Mùa thi sĩ tử ăn gì?

Mùa thi sĩ tử ăn gì?
TP - Điều quan trọng hàng đầu là các sĩ tử mùa thi phải được cung cấp đầy đủ protein (chất đạm) với chất lượng cao qua thức ăn như thịt, cá, trứng, đậu đỗ.

Mùa thi nhằm đúng vào mùa hè, khí hậu nóng ẩm lại mưa nắng thất thường, khoảng cách giữa nhiệt ẩm trong ngày quá lớn (10 – 15oC; 20 – 30% độ ẩm), cơ thể dễ mệt mỏi, mất nhiều nước khả năng thích ứng kém.

Kèm theo phải học, ôn luyện với cường độ cao, liên tục trong nhiều ngày nên hao tổn nhiều sinh lực, thuộc phạm trù chứng hư lao của y học cổ truyền. Do phải đọc sách nhiều, ngồi lâu nên mắt mỏi, cơ nhục tế bì, buồn ngủ.

Bởi vậy điều quan trọng với sĩ tử mùa thi trong việc ăn uống là bồi bổ thế nào để chống lại sự mệt mỏi của cơ thể và tăng cường sự nhớ để ôn lại các kiến thức đã học chuẩn bị cho cuộc thi.

Các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy quá trình ôn tập kiến thức là quá trình chuyển trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn là quá trình củng cố (consolidation), đòi hỏi có sự tổng hợp protein trong tế bào não. Do vậy điều quan trọng hàng đầu là các sĩ tử mùa thi phải được cung cấp đầy đủ protein (chất đạm) với chất lượng cao qua thức ăn như thịt, cá, trứng, đậu đỗ.

Ngoài ra để thần kinh được tỉnh táo, luôn hưng phấn không buồn ngủ, phải ăn các thức ăn như hạt sen, long nhãn, táo tàu, kỷ tử, v.v..., và cuối cùng là không để thiếu nước, muối khoáng, vi lượng bằng cách uống nước trái cây như chanh, cam, dưa hấu, vải, mơ, v.v...

Dưới đây là những món ăn, đồ uống sĩ tử có thể tham khảo và áp dụng tuỳ điều kiện, hoàn cảnh (lưu ý, đây chỉ là công thức chế biến, tính theo tỷ lệ, chứ hoàn toàn không có nghĩa là ăn toàn bộ chỗ chế biến của một công thức nào đó, như với món dạ dày lợn chẳng hạn):

* Nhân sâm 10g, bạch linh 10g, hoài sơn 10g, đậu đỏ 30g, bột gạo nếp 50g, đường trắng và mỡ lợn vừa đủ. Các vị thuốc sao thơm, tán bột, trộn đều với bột gạo nếp và đường trắng, chế đủ nước, nhào kỹ rồi rán chín, dùng làm đồ điểm tâm hằng ngày.

* Dạ dày lợn một cái, hạt sen tươi 40 hạt. Dạ dày làm sạch, hạt sen bỏ tâm rồi cho vào trong dạ dày lợn, dùng chỉ buộc kín miệng, hầm nhừ, khi chín vớt dạ dày ra, thái miếng, trộn đều với hạt sen rồi chế thêm gừng tươi, hạt tiêu và gia vị vừa đủ.

* Đẳng sâm 100g, thịt bò 500g. Thịt bò rửa sạch thái miếng, ướp gừng tươi, hạt tiêu và một chút rượu vang; đẳng sâm cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi đem hầm với thịt bò cho thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn hàng ngày.

* Tim lợn một quả, tiểu mạch 100g. Tim lợn rửa sạch, cho vào cùng với hạt tiểu mạch nấu chín, sau đó bỏ hạt tiểu mạch đi đem quả tim thái nhỏ chấm muối ăn, chia làm vài lần ăn và uống hết nước canh, Mỗi đợt kéo dài khoảng 5 ngày.

* Cùi long nhãn 9g, nhân táo chua 9g, khiếm thực 15g. Sắc nước uống trước khi ngủ.

* Nho khô 50g, hạt câu kỷ 30g. Rửa sạch cho vào bát, nấu cách thủy, mỗi ngày ăn một lần.

* Long nhãn 20g, đẳng sâm 30g, thịt chim bồ câu trắng 150g. Long nhãn, đẳng sâm rửa sạch, thịt chim làm sạch chặt miếng, tất cả cho vào nồi đất nấu chín, ăn canh, thịt chim, long nhãn.

* Thịt lợn nạc 250g, hạt sen 30g, bách hợp 30g. Thịt lợn thái miếng, cho cùng hạt sen, bách hợp vào nồi đất cho nước vào nấu chín ăn.

* Táo đỏ 50g, đậu xanh 50g. Cho 2 thứ vào nấu, cho đường đỏ vào ăn. Mỗi ngày ăn một lần, ăn liền 15 ngày là một đợt.

* Cùi long nhãn 9g, lạc nhân (còn cả vỏ đỏ ngoài) 15g. Cho vào nước nấu lên ăn.

* Táo đỏ nhỏ 20 quả, đầu hành còn rễ 7 củ. Táo ngâm cho nở, nấu 20 phút, thêm đầu hành vào, nấu thêm 10 phút với lửa nhỏ. A n cả xác lẫn nước, ngày một thang.

* Táo đỏ 10 quả, kỷ tử 15g, trứng gà hai quả. Ba thứ thêm nước nấu chín, vớt trứng ra đập bỏ vỏ, nấu thêm khoảng 30 phút. Ngày ăn một thang.

* Ý dĩ 50g, táo đỏ 10 quả, gạo nếp 100g, đường trắng vừa đủ. Nấu cháo chung với nhau, ngày ăn một thang.

* Hạt sen 15g, táo đỏ 20g, nhãn nhục 15g, gạo nếp 60g, đường trắng vừa đủ. Hạt sen bỏ vỏ, tim, nấu cháo cùng với táo, nhãn nhục và nếp, khi chín thêm đường, ăn ngày một thang.

MỚI - NÓNG