>> Phố Wall tăng điểm mạnh ngày GM phá sản
1908: GM được thành lập tại Flint, tiểu bang Michigan, Mỹ.
1919: GM thành lập bộ phận tài chính mang tên GMAC.
1929: GM mua 80% cổ phần trong hãng xe châu Âu Adam Opel AG.
1937: Sau một cuộc đình công gây hậu quả lớn, GM công nhận Nghiệp đoàn Công nhân Ôtô Mỹ (UAW) là đại diện đàm phán cho các công nhân làm việc theo giờ tại hãng.
1971: GM mua cổ phần 34,2% tại hãng Isuzu Motors. Vào năm 1998, GM nâng mức cổ phần này lên 49% và sau đó bán lại.
1981: GM mua 5% cổ phần trong hãng Suzuki Motor. Vào năm 2000, mức cổ phần này được nâng lên 20%, nhưng về sau lại bị giảm về còn có 3%.
1981: GM và Toyota Motor thành lập một liên doanh mang tên NUMMI để sản xuất xe hơi ở vùng Fremont, bang California.
1986: GM mua lại hãng sản xuất xe thể thao Lotus của Anh. Tới năm 1993, GM bán lại Lotus.
1990: GM mua lại 50% cổ phần trong hãng xe Saab của Thụy Điển và một thập kỷ sau đó tiếp tục mua lại phần còn lại của hãng xe này.
1990: GM cho ra đời thương hiệu Saturn.
1998: Một cuộc đình công kéo dài 56 ngày tại bộ phận dập khuân của GM tại Flint đã khiến toàn bộ các nhà máy lắp ráp của GM ở khu vực Bắc Mỹ phải ngưng hoạt động.
1999: GM mua lại 20% cổ phần trong hãng Fuji Heavy Industries: hãng sản xuất xe hiệu Subaru. Sau đó, GM đã bán lại toàn bộ số cổ phần này.
1999: GM tách bộ phận sản xuất phụ tùng Delphi ra khỏi tập đoàn. Bộ phận Delphi tại Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ vào năm 2005.
2000: GM quyết định “khai tử” thương hiệu Oldsmobile, một trong những thương hiệu lâu năm nhất của hãng.
2000: GM mua cổ phần 20% trong hãng xe Italy Fiat với giá 2,4 tỷ USD, trả bằng cổ phiếu GM. Thỏa thuận này bao gồm một lựa chọn cho phép Fiat có quyền buộc GM phải mua nốt phần còn lại của hãng xe Italy.
2002: GM ký thỏa thuận mua lại phần lớn hãng xe Daewoo Motor của Hàn Quốc.
2005: GM trả 2 tỷ USD cho Fiat để hủy bỏ lựa chọn cho phép Fiat có quyền buộc GM phải mua nốt phần còn lại của hãng xe Italy. Đây được xem là một nỗ lực “mua đường” của GM để rút lui khỏi liên minh với Fiat.
2007: GM ký thỏa thuận với UAW, theo đó, các nghĩa vụ chăm sóc y tế cho công nhân GM về hưu sẽ được chuyển sang một quỹ độc lập do UAW quản lý.
Tháng 6/2008: GM xem xét lại khả năng tồn tại của thương hiệu Hummer.
Tháng 7/2008: GM công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 10 tỷ USD và huy động 5 tỷ USD thông qua con đường vay nợ và bán tài sản.
Tháng 11/2008: GM cảnh báo lượng tiền mặt mà hãng còn trong tay ở dưới mức tối thiểu để duy trì hoạt động tới giữa năm 2009.
Ngày 2/12/2008: GM xin Chính phủ Mỹ cho vay 18 tỷ USD.
Ngày 19/12/2008: GM và Chrysler được Chính phủ Mỹ cấp số vốn vay 17,4 tỷ USD.
Ngày 21/1/2009: Lần đầu tiên trong lịch sử, Toyota Motor vượt GM trở thành hãng xe lớn nhất thế giới.
Ngày 5/2/2009: GM công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 công nhân dài hạn trên phạm vi toàn cầu, tương đương 14% lực lượng lao động dài hạn của hãng, đồng thời cắt giảm lương thưởng của phần lớn số lao động “cổ trắng” còn lại ở Mỹ.
Ngày 17/2/2009: GM đòi Chính phủ Mỹ cho vay tổng số 30 tỷ USD (bao gồm cả vốn đã cấp), công bố kế hoạch cắt giảm thêm 47.000 công nhân trên phạm vi toàn cầu và đóng cửa 5 nhà máy tại Mỹ tới năm 2012.
Ngày 26/2/2009: GM báo lỗ 30,9 tỷ USD trong năm 2008.
Ngày 5/3/2009: Các nhà kiểm toán “đặc biệt nghi ngờ” về khả năng tồn tại mà không đệ đơn xin phá sản của GM.
Ngày 30/3/2009: Giám đốc điều hành (CEO) Rick Wagoner của GM bị Chính phủ Mỹ buộc thôi việc và thay thế bởi Giám đốc hoạt động của hãng là Fritz Henderson. GM được Chính phủ Mỹ cho 60 ngày để phát triển một kế hoạch tái cơ cấu mới.
Ngày 17/4/2009: GM cho biết hãng đã sẵn sàng nộp đơn xin phá sản và đang nhanh chóng hoàn thành một kế hoạch kinh doanh mới dưới sự giám sát của Chính phủ liên bang.
Ngày 22/4/2009: GM tuyên bố không thể trả được khoản nợ 1 tỷ USD tới hạn vào ngày 1/6.
Ngày 27/4/2009: GM đưa ra kế hoạch tái cơ cấu không thông qua phá sản cuối cùng, theo đó sẽ xóa bỏ một phần lớn nợ trái phiếu, cắt giảm thêm 21.000 việc làm ở Mỹ và trở thành một hãng xe bị quốc hữu hóa. GM cảnh báo sẽ đệ đơn xin phá sản nếu các trái chủ không chấp nhận đánh đổi 90% trong số nợ 27 tỷ USD sang cổ phần của hãng.
Cùng ngày, CEO Henderson tuyên bố sẽ đóng cửa thương hiệu xe Pontiac vào năm 2010 và các thương hiệu Hummer, Saturn vào cuối năm nay. Các thương hiệu Saab và Opel tại châu Âu bị rao bán.
Ngày 5/5/2009: GM vạch chi tiết kế hoạch phát hành thêm 60 tỷ cổ phiếu mới để trả hết nợ cho Chính phủ, trái chủ và UAW. Theo kế hoạch này, số cổ phiếu mà các cổ đông hiện hữu của GM đang nắm giữ gần như trở thành “giấy vụn”.
Ngày 7/5/2009: GM báo lỗ 6 tỷ USD trong quý 1/2009 và cho biết đã tiêu hết 10,2 tỷ USD tiền mặt trong quý.
Ngày 15/5/2009: GM thông báo kế hoạch đóng cửa 1.100 đại lý nhỏ và đem lại ít lợi nhuận.
Ngày 21/5/2009: GM công bố thỏa thuận cắt giảm chi phí nhân công mới với UAW, theo đó quỹ bảo hiểm y tế cho công nhân nghỉ hưu của GM do UAW quản lý sẽ nhận được một nửa trong số tiền 20 tỷ USD mà GM còn nợ quỹ này dưới dạng cỏ phiếu và trái phiếu mới, thay vì bằng tiền mặt.
Ngày 22/5/2009: GM vay thêm 4 tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ và đạt thỏa thuận với liên đoàn công nhân ôtô Canada.
Ngày 27/5/2009: Đề nghị của GM mời các trái chủ đổi 27 tỷ USD nợ trái phiếu lấy 10% cổ phần trong hãng thất bại.
Ngày 28/5/2009: GM và Bộ Tài chính Mỹ đưa ra một đề xuất chuyển đổi cổ phần mới, theo đó các trái chủ sẽ nhận được 10% cổ phần trong GM mới và lượng chứng quyền để mua thêm cổ phần 15% nữa.
Ngày 31/5/2009: GM sẵn sàng cho việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ lên tòa án ở New York trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa ngày 1/6.
Theo Mai Phương
Vneconmy/Reuters