phố đặt ra trong các kỳ họp, yêu cầu UBND thành phố có lộ trình giảm thất thoát. Đến nay, tỷ lệ thất thoát lên tới 42 phần trăm, tức là mỗi ngày mất khoảng 500 nghìn m3. UBND thành phố đã không quan tâm đến ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố.

Đại biểu Nguyễn Thế Thanh bức xúc: Tôi đề nghị UBND thành phố tổ chức đánh giá kết quả của chủ trương phân cấp cho các quận, huyện. Nhiều quận, huyện được giao cả trăm dự án, công trình nhưng nhiều công trình trong số đó phải chuyển tiếp qua nhiều năm, kéo dài gây lãng phí.

Mạnh ai nấy làm

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa, chỉ số tăng trưởng GDP trong năm 2009 cần điều chỉnh xuống mức phù hợp là 7-7,5 phần trăm.

Đại biểu Nguyễn Văn Ngai -nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo bức xúc: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sĩ số học sinh tiểu học không vượt quá 35 em/lớp.

Tuy nhiên, do thiếu phòng học, sĩ số học sinh thực tế ở nhiều quận, huyện ở thành phố lên đến 40, 45 thậm chí 50 em/lớp. Vừa qua, tôi tháp tùng Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu Hà xuống kiểm tra tại quận Bình Tân.

Quận đã có sẵn mặt bằng xây trường nhưng dự án bị kéo dài trong nhiều năm do thủ tục đầu tư. Sau khi nghe báo cáo, chỉ trong vòng 15 phút điện thoại cho các sở, ngành chức năng, chị Hà đã cởi trói được cho 9 dự án xây dựng trường học.

Đại biểu Đặng Văn Khoa đồng tình: “Công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng hiện nay rất đáng trách nên mới có chuyện cột điện nằm giữa đường vào khu tái định cư cảng sông Phú Định (quận 8) hay cầu vượt đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có một trụ cầu nằm trong lộ giới của tuyến đường khác ở huyện Bình Chánh. Tôi đề nghị những dự án nào chưa chuẩn bị xong, dứt khoát không được khởi công để khỏi ngáng chân những dự án khác”.

MỚI - NÓNG