Tình dục trong hát xẩm: Táo bạo mà tế nhị

Tình dục trong hát xẩm: Táo bạo mà tế nhị
TP - Trong dân gian có một loại hình nghệ thuật đề cập tới yếu tố phồn thực (tình dục) có cách dùng từ rất táo bạo, bộc trực và “thẳng như ruột ngựa”; hay nói cách khác là cứ hát “toạc móng heo” mà không hề ngại ngần gì! Đó chính là nghệ thuật hát xẩm.

Xẩm - táo bạo, bộc trực

Tình dục trong hát xẩm: Táo bạo mà tế nhị ảnh 1
Tranh dân gian ghi lại trò chơi “Bắt chạch trong chum” ở Vĩnh Phúc. Tham gia trò chơi là những đôi nam nữ. Họ phải vừa ôm nhau vừa bắt chạch. Đôi nào bắt được trước thì thắng.

Phồn thực là điều ít được nói công khai, hay nói cách khác là điều kiêng kỵ đối với các dân tộc Á Đông, trong đó có Việt Nam, vốn vẫn trọng sự kín đáo, kín kẽ cả từ lời ăn tiếng nói và có một nền lễ giáo truyền thống khắc nghiệt.

Nhưng, rõ ràng trong loạt bài viết của nhiều học giả về phồn thực (hay tình dục) đăng trên Tiền phong Cuối tuần thời gian qua (số 16, 17, 18, 19, 21) đã khẳng định một điều: phồn thực hiện hữu trong rất nhiều khía cạnh của văn hoá truyền thống. Thậm chí không quá khi nói rằng chúng ta có cả một văn hoá phồn thực tương đối độc đáo.

Nhưng có điều tất cả những khía cạnh phồn thực được nhắc đến ấy đều gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng. Không phải ngẫu nhiên phồn thực lại hiện hữu nhiều trong văn hoá truyền thống của đất nước ta.

Chúng ta vẫn quan niệm thế giới là mối quan hệ mật thiết giữa 3 yếu tố Thiên- Địa- Nhân. Trong đó, riêng yếu tố Nhân - tức là con người bao giờ cũng phải tuân theo quy luật âm dương hoà hợp. Mà âm – dương cao nhất của con người chính là đàn bà – đàn ông. Đương nhiên khi đã gắn với nghi lễ thì tính dung tục đã mất đi, thay vào đó là sự hoa mỹ, nói bóng, phủ lên mọi sự một lớp màn thiêng liêng.

Song, trong dân gian vẫn còn một loại hình nghệ thuật đề cập tới yếu tố phồn thực, hoàn toàn không gắn với nghi lễ tín ngưỡng đã có. Mà một điều lạ là loại hình nghệ thuật này có cách dùng từ rất táo bạo, bộc trực và “thẳng như ruột ngựa”; hay nói cách khác là cứ hát “toạc móng heo” mà không hề ngại ngần gì! Đó chính là nghệ thuật hát xẩm.

Trong suốt nhiều năm tìm hiểu nghệ thuật hát xẩm, chúng tôi đã có trong tay một lượng bài xẩm tương đối dồi dào lên tới cả trăm thuộc nhiều làn điệu khác nhau song, hầu như yếu tố phồn thực xuất hiện rất ít, chỉ ở có 2 bài là “Dứa dại không gai” và “Hát ngược”, cả hai đều do nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - Ninh Bình hát. Trong đó “Dứa dại không gai” được đề cập chi tiết hơn và yếu tố phồn thực bao trùm lên toàn bộ bài xẩm này.

“Dứa dại không gai” - dân dã, bạo đến bất ngờ

Nhớ lần về ghi âm những làn điệu và bài hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên và có một buổi “sống trong xẩm” ngập tràn tiếng cười vì cái sự “tế nhị” ấy cứ thế toạc toàng toang theo từng lời hát của người nghệ nhân tài ba ấy.

Sự thể là thế này, cầm lấy cây đàn nhị, nghệ nhân Hà Thị Cầu kéo những giai điệu rất hóm hỉnh, vui tươi trên làn điệu xẩm Huê tình - làn điệu luôn gắn với đề tài tình yêu đôi lứa - rồi cố tình véo cái giọng đanh, sắc gọn cong lên ngay từ đầu: Dứa dại không gai/ Chúng anh nghĩ rằng cây thì dứa dại nó không gai/ Không ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông/ Em nói dối anh em chửa có chồng.

Tất nhiên đây chỉ là sự mào đầu, nhưng cũng là cái cớ để cho nghệ nhân giới thiệu nội dung chính của bài xẩm. Ấy chính là câu chuyện một chàng trai ham của lạ bắt gặp “gái một con” lại đương thì cho con bú nên nom cứ căng tròn nhựa sống. Anh chàng tưởng chừng cô nàng ẵm con ấy là một cây dứa dại để có thể tự do “hái” cho thỏa khát khao.

Song, chàng cũng nhận ra ngay rằng, dù có là dứa dại thì cũng chẳng hề dễ “chơi” vì chàng đâu có ngờ “gai dứa dại lại còn dài hơn chông”. Song đó chỉ là sự vào đầu, nên dù “dài hơn chông” không dễ hái nhưng chàng cũng không chịu bỏ cuộc.

Ngay sau khi dứt lời thì đoạn nhạc dạo mở phía đầu (còn gọi là lưu không) lại xuất hiện, rồi vẫn cái giọng kiểu giễu cợt nhưng rất đáng yêu (chứ không phải kiểu giễu cợt cái sự đời trái ngang như nhiều bài xẩm khác) nghệ nhân Hà Thị Cầu tiếp tục phân bua: Nói dối anh em chửa có chồng/ Hỏi con đâu cô mình bế mình bồng trên tay rồi ngay sau đó mới dám mạnh gan để: Hỏi cái gì lù lù trước ngực cô nàng bay/Oản tẻ hay cặp bánh dầy, vừa trắng vừa xinh/ Nhác thì quay qua anh nom thấy nó hữu tình.

Sau một đoạn nhạc dạo, người nghệ nhân lại cất tiếng hát, nhưng theo xu hướng ngày càng “sốc” hơn: “Nhác thì quay qua anh nom thấy nó hữu tình/ Ướm hỏi các cô mình, của lạ hay là của quen?”, rồi bạo gan: “Em nhích vào đây cho anh bóp cái anh xem”. Quá “sốc”! Anh chàng này bạo miệng quá còn dám nói được cả cái từ “bóp” đầy tế nhị ấy, thật chẳng ý tứ chút nào!

Nhưng không, hãy đừng “sốc” vội, vì mục đích cuối cùng của chàng trai trong bài hát này là tán được cô gái và được thỏa thuê với những hân hoan đầy tính bản năng nên chàng còn “liều” hơn nữa trong lời ăn tiếng nói. Đã dám diễn đạt bằng cái  “động từ mạnh” ấy rồi thì chắc chắn chàng trai đã tới độ khát khao và thể hiện quyết tâm muốn đạt được!

Vì thế mà chàng chẳng nề hà hỏi ngay xem cô nàng muốn gì: Muốn bạc hay muốn tiền chả tiếc cô mình làm chi và rồi thì anh còn chêm thêm câu có vẻ như một lời khuyên chân tình: Anh cứ khuyên em chớ để nó mà làm gì rồi lại tiếp tục giãi bày, phân tích rằng: Lỡ một mai xốc xa xốc xếch, xộc xà xộc xệch thì sẽ Chả còn gì là cái thì xuân xanh.

Có lẽ là đã lên đến cực điểm của sự “sốc”, việc xuất hiện một loạt từ láy có vần mở đầu là x (xốc xa xốc xếch, xộc xà xộc xệch) một cách dồn dập cũng là một đặc biệt trong cách dùng chữ. Nó tạo cảm giác đầy ấn tượng khiến người nghe và rất có thể là cả đối tượng tiếp nhận nữa (ở đây là cô gái trong bài hát) có một cảm giác bồn chồn muốn hướng tới sự tán tỉnh tiếp theo của chàng trai. Và vì thế mà chàng đã đầy tự tin để đưa ra một chân lý rằng: Em cứ nghe anh chơi cho mát ruột nó lại lành.

Giai đoạn này chính là cao điểm của bài xẩm, cũng chính là thời điểm để chàng trai khoe khoang về tài năng “chăn gối” của mình, chàng đã đầy tự tin “hùng biện” trước cô gái rằng: Nam bức mành mành thoả lược cho các cô mình xem (ý nói đây sẽ là dịp để các cô thoả thuê ngắm chàng và “tận hưởng” sự kỳ diệu của tình yêu). Vẫn chưa hết, chàng chả ngại ngần gì nữa, đầy tự tin để khẳng định bản lĩnh yêu đương của mình khi nói rằng: Anh cứ chơi cho gãy khoá long then/ Chơi cho oản tẻ đi tìm lấy cậu chuối xanh.

Và tới giờ thì âm nhạc cùng lời ca mới dịu đi bằng một lời khuyên răn mang tính kết luận rằng: Chả nghe anh trong dạ nó không đành. Rồi chàng trai lại tiếp tục tái khẳng định lại bản lĩnh trong yêu đương rằng: Anh cứ chơi cho gãy khoá long then/ Chơi cho oản tẻ đi tìm lấy cậu chuối xanh. Và “kết luận” cuối cùng trước khi kết thúc bài cũng đầy ẩn ý: Cho nên tôi lại tung hoành.

Thực là một lời ca đầy thú vị, với những ca từ ấy nếu là lần đầu tiên tiếp cận sẽ có cảm giác rất bạo miệng dễ khiến người ta bất ngờ đến ngỡ ngàng.

Thu âm bữa ấy, chúng tôi còn không quên hỏi vui nghệ nhân Hà Thị Cầu rằng: “Bu ơi thế oản tẻ là bánh dầy hả bu?”, nghệ nhân trước khi trả lời bao giờ cũng nguýt một cái bằng tiếng và đôi mắt thì như kiểu liếc lên rất hóm hỉnh và đọc câu thơ: “Oản tẻ là cặp bánh dầy, vừa trắng lại vừa xinh” làm câu trả lời.

Hỏi tiếp: “Thế còn chuối xanh là gì hả bu?” - nghệ nhân Hà Thị Cầu lần này nguýt dài hơn, cất tiếng đánh gọn một cái rất nhanh: “Là cái ấy ý” và không quên xéo đôi mắt lườm chúng tôi một cái. Chúng tôi được phen cười hả hê.

Xin đừng nghĩ các cụ mình bạo miệng hay ăn nói thô tục mà nên hiểu theo cách các cụ trò chuyện là những cuộc trò chuyện dân gian, hết sức dân dã với những đối tượng thuộc tầng lớp nông dân, nhân dân lao động. Họ phải dùng những lời ca dễ hiểu, dễ nhớ ấy mới thu hút được sự chú ý của khán giả mới mong “rút được hầu bao” của họ khi hành nghề kiếm sống.

Vì thực tế trong hầu khắp các cuộc trò chuyện mà bản thân tôi được trực tiếp với các nghệ nhân hát xẩm “xịn” như Hà Thị Cầu hay Nguyễn Văn Khôi (ở Hà Đông, mới mất) thì các cụ ăn nói rất thẳng, nói toạc, không giấu giếm gì nhưng cách nói thì vô cùng hóm hỉnh.

Hơn nữa phần ca từ trong bài “Dứa dại không gai” khi được cất lên bằng những giai điệu xẩm bao trùm toàn bộ lên nó là một tính chất hóm hỉnh, dí dỏm, mang xứ mệnh dâng tiếng cười góp vui cho cuộc đời.

Yếu tố độc đáo nhất trong hát xẩm khi đề cập tới chuyện phồn thực là cách nói năng thẳng, nhưng rất hóm hỉnh, dân dã, điều này đã tạo sự khác biệt với đề tài phồn thực trong nhiều bài dân ca thuộc các loại hình dân ca khác. Bởi ở những loại hình ấy điểm chủ đạo chính là sự tế nhị, hóm hỉnh mang tính trang nghiêm vì gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng mang tính phồn thực, ở xẩm cách thể hiện hết sức dân dã, sử dụng nhiều ca từ cực “mạnh”, nói theo ngôn ngữ hiện đại là ca từ gây sốc.

Nhưng sốc ở đây không gây phản cảm mà là “sốc có văn hoá” càng làm tăng thêm sự độc đáo. Chẳng hạn nếu như trong nghi lễ tín ngưỡng, tả cảnh âm dương đang hoà vào một thì các cụ sẽ dùng thế này:

“Gọng giậm mà anh cứng, anh đè là đè giếc rô” (trống quân Mó cá trong nghi lễ phồn thực ở Vĩnh Phúc - Phú Thọ) còn trong hát xẩm thì nói toạc (nhưng toạc không có nghĩa nói trần tục cái sinh thực khí nam hay sinh thực khí nữ hay những từ dung tục mô tả cảnh giao hoan) mà cũng chỉ dám dừng lại ở mức: “Anh quyết chơi cho gẫy khóa long then, chơi cho oản tẻ đi tìm chuối xanh”.

Cả trách khi xưa tại sao các ông trùm gánh xẩm dù là người thiệt phận, thường hỏng đôi mắt song vẫn luôn có nhiều liền bà con gái chết mê chết mệt mà nguyện đi theo gánh hát suốt cuộc đời!

Đề cao yếu tố phồn thực tựa như một điều gì đó thiêng liêng cũng là sự hướng tới quy luật âm - dương của con người và vũ trụ, vì thế nó được hiện hữu nhiều trong văn hoá truyền thống, nhất là những nét văn hóa cổ xưa.

Những bài dân ca về phồn thực chủ yếu được sinh ra để gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng nhưng riêng hát xẩm lại phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần. Vì thế nên nó rất “bạo”.

MỚI - NÓNG