>> Bài 2: Xin làm người tử tế
>> Bài 1: Đắng cay doanh nghiệp, đoạn trường ai hay
Hải quan kiểm tra hàng tại cảng. Ảnh: Đại Dương |
“Nghiến răng chịu cho xong việc” - một người từng đưa tiền và bị mắng thốt lên với phóng viên Tiền Phong.
Lót tay
Ngày 21/5/2009, trong vai người đi mở tờ khai hải quan, phóng viên Tiền Phong đến Cửa khẩu Khu vực I (thuộc Cục Hải quan TPHồ Chí Minh, đóng tại cảng Cát Lái, quận 2), nhập vào dòng người đứng ngồi chờ làm thủ tục.
Mặc dù được mấy người quen chuyên làm thủ tục hải quan hướng dẫn từ trước, nhưng chúng tôi vẫn lúng túng. Chúng tôi đến cửa làm thủ tục số một nằm ngay cửa chính, thuộc khu vực làm thủ tục nhập khẩu. Ở đó có ghi: Cửa ưu tiên đại lý Hải quan.
Vừa dừng lại, chưa kịp làm gì thì một người to cao mặc áo thun trắng từ phía sau trườn lên chìa cho anh nhân viên hải quan có tên (đeo trên ngực) V.D.T - kiểm tra viên trung cấp - một tập giấy rồi nói vu vơ: “Đợt này có mỗi một bộ (hồ sơ - PV)”.
V.D.T cầm tập hồ sơ mới đưa vào, lật tờ giấy đầu tiên lên và nhanh như cắt, cầm mấy tờ tiền màu xanh, mệnh giá 100.000 đồng, kẹp sẵn bên trong nhét vào túi áo ngực.
Vài phút sau, một bộ hồ sơ khác của một người nào đó mới đến được đưa vào, V.D.T lại luồn tay vào tập hồ sơ lấy tiền cho vào túi gọn lẹ.
Dù được nghe nói nhiều về chuyện ăn tiền lót tay của doanh nghiệp, chúng tôi không khỏi bị sốc trước cảnh nhận tiền trắng trợn này. Chúng tôi tiếp tục đứng quan sát các nhân viên hải quan ở hơn chục cửa còn lại. Gần buổi sáng quan sát, hầu như ở cửa nào cũng bắt gặp thao tác đưa tay rút tiền từ tập hồ sơ nhét vào túi của các nhân viên hải quan.
Hai người quen của chúng tôi chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, một là N.D, nhân viên Cty B.C ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Tr.T., làm dịch vụ giao nhận thuê, cùng xác nhận: Mỗi bộ hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa đều qua bốn cửa hải quan, đến cửa nào cũng phải lót tay.
Việc đầu tiên doanh nghiệp thường làm trước khi nộp hồ sơ cho nhân viên hải quan là kẹp tiền vào trong, ngay dưới tờ giấy thứ nhất của bộ hồ sơ. Mức độ lót tay phụ thuộc quan hệ, mặt hàng, tổng giá trị đơn hàng và mức độ phức tạp hay sự cố của từng lô hàng...
Chẳng hạn, với mặt hàng sắt thép nhập khẩu, mỗi cửa phải lót ít nhất 100 nghìn đồng. Riêng khâu kiểm hóa phải lót 300 nghìn đồng/container 40 feet. Các bước lặt vặt khác như thông quan mất 10.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, đấy là giá trong điều kiện quan hệ tốt với nhân viên hải quan và hồ sơ, cũng như thực tế hàng hoá nhập khẩu, không có bất cứ sự cố nào. Nếu hồ sơ bị sự cố, chẳng hạn, hàng nhập không đúng với khai báo, hoặc khai sai mã hàng, doanh nghiệp còn phải chi nhiều hơn gấp bội, có khi hàng chục triệu.
Ngậm bồ hòn
Ảnh (trích từ video Clip): Kiểm tra viên Ng. Kh. B. K thản nhiên rút tiền từ tập hồ sơ cho vào túi riêng |
Chúng tôi lên kế hoạch ghi lại những cảnh vơ tiền doanh nghiệp của nhân viên hải quan để làm bằng chứng và cả buổi chiều hôm đó đi tới, đi lui nghiên cứu địa hình, địa vật thực tế để đặt máy ghi hình.
Hôm sau, 22/5, chúng tôi có mặt tại chỗ cũ (nơi làm thủ tục hải quan nhập khẩu) thật sớm, khi còn vắng người, để tiếp tục nghiên cứu. Chọn vị trí xong, đợi khi khách đến làm thủ tục đông đúc, chúng tôi bắt đầu bật máy.
Đến trưa hôm đó, máy thu hình ghi được hàng loạt trường hợp nhân viên hải quan trực tiếp làm thủ tục, nhận tiền lót tay của doanh nghiệp.
Riêng tại cửa số 12, trong gần một giờ, từ 10 giờ 6 phút đến 10 giờ 53 phút, máy không hoạt động liên tục nhưng ghi được bà Ng.Kh - kiểm tra viên trung cấp, bốn lần nhận tiền kẹp trong hồ sơ của doanh nghiệp, trong đó ba lần tiền để trần (mệnh giá 100 nghìn và 50 nghìn đồng) kẹp thành xấp và một lần tiền đựng trong phong bì.
Ba lần bà Kh bỏ vào túi nylon màu đỏ để bên phải, ngay dưới bàn làm việc và một lần ném hồ sơ (có kẹp tiền mệnh giá 50 nghìn đồng) sang một bên sau đó trực tiếp cầm đi vào bên trong.
Bà Kh cũng là người nhận hoặc từ chối hồ sơ của khách một cách tùy hứng. Người phụ nữ có bộ mặt luôn cau có, khó chịu này vừa đưa tay vơ tiền nhét túi vừa sa sả mắng vào mặt khách làm thủ tục hải quan - những người vừa đưa tiền cho bà - bằng lời lẽ thô tục, chợ búa, như: Lì như thứ gì í, Người ta chửi cho mà cứ nhăn nhở cười, hoặc: Cái thằng kia, hàng phi mậu dịch bao nhiêu mà mày khai một container?...
Trong khi đó, tại cửa số 10, ngoài những hành vi lén lút nhận tiền doanh nghiệp của nhân viên hải quan, còn có cả những phi vụ làm ăn theo lối thỏa thuận ngầm.
Lúc 10 giờ 25 phút, một vị khách trẻ tuổi sà lại, nói với kiểm tra viên T.H.T qua ô cửa trống: “Anh ơi, độ này em nhập hàng về giá cao quá bán không được, nhờ anh xem giúp…”.
Sau một hồi trao đổi qua lại, T.H.T tra tìm trong máy lẫn đống tài liệu trên bàn. Gần 20 phút tìm kiếm, kiểm tra đối chiếu và thậm thụt trao đổi đứt quãng, T.H.T. gật đầu ra hiệu đồng ý và nói: “Để tao về nhà làm”.
Người khách mừng rỡ, “Ok!” một tiếng thật to và còn hỏi lại trước khi bước đi: “Nhưng mà trên phụ lục vẫn ghi 10x50 hả?”. T.H.T gật đầu xác nhận.
Sau khi được phóng viên Tiền Phong cho xem đoạn băng hình này, một cán bộ trong ngành hải quan giải thích: “10x50” có nghĩa là mức giảm 50 phần trăm thuế giá trị gia tăng (VAT) của một mặt hàng nào đó (trong số các mặt hàng được giảm 50 phần trăm thuế VAT theo quy định của Chính phủ kể từ ngày 1/3 đến 31/12/2009).
Vị cán bộ hải quan này cũng cho rằng, có dấu hiệu cho thấy, đây là cuộc thỏa thuận ngầm giữa nhân viên hải quan và doanh nghiệp trong việc áp mã hàng hóa sai lệch, nhằm làm hạ mức thuế suất của mặt hàng nhập khẩu.
Để làm được việc này, thông thường doanh nghiệp phải chi cho người trực tiếp giải quyết (nhân viên hải quan) một khoản tiền không nhỏ và họ thường hẹn nhau ở một nơi khác để chung chi.
Những ngày tiếp theo, phóng viên Tiền Phong tiếp tục bí mật ghi hình và nhận thấy hành vi rút tiền kẹp trong hồ sơ cho vào túi riêng của các viên hải quan tại đây vẫn đều đều diễn ra.
Video clip: Nhân viên Hải quan nhận tiền lót tay của doanh nghiệp
* Mỗi bộ hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa đều qua bốn cửa hải quan, đến cửa nào cũng phải lót tay. Việc đầu tiên doanh nghiệp thường làm trước khi nộp hồ sơ cho nhân viên hải quan là kẹp tiền vào trong, ngay dưới tờ giấy thứ nhất của bộ hồ sơ. * Tổng Giám đốc Cty TNHH Dây & Cáp điện Tân Cường Thành, ông Trương Vỹ Kiến, than phiền, khi cảng bị kẹt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận hàng. Thời gian nhận hàng cũng bị kéo dài, thay vì 1 - 2 ngày, vào thời cao điểm tăng lên đến 5 - 7, có khi 10 ngày. Bên cạnh phí lưu kho bãi, các khoản chi khác liên quan đến bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa cũng tăng cao. Ngoài ra, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, để nhanh chóng lấy được hàng, các doanh nghiệp còn phải chi khá nhiều các khoản phí không tên khác. Chẳng hạn, muốn được biết lô hàng nhập về nằm ở đâu trong núi hàng hóa tại cảng, doanh nghiệp cũng phải lót tay cho “người biết việc”. Mức độ lót tay cũng tăng theo sự khó khăn và mong muốn nhận hàng sớm của doanh nghiepej. Trước đây, mỗi lần chi là 20.000 - 30.000 đồng. Nay, phải nâng lên 50.000 đồng... |
Còn tiếp